RSS Feed for Don sahong: Phản hồi quốc gia cần nhấn mạnh 5 yêu cầu | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 27/12/2024 11:01
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Don sahong: Phản hồi quốc gia cần nhấn mạnh 5 yêu cầu

 - Trong 2 tháng, 16 cuộc tham vấn trực tiếp và online đã cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho hàng nghìn người dân 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long để có ý kiến phản hồi về Dự án Thủy điện Don Sahong.

Đập thủy điện Don Sahong của Lào đang theo tiền lệ xấu

Vị trí dự kiến xây đập thủy điện Don Sahong trên dòng chính Mekong. Nguồn: Phnompenhpost

Xuất phát từ nhu cầu thiết thực của người dân và theo quy trình tham vấn của Ủy hội sông Mê Công quốc tế đối với Dự án đập Thủy điện Don Sahong, Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) đã phối hợp với Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) và Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ thực hiện 16 cuộc tham vấn trực tiếp và online về Dự án Don Sahong.

Đập Don Sahong là dự án thứ hai Lào xúc tiến triển khai trong hệ thống 11 bậc thang đập thủy điện được đề xuất trên dòng chính sông Mê Công thuộc vùng hạ lưu vực tại Lào và Campuchia.

Đây là lần đầu tiên người dân Đồng bằng Sông Cửu Long được tham gia ý kiến về một dự án có tác động xuyên biên giới và ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của mình.

Trước khi tới các cuộc tham vấn này, hầu hết người dân Đồng bằng Sông Cửu Long đều chưa được biết thông tin về Thủy điện Don Sahong và Thủy điện trên dòng chính sông Mê Công.

Người dân khẳng định không có lợi ích gì từ việc xây dựng đập thủy điện mà ngược lại còn ảnh hưởng trực tiếp lên đời sống và sinh kế do thiếu phù sa bồi đắp, sạt lở đất, giảm nguồn lợi thủy sản, xâm nhập mặn gia tăng…

Quá trình tham vấn cho thấy, người dân có nhu cầu thông tin và quan tâm rất lớn đối với các kế hoạch phát triển thủy điện trên dòng chính sông Mê Công.

Việc tham vấn người dân là vô cùng cần thiết và có ý nghĩa quan trọng trợ giúp quá trình ra quyết định phù hợp với nguyện vọng nhu cầu phát triển của người dân.

100% các đại biểu tham dự tham vấn trực tiếp tại Đồng bằng sông Cửu Long và Hà Nội (1014 người) phản đối xây dựng đập Don Sahong và các đập trên dòng chính sông Mê Công.

Cách nói thiếu tính nghiêm túc

Kết quả tham vấn từ 52 nhà khoa học, tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức phi chính phủ cho thấy sự băn khoăn, lo lắng về những lỗ hổng trong báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án liên quan tới vấn đề lượng phù sa suy giảm, vấn đề đảm bảo cá di cư và các tác động xuyên biên giới cũng như tác động tích lũy.

Hiện các giải pháp giảm thiểu tác động nhà đầu tư đưa ra chưa có đủ bằng chứng thuyết phục. Cách nói công trình “vừa làm vừa thăm dò” là cách nói thiếu tính nghiêm túc của nhà đầu tư.

Nhiều đại biểu cũng cho rằng tổn thất đối với người dân và đất nước Lào cũng sẽ rất đáng kể nếu hệ thống bậc thang thủy điện trên dòng chính sông Mê Công được xây dựng.

Do vậy, các đại biểu kiến nghị kéo dài thời gian tham vấn để các bên liên quan có thêm các nghiên cứu, bổ sung thêm thông tin, minh chứng và xem xét đánh giá tính khả thi của các giải pháp giảm thiểu đưa ra. Cần có thêm những nghiên cứu sâu hơn về di cư của các loài cá ở dự án thủy điện Don Sahong.

Mối quan ngại và ý kiến của người dân bị ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh kế tại Đồng bằng sông Cửu Long cần phải được xem xét và là một yếu tố quan trọng trong quá trình ra quyết định. Đặc biệt, những tổn thất và lợi ích thực tế đối với người dân và nước bạn Lào cần phải được trao đổi rộng rãi.

Cần nhấn mạnh 5 yêu cầu

Ủng hộ quan điểm và chia sẻ quan tâm của người dân Đồng bằng sông Cửu Long trước các kế hoạch xây dựng các con đập trên dòng chính sông Mê Công, GreenID kiến nghị:

Ủy ban sông Mê Công Việt Nam và các bộ ngành liên quan xem xét các ý kiến đóng góp và nguyện vọng của người dân để báo cáo Thủ tướng và đưa vào ý kiến phản hồi chính thức của Việt Nam gửi tới Ủy hội sông Mê Công quốc tế về kết quả tham vấn dự án thủy điện Don Sahong tại Việt Nam.

Tài liệu phản hồi quốc gia của Việt Nam đối với dự án thủy điện Don Sahong cần nhấn mạnh 5 yêu cầu.

Thứ nhất, kéo dài thời gian tham vấn để các bên liên quan có thêm các nghiên cứu bổ sung thêm thông tin, minh chứng và xem xét đánh giá tính khả thi của các giải pháp giảm thiểu đưa ra.

Thứ hai, nhà đầu tư và Chính phủ Lào nghiêm túc tuân thủ các cam kết theo Hiệp định Mê Công và các cam kết cấp cao, không được tiến hành khởi công xây dựng đập nào cho đến khi hoàn thành các nghiên cứu bổ sung về tác động tích lũy, minh chứng cho tính khả thi của các giải pháp giảm thiểu.

Thứ ba, Ủy hội sông Mê Công quốc tế (MRC) và các quốc gia thành viên của MRC đưa quy trình tham vấn với người dân bị ảnh hưởng tại cộng đồng trở thành một điều kiện tham vấn bắt buộc trong quá trình PNPCA theo Hiệp định Mekong 1995.

Thứ tư, Chính phủ và cơ quan quản lý cần chú trọng và có chiến lược truyền thông phù hợp, sắc sảo và nhất quán về vấn đề thủy điện dòng chính sông Mê Công tại Việt Nam sao cho đảm bảo cập nhật thông tin sát thực về vấn đề này cho công chúng, đồng thời hỗ trợ cho các nỗ lực đấu tranh bảo vệ lợi ích quốc gia và đồng bằng sông Cửu Long.

Thứ năm, nghiên cứu “Tác động của hệ thống thủy điện bậc thang dòng chính sông Mê Công đối với đồng bằng sông Cửu Long” do Ủy ban sông Mê Công Việt Nam chủ trì cần tham vấn rộng rãi tới nhà khoa học, các tổ chức phi chính phủ và tổ chức quần chúng tại đồng bằng sông Cửu Long.

Có 1.724 người đã tham gia bày tỏ ý kiến tại 2 đường link online (Tiếng Việt và Tiếng Anh), trong đó 98,2% số người phản đối (1693 người) và chỉ 1,8% số người đồng ý (31 người) việc xây dựng đập Thủy điện Don Sahong.

Đa số người dân chung đề nghị Chính phủ Việt Nam yêu cầu Lào dừng xây dựng đập Donsahong và các đập khác trên dòng chính sông Mê Công để có đủ thời gian tiến hành các nghiên cứu tác động tích lũy cũng như minh chứng tính khả thi của các giải pháp giảm thiểu và cung cấp thông tin cho người dân chủ động ứng phó.

SONG ANH

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động