Khai thác băng cháy có thể tác động xấu đến môi trường?
15:05 | 15/06/2017
Khai thác thành công nguồn năng lượng từ băng cháy
Phát hiện băng cháy ở Biển Đông
Băng cháy ở Biển Đông và khát vọng Trung Quốc
Băng cháy - nguồn năng lượng của tương lai
Băng cháy - là một dạng methane bị giam hãm trong cấu trúc tinh thể nước. Dù có hàng tỷ tấn methane dạng này nằm sâu dưới đáy biển, nhưng khoa học vẫn chưa tìm ra cách an toàn và đơn giản để khai thác và chuyển đổi vật chất này thành dạng năng lượng có thể sử dụng.
Tuy nhiên, trong một phát biểu gần đây, các nhà khoa học Trung Quốc cho biết họ đã chuyển đổi trực tiếp methane hydrate thành khí gas tự nhiên có thể sử dụng được trên một sàn nổi, tờ the South China Morning Postcho biết.
Nhưng cho dù nguồn năng lượng này có thể được khai thác an toàn thì nó vẫn có tác động xấu đến khí hậu bởi sinh ra một lượng lớn khí nhà kính, các chuyên gia cho hay.
Minh họa kỹ thuật thử nghiệm sản xuất khí tự nhiên từ methane hydrates ở Alaska
Nguồn năng lượng chưa được khai thác
Methane hydrate là một trong những nguồn năng lượng chưa được khai thác lớn nhất trên hành tinh, theo đánh giá về năng lượng toàn cầu năm 2012. Hơn nữa, theo khảo sát của Cục địa chất Hoa Kỳ, trữ lượng methane hydrate nằm trên bờ biển của mọi châu lục trên hành tinh.
Với Hoa Kỳ, quốc gia này vốn có nhiều nguồn năng lượng khác dễ tiếp cận hơn (bao gồm khí gas tự nhiên). Tuy nhiên, nhiều quốc gia như Nhật Bản, Ấn Độ lại không có sẵn những nguồn tài nguyên này.
"Nếu họ cũng có sẵn các nguồn khí tự nhiên đó thực sự là một lợi thế", Carolyn Ruppel nhà khoa học tại Cục địa chất Hoa Kỳ, người nghiên cứu về tác động của sự rò rỉ methane hydrate trong đại dương cho biết. "Không phải quốc gia nào cũng có nguồn lợi tự nhiên như ở Bắc Mỹ".
Tuy nhiên, việc tiếp cận băng cháy khá khó khăn, bởi các nguồn dự trữ băng cháy thường phân bố trên diện rộng chứ không tập trung ở một địa điểm như dầu và khí tự nhiên. Điều này có nghĩa là khai thác chúng cũng giống như việc "đi hái dâu tây trên một cánh đồng", Yifeng Chen, chuyên gia nghiên cứu thuộc Phòng thí nghiệm Địa chất Biển Marginal của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc ở Quảng Châu trả lời tờ South China Morning Post.
Tuy nhiên, vấn đề lớn hơn là methane hydrate không ổn định và có khả năng gây nổ. Việc khoan sâu vào đáy biển có thể làm các tinh thể băng methane mất ổn định và gây ra các vụ nổ, sinh ra lượng lớn khí methane vào khí quyển, một số chuyên gia trả lời tờ Live Science.
Năm 2013, Nhật Bản đã công bố thử nghiệm sản xuất khai thác methane hydrate mà không bị rò rỉ. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn không có ai tìm ra cách ứng dụng kỹ thuật này trên quy mô lớn.
Methane có hệ số mạnh gấp 30 lần so với carbon dioxide
Dù cho mô hình sản xuất của Trung Quốc có thể được mở rộng hay không thì "việc sử dụng khí thiên nhiên có nguồn gốc hydrat hóa (hoặc bất kỳ nhiên liệu hóa thạch nào khác) sẽ làm phát thải khí nhà kính - chưa kể đến sự phụ thuộc lâu dài vào nhiên liệu hóa thạch", Pushker Kharecha, nhà khoa học tại Đại học Columbia cho biết.
"Để làm dịu cuộc khủng hoảng khí hậu, thay vì khai thác thêm nhiên liệu hóa thạch, chúng ta phải thay thế bằng các nguồn năng lượng sạch như năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân càng nhanh càng tốt, càng nhiều càng tốt", Kharecha trả lời Live Science trong một email.
Các chuyên gia khác cũng đồng ý.
Methane là một loại khí nhà kính mạnh - có hệ số mạnh gấp 30 lần so với carbon dioxide. Tuy nhiên, tuổi thọ trung bình của khí methane chỉ khoảng 10 năm, Kevin Trenberth, nhà khoa học thuộc Trung tâm Quốc gia về Nghiên cứu khí quyển tại Colorado viết trong email gửi Live Science: "Chúng sẽ bị oxy hoá (cháy) và cuối cùng cũng sinh ra carbon dioxide".
Một số người cho rằng thay thế các nguồn năng lượng bẩn, nhiều carbon như than bằng các nguồn ít carbon hơn như khí tự nhiên có thể làm giảm tổng khí phát thải. Nhưng theo Michael Mann, nhà nghiên cứu về khí hậu tại Đại học bang Pennsylvania, việc giảm phát thải carbon đủ để tránh sự ấm lên của khí hậu toàn cầu đòi hỏi phải có sự thay đổi cơ bản hơn.
Về cơ bản, khí methane vẫn là nhiên liệu hóa thạch, và khi đốt để tạo ra năng lượng, vẫn sẽ sinh ra CO2. Mann viết trong email gửi Live Scicence: "Một nhiên liệu hóa thạch về cơ bản không thể là giải pháp cho một vấn đề phát sinh từ chính nhiên liệu hóa thạch".
Tuy nhiên, trường hợp xấu nhất - khí methane rò rỉ đi thẳng vào bầu khí quyển không dễ xảy ra như chúng ta lo ngại, Ruppel cho biết.
"Ngay cả sau sự cố tràn dầu Deepwater Horizon gây phát thải rất nhiều khí methane vào đại dương, các nghiên cứu cho thấy có rất nhiều khí methane được các vi khuẩn tiêu thụ, và biến thành CO2", Ruppel nói thêm.
Tuy nhiên, ngay cả khi có cách an toàn để chiết xuất methane từ đại dương, thì khí này vẫn là một loại khí gas tự nhiên, do đó nó vẫn sẽ làm nóng khí hậu, một số chuyên gia cho biết.
Nếu khí methane thay thế các nhiên liệu nhiều carbon khác, ví dụ như than, thì cũng có thể đây chỉ là một nhiên liệu chuyển tiếp trước khi ngành sản xuất các nhiên liệu ít carbon phát triển, Ruppel nói.
NGUỒN: VNRIVIEW/LIVE SCIENCE