RSS Feed for Điện hạt nhân: Giải pháp bảo tồn tài nguyên năng lượng | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 29/03/2024 13:16
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Điện hạt nhân: Giải pháp bảo tồn tài nguyên năng lượng

 - Xây các nhà máy điện hạt nhân, nước ta đã đáp ứng được các điều kiện ban đầu về hạ tầng, song cũng đứng trước các thách thức: thiếu vốn, tiềm ẩn rủi ro, tăng chi phí, biến đổi chính sách và lãi suất tín dụng.

Điện hạt nhân: Nâng cao tiềm lực Việt Nam
Nhân lực: Chìa khóa để phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam

Sức ép năng lượng

Sức ép về nguồn cung năng lượng đang gia tăng do nhu cầu sử dụng năng lượng tăng cao, tăng giá sản xuất và tiêu thụ năng lượng, thiếu hụt nguồn năng lượng truyền thống, tăng sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hoá thạch…

Ông Đoàn Thế Vinh, Phó vụ trưởng, Vụ Nhiệt điện và Điện hạt nhân (Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương) trong Hội thảo Công tác thông tin truyên truyền phát triển điện hạt nhân, ngày 15//1 tại Ninh Bình, khẳng định: “Tài nguyên than không thực sự dồi dào trong phát triển dài hạn”.

Ông Hoàng Anh Tuấn nhận định, quá trình thực hiện Đề án 370 đã góp phần nâng cao sự đồng thuận của công chúng về điện hạt nhân. Ảnh: Hải Vân

Tại Quảng Ninh, khai thác hầm lò rất khó khăn do đã tới độ sâu -150m, trong khi ngành than thiếu vốn và công nghệ khai thác tại vùng Đồng bằng Sông Hồng, ông Vinh dẫn chứng.

Than nội chỉ cấp đủ cho các nhà máy hiện có và một số nhà máy đã được cam kết cấp than nội. Nhu cầu sử dụng than nội đã tính đến là Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 và Nam Định 1.

Trong bối cảnh đó, theo ông Vinh, đến năm 2020, thiếu nhiên liệu cho sản xuất khoảng 54 TWh và giải pháp nhiệt điện than đã được tính đến song nước ta sẽ phải nhập khẩu lượng than đủ để sản xuất gần 13.000 MW.

Đến năm 2025, thiếu nhiên liệu cho sản xuất khoảng 142 TWh. Giải pháp, xây dựng thêm nhà máy nhiệt điện than, nhập khẩu gần 26.000 MW, xây dựng nhiệt điện khí sử dụng LNG khoảng 2000 MW.

Áp lực năng lượng sơ cấp đến năm 2030 căng thẳng hơn rất nhiều và gây thiếu nhiên liệu cho sản xuất khoảng 296 TWh. Vì vậy, điện hạt nhân là một giải pháp cần thiết để đa dạng hoá nguồn năng lượng sơ cấp, đảm bảo an ninh năng lượng.

Theo đó, nước ta sẽ phải xây dựng thêm nhà máy nhiệt điện than, nhập khẩu gần 38.000 MW; xây dựng nhiệt điện khí LNG gần 8.000 MW và xây dựng nhà máy điện hạt nhân khoảng 4.600 MW.

Ông Vinh khẳng định điện hạt nhân là “giải pháp duy trì bảo tồn tài nguyên năng lượng, phát triển bền vững” trong bối cảnh tài nguyên khí hạn chế, lớn nhất chỉ khoảng 13 tỷ m3 năm 2030 và từ sau năm 2020 đã phải có kế hoạch nhập khẩu khí LNG để phát điện.

Duy trì bảo tồn tài nguyên 

Với quan điểm phát triển điện hạt nhân dân sự vì mục đich hoà bình, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân đến năm 2020, tại Quyết định số 2241/QĐ-TTg.

Kế hoạch hướng đến mục tiêu phát triển đồng bộ, toàn diện cơ sở hạ tầng điện hạt nhân quốc gia phù hợp với hướng dẫn của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và thực tiễn Việt Nam, đáp ứng yêu cầu triển khai Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận đảm bảo an toàn, an ninh, hiệu quả.

Theo đó, 12 dự án, nhiệm vụ đã được phê duyệt cho cơ sở hạ tầng điện hạt nhân sẽ được tiếp tục thực hiện đến năm 2020. Cùng với đó, 19 dự án, nhiệm vụ bổ sung cho cơ sở hạ tầng điện hạt nhân cũng được thực hiện đến năm 2020.

Nghiên cứu tiền khả thi giai đoạn 2002-2009 do Viện Năng lượng thực hiện, hai địa điểm tại tỉnh Ninh Thuận được lựa chọn để xây hai nhà máy điện đầu tiên ở Việt Nam. Chủ trương đầu tư hai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 cũng đã được Quốc hội khoá XII thông qua.

Ông Phan Minh Tuấn - Phó Giám đốc, Ban quản lý Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận cho biết, có 9 dự án thành phần thuộc Dự án Điện Hạt Nhân Ninh Thuận 1.

Cụ thể: Dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2; Dự án hạ tầng phục vụ thi công các dự án thuộc Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận; Dự án Khu quản lý vận hành, khu chuyên gia và trụ sở Ban quản lý dự án; Dự án Trung tâm quan hệ công chúng về điện hạt nhân; Dự án đào tạo nguồn nhân lực cho các dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận; Đề án nội địa hoá trong xây dựng, thiết kế và chế tạo thiết bị điện hạt nhân tại Ninh Thuận; Dự án Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân; Đề án Thông tin, tuyên truyền về phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam; Dự án di dân tái định cư các dự án Điện hạt nhân tại Ninh Thuận.

