RSS Feed for Điện cho phát triển thủy sản ở ĐBSCL: Hiện trạng và giải pháp [Kỳ 3] | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 10/12/2024 00:33
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Điện cho phát triển thủy sản ở ĐBSCL: Hiện trạng và giải pháp [Kỳ 3]

 - Để đảm bảo cung cấp đủ điện cho vùng nuôi tôm theo quy hoạch, Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) đang phối hợp với các tỉnh có vùng nuôi tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) xây dựng quy hoạch vùng nuôi tôm. Từ đó, ngành điện có kế hoạch đầu tư đưa điện 3 pha vào đến các vùng quy hoạch. Nhiệm vụ đặt ra cho cơ quan quản lý nhà nước nói chung và ngành Điện nói riêng là phải có giải pháp quản lý, tuyên truyền, hỗ trợ các hộ nuôi tôm như thế nào, áp dụng biện pháp kỹ thuật công nghệ gì? Bên cạnh đó, công tác phối hợp tuyên truyền tiết kiệm điện với các ban ngành, đoàn thể, hiệp hội tại địa phương ra sao để người dân áp dụng triệt để tiết kiệm điện. Đây cũng là biện pháp giảm chi phí sản xuất, đem lại lợi ích cho bản thân người nuôi tôm và mang lại lợi ích tiết kiệm cho cả cộng đồng.

Điện cho phát triển thủy sản ở ĐBSCL: Hiện trạng và giải pháp [Kỳ 1]
Điện cho phát triển thủy sản ở ĐBSCL: Hiện trạng và giải pháp [Kỳ 2]

KỲ 3: QUY HOẠCH VÙNG VÀ CUNG CẤP ĐIỆN CHO NUÔI TÔM Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG


THS. NGUYỄN ANH TUẤN; THS. HOÀNG DƯƠNG MINH

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Trong vòng 2 thập kỷ qua, giá trị xuất khẩu ngành thủy sản nói chung và ngành nuôi tôm tăng trưởng khá cao với mức bình quân 10%/năm. Sau giai đoạn 2013-2016, sản lượng tôm đi xuống do dịch bệnh và nhu cầu thị trường giảm, năm 2017 sản lượng tôm nước lợ Việt Nam đã tăng trở lại với mức khoảng 689 ngàn tấn. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2017 đạt trên 8,3 tỷ USD, trong đó kim ngạch tôm xuất khẩu đạt gần 3,855 tỷ USD và cá tra gần 1,79 tỷ USD.

Năm 2017, con tôm của Việt Nam đã đánh dấu ở vị trí thứ 3 thế giới về sản lượng xuất khẩu (chỉ xếp sau Ấn Độ và Trung Quốc).

Năm 2010, Trung Quốc và Thái Lan là 2 nước có sản lượng tôm đứng thứ nhất và thứ hai thế giới, nhưng đến 2017, Trung Quốc đã tụt xuống vị trí thứ 2, sau Ấn Độ, còn Thái Lan xếp sau Việt Nam và Ecuador.

Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, sản lượng tôm thế giới sẽ tăng ổn định, lần lượt đến năm 2020 và 2025 là 5,2 và 6,525 triệu tấn.

1/ Quy hoạch vùng nuôi tôm tại các tỉnh ĐBSCL:

Ngày 31/12/2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành quyết định số 5528/QĐ-BNN-TCTS phê duyệt Quy hoạch nuôi tôm nước lợ vùng ĐBSCL đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030. Theo đó, diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 650 ngàn ha và 670 ngàn ha vào năm 2020 và 2030 tương ứng; Tổng sản lượng tôm nước lợ toàn vùng đạt 700 - 625 ngàn tấn vào năm 2020 và 850-900 ngàn tấn vào năm 2030.

Thực tế đến cuối năm 2017, diện tích nuôi tôm nước lợ đã đạt trên 722 ngàn ha, cao hơn chỉ tiêu quy hoạch; trong đó, diện tích thả nuôi tôm sú là 622.394 ha, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng là 99.967 ha.

Trong 30 tỉnh có ngành nuôi tôm, ĐBSCL là vùng tập trung nuôi tôm lớn nhất cả nước, chiếm 83% sản lượng và 92% diện tích nuôi tôm, trong đó các tỉnh có diện tích đứng đầu là Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang. Theo kế hoạch, năm 2018, sản lượng tôm nước lợ phấn đấu đạt 720 ngàn tấn (tăng 13,1% so với 2017).

Trước những cơ hội lớn, Chính phủ đã có những chỉ đạo kịp thời nhằm tạo điều kiện cho ngành nuôi trồng thủy sản (NTTS) nói chung và ngành tôm nói riêng phát triển nhanh hơn. Ngày 18/1/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 79/QĐ-TTg về "Kế hoạch hành động Quốc gia (KHHĐQG) phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025".

Theo KHHĐQG: Giai đoạn đến 2020 diện tích đạt 710 ngàn ha, sản lượng tôm nước lợ 800 ngàn tấn trong tổng 832,5 ngàn tấn tôm các loại, tăng trưởng bình quân 5,63%/năm; giá trị xuất khẩu đạt 5,5 tỷ USD, trong đó tôm nước lợ 4,5 tỷ USD;

Giai đoạn 2021-2025: diện tích tôm nước lợ đạt 750 ngàn ha, tôm nước lợ đạt 1,1 triệu tấn trong tổng 1,153 triệu tấn cùng với tôm càng xanh và tôm hùm; tăng trưởng bình quân 6,73%/năm; giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 10 tỷ USD, trong đó tôm nước lợ đạt 8,4 tỷ USD;

Nhiệm vụ đặt ra là cần rà soát quy hoạch và xây dựng các vùng nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp theo hướng công nghệ cao, tập trung tại ĐBSCL và duyên hải miền Trung (tập trung tại 6 tỉnh duyên hải Cà Mau, Trà vinh, Bạc Liêu, Kiên Giang, Bến Tre, Sóc trăng); Đầu tư lưới điện 3 pha đảm bảo cấp đủ điện cho các vùng  sản xuất tôm nước lợ công nghiệp.

Kéo điện cho các khu vực nuôi tôm tỉnh Trà Vinh.

Theo KHHĐQG, cả nước có 30 tỉnh thành có diện tích nuôi tôm nước lợ, trong đó diện tích và sản lượng nuôi tôm nước lợ tại 8 tỉnh duyên hải ĐBSCL đến 2020 chiếm 90% và sản lượng chiếm 86%; đến năm 2025 diện tích nuôi tôm nước lợ tại 8 tỉnh ĐBSCL sẽ chiếm 87,9%, sản lượng chiếm 81,3%, được phân bổ theo các tỉnh như bảng dưới đây. Qua đó khẳng định: vùng duyên hải ĐBSCL là vùng chủ lực ngành nuôi tôm Việt Nam.

 

Tỉnh

2020

2025

STT

DT nuôi tôm NL-ha

Sản lượng (t)

DT nuôi tôm NL-ha

Sản lượng (t)

1

Cà Mau

280.000

180.205

280.000

232.677

2

Bạc Liêu

131.506

125.155

123.974

189.005

3

Kiên Giang

99.242

80.000

112.190

119.391

4

Sóc trăng

61.549

127.398

67.115

142.088

5

Bến Tre

33.428

84.211

36.197

101.170

6

Trà Vinh

25.788

66.488

29.000

78.447

7

Long An

4.100

14.233

4.650

19.125

8

Tiền giang

3.900

9.983

6.000

12.800

 

Tổng

639.513

687.673

659.126

894.703

 


 

 Bản đồ các tỉnh vùng ĐBSCL.

