Giải pháp để PTC3 thực hiện tỷ lệ tổn thất điện thấp hơn kế hoạch
14:36 | 23/07/2021
PTC3 hiện đại hóa lưới điện truyền tải
Đồng bộ các giải pháp
Trong 6 tháng đầu năm 2021, sản lượng điện PCT3 nhận qua lưới 500 kV và 220 kV đạt trên 28,76 tỷ kWh, tăng gần 15% so với cùng kỳ năm 2020. Sản lượng điện giao qua lưới 500 kV và 220 kV đạt trên 28,20 tỷ kWh, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2020. Tương ứng với đó, tỷ lệ tổn thất điện năng 6 tháng đạt 1,95%, thấp hơn 0,05% so với kế hoạch.
Ông Hồ Công - Phó Giám đốc PTC3 cho biết: Tổn thất điện năng là một chỉ tiêu quan trọng đánh giá hiệu quả công tác sản xuất, kinh doanh của Công ty, do vậy việc giảm tổn thất điện năng sẽ giúp PTC3 hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) giao.
Xác định tầm quan trọng việc giảm tổn thất điện năng, Công ty đã cùng các đơn vị truyền tải khu vực tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp theo đề án giảm tổn thất điện năng trên các lĩnh vực quản lý, quản lý vận hành, quản lý vận hành hệ thống đo đếm giao nhận điện năng, tiết kiệm điện, giảm điện năng tự dùng các trạm biến áp và đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải.
Bảo dưỡng thiết bị TBA 220 kV Tuy Hòa (Phú Yên).
Cụ thể, Công ty duy trì hoạt động hiệu quả của Ban Chỉ đạo giảm tổn thất điện năng từ Công ty đến các đơn vị trực thuộc. Công ty đã giao chỉ tiêu tổn thất điện năng đến các truyền tải điện khu vực, triển khai quản lý tổn thất điện năng đến từng phần tử đường dây, máy biến áp. Thường xuyên kiểm tra, rà soát tình hình thực hiện chỉ tiêu tổn thất điện năng, xác định các yếu tố ảnh hưởng đến tổn thất như: Nguồn điện mặt trời đưa vào vận hành, thay đổi phương thức vận hành, chậm tiến độ các công trình đầu tư xây dựng, quá tải lưới điện, cắt điện công tác,… để chấn chỉnh và đề ra các phương án xử lý kịp thời.
Trong vận hành, Công ty phối hợp chặt chẽ với các Trung tâm Điều độ để đảm bảo các thông số vận hành theo giới hạn cao của biểu đồ điện áp và khả năng mang tải thiết bị; thay đổi kết dây, tách thanh cái, mở vòng lưới điện để cưỡng bức công suất, tận dụng tối đa khả năng tải các đường dây 220 kV còn non tải; liên tục rà soát lưới điện để nâng khả năng tải các đường dây, nâng công suất các máy biến áp đầy và quá tải trong vận hành. Đồng thời, quản lý tốt hệ thống đo đếm ranh giới, thực hiện kiểm định định kỳ hệ thống đo đếm đúng quy định, đảm bảo hệ thống đo đếm ranh giới đo đếm chính xác sản lượng điện năng giao nhận.
“Bên cạnh đó, trong năm 2020, Công ty đã phối hợp với Ban Quản lý án các công trình điện miền Trung, miền Nam tiếp nhận, đưa vào vận hành các công trình đầu tư xây dựng phục vụ giải tỏa công suất các nguồn năng lượng tái tạo khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa như: Nâng công suất TBA 220 kV Tháp Chàm, Lắp máy 2 TBA 220 kV Hàm Tân, TBA 220 kV Phan Rí, Trạm 220 kV Ninh Phước, Trạm 220 kV Vân Phong và đóng điện, đưa vào vận hành các máy biến áp 500 kV thuộc các dự án nâng công suất Trạm 500 kV Vĩnh Tân, trạm 500 kV Di Linh. Các dự án đưa vào vận hành đã làm giảm tổn thất điện năng, nâng cao độ an toàn, tin cậy vận hành lưới điện, giảm bớt tình trạng đầy và quá tải lưới điện” - Ông Hồ Công chia sẻ.
Có lo ngại tổn thất sẽ tăng trở lại?
Theo ông Nguyễn Mạnh Tường - Trưởng phòng Điều độ (PTC3): Tổn thất điện năng lưới điện phụ thuộc vào phương thức vận hành có thể tăng hoặc giảm tùy thuộc vào cấu hình huy động các nhà máy trong khu vực và tùy thuộc chế độ max/min của lưới điện truyền tải Công ty quản lý vận hành. Ngoài ra, tổn thất điện năng tỷ lệ thuận với sản lượng điện năng truyền tải và khoảng cách từ nguồn phát tới các phụ tải. Do đó, để tổn thất điện năng đạt nhỏ nhất thì phải cân bằng nguồn và phụ tải theo từng khu vực.
Trong khi đó, lưới điện truyền tải khu vực Duyên hải Nam miền Trung và Tây Nguyên do Công ty Truyền tải điện 3 tập trung nhiều nguồn năng lượng tái tạo (điện mặt trời và điện gió), nhu cầu tiêu thụ điện của phụ tải thấp, khoảng cách truyền tải điện năng vào miền Nam, ra miền Bắc xa. Cùng với đó sự bùng nổ của nguồn năng lượng trong thời gian ngắn vừa qua khiến lưới điện truyền tải phát triển chưa theo kịp đã xảy ra đầy tải, quá tải cục bộ trên một số đường dây 220 kV.
Vệ sinh hotline thiết bị trong TBA 220 kV Phan Thiết (Bình Thuận).
Khi vào mùa mưa lũ, khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Trung tâm Điều độ HTĐ Quốc gia ưu tiên huy động cao nguồn từ các nhà máy thủy điện, đặc biệt là các nhà máy thủy điện lớn miền Bắc, miền Trung để tận dụng nguồn tài nguyên nước với giá thành rẻ truyền tải vào miền Nam. Truyền tải cao trên hệ thống đường dây 500 kV Bắc - Nam sẽ làm gia tăng tổn thất điện năng trên giao diện 500 kV Trung - Nam và qua đó làm tăng tổn thất điện năng trên lưới điện truyền tải Công ty.
“Đây là những khó khăn mà PTC3 gặp phải trong việc đảm bảo chỉ tiêu tổn thất điện năng lưới điện trong 2021 và những năm tiếp theo” - Ông Tường nhấn mạnh.
Để đảm bảo thực hiện chỉ tiêu tổn thất điện năng trên lưới truyền tải do PTC3 quản lý năm 2021 và các năm tiếp theo, bên cạnh việc phối hợp chặt chẽ với các Trung tâm Điều độ để có phương thức vận hành hợp lý, Công ty Truyền tải điện 3 kiến nghị cần thiết đẩy nhanh tiến độ đóng điện vận hành các đường dây truyền tải trong khu vực như: Đường dây 220 kV Nha Trang - Tháp Chàm mạch 2 và treo dây mạch 2 đường dây này; Đường dây 220 kV Phù Mỹ - Quảng Ngãi; Đường dây 220 kV Nha Trang - Krông Buk mạch 2, Đường dây 220 kV Krông Buk - Pleiku 2 mạch 2.
Cùng với đóng điện nâng công suất các máy biến áp trạm 500 kV Đắk Nông, Pleiku 2 cần đầu tư xây dựng sớm các đường dây 220 kV mạch kép Đa Nhim - Đức Trọng - Di Linh, Đường dây 500 kV Ninh Sơn - Chơn Thành, Trạm biến áp 500 kV Ninh Sơn và đấu nối 220 kV Ninh Sơn - Đa Nhim, Ninh Sơn - Tháp Chàm; Đường dây 500 kV KrôngBuk - Tây Ninh, Trạm biến áp 500 kV Krông Buk và đấu nối 220 kV đi trạm 220 kV Krông Buk, đường dây 220 kV mạch kép Krông Buk - Sông Ba Hạ… để đảm bảo vận hành an toàn, tin cậy, giảm tổn thất điện năng trong thời gian tới./.
PV TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM