Doosan Vina và Marubeni hợp tác phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam
07:22 | 30/06/2024
‘Đường cong con vịt California’ đã xuất hiện ở Việt Nam? Trong bài báo dưới đây, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam sẽ phân tích về đường cong con vịt California trong tích hợp năng lượng mặt trời vào hệ thống điện và làm rõ thêm câu hỏi: Vịt California đã đến Việt Nam chưa? Các tác động, hệ lụy của hình dáng đồ thị này thế nào? Những vấn đề gì chúng ta cần quan tâm? |
Lễ ký kết. |
Chia sẻ tại lễ ký kết, Tổng giám đốc Doosan Vina Kim Hyo Tae nhấn mạnh: Doosan Vina sẽ tích cực tham gia vào thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị COP26 về phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050. MOU này cùng với MOU đã ký với tập đoàn điện gió hàng đầu thế giới - Ørsted (Đan Mạch) trước đó, là nền tảng để Doosan Vina vững bước tiến vào thị trường năng lượng tái tạo. Doosan Vina hiện đang chuyển trọng tâm và danh mục kinh doanh hướng tới bảo vệ môi trường và coi đây là động lực tăng trưởng trong thời gian tới.
Ông Kim Hyo Tae nhận định: Việt Nam là một quốc gia có nguồn gió, nắng và biển dồi dào nên có tiềm năng cao để phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng điện gió ngoài khơi.
Ông Seiji Kawamura, Giám đốc kinh doanh thị trường điện khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Tập đoàn Marubeni cho biết: Năng lượng gió ngoài khơi sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong chiến lược của Marubeni. Với thâm niên 50 năm trong ngành điện tại Việt Nam, Marubeni mong muốn đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam và chính sách của chính phủ.
Sau khi ký kết MOU, Doosan Vina và Marubeni sẽ cùng nghiên cứu và tìm hiểu tính khả thi cũng như khả năng hợp tác tại Việt Nam.
Doosan Vina có kế hoạch sản xuất móng đơn của tua bin gió và các bộ phận khác cho các trang trại điện gió ngoài khơi tại khu phức hợp công nghiệp rộng 100 hecta của mình tại Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi.
Marubeni cũng dự định tìm hiểu và mở rộng hợp tác với các công ty có năng lực khác tại Việt Nam nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển ngành điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.
Doosan và Marubeni là đối tác chiến lược trong lĩnh vực kinh doanh điện tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hai công ty đã xây dựng thành công dự án điện BOT Nghi Sơn 2 tại tỉnh Thanh Hóa, trong đó Marubeni là thành viên liên danh chủ đầu tư, còn Doosan là tổng thầu EPC.
Về Doosan Vina:
Doosan Vina là một khu phức hợp công nghiệp có vốn đầu tư 300 triệu USD trên 100 hecta đất tại KKT Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi. Các sản phẩm chủ lực của Doosan Vina bao gồm: Mô-đun, cẩu trục cảng biển, kết cấu thép, thiết bị xử lý nhiên liệu thô, lò hơi nhà máy điện, thiết bị khử muối nước biển và các sản phẩm năng lượng xanh.
Công ty TNHH Doosan Enerbility - công ty mẹ của Doosan Vina, tiền thân là Doosan Heavy Industries, được thành lập năm 1962, là công ty công nghiệp nặng có trụ sở chính tại Changwon, Hàn Quốc. Hoạt động kinh doanh của Doosan bao gồm sản xuất và dịch vụ EPC tại các lĩnh vực công nghiệp nặng như: Nhà máy điện hạt nhân, nhà máy nhiệt điện, nhà máy khử muối, đúc và rèn cho xây dựng, lò phản ứng, thiết bị tạo hơi nước, lò phản ứng nước nặng điều áp, máy phát điện và tua bin hơi nước và khí cho các nhà máy điện.
Tại Việt Nam, Doosan Vina được biết đến với vai trò là tổng thầu EPC của các dự án nhà máy nhiệt điện lớn như: Mông Dương 2, Vĩnh Tân 4, Vĩnh Tân 4 (mở rộng), Nghi Sơn 2, Sông Hậu 1; là nhà cung cấp các loại cẩu trục RMQC và RTGC cho các cảng biển sầm uất trong nước như: Cảng Nam Đình Vũ, cảng Gemalink, cảng Đà Nẵng, Tân cảng Sài Gòn…; đồng thời là một nhà xuất khẩu công nghiệp nặng lớn với gần 630.000 tấn sản phẩm đã được xuất đến 38 quốc gia trên toàn thế giới.
Về Marubeni:
Tập đoàn Marubeni là công ty đầu tư và thương mại hàng đầu có trụ sở tại Tokyo, được thành lập năm 1858 với hơn 160 năm lịch sử. Marubeni sản xuất, đầu tư và cung cấp dịch vụ trong nhiều lĩnh vực như: Dệt may, cônh nghệ thông tin, kim loại và khoáng sản, năng lượng, dự án cơ sở hạ tầng; hàng không vũ trụ và tàu thủy; tài chính, bất động sản; xây dựng, máy móc công nghiệp...
Trong lĩnh vực năng lượng, Marubeni là một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới với bề dày kinh nghiệm trong việc phát triển, xây dựng và vận hành các dự án điện. Tổng công suất phát điện của Marubeni trên toàn cầu là 36.534 MW, trong đó công suất ròng của Marubeni là 11.560 MW (tính đến cuối tháng 3 năm 2024).
Tại Việt Nam, Marubeni đã tham gia làm tổng thầu EPC cho 11 dự án nhà máy điện, trong đó có Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 1 (600 MW) và đầu tư BOT Nghi Sơn 2 (1.200 MW) COD từ năm 2022; dự án điện khí Ô Môn 2 (1.050 MW) đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư và đang đàm phán hợp đồng mua bán khí/điện với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Điện lực Việt Nam; dự án điện LNG Quảng Ninh (1.500 MW) đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư và đang trình báo cáo nghiên cứu khả thi để Bộ Công Thương phê duyệt.
Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, Marubeni đã đầu tư phát triển hơn 2.000 MW điện gió trên đất liền và ngoài khơi ở nhiều quốc gia.
Marubeni là một trong những nhà phát triển điện gió ngoài khơi đầu tiên ở Nhật Bản với các dự án gần Cảng Akita và Cảng Noshiro - dự án đầu tiên ở Nhật Bản đi vào vận hành thương mại từ tháng 1/2023.
Tại Vương quốc Anh, Marubeni đã đầu tư vào hai dự án điện gió ngoài khơi là Gunfleet Sands (COD vào năm 2010) và Westermost Rough (COD năm 2015).
Vào tháng 1/2022, Marubeni đã giành được hợp đồng thuê phát triển dự án gió ngoài khơi Scotwind ở bờ biển phía đông Scotland, đây là một trong những dự án lớn nhất thế giới với công suất 3.600 MW./.
BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM