RSS Feed for Băng cháy - nguồn năng lượng của tương lai | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Chủ nhật 22/12/2024 13:19
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Băng cháy - nguồn năng lượng của tương lai

 - Khi nguồn năng lượng truyền thống như than đá, than bùn, dầu khí… ngày càng cạn kiệt, thì băng cháy với trữ lượng lớn gấp hơn hai lần trữ lượng năng lượng hóa thạch, đang được xem là nguồn năng lượng có hiệu suất cao, sạch và là năng lượng thay thế tiềm tàng trong tương lai. Chính vì thế, băng cháy đã thu hút sự chú ý của nhiều quốc gia biển, quốc đảo trên thế giới.

>> Nhật khai thác thử nghiệm thành công năng lượng từ 'băng cháy'

Khai thác methane hydrate dưới đáy đại dương. Ảnh minh họa. (Nguồn: soundwaves.usgs.gov)

Hiện nay đã có hơn 90 nước trên thế giới tiến hành các chương trình nghiên cứu điều tra băng cháy ở các mức độ khác nhau. Cũng theo tính toán của các nhà khoa học, toàn bộ khu vực Biển Đông đứng thứ 5 châu Á về băng cháy và Việt Nam được đánh giá là quốc gia có trữ lượng băng cháy khá lớn.

Bởi vậy, trong những năm gần đây, các nhà khoa học trong nước đã bắt đầu quan tâm đến vấn đề điều tra, nghiên cứu về băng cháy tại thềm lục địa Việt Nam.

Nguồn năng lượng của tương lai

Băng cháy là một loại khí hydrate (gas hydrate, methane hydrate) tồn tại dưới dạng hỗn hợp rắn, trông bề ngoài giống băng hoặc cồn khô, có thể trong suốt hay mờ đục, dạng tinh thể màu trắng, xám hoặc vàng.

Băng cháy bao gồm khí hydrocarbon (chủ yếu là methan) và nước, được hình thành trong điều kiện áp suất cao và nhiệt độ thấp. Chỉ cần nâng nhiệt độ hoặc giảm áp lực là băng cháy sẽ phân giải: 1m3 chất này khi phân giải cho ra 164m3 khí metan và 0,8m3 nước (gấp 2-5 lần năng lượng của khí thiên nhiên).

Băng cháy có khả năng bay hơi trong điều kiện bình thường như băng phiến nên nếu không có các công trình nghiên cứu chi tiết và công nghệ khai thác hoàn hảo thì băng cháy có thể là một yếu tố góp phần gây biến đổi khí hậu toàn cầu do khả năng “tự bốc hơi” trong điều kiện nhiệt độ và áp suất bình thường.

Băng cháy là nguồn năng lượng mới được rất nhiều quốc gia quan tâm vì trữ lượng khổng lồ và khả năng tác động tới biến đổi khí hậu toàn cầu của nó. 

Khoáng sản năng lượng mới này dự báo lớn gấp 3 lần tổng tài nguyên năng lượng hóa thạch được biết đến trên toàn thế giới. Tuy nhiên nó cũng được xem là nguy cơ tiềm ẩn gây ra các thảm họa môi trường. 

Các tổ chức quốc tế đã cảnh báo điều nói trên sẽ xảy ra trong tương lai, nếu các quốc gia hành động thiếu trách nhiệm khi sử dụng công nghệ lạc hậu trong tìm kiếm, thăm dò, khai thác, bảo quản và sử dụng băng cháy.

Triển vọng băng cháy ở Việt Nam

Là quốc gia được đánh giá có trữ lượng băng cháy khá lớn. Từ năm 2007, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội nghị khoa học về băng cháy. Chính phủ cũng đã ban hành nhiều quyết định, chương trình nghiên cứu, đánh giá tài nguyên băng cháy như Quyết định 796 ban hành ngày 3/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình nghiên cứu, điều tra cơ bản về tiềm năng khí hydrate ở các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam. ”

Theo đó, sau giai đoạn nghiên cứu (2007-2015) kết thúc giai đoạn tiếp cận, nghiên cứu công nghệ, đến giai đoạn 2015-2020 bắt đầu đánh giá, thăm dò băng cháy trên những vùng biển và thềm lục địa có triển vọng.

Trong một đề tài nghiên cứu mới đây về băng cháy, các nhà khoa học của Trung tâm Địa chất và Khoáng sản biển (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Tổng hội Địa chất Việt Nam đánh giá vùng Biển Đông thuộc chủ quyền của Việt Nam hội tụ đủ điều kiện hình thành băng cháy như độ sâu đáy biển, đặc điểm địa mạo, nhiệt độ đáy biển, trầm tích, nguồn khí, các dấu hiệu địa hóa, địa vật lý…

Đặc biệt là cấu trúc địa chất, bối cảnh địa chất và một trong các điều kiện tiên quyết là sự xuất hiện của các bể chứa dầu khí Sông Hồng, Phú Khánh, Tư Chính-Vũng Mây, Nam Côn Sơn, các nhóm bể Hoàng Sa, Trường Sa.

Các nhà khoa học của hai đơn vị trên đã đánh giá triển vọng băng cháy tại thềm lục địa Nam Việt Nam dựa trên cơ sở đối sánh với thềm lục địa đảo Sakhalin (Liên bang Nga), khu vực đã được kiểm chứng là có sự tích tụ của băng cháy.

Qua phân tích, so sánh đặc điểm cấu trúc kiến tạo, cơ chế hình thành và biểu hiện khí hydrate của thềm lục địa đảo Sakhalin với thềm lục địa Nam Việt Nam, có thể đánh giá vùng thềm lục địa Nam Việt Nam có triển vọng khí Hydrate. 

Từ đó, các nhà khoa học đã đưa ra 4 vùng dự báo để đánh giá tiềm năng băng cháy, đó là quần đảo Hoàng Sa và kế cận, Phú Khánh, Tư Chính-Vũng Mây và quần đảo Trường Sa và kế cận.

Phó Giáo sư Tiến sỹ Phùng Văn Phách, Viện trưởng Viện Địa chất và Địa vật lý biển, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho rằng, trong nghiên cứu băng cháy, cần hiểu và đặt đúng vấn đề này với vai trò lịch sử và khả năng khai thác, sử dụng trong bối cảnh trình độ của nền kinh tế Việt Nam. 

Việc sa đà hoặc đầu tư nghiên cứu một cách ồ ạt, trong khi trình độ khoa học kỹ thuật, nhân lực có trình độ của Việt Nam chưa đáp ứng được có thể sẽ cho hiệu quả không cao.

Hơn nữa, Việt Nam cần có một chiến lược về khoáng sản năng lượng biển một cách hợp lý, để phù hợp với Chiến lược phát triển bền vững biển và hải đảo đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Nguồn: TTXVN

CÁC BÀI VIẾT BẠN ĐỌC QUAN TÂM

Ông Vũ Đức Đam và đường đến "Sao Mai chính trường"
Quốc tế bình luận về chuyến thăm Việt Nam của ông Putin
Trật tự quân sự châu Á-TBD và chính sách thực dụng của Mỹ
Những tướng bại trận dưới tay Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Sự khác biệt giữa Cam Ranh và Subic tạo vị thế Việt Nam

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động