Như đã nêu, trong nuôi tôm nước lợ có nhiều hình thức như: nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến, nuôi tôm - lúa (luân canh) và tôm - rừng là các loại hình nuôi tôm gần với tự nhiên, sản lượng thấp, tuy cần nhiều diện tích nhưng không đòi hỏi nhiều đầu tư và không yêu cầu hệ thống điện cho sục oxy, quạt nước. Còn đối với loại hình nuôi tôm bán thâm canh, thâm canh và siêu thâm canh (còn gọi là nuôi tôm công nghiệp (1) có sản lượng cao, diện tích nuôi nhỏ, nhưng cần đầu tư hệ thống ao nuôi hiện đại, thức ăn công nghiệp cùng với hệ thống bơm nước, quạt nước, sục oxy, tuần hoàn nước,... Đây là hình thức sản xuất cần có hệ thống điện cung cấp liên tục.

Năm 2017, diện tích nuôi tôm công nghiệp khoảng 130 ngàn ha trên tổng 722 ngàn ha, chỉ chiếm 18%, nhưng diện tích này ước tính sẽ tăng lên trên 20% trong giai đoạn đến năm 2020 và trên 29% vào 2025 (220 ngàn/750 ngàn ha) do tính hiệu quả cao và đất sử dụng ngày càng hạn chế. Đây cũng là diện tích quy hoạch mà ngành Điện cần tập trung đầu tư xây dựng và nâng cấp lưới điện để đảm bảo yêu cầu công nghệ.

Điểm lại tình hình thực hiện quy hoạch vùng nuôi tôm của các tỉnh ĐBSCL, cho thấy:

Thứ nhất, hầu hết các tỉnh đều có quy hoạch NTTS và nhất là nuôi tôm nước lợ giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030, nói chung các quy hoạch phù hợp với KHHĐQG về phát triển ngành tôm. Tuy nhiên, tình hình thực hiện quy hoạch còn chưa đồng đều: các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh, Long An đều có kế hoạch và thực hiện cao hơn; tỉnh Tiền Giang chưa có quy hoạch riêng nhưng hiện trạng và kế hoạch triển khai cao hơn; tỉnh Kiên Giang lại triển khai chậm hơn; tỉnh Bến Tre diện tích từ 37,3 ngàn ha năm 2017, sang năm 2018 lại giảm xuống 27,7 ngàn ha; tỉnh Sóc Trăng có quy hoạch diện tích nuôi tôm đến năm 2020 là 48.9 ngàn ha, thấp hơn so với KHHĐQG (61,5 ngàn ha). Điều này có thể lý giải là chuỗi kinh doanh tôm, từ khâu đầu vào (hạ tầng, giống, thức ăn) - nuôi trồng - thu hoạch - chế biến - tiêu thụ tại một số địa phương chưa hoàn chỉnh, dẫn đến không đạt kế hoạch diện tích và sản lượng.

Thứ hai, sự chuyển đổi từ nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến sang nuôi công nghiệp diễn ra với tốc độ khá nhanh, nhưng nhiều nơi theo kiểu tự phát, thiếu quy hoạch chuyển đổi hợp lý. Nhiều vùng nuôi tập trung khi đã được quy hoạch nuôi tôm công nghiệp, nhưng các hộ trong vùng lại không phát triển nuôi công nghiệp, những vùng không được quy hoạch thì người dân lại phát triển nuôi tự phát.

Thứ ba, từ những bất cập về phát triển nuôi tôm tự phát, không theo vùng quy hoạch tập trung, dẫn đến các hạ tầng về giao thông, kênh mương thủy lợi, lưới điện không theo kịp. Đây cũng là những bức xúc của các công ty điện lực địa phương, trong điều kiện hạn hẹp về vốn đàu tư.

Ví dụ tại Cà Mau: Hiện chỉ có một số vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung được đầu tư lưới điện 3 pha và nâng cấp trạm biến áp để vận hành máy móc thiết bị, một số vùng có diện tích nuôi tôm công nghiệp phân tán, mặc dù có sự quan tâm đầu tư nhưng chưa thể đáp ứng kịp nhu cầu phát triển; điện phục vụ cho nuôi tôm công nghiệp khu vực này đáp ứng chưa được 50% nhu cầu.

2/ Việc phối hợp giữa UBND các tỉnh, các sở ngành liên quan với ngành Điện trong việc đầu tư hiệu quả lưới điện tại các vùng được quy hoạch:

EVNSPC và các công ty điện lực thành viên trong nhiều năm đã phối hợp chặt chẽ với các tỉnh ĐBSCL về các vấn đề:

Thứ nhất, bám sát các chỉ đạo, định hướng của Chính phủ và UBND các tỉnh về lập và triển khai quy hoạch các vùng nuôi tôm công nghiệp; Phối hợp với UBND tỉnh trong rà soát phát triển nuôi tôm theo vùng quy hoạch; Năm 2017, EVNSPC đã có báo cáo Bộ NN&PTNT xem xét đưa phần vốn đầu tư cấp điện vào Đề án "Phát triển nuôi tôm công nghiệp vùng biển khu vực phía Nam" mà Bộ đang chủ trì thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời có văn bản gửi các UBND tỉnh có kiến nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ vốn để thực hiện cấp điện cho các vùng nuôi tôm.

Mô hình "Thay thế gối đỡ trục giàn quạt (tạo khí ô-xy) chữ U bằng con lăn trục quay" giúp các hộ dân nuôi tôm tiết kiệm tiền điện hiệu quả đã được Công ty Điện lực Sóc Trăng (thuộc Tổng công ty Điện lực miền Nam) triển khai thành công.

Thứ hai, phối hợp với các Sở NN&PTNT nắm bắt các vùng phát triển nuôi tôm CN để ưu tiên đầu tư lưới điện tại các nơi có nhu cầu cấp bách và chuẩn bị vốn và kỹ thuật cho các dự án trung hạn.

Thứ ba, phối hợp với các Sở Công Thương hoàn chỉnh quy hoạch mạng lưới điện trung và hạ áp để chủ động bố trí, huy động các nguồn vốn cho phát triển lưới điện và tập trung cho phát triển nuôi tôm công nghiệp.

Thứ tư, phối hợp đồng bộ với các sở, ngành (các hiệp hội ngành nghề, đài truyền hình, phát thanh, báo chí...) tại địa phương nhằm hướng dẫn, tập huấn, tuyên truyền các giải pháp sử dụng điện an toàn, hiệu quả, tiết kiệm tới các hộ, doanh nghiệp nuôi tôm công nghiệp. Các hình thức tuyên truyền khá đa dạng như: các buổi tập trung tập huấn, hướng dẫn; phát hành cẩm nang, sổ tay sử dụng điện; phát hành tờ rơi; lập các mô hình cải tiến sử dụng điện để làm hạt nhân lan tỏa; Cơ chế hỗ trợ vốn mua sắm các thiết bị sử dụng điện hiệu quả...

Thứ năm, tổng hợp các yếu tố thuận lợi, các khó khăn để trình các cấp quản lý có thẩm quyền hỗ trợ các quy định, các giải pháp công nghiệp.

Tuy còn nhiều thách thức về nhận thức của người dân, về hạ tầng chưa đồng bộ, về nguồn vốn hạn hẹp, về hiệu quả đầu tư, nhưng tin rằng với trách nhiệm chính trị cao của ngành Điện và sự phối hợp hài hòa của các địa phương trong ĐBSCL, việc phát triển lưới điện 3 pha phục vụ nuôi trồng thủy sản nói chung và ngành tôm nói riêng sẽ ngày càng tốt hơn, vượt qua các khó khăn, đạt được mục tiêu của Chính phủ về lộ trình phát triển ngành tôm đến năm 2025 có xét đến năm 2030.

(Đón đọc kỳ tới...)



Bài báo có tham khảo:

- Các tài liệu của VEA, EVNSPC và các công ty điện lực vùng ĐBSCL, 2018.

- Phạm Hữu An, Hội thảo "Nhu cầu tôm thế giới và khả năng cung cấp của Việt Nam đến năm 2025", Tp. Hồ Chí Minh, ngày 23/8/2018.

(1) Năng suất nuôi thâm canh 9-12 tấn/ha/năm, siêu thâm canh 15-25 tấn/ha/năm.

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động