RSS Feed for Cuộc cách mạng năng lượng sạch ở Cuba | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 03/12/2024 23:49
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Cuộc cách mạng năng lượng sạch ở Cuba

 - Nền kinh tế quốc đảo Cuba luôn được Quỹ Quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF), tổ chức môi trường lớn nhất thế giới xếp vào hàng phát triển bền vững trong nửa thập niên nay, qua thành tựu chủ yếu có được từ cuộc cách mạng năng lượng do Chủ tịch Fidel Castro khởi xướng hơn 6 năm trước.

 

Cuba là nước bị Mỹ cấm vận kinh tế ngay từ lúc chính quyền vô sản được thiết lập vào năm 1959, đi kèm là khủng hoảng năng lượng dai dẳng tới đầu thập niên 90 bỗng trở thành thảm họa, sau khi một loạt nước XHCN ở Đông Âu sụp đổ, đồng nghĩa với nguồn viện trợ lớn lao bị cắt đứt; trong khi Cuba lại không có đủ ngoại tệ để nhập khẩu nhiên liệu và dầu mỏ từ các nguồn khác. Hệ quả bao trùm là nhiều cơ sở phát điện phải đóng cửa, hệ thống xe điện công cộng bị tê liệt, nhiều nhà máy xí nghiệp ngừng sản xuất do thiếu nhiên liệu, thiếu điện. Nguồn điện sinh hoạt tuân thủ theo chế độ nghiêm ngặt, việc cắt điện được thực hiện ngay cả những giờ buổi tối khiến cuộc sống bị đảo lộn.

Nhưng tầm nhìn vĩ mô của giới lãnh đạo đất nước không hề bi quan, Chủ tịch Fidel Castro phát động từ đầu năm 2006 "Revolucíon Energética" (cuộc cách mạng năng lượng theo tiếng Tây Ban Nha), biến Cuba thành một đất nước sử dụng rộng rãi năng lượng mặt trời, cũng như tất cả các nguồn năng lượng thay thế thân thiện với môi trường khác như sức gió, thủy triều, khí sinh học...

 

Các phương tiện vận tải thô sơ cũng góp phần tiết kiệm nhiên liệu.

Trong bài phát biểu cởi mở trên Truyền hình Nhà nước, Chủ tịch Fidel Castro đã phân tích rằng: "Chúng ta không thể đợi năng lượng từ trên trời rơi xuống, bởi chúng ta đã phát hiện ra một thứ khác có ý nghĩa sâu xa hơn: chúng ta có thể tiết kiệm nó. Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta đã khám phá ra nguồn dầu mỏ dự trữ khổng lồ".

Sau đó trên khắp đất nước, ở bất cứ đâu cũng thấy các biểu ngữ quảng bá cho việc tiết kiệm năng lượng. Nhật báo Granma, Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Cuba thường xuyên đăng tải những bài ca ngợi các nguồn năng lượng tái tạo mới, còn trên truyền hình chuyên mục hàng tuần dành riêng cho chủ đề năng lượng được đông đảo khán giả màn ảnh nhỏ chú tâm theo dõi.

Ngay từ năm 2005, Chủ tịch Fidel Castro đã ra lệnh cấm sử dụng bóng đèn dây tóc lãng phí điện, chỉ trong vòng 6 tháng đã có 9 triệu bóng đèn đốt trong tại các gia đình, công sở và nhà máy được thay thế bằng bóng tiết kiệm điện năng hơn. Gần 2 năm kế tiếp là chiến dịch loại bỏ 2 triệu chiếc tủ lạnh, 1 triệu chiếc quạt, 180.000 máy điều hòa và 260.000 bơm nước kiểu cũ tiêu thụ nhiều điện. Các đồ điện nhập khẩu mới được mua theo chính sách hỗ trợ người tiêu dùng, qua hình thức cho vay không tính lãi của Chính phủ Cuba.

 

Dòng chữ "Chúng ta vẫn dấn bước" phản ánh sự thành công từ cuộc cách mạng năng lượng do Chủ tịch F. Castro đề xướng.

Một phương thức khác được áp dụng nhằm tiếp cận cơ chế tiết kiệm là giá bán điện, với 100kW đầu có giá ưu đãi tương đương 2 cents Mỹ/kW (1 USD = 100 cents), còn mỗi kW tiêu thụ sau chỉ số này đều có giá tăng vọt. Chính sách tiết kiệm năng lượng nhất quán đã mang lại kết quả hữu hiệu, so với trước khi có cuộc cách mạng năng lượng, thông số sử dụng ít hơn là 34% của dầu mỏ, 37% của khí hóa lỏng và 80% của xăng dầu. Hiện thời một gia đình Cuba tiêu thụ lượng điện năng chỉ bằng 1/8 lượng tiêu thụ năng lượng của một gia đình có số nhân khẩu tương tự ở Mỹ.

Ngoài ra là sự phát triển vượt bậc của ngành sản xuất khí sinh học, góp phần đáng kể thay thế lượng điện và khí hóa lỏng khổng lồ dùng để đun nấu hàng ngày. Hơn 250 nhà máy sản xuất khí sinh học đã được khai trương ở tất cả các tỉnh trên toàn quốc, trong vòng 3 năm tới 250 nhà máy mới sẽ được đưa vào sử dụng nhờ nguồn kinh phí do Liên minh châu Âu trợ giúp. Rất nhiều nhà tài trợ ngoại quốc đã ủng hộ cuộc cách mạng năng lượng ở Cuba, trong đó có Công ty Eurosolar của Đức, chuyên chế tạo các tấm pin mặt trời, một trong những nền tảng trụ cột cấu thành Revolucíon Energética

Theo: CAND/Cubadebate.com

 

 

www.nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động