Theo tiến trình này, Việt Nam hợp tác với Liên bang Nga để triển khai Dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 tại xã phước Dinh, huyện Thuận Nam.

Nhà máy được áp dụng công nghệ AES-2006 (V491), công suất khoảng 2.000 MW, với hai tổ máy, mỗi tổ máy khoảng 1.000 MW, nhiên liệu nhập khẩu; kết nối đường dây 500kV và làm mát bằng nước biển.

Báo cáo tiền khả thi (F/S) của Ninh Thuận 1 đã được trình Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng thẩm định quốc gia vào tháng 9/2015.

Nước ta cũng hợp tác với Nhật Bản để triển khai Dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 2 tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải. Nhà máy này có cùng quy mô công suất với Ninh Thuận 1, lựa chọn công nghệ gồm hai lò phản ứng: AP1000, ATMEA1; nhiên liệu nhập khẩu; kết nối đường dây 500kV và làm mát bằng nước biển.

Tính đến thời điểm này, Dự án Ninh Thuận 2 đã hoàn thành phân tích kinh tế, tài chính; công tác khảo sát bổ sung để làm rõ điều kiện địa chấn của địa điểm… Dự án sẽ hoàn thiện và thẩm định F/S và SAD trước khi trình Hội đồng thẩm định trong quá trình phê duyệt.

Về vấn đề nhân lực, theo ông Phan Minh Tuấn, ngoài các khoá đào tạo, tập huấn trong và ngoài nước, thời gian qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, với tư cách là chủ đầu tư, đã hợp tác với các nước Nga, Pháp, Nhật Bản để đào tạo nhân lực phục vụ các nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận.

Giai đoạn 2006-2009 cử đi đào tạo 31 sinh viên, giai đoạn 2010-2014 cử 323 sinh viên đi đào tạo tại Nga. Cạnh đó, nhóm 15 kỹ sư nòng cốt đã được đào tạo tại Nhật Bản trong giai đoạn 2012-2014. Một nhóm 9 kỹ sư nòng cốt cũng đang được đào tạo tại Nhật Bản, từ năm 2014-2016.

Liên quan đến Đề án Thông tin, tuyên truyền về phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam (Đề án 370) được Thủ tướng phê duyệt ngày 28/2/2013, Cục Năng lượng Nguyên tử đã và đang tích cực phối hợp với các ban ngành và địa phương triển khai các hoạt động thông tin, tuyên truyền, phục vụ phát triển điện hạt nhân.

Sau gần 3 năm triển khai, TS Hoàng Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Năng lượng Nguyên tử - Bộ Khoa học & Công nghệ, nhận xét, Đề án đã góp phần tạo nhận thức và sự hiểu biết đầy đủ, đúng đắn của các tầng lớp xã hội và các tổ chức liên quan về tính chất, đặc điểm, sự cần thiết và lợi ích của điện hạt nhân trong việc bảo đảm an ninh năng lượng, phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Quá trình thực hiện Đề án đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn, an ninh, góp phần duy trì và nâng cao sự đồng thuận của công chúng cho việc triển khai thực hiện thành công và đảm bảo an toàn, an ninh của dự án điện hạt nhân Ninh thuận cũng như cho phát triển điện hạt nhân một cách bền vững tại Việt Nam.

Điện hạt nhân có nhiều điểm ưu việt so với các dạng sản xuất năng lượng khác, song cũng đòi hỏi rất cao để đảm bảo được các điều kiện về an toàn.

Xây nhà máy điện hạt nhân, Việt Nam đã đáp ứng được các điều kiện ban đầu về hạ tầng, năng lực của các cơ quan pháp quy, địa điểm bảo đảm an toàn, ổn định đối với các điều kiện địa hình, địa chất, khí thượng, thủy văn…

Việt Nam cũng đã chọn công nghệ hiện đại, thế hệ cải tiến, bảo đảm an toàn, kiểm chứng và hiệu quả kinh tế, đầu tư… Tuy nhiên, xây các nhà máy này, nước ta cũng đứng trước các thách thức: thiếu vốn, tiềm ẩn rủi ro tăng chi phí, biến đổi chính sách và lãi suất tín dụng.

Cạnh đó, là những hạn chế đối với chuỗi cung cấp, sự tham gia của các ngành công nghiệp trong nước; hạn chế về truyền tải, cũng như các vấn đề với chu trình nhiên liệu và rác thải hạt nhân.

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về điện hạt nhân còn thiếu, thiếu nguồn nhân lực; năng lực của cơ quan pháp quy và mô hình cơ quan pháp quy độc lập; cần sự chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt và mạnh mẽ của Chính phủ.

Quá trình chuẩn bị xây dựng các nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận đang được thúc đẩy mạnh, song theo ông Hoàng Anh Tuấn, các bộ ngành và địa phương được giao chủ trì các nhiệm vụ thuộc Kế hoạch tổng thể cần tiếp tục triển khai thực hiện, bảo đảm tiến độ và chất lượng các nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ông Hoàng Anh Tuấn cũng khuyến cáo, Việt Nam cần tiếp tục hợp tác chặt chẽ với IAEA và các nước trong việc thực hiện Kế hoạch tổng thể nhằm mục tiêu phát triển đồng bộ, toàn diện cơ sở hạ tầng điện hạt nhân quốc gia phù hợp với hướng dẫn của IAEA và thực tiễn Việt Nam, đáp ứng yêu cầu triển khai dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận bảo đảm an toàn, an ninh hiệu quả.

HẢI VÂN

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động