RSS Feed for Hậu điện hạt nhân, những vấn đề cần giải quyết | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 22/11/2024 03:02
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Hậu điện hạt nhân, những vấn đề cần giải quyết

 - Trong bối cảnh Quốc hội vừa thông qua nghị quyết "Dừng thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận", ngoài việc phải giải quyết các công việc kỹ thuật, ngoại giao với các đối tác Nga, Nhật Bản và một số công việc liên quan khác thì việc tìm ra các giải pháp cung cấp đầy đủ nguồn năng lượng cho phát triển đất nước là vấn đề cấp bách đang đặt ra.

Nga tôn trọng quyết định dừng dự án điện hạt nhân của Việt Nam

LÃ HỒNG KỲ, HỘI ĐỒNG PHẢN BIỆN TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Thực trạng dự án điện hạt nhân

Nghiên cứu phát triển điện hạt nhân (ĐHN) ở Việt Nam được bắt đầu một cách có tổ chức và hệ thống ngay sau khi thành lập Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (tháng 4 năm 1976). Tuy nhiên, sau đó do kinh tế của đất nước còn khó khăn nên quá trình chuẩn bị phát triển ĐHN bị kéo dài. Sau đổi mới, nền kinh tế phát triển, nhu cầu năng lượng tăng cao, Chính phủ đã có chủ trương cho phép tiến hành các nghiên cứu đưa ĐHN vào Việt Nam nhằm giải quyết nhu cầu về năng lượng cho đất nước - bởi năng lượng là vấn đề sống còn của quốc gia và phải được quan tâm đi trước vài thập kỷ.

Từ đầu những năm 1990, Giáo sư Nguyễn Đinh Tứ cùng các chuyên gia hạt nhân đầu tiên ở Viện Năng lượng Nguyên tử Quốc gia cho xúc tiến chuẩn bị chương trình ĐHN rất công phu và thận trọng. Trong tình hình phức tạp sau vụ tai nạn Chernobyl, Việt Nam đã kiên trì hợp tác với IAEA tiến hành nghiên cứu một cách có hệ thống về dự báo  nhu cầu năng lượng.

Vào năm 1996 Đề tài cấp nhà nước KC-09-17 do Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân chủ trì đã đưa ra nhận định quan trọng: Đến năm 2015 nhu cầu sử dụng điện của Việt Nam sẽ vượt khả năng cung ứng của các nguồn phát nội địa. Khi đó, ngoài việc nhập khẩu than và điện, nước ta cần bắt đầu xây dựng các nhà máy ĐHN để bù lấp khoảng trống.

Một số nghiên cứu cụ thể hơn, như Đề tài KHCN-09-04 (Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam) và Dự án Nghiên cứu phát triển ĐHN (Bộ Công nghiệp) đều tái khẳng định nhu cầu tất yếu phải bổ sung nguồn ĐHN sau năm 2015. Vì vậy, lựa chọn khả thi hơn cả đối với Việt Nam sẽ là phải kết hợp tối ưu các dạng điện năng khác nhau, trong đó ĐHN là một thành phần bình đẳng sẽ từng bước được cải tiến, hoàn thiện theo xu hướng an toàn và sạch.

Năm 2002, dựa vào kết luận trên, Thủ tướng đã thành lập Tổ công tác Chính phủ chủ trì xây dựng Chiến lược phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử và lập dự án tiền khả thi nhà máy ĐHN đầu tiên của Việt Nam. Kết quả là năm 2006 Chính phủ phê duyệt "Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020" và giữa năm 2008 Quốc hội thông qua Luật Năng lượng Nguyên tử. Bước ngoặt quan trọng nhất được đánh dấu kết thúc giai đoạn 1 bằng Nghị quyết Quốc hội số 41 ngày 25 tháng 11 năm 2009 "cho phép xây dựng nhà máy ĐHN đầu tiên tại Ninh Thuận, dự kiến vận hành tổ máy số 1 vào năm 2020".

