RSS Feed for Hoàn thành giai đoạn định hình viện trợ năng lượng của EU | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ hai 16/09/2024 17:33
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Hoàn thành giai đoạn định hình viện trợ năng lượng của EU

 - Giai đoạn 2014-2020, lần đầu tiên Liên minh châu Âu viện trợ cho lĩnh vực năng lượng, tới 346 triệu Euro.

Lần đầu tiên EU rót vốn ODA vào năng lượng 
Năng lượng bền vững: EU muốn đối thoại chuyên ngành

Liên minh châu Âu (EU) quyết định viện trợ cho Việt Nam thông qua Chương trình Định hướng Hỗ trợ đa biên khoản vay không hoàn lại 400 triệu Euro, trong đó dành 346 triệu Euro cho lĩnh vực năng lượng.

EU muốn hỗ trợ người người nghèo tiếp cận dịch vụ năng lượng. Ảnh: Hải Vân

Chương trình Định hướng Hỗ trợ đa biên của EU ở Việt Nam được khởi động giữa tháng 4-2015 chủ yếu dành cho phát triển năng lượng bền vững ở Việt Nam.

Giai đoạn định hình Chương trình Định hướng Hỗ trợ đa biên đã hoàn thành trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 10-2015, trong đó có nội dung liên quan đến bản đồ cũng như chính sách, hoạt động, đối tượng...

Từ nay đến tháng 6-2016, Chương trình sẽ đi vào giai đoạn xây dựng thiết kế những kết quả chính cần đạt được trong Chương trình cũng như xác định cách thức triển khai phù hợp.

Sau khi hai bên đã thống nhất về các tiêu chí cải cách lại trong hệ thống năng lượng, phía EU sẽ chuyển nguồn tiền tài trợ trực tiếp vào ngân sách nhà nước của Việt Nam để Chính phủ chủ động điều phối cho phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội.

Theo Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, EU muốn thúc đẩy thực hiện chương trình hỗ trợ năng lượng một cách hiệu quả, thuận lợi và bền vững cho người dân Việt Nam.

Trong giai đoạn 2014-2020, cách tiếp cận của EU có ít nhiều thay đổi so với các giai đoạn trước: EU quyết định tài trợ thông qua ngân sách, thay vì tài trợ cho các dự án như truyền thống.

Hơn 10 năm qua, các hỗ trợ của EU dành cho Việt Nam với mục đích bao trùm là xóa đói giảm nghèo và hỗ trợ cho người nghèo.

Giai đoạn 2002-2007, EU chủ yếu tập trung hỗ trợ vào các dự án nông thôn.

Giai đoạn 2007 – 2003, EU tập trung vào hai lĩnh vực y tế và giáo dục.

Giai đoạn 2014-2020, EU tập trung nhiều hơn vào lĩnh vực năng lượng.

Ông Hoàng Thành, chuyên gia về môi trường và năng lượng của EU tại Việt Nam cho biết, trong giai đoạn 2014-2020, tài trợ của EU sẽ tập trung vào 3 mục tiêu chính.

Một là, quảng bá giúp sản xuất và tiêu thụ năng lượng một cách bền vững.

Hai là, nâng cao năng lực cho các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức có liên quan đến lĩnh vực năng lượng của Việt Nam.

Ba là, hỗ trợ người người nghèo tiếp cận dịch vụ năng lượng, trong đó, bước đầu tiên là đàm phán với Chính phủ Việt Nam về các dự án tiếp cận điện ở nông thôn.

Với Chương trình hỗ trợ lần này, ông Hoàng Thanh cho biết, “có 3 kết quả EU mong  muốn đạt được”.

Thứ nhất, về lĩnh vực điện nông thôn, sẽ tập trung chủ yếu vào các vùng nghèo nhất, khó khăn nhất về tiếp cận năng lượng, đồng thời đưa ra những giải pháp hỗ trợ không nối lưới ở các khu vực này.

Thứ hai, về nâng cao năng lực thể chế từ phía các cơ quan giúp Chính phủ Việt Nam, Bộ Công Thương có những cải thiện về hệ thống thông tin liên quan đến nội dung tài trợ.

Phía EU cũng sẽ làm việc với Tổng cục Thống kê Việt Nam để xây dựng hệ thống dữ liệu về năng lượng một cách minh bạch và tăng cường năng lực cho các cơ quan liên quan.

Thứ ba, EU mong muốn cải thiện được tỷ lệ chia sẻ các nguồn năng lượng, năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng trong toàn bộ hệ thống năng lượng của Việt Nam.

Mục tiêu chính của EU là đóng góp vào việc xác định phát triển cho Việt Nam về năng lượng bền vững. Vì vậy, EU hướng tới một đối thoại ngành trực tiếp và định hướng kết quả với Chính phủ Việt Nam.

EU sẽ có những đối thoại trực tiếp với Chính phủ Việt Nam để xây dựng hệ thống chính sách một cách rõ hơn, cũng như tăng tăng tính giải trình của Chính phủ Việt Nam.

Thông qua các cuộc đối thoại chính sách với Chính phủ Việt Nam về nội dung tiếp cận năng lượng ở nông thôn, năng lượng sạch, thị trường điện…, EU hi vọng nâng cao lòng tin của người dân đối với những cải cách chính sách của Việt Nam.

Mục tiêu, kế hoạch thực hiện Chương trình Định hướng Hỗ trợ đa biên của EU đến nay đã tương đối rõ ràng, nhưng ông Thanh cho rằng “việc thực hiện là vấn đề lớn”, đặc biệt là việc kiểm soát hệ thống năng lượng của Chính phủ.

Tới đây, theo ông Thanh, phía EU sẽ làm việc rất chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là Bộ Công Thương và các cơ quan khác để triển khai hiệu quả gói tài trợ giai đoạn này.

Chương trình Định hướng Hỗ trợ đa biên của EU với Việt Nam được định hướng theo 4 nguyên tắc chung trong chính sách phát triển tại EU.

Thứ nhất, thiết lập một mối quan hệ đối tác thực sự giữa EU và Việt Nam.

Thứ hai, quyền sở hữu được coi là một điều kiện cần thiết cho tất cả các hoạt động. 

Thứ ba, Liên minh châu Âu cam kết sẽ chỉ thúc đẩy và hỗ trợ những chính sách phù hợp và nhất quán với chính sách nội bộ của mình. 

Thứ tư, EU tuân thủ các nguyên tắc của Chương trình hiệu quả viện trợ, do đó sẽ tìm hiểu kỹ về khả năng sử dụng các thủ tục nhà nước để triển khai chương trình.

Đoàn nghị sĩ châu Âu đang có chuyến công tác tới Việt Nam, từ 3-6/11, năng lượng bền vững là một trong những nội dung chính của Đoàn.

Thời gian tại Việt Nam, Đoàn nghị sĩ châu Âu sẽ có cuộc tiếp xúc với các cơ quan liên quan để thảo luận về việc thực hiện các nội dung chính trong quan hệ thương mại giữa EU và Việt Nam, cũng như những hợp tác giữa trong lĩnh vực năng lượng.

HẢI VÂN

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động