RSS Feed for Kịch bản giảm CO2 ngành xi măng đã sẵn sàng | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 05/10/2024 22:27
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Kịch bản giảm CO2 ngành xi măng đã sẵn sàng

 - Phát thải khí CO2 đến năm 2030 dự báo sẽ lên đến con số khoảng 94 triệu tấn, tức là tăng gấp 2 lần so với năm 2013, còn so với năm 1995 thì tăng gấp 20 lần.

Dự án LCD: Tập trung phát triển năng lượng bền vững

Thông tin trên được ông Lê Trung Thành, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường - Bộ Xây dựng, cho biết tại Hội thảo Tổng kết Dự án và giới thiệu kế hoạch hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia (NAMA) trong lĩnh vực sản xuất xi măng tại Việt Nam, ngày 17/6.

Ông Lê Trung Thành khẳng định quá trình sản xuất các sản phẩm xi măng tiêu tốn nhiều năng lượng, phát thải nhiều khí CO2. Ảnh: Hải Vân

Lượng phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực sản xuất xi măng đã tăng từ 4,6 triệu tấn CO2 năm 1995 đã tăng lên 46,2 triệu tấn CO2. Như vậy, chỉ chưa đến 2 năm, thì lượng khí phát thải CO2 đã tăng trên 10 lần.

Tại Việt Nam, tốc độ tăng trưởng kinh tế, đô thị hóa nhanh. Tiêu thụ xi măng năm 2015 lên tới 72 triệu tấn, tăng 4% so với năm 2014.

Thực hiện các chiến lược, kế hoạch quốc gia cũng như cam kết của Chính phủ với cộng đồng quốc tế về biến đổi khí hậu, ngành Xây dựng mà ở đây là xi măng, đã có những kế hoạch cụ thể để cắt giảm khí thải CO2.

Đặc biệt, với sự hỗ trợ của Quỹ phát triển Bắc Âu, Dự án xây dựng năng lực và hỗ trợ kế hoạch hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực sản xuất xi măng tại Việt Nam (NIRAS) được thực hiện từ tháng 3/2014 đến nay đã thành công.

Dự án NIRAS đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc tham gia thực hiện các cam kết cắt giảm khí thải nhà kính, chống biến đổi khí hậu mà Chính phủ đã cam kết với cộng đồng quốc tế.

Ông Morten Pedesen, Tư vấn trưởng Dự án xây dựng năng lực và hỗ trợ kế hoạch hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực sản xuất xi măng tại Việt Nam (NIRAS) khẳng định: “Kịch bản thực hiện NAMA ngành xi măng Việt Nam đã sẵn sàng”.

Ngành xi măng, có 47 nhà máy, chiếm 85% trong tổng số nhà máy xi măng sử dụng lò quay.

Từ thực tế ngành xi măng hiện nay, Dự án NIRAS đã xây dựng 18 kịch bản khác nhau, để từ đó lựa chọn ba kịch bản có phân tích giải pháp giảm nhẹ.

Thứ nhất, kịch bản thông thường (BAU). Theo quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng, Quyết định 1488, ước tính 1.200 kg xi măng/người. Trong đó, tiềm năng giảm nhẹ là 2,65 triệu tấn CO2 năm, với tổng mức đầu tư cần thiết là 1,16 tỷ USD.

Thứ hai, kịch bản công nghệ và thực tiễn tốt nhất hiện có (BATP). Theo quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng, Quyết định 1488, ước tính 1.200 kg xi măng/người. Theo đó, tiềm năng giảm nhẹ là 10,95 triệu tấn CO2/năm, với mức đầu tư cần thiết ban đầu là 1,81 tỷ USD.

Thứ ba, kịch bản BATP. Sản lượng được giảm xuống 800kg xi măng/người. Tiềm năng giảm nhẹ là 9,21 triệu tấn CO2/năm, không bao gồm phát thải tránh được. Mức đầu tư cần thiết ban đầu: 1,81 tỷ USD.

Nhóm chuyên gia nghiêng về kịch bản thứ ba - BATP. Vì cho rằng NAMA của ngành xi măng Việt Nam là một trong những NAMA triển vọng nhất thế giới xét về lượng giảm phát thải thu được, lượng đầu tư cần thiết và lợi ích tiềm năng về chi phí.

Các kết quả đánh giá sơ bộ có thể phản ánh gần như đầy đủ tác động của NAMA xi măng, dù giá trị thực tế có thể có thể khác đôi chút, theo ông Morten Pedesen.

Cùng với việc đề xuất kịch bản BATP, thay mặt nhóm chuyên gia thực hiện Dự án , ông Morten Pedesen cũng kiến nghị:

Một là, giảm công suất xi măng xuống còn 800 kg xi măng/người/năm và hạn chế các dự án đầu tư xây dựng các nhà máy mới.

Hai là, giảm lượng clanhke trong xi măng ở mức hiện tại là 83% xuống còn 69%, để từ đó sản xuất ra các sản phẩm xi măng có chứa thành phần chính là xỉ, tro bay, pozzolana và đá vôi.

Ba là, thay thế than đá bằng các loại nguyên liệu thay thế, nguyên liệu thu được từ chất thải và sinh khối.

Bốn là, cải thiện hiệu quả sử dụng nhiệt năng khoảng 9% bằng các biện pháp quản lý vận hành hiệu quả, không cần nhiều chi phí đầu tư ban đầu.

Cạnh đó, khung pháp lý NAMA hiện hành cũng được nhóm chuyên gia Dự án đề cập, do chế tài chưa đủ mạnh, thiếu cơ chế hỗ trợ thực hiện các hành động giảm nhẹ trong ngành xi măng, ông Morten Pedesen cho biết.

Trong phần kiến nghị về thể chế và pháp lý, nhóm chuyên gia Dự án kiến nghị việc cần thiết đưa NAMA vào quy trình quy hoạch phát triển quốc gia; Xây dựng các chỉ tiêu phát thải carbon và tiêu thụ năng lượng, đưa vào các quy định, văn bản pháp luật của Bộ Xây dựng.

Bên cạnh việc tăng cường chế tài thực hiện thưởng/phạt đối với các đơn vị tuân thủ/không tuân thủ quy định về thực hiện hành động giảm nhẹ, Dự án cũng đề nghị xây dựng cơ chế ưu đãi, chính sách hỗ trợ cho các nhà máy xi măng đầu tư vào các lựa chọn giảm nhẹ, cũng như ban hành các quy chuẩn/quy định mới về xi măng PCB, xi măng xỉ lò cao và xi măng tro bay.

HẢI VÂN

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động