20 năm đường dây 500kV Bắc - Nam: EVN NPT phát huy thành quả, hướng đến tương lai
09:49 | 23/05/2014
>> Đường dây siêu cao áp 500kV: "Đường điện Trường Sơn"
>> Ý chí siêu cao áp 500kV Bắc - Trung - Nam
>> Đường dây siêu cao áp 500kV Bắc - Nam: Một mốc son lịch sử
Tiến sĩ ĐẶNG PHAN TƯỜNG
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên NPT
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đã đề ra chủ trương đổi mới, tạo điều kiện cho nền kinh tế Việt Nam có những bước chuyển biến tích cực; cùng với đó thì nhu cầu điện năng ngày càng lớn. Tuy nhiên, hệ thống điện của nước ta còn chưa được kết nối thống nhất và bộc lộ nhiều bất cập. Trong khi các nhà máy điện khu vực miền Bắc không phát huy được tối đa công suất, có hiện tượng "thừa điện" thì khu vực miền Nam với sự phát triển kinh tế mạnh mẽ và năng động nên nhu cầu điện tăng cao, trong khi công suất lắp đặt các nhà máy điện không đáp ứng được nhu cầu dẫn đến thiếu điện trầm trọng, phải hạn chế phụ tải bằng cách cắt điện luân phiên hoặc đột xuất hầu như tất cả các ngày trong tuần. Khu vực miền Trung được cấp điện chủ yếu qua ĐZ 220kV Vinh - Đồng Hới lấy điện từ Nhà máy thủy điện Hòa Bình và ĐZ 66kV từ Nhà máy thủy điện Đa Nhim cấp cho Cam Ranh, Khánh Hòa cùng một số nguồn diesel nhỏ tại chỗ, vì vậy, công suất truyền tải bị hạn chế, chất lượng điện năng không đảm bảo. Để khắc phục các bất cập nêu trên, đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Đảng và Nhà nước đã quyết định đầu tư xây dựng ĐZ 500kV Bắc - Nam.
Ngày 27/5/1994, sau hơn 2 năm thi công, ĐZ 500kV Bắc - Nam, với tổng chiều dài 1.487 km ĐZ 500kV, 5 trạm biến áp 500kV có tổng dung lượng là 1.350 MVA đã được đóng điện an toàn, chính thức kết nối hệ thống điện cả nước, giải quyết căn bản tình trạnh thiếu điện của miền Nam và miền Trung. Điện thương phẩm toàn quốc chỉ tăng trưởng 5-6% giai đoạn 1990-1992, đã tăng đột biến lên 18,2% giai đoạn 1993-1997, và đỉnh điểm là 21% năm 1995, trong đó khu vực miền Trung và miền Nam tăng đến 21% giai đoạn 1993-1997 và năm 1995 là 25%. Nhờ vậy, nền kinh tế đất nước đã đạt tốc độ tăng trưởng GDP từ 5,1% vào năm 1990 lên 9,5% vào năm 1995, trong đó tốc độ tăng trưởng sản lượng công nghiệp bình quân đạt từ 12% đến 14% giai đoạn 1990-1995, vượt các chỉ tiêu đề ra.
Hơn 10 năm sau, ngày 23/9/2005, ĐZ 500kV Bắc - Nam mạch 2 đã được hoàn thành đóng điện đưa vào vận hành, tăng cường độ liên kết, nâng cao độ an toàn, ổn định cho hệ thống truyền tải điện Quốc gia, góp phần khai thác được tối ưu các nguồn điện trong hệ thống và nâng cao chất lượng điện năng. Hai mươi năm qua, cán bộ công nhân viên truyền tải điện luôn đảm bảo vận hành an toàn, liên tục, ổn định và khai thác có hiệu quả ĐZ 500kV Bắc - Nam trong mọi điều kiện vận hành và thời tiết, giảm thiểu sự cố và thời gian ngừng cung cấp điện.