Do tình hình phát triển kinh tế vĩ mô của Việt Nam có nhiều thay đổi so với thời điểm quyết định đầu tư dự án. Mặt khác, Việt Nam cần nguồn vốn lớn để đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại nhằm tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, cũng như giải quyết các vấn đề do biến đổi khí hậu gây ra, chính vì vậy tại Nghị quyết 31/2016/QH14 ngày 22 tháng 11 năm 2016 Quốc hội cũng đã thông qua "Dừng thực hiện chủ trương đầu tư Dự án ĐHN Ninh Thuận".

Trước thời điểm Quốc hội thông qua Nghị quyết "Dừng thực hiện chủ trương đầu tư Dự án ĐHN Ninh Thuận" đã có một số công việc chính được tổ chức thực hiện.

Thứ nhất: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã trình Thủ tướng hồ sơ phê duyệt địa điểm và Báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1; Báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 2 đã được tư vấn quốc tế hoàn thiện và nộp cho EVN để thẩm tra.

Thứ hai: Hệ thống cấp điện phục vụ thi công Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 và văn phòng làm việc của Ban quản lý dự án đang trong giai đoạn xây dựng, hoàn thiện.

Thứ ba: Dự án di dân tái định cư đã hoàn thành công tác khảo sát, thiết kế các khu tái định cư.

Thứ tư: Từ năm 2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo và EVN đã cử 445 sinh viên, cán bộ đi học các chuyên ngành liên quan đến ĐHN tại Nga, Pháp và Nhật Bản bước đầu đã có một số sinh viên và cán bộ hoàn thành khóa học, về nước hiện đang công tác tại EVN; Bộ Khoa học - Công nghệ đã thực hiện các khóa bồi dưỡng ngắn hạn và dài hạn ở nước ngoài cho nhân lực quản lý nhà nước, nghiên cứu - triển khai và hỗ trợ kỹ thuật hơn 500 lượt người…

Những vấn đề đặt ra

Trước thực trạng nhu cầu năng lượng nói chung và điện năng nói riêng trong công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước tiếp tục tăng trưởng. Các nguồn năng lượng truyền thống có hạn và sẽ tiến dần đến cạn kiệt, không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu tiêu thụ năng lượng. Mặc dù các nguồn năng lượng tái tạo khác như: năng lượng gió, mặt trời… đã được ưu tiên, quan tâm phát triển nhưng không thể bù đắp sự thiếu hụt điện năng.

Dự kiến đến năm 2030 năng lượng gió đạt 6.000 MW chiếm tỷ trọng 2,1% sản lượng điện sản xuất và năng lượng mặt trời đạt 12.000 MW chiếm tỷ trọng 3,3% sản lượng điện sản xuất. Vì vậy, Việt Nam sẽ không tránh khỏi việc phụ thuộc dần vào nguồn năng lượng than và khí nhập khẩu. Đây là một thách thức rất lớn đối với năng lực kho vận và bảo vệ môi trường, biến động chính trị thế giới và khu vực. Bài toán tổng hòa nhằm tận dụng tối đa nguồn năng lượng trong nước, phát triển năng lượng tái tạo, ĐHN, kết hợp nhập khẩu điện, nhập khẩu than, khí đốt ở tỷ trọng thích hợp nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững cần các nhà khoa học, quản lý đưa ra đáp án trở nên vô cùng cấp thiết.

Bản thân tác giả bài viết đã nhiều năm theo dõi các dự án phát triển năng lượng của nước ta, qua trao đổi với các chuyên gia về năng lượng đều thấy rằng: để ứng phó với những thách thức về an ninh năng lượng trong tình hình hiện nay, bên cạnh việc áp dụng các chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, cần nghiên cứu, tìm kiếm các nguồn năng lượng mới, xây dựng chiến lược năng lượng để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, phát triển kinh tế bền vững.

Để giải bài toán này các cơ quan quản lý Nhà nước cần định hướng các nội dung sau:

Một là, lấy thêm ý kiến các chuyên gia có trình độ cao được thẩm định (trong nước và quốc tế) về nhu cầu điện trong nước cần thiết để đáp ứng cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đến các năm 2020, 2025 và 2030. (Có tính đến kết quả tổng kết 5 năm triển khai thực hiện Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2011 - 2015) để khẳng định thêm về nhu cầu sử dụng năng lượng. Từ nhu cầu sử dụng năng lượng đó, căn cứ vào các mặt ưu, nhược điểm của từng loại nguồn, xác định cơ cấu nguồn cung cấp cho hệ thống, công suất, địa điểm quy hoạch, hình thức đầu tư, nguồn vốn, tính khả thi…

Hai là, tại Quyết định số 01/2006/QĐ-TTg ngày 03 tháng 01 năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt "Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020", trong Chiến lược có định hướng rõ việc nghiên cứu và phát triển ĐHN tại Việt Nam; Quyết định số 957/QĐ-TTg ngày 24 tháng 6 năm 2010 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt "Quy hoạch tổng thể phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020" trong Quyết định có giao các nhiệm vụ chủ yếu trong Quy hoạch phát triển ĐHN đến năm 2030. Do đó Việt Nam cần căn cứ vào nhu cầu năng lượng và các nguồn cung cấp, làm rõ tính thực tiễn của Chiến lược và Quy hoạch tổng thể để đi đến quyết định có tiếp tục hay không tiếp tục thực hiện nghiên cứu, phát triển ĐHN tại Việt Nam. Nếu tiếp tục thực hiện Chiến lược, ngoài việc điều chỉnh lại các mốc thời gian cho phù hợp Việt Nam cần chú ý thêm các điểm sau:

(1) Đối với các địa điểm quy hoạch xây dựng nhà máy ĐHN. Quyết định số 906/QĐ-TTg ngày 17 tháng 6 năm 2010 Thủ tướng Chính phủ đã "Phê duyệt định hướng quy hoạch phát triển ĐHN ở Việt Nam đến năm 2030" trong Quyết định cũng đã định hướng 8 địa điểm xây dựng nhà máy ĐHN, đây là những địa điểm đã được xem xét so sánh, vì vậy cần phải có kế hoạch sử dụng cụ thể sao cho phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, địa phương có quy hoạch dự án. Đặc biệt hai địa điểm đã được đối tác Nga và Nhật Bản hoàn thành công tác khảo sát bằng nguồn kinh phí viện trợ không hoàn lại cần tiếp tục giải phóng mặt bằng (sử dụng cho các mục đích tạm thời) cho đến khi đủ điều kiện tái khởi động Dự án xây dựng nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2.

(2) Công tác xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Các văn bản quy phạm pháp luật về ĐHN tại thời điểm này đã có những tiến bộ vượt bậc so với năm 2009 và ở mức độ đi tiên phong trong các nước ASEAN; hệ thống văn bản của ta đã tương đối đủ cho công tác thẩm định và phê duyệt địa điểm xây dựng nhà máy. Trong thời gian tới cần thống nhất định hướng tiếp tục xây dựng, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ cho công tác xây dựng nhà máy ĐHN như sửa đổi Luật Năng lượng Nguyên tử và các văn bản liên quan khác …

(3) Về đào tạo nguồn nhân lực. Thời gian tới các sinh viên Việt Nam được cử đi học các chuyên ngành ĐHN lần lượt về nước khi tốt nghiệp, kết thúc khóa học. Mặc dù họ được các cơ quan quản lý nhà nước, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã và có kế hoạch bố trí các công việc tương đối phù hợp, tuy nhiên cũng nên có cơ chế, chính sách cho một số học sinh tốt nghiệp loại giỏi trở lên được đào tạo nâng cao. Đây là nguồn nhân lực có giá trị cho các tổ chức nghiên cứu triển khai khoa học công nghệ, cho các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và an toàn hạt nhân. Từ đó có thể chuẩn bị cho các chương trình dài hạn và chủ động ứng phó trước mắt với các vấn đề hạt nhân khu vực và quốc tế. Mặt khác, cần nghiên cứu, xây dựng lại kế hoạch đào tạo dài hạn nhân lực cho chương trình phát triển ĐHN.

(4) Đẩy nhanh đàm phán với đối tác Nga, thúc đẩy triển khai Dự án Trung tâm Khoa học & Công nghệ hạt nhân. Trung tâm là cơ sở nghiên cứu, đào tạo: công nghệ và an toàn ĐHN, khoa học vật liệu, đo lường và điều khiển, công nghệ hóa học, công nghệ chiếu xạ, bảo vệ bức xạ và quan trắc môi trường, quản lý chất thải phóng xạ, đào tạo nhân lực hạt nhân, dịch vụ hạt nhân, trung tâm tính toán mô phỏng và khoa học cơ bản về vật lý hạt nhân,...  Tạo cơ chế để Trung tâm là nơi thu hút các cán bộ trẻ, có năng lực tham gia công tác, nghiên cứu, triển khai các hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử phục vụ cho các mục tiêu khoa học, công nghệ và kinh tế chiến lược dài hạn.

(5) Công tác thông tin tuyên truyền. Cần tiếp tục tuyên truyền về ĐHN, làm cho nhân dân hiểu đúng về chủ trương dừng ĐHN; cung cấp thông tin đầy đủ và thường xuyên cho công chúng trên các phương tiện thông tin đại chúng và các phương tiện tạo dư luận khác, sao cho thúc đẩy sự hiểu biết rộng rãi về sự cần thiết và lợi ích của ĐHN, tạo sự ủng hộ của công chúng, cho chương trình phát triển ĐHN.

(6) Tiếp tục duy trì quan trắc về động đất tại khu vực dự kiến xây dựng nhà máy ĐHN dựa trên cơ sở dữ liệu đã được xây dựng và kinh nghiệm đã có; sớm triển khai xây dựng mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia, hoàn chỉnh bản đồ phông phóng xạ tự nhiên, sẵn sàng chủ động hỗ trợ ứng phó kịp thời sự cố bức xạ và sự cố hạt nhân do các nguồn phát xạ tiềm năng từ bên ngoài biên giới nước ta…

Ba là, khẩn trương xây dựng và ban hành kế hoạch hành động thực hiện "Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050" đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định 2608/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2015. Trước hết là xây dựng các văn bản pháp lý, chính sách khuyến khích, cơ chế tài chính và ưu đãi cho đầu tư phát triển, và sử dụng năng lượng tái tạo. Có như vậy mới đánh giá đúng năng lực của năng lượng tái tạo trong tương quan với các nguồn phát khác, khai thác và sử dụng tối đa tiềm năng năng lượng tái tạo trong nước bằng những công nghệ tiên tiến, phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng miền, mang lại hiệu quả cao về kinh tế, xã hội và môi trường.

Tóm lại, chỉ khi Việt Nam định hướng đúng, đa dạng hóa thành phần các nguồn phát, đảm bảo tỷ lệ nguồn phát hợp lý, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời trong việc thi công các dự án trọng điểm thì mới đảm bảo được an ninh năng lượng quốc gia, phát triển bền vững đất nước.

Tài liệu tham khảo

1. Nghị quyết 31/2016/QH14 ngày 22 tháng 11 năm 2016, Nghị quyết Dừng thực hiện chủ trương đầu tư Dự án ĐHN Ninh Thuận.

2. Quyết định số 01/2006/QĐ-TTg  ngày 03/ 01/2006, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020”

3. Quyết định số 957/QĐ-TTg ngày 24 tháng 6 năm 2010 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020”

4. Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016 Quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến 2030.

NangluongVietnam Online

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động