RSS Feed for Chưa phê duyệt DA giao thông, thủy điện trên sông Hồng | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 27/12/2024 06:50
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Chưa phê duyệt DA giao thông, thủy điện trên sông Hồng

 - Chính phủ chưa xem xét việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án giao thông, thủy điện trên sông Hồng vì chưa đủ căn cứ, cơ sở theo quy định của pháp luật.

Giao thông, thủy điện trên Sông Hồng: Dự án to, nỗi lo lớn!

Ngày 9/5, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng có công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện theo hình thức BOO (Dự án).

Văn bản nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ chưa xem xét việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án vì chưa đủ căn cứ, cơ sở theo quy định của pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tổ chức xây dựng Quy hoạch tổng thể khai thác sông Hồng để bảo đảm phát triển bền vững, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Việc xây dựng Quy hoạch nêu trên phải được thực hiện một cách kỹ lưỡng, khoa học và phải có sự tham gia của các địa phương liên quan, các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị, xã hội khác là đại diện cho lợi ích của người dân trong lưu vực đồng bằng Sông Hồng.

Nhiều vấn đề còn bỏ ngỏ, thiếu minh bạch

Theo phân tích của PGS, TS. Bùi Huy Phùng trên NangluongVietnam Online thì những đề xuất ý tưởng táo bạo của Tập đoàn kinh tế Xuân Thành là rất đáng trân trọng và khích lệ. Tuy nhiên, TS. Phùng cũng tỏ ra "ngạc nhiên và lo ngại".

Trước nhiều vấn đề còn bỏ ngõ, thiếu minh bạch của dự án này, TS. Bùi Huy Phùng cho rằng, cần phải làm rõ 6 nội dung lớn.

Thứ nhất: Nội dung chính của dự án là cải tạo Sông Hồng thành tuyến giao thông thủy xuyên Á, nối với Tây Nam của Trung Quốc. Với khoảng cách ngắn, sẽ hình thành 6 con đập và âu thuyền, thuyền bè cỡ lớn có thể lưu thông.

Như vậy, Sông Hồng sẽ bị cắt thành 6 khúc, nước dâng thành hồ, sinh thái dòng sông sẽ trở thành sinh thái hồ. Điều này chúng ta đã thấy rõ ở hệ thống sông Tây Nguyên, Sông Mêkong gây hạn hán, xâm nhập mặn... Trong quá trình cải tạo, nạo vét hàng trăm km đường sông từ Việt Trì lên Lào Cai, xây đập, âu thuyền sẽ hủy hoại nhiều, kiến tạo địa chất, cảnh quan thiên nhiên quý giá, môi trường sinh thái thay đổi.

Thứ hai: Với 6 con đập, từng chặng sông, nước sẽ dâng lên, chắc chắn ảnh hưởng tới phân bố dân cư, đất đai vốn đã khá ổn định; phù sa nuôi dưỡng đồng bằng Sông Hồng sẽ ít đi, vựa lúa Đồng bằng Sông Hồng bị đe dọa, ảnh hưởng tới an ninh lương thực, sinh kế và xã hội của hàng chục triệu dân Bắc bộ.

Thứ ba: Cũng với 6 đập, nước dâng sẽ ảnh hưởng tới các công trình thủy lợi, thủy điện hiện có. Phần hạ lưu, mức nước sẽ giảm bớt, hiện tượng thiếu nước và xâm nhập mặn sẽ tăng lên, ảnh hưởng khôn lường chưa dự báo được.

Thứ tư: Về kết hợp thủy điện, dự án dự kiến xây 6 thủy điện có tổng công suất 228 MW. Như vậy, theo phân loại của Việt Nam là các thủy điện vừa (trên 30MW mỗi trạm), với lượng điện phát hằng năm chưa tới một tỷ kWh, đối với Việt Nam hiện tại và tương lai, chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ.

Có thể nói, cho tới nay (năm 2016), Việt Nam đã xây dựng 7 Quy hoạch điện quốc gia, chưa thấy nghiên cứu nào đề cập tới xây dựng thủy điện trên Sông Hồng. Phải chăng các Quy hoạch điện quốc gia đều bỏ sót!

Tuy dự án đề nghị sẽ xây dựng thủy điện cột nước thấp, nhưng cũng phải đắp đập, tích nước thì mới có thế năng.

Mặt khác, dự tính lúc xây xong giá điện khoảng 1900đ/kWh, sau đó sẽ là 3500đ/kWh.

Xin lưu ý, hiện tại giá điện bình quân hệ thống của Việt Nam chưa tới 1900đ/kWh. Giá điện năng lượng tái tạo ở nhiều nước hiện nay khoảng 8cents/kWh và dự kiến đến năm 2020 sẽ giảm 20%.

Vậy ai sẽ mua điện của dự án?

Thứ năm: Về năng lực tài chính, với dự án 1,1 tỷ USD, yêu cầu chủ đầu tư phải có 30%, được biết vốn điều lệ của chủ đầu tư khoảng 1200 tỷ đồng, vậy có tương xứng không? Chắc sẽ vay, hoặc kêu gọi nhiều công ty góp vốn. Trong kinh doanh, vay - trả, trả - vay là chuyện bình thường; tuy nhiên mức độ rủi ro chậm tiến độ, đặc biệt mất tự chủ là rất cao.

Việt Nam hiện nay chắc đã có khá nhiều kinh nghiệm trong vấn đề này.

Do vậy, theo chúng tôi, đã đến lúc chúng ta phải chia tay các dự án "tình huống", hay "cơ chế đặc thù"...

Thứ sáu: An ninh và lợi ích là vấn đề hết sức quan trọng và nhạy cảm. Hiện nay Việt Nam vừa hoàn thành nhiều tuyến đường bộ hiện đại lên phía Bắc với kinh phí nhiều ngàn tỷ đồng, chưa thấy có đánh giá nào về mức mang tải của các tuyến đường này, nhưng trực quan thấy còn thưa thớt lắm.

Cho tới nay, lợi ích dự án thế nào? Đường thủy của dự án sẽ chở gì, ai đi lại? Cộng đồng dân Việthưởng lợi thế nào? Chưa rõ! Thấy rõ nét hơn, đường thủy xuyên Á này khơi thông, tạo thuận lợi cho vùng Vân Nam của Trung Quốc.

Nói tóm lại là dự án lớn này còn nhiều nội dung chưa minh triết, lợi ích cộng đồng chưa rõ ràng, nhưng ảnh hưởng xấu tới môi trường, môi sinh đã rõ nét, làm nhiều người lo lắng, mong các cơ quan công quyền hết sức thận trọng, cần thiết tổ chức thẩm định độc lập và nhất thiết phải tham vấn ý kiến cộng đồng.

Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét thông qua đề xuất đầu tư dự án giao thông thủy xuyên Á trên Sông Hồng kết hợp với Thủy điện theo hình thức BOO (xây dựng - sở hữu - vận hành) của công ty thuộc Tập đoàn kinh tế Xuân Thành (Ninh Bình).

Dự án này có vốn đầu tư dự kiến là 24.510 tỷ đồng (trong đó, 30% tổng mức đầu tư do nhà đầu tư góp; phần còn lại huy động vốn vay thương mại) do Công ty TNHH Xuân Thiện thuộc Tập đoàn kinh tế Xuân Thành đề xuất.

Dự án có mục tiêu kép là nâng cấp tuyến vận tải đường thủy dọc Sông Hồng trên cơ sở kết nối 2 tuyến vận tải thủy lớn là Hải Phòng - Việt Trì và Hà Nội - Lạch Giang; đồng thời cung cấp lượng điện năng lên tới 0,91 tỷ kWh/năm.

Chủ đầu tư dự kiến sẽ xây dựng 6 đập dâng nước và âu tàu, nạo vét hơn 288 km luồng Sông Hồng đoạn từ Việt Trì lên Lào Cai đạt tiêu chuẩn sông cấp 3; kết hợp xây dựng 6 nhà máy thủy điện nhỏ (cấp 2), kiểu tuabin trục ngang cột nước thấp với tổng công suất thiết kế khoảng 228 MW; xây dựng 7 cảng dọc tuyến từ Hà Nội lên tới Lào Cai.

Với nguồn thu chính là phí luồng tuyến (đoạn Việt Trì - Yên Bái thu 10.000 - 15.000 đồng/tấn; đoạn Yên Bái thu 40.000 - 45.000 đồng/tấn); giá bán điện khởi đầu là 1.900 đồng/kWh và có lộ trình tăng giá lên tới 3.560 đồng/kWh)… nhà đầu tư kỳ vọng hoàn vốn dự án trong vòng 25 năm.

Dự án giao thông thủy xuyên Á trên Sông Hồng (đoạn Việt Trì - Lào Cai) kết hợp với thủy điện thuộc địa phận các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, TP Hà Nội. Dự án thuộc công trình đường thủy cấp III, quy mô đầu tư luồng tàu kỹ thuật cấp III, đội tàu vận tải tự hành 400 tấn, sà lan 600 tấn; 5 cảng hàng hóa.

Đây là công trình đầu mối giao thông - thủy điện - thủy lợi, với 3 công trình Mậu A, Lâm Giang, Bảo Châu gồm đập dâng nước (đập trụ đỡ bê tông cót thép có cửa van thoát lũ); âu tầu bê tông cốt thép 1 cấp, 1 - 2 tuyến, cửa âu 2 cánh chữ nhân; Nhà máy thủy điện lòng sông (công suất 36 MW - 155 triệu kWh).

NangluongVietnam Online

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động