Ngày 01/7/2008, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (NPT) chính thức được thành lập trên cơ sở tổ chức lại bốn Công ty Truyền tải điện 1, 2, 3, 4 và ba Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc, Trung, Nam với vốn điều lệ là 7.200 tỷ đồng; là đơn vị duy nhất thực hiện chức năng đầu tư xây dựng và quản lý vận hành lưới điện truyền tải Quốc gia trong phạm vi cả nước. Trong gần 6 năm qua, NPT đã nỗ lực vượt qua rất nhiều khó khăn của ngày đầu mới thành lập, của giá truyền tải quá thấp và tình trạng quá tải xảy ra trên nhiều ĐZ, trạm biến áp cùng những tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế thế giới để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
NPT đã đảm bảo truyền tải điện an toàn, liên tục, ổn định cho các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội và an ninh, quốc phòng; góp phần quan trọng cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam cung cấp đủ điện cho đất nước. Tính đến hết tháng 3/2014, NPT đã truyền tải an toàn gần 560 tỷ kWh điện, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm khoảng 10%; các chỉ tiêu suất sự cố ĐZ và trạm biến áp đều thấp hơn so với các chỉ tiêu được giao, nhiều đội ĐZ, trạm biến áp 5 năm qua vận hành an toàn tuyệt đối.
Công tác đầu tư xây dựng đạt được những kết quả khả quan, về cơ bản đáp ứng được tiến độ đề ra, đặc biệt là các công trình trọng điểm, cấp bách. Trong gần 6 năm qua, NPT đã đầu tư tổng cộng trên 61.000 tỷ đồng, trong đó đầu tư thuần đạt gần 44.000 tỷ đồng; đóng điện đưa vào vận hành an toàn tổng cộng 244 công trình, trong đó có 3.332 km ĐZ 500kV, đưa khối lượng quản lý vận hành tăng gần gấp đôi so với thời điểm thành lập, 4.249 km ĐZ 220kV, đưa khối lượng quản lý vận hành tăng 1,56 lần so với thời điểm thành lập, 11 trạm biến áp 500kV, 24 trạm biến áp 220kV với tổng dung lượng máy biến áp tăng thêm là 25.600 MVA, đưa khối lượng quản lý vận hành tăng hơn hai lần so với thời điểm thành lập.
Chỉ trong năm 2013 và 4 tháng đầu năm 2014, NPT đã đóng điện vận hành nhiều dự án quan trọng, cấp bách, các dự án cấp điện cho miền Nam như các ĐZ 500kV Phú Mỹ - Sông Mây, Sông Mây - Tân Định, Vĩnh Tân - Sông Mây, Quảng Ninh - Mông Dương, trạm biến áp 500kV Sông Mây... Đặc biệt, ngày 5/5/2014, NPT đã đóng điện ĐZ 500kV Pleilu - Mỹ Phước - Cầu Bông (ĐZ 500kV mạch 3) với quy mô 2 x 437,5 km và trạm biến áp 500kV Cầu Bông, ĐZ này sẽ tăng khả năng truyền tải điện lên 2.300 MW, tạo cơ sở hình thành hệ thống liên kết lưới điện truyền tải 500kV với các nhà máy thủy điện của Lào và khu vực trong tương lai.
Đến nay, hệ thống lưới điện 500kV không chỉ liên kết lưới điện các miền, đấu nối các nhà máy điện, mà còn tạo các mạch vòng, đảm bảo cấp điện cho các thành phố lớn và trọng điểm kinh tế như mạch vòng 500kV Phú Mỹ - Sông Mây - Tân Định - Phú Lâm - Nhà Bè; Sơn La - Hiệp Hòa - Quảng Ninh - Thường Tín - Nho Quan - Hòa Bình. Lưới điện truyền tải đã và đang được đầu tư các công nghệ ngày càng hiện đại như ĐZ nhiều mạch, nhiều cấp điện áp, cáp ngầm cao áp 220kV, trạm GIS 220kV, hệ thống điều khiển tích hợp bằng máy tính, thiết bị định vị sự cố, giám sát dầu online; hệ thống SCADA… Đây là cố gắng rất lớn của NPT trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước gặp rất nhiều khó khăn trong những năm gần đây.
Quy mô quản lý của NPT ngày càng phát triển mạnh mẽ. Hiện nay, vốn điều lệ của NPT là 22.260 tỷ đồng, tổng giá trị tài sản đạt trên 60 nghìn tỷ đồng. Nếu năm 1994, lưới điện truyền tải nước ta mới có 1.487 km ĐZ 500kV, 1.913,7 km ĐZ 220kV, 5 trạm biến áp 500kV, tổng dung lượng các máy biến áp là 3.655 MVA thì đến nay NPT đã quản lý vận hành 6.754 km ĐZ 500kV, tăng hơn 4,54 lần, 11.903 km ĐZ 220kV, tăng trên 6,2 lần, 97 trạm biến áp, trong đó có 21 trạm biến áp 500kV, tổng dung lượng máy biến áp là trên 50.000 MVA, tăng 13,7 lần. Đặc biệt, hai mạch ĐZ 500kV Bắc - Nam đã được NPT đầu tư nâng dung lượng tụ bù dọc để nâng khả năng tải, vì vậy công suất truyền tải trên 2 mạch ĐZ 500kV Bắc - Nam có thể lên tới 1.600 - 1.800 MW, sản lượng truyền tải đạt trên 12 tỷ kWh/năm, cao gấp 6 lần so với thiết kế ban đầu. Lưới điện truyền tải Quốc gia đã vươn tới 60/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và từng bước kết nối với lưới điện truyền tải của các nước trong khu vực.
Bên cạnh những thành quả trong đầu tư phát triển và vận hành an toàn hệ thống truyền tải điện Quốc gia, các lĩnh vực khác của NPT cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Công tác quản lý và quản trị doanh nghiệp được tăng cường và giành được những kết quả tốt. NPT đã hoàn thành việc xóa bỏ tình trạng các công trình lâm quản tồn tại từ nhiều năm trước đây. Công tác quyết toán các dự án ĐTXD hoàn thành đạt được kết quả tích cực; năm 2013 đã hoàn thành quyết toán 95 dự án, tạo tiền đề để năm 2014 có thể hoàn thành quyết toán tất cả các dự án theo quy định. NPT đã cơ bản giải quyết hết các khoản công nợ còn tồn đọng tại thời điểm 31/12/2013… Đây là những công việc rất khó đối với doanh nghiệp có quy mô như NPT, đặc biệt trong điều kiện khó khăn như hiện nay.
Công tác thu xếp vốn dù bị tác động rất lớn của khủng hoảng kinh tế thế giới, những khó khăn của đất nước, của EVN và các chỉ tiêu tài chính xấu, nhưng cũng đã đạt được những kết quả tốt. Đến nay, cơ bản các dự án lưới điện đang thi công và khởi công trong năm 2013 và đầu năm 2014 đã được NPT thu xếp đủ vốn.
Công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực đạt được kết quả bước đầu. Phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất được đẩy mạnh. Từ năm 2008 đến nay, toàn NPT đã có hơn 1.000 sáng kiến và đề tài nghiên cứu khoa học được nghiên cứu, áp dụng, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học được đánh giá cao như đề tài Lập Quy trình bảo dưỡng máy biến áp 500kV đã đạt giải nhất, đề tài Vệ sinh cách điện lưới điện truyền tải đang mang điện bằng nước áp lực cao đạt giải nhì tại Giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam năm 2011 (VIFOTEC).
Việc làm và thu nhập của người lao động được đảm bảo ổn định, điều kiện, môi trường làm việc ngày càng được cải thiện thông qua các việc bổ sung các trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ phục vụ công tác quản lý vận hành, thí nghiệm, sửa chữa và xử lý sự cố, xe ô tô chở công nhân đi làm trên tuyến, khắc phục cơ bản tình trạng thiếu xe chở công nhân và đầu tư xây dựng các nhà làm việc cho các đội truyền tải điện để sớm khắc phục tình trạng phải đi thuê nhà làm việc…
Những thành tích mà các thế hệ cán bộ công nhân viên NPT giành được trong thời gian qua là rất lớn nhưng chặng đường phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhiệm vụ là rất nặng nề. Lưới điện truyền tải vẫn chưa đáp ứng yêu cầu truyền tải điện, tình trạng quá tải còn xảy ra ở nhiều khu vực, nguy cơ sự cố gây mất điện trên diện rộng cao; khối lượng đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải các năm tới rất lớn, bình quân giai đoạn 2014-2020, NPT sẽ phải đầu tư trên 17.000 tỷ đồng/năm; tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn, thách thức đã trải qua trong thời gian qua...
Để hoàn thành sứ mệnh "đảm bảo truyền tải điện an toàn, liên tục, ổn định cho các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng và thị trường điện Việt Nam", NPT quyết tâm phát huy những thành quả đã đạt được, tích cực, chủ động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tranh thủ sự quan tâm, ủng hộ của Chính phủ, các bộ, ngành, EVN và các địa phương, hợp tác chặt chẽ với các đối tác. Các mục tiêu, giải pháp cụ thể cần phải thực hiện là:
Một là, tập trung mọi nỗ lực và phương tiện để vận hành an toàn các ĐZ và trạm biến áp, đặc biệt là hệ thống 500kV Bắc - Nam trong điều kiện truyền tải cao cho miền Nam; đặc biệt quan tâm và tìm mọi giải pháp để giảm chỉ tiêu sự cố và tỷ lệ tổn thất điện năng. Đến năm 2020, lưới điện truyền tải đạt tiêu chuẩn độ tin cậy N-1 đối với toàn hệ thống và N-2 ở các khu vực quan trọng, đáp ứng các điều kiện để EVN cung cấp đủ điện cho đất nước với sản lượng điện truyền tải ở mức từ 265 đến 275 tỷ kWh/năm; 100% trạm biến áp đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường theo ISO 14001, toàn bộ lưới điện truyền tải được trang bị các hệ thống giám sát, định vị sự cố, cảnh báo sự cố online cho các máy biến áp; hoàn thành các quy định, tiêu chuẩn về vận hành lưới điện truyền tải đáp ứng yêu cầu vận hành hệ thống có sự tham gia của nhà máy điện hạt nhân.
Hai là, đầu tư mở rộng kết hợp với cải tạo, nâng cấp, đầu tư chiều sâu để đến năm 2020 Việt Nam có một hệ thống lưới điện truyền tải hiện đại và thông minh, đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, liên kết với lưới điện truyền tải các nước trong khu vực; tập trung, tìm mọi giải pháp nhằm đảm bảo tiến độ và chất lượng các dự án theo kế hoạch, đặc biệt là các dự án trọng điểm, cấp bách.
Ba là, đảm bảo nguồn tài chính cho các hoạt động của NPT. Giá truyền tải điện đạt tới mức hợp lý để có thể bảo toàn và phát triển được phần vốn Nhà nước đầu tư trong lĩnh vực truyền tải điện, đảm bảo các chỉ tiêu tài chính theo quy định, có đủ vốn phục vụ cho công tác ĐTXD và có lợi nhuận. Đảm bảo thu xếp vốn đáp ứng nhu cầu đầu tư xây dựng, đặc biệt quan tâm và ưu tiên thu xếp nguồn vốn ODA và các nguồn vốn vay nước ngoài khác có thời hạn vay dài, lãi suất vay thấp; hoàn thành công tác quyết toán vốn đầu tư các dự án đầu tư xây dựng hoàn thành theo quy định.
Bốn là, xây dựng mô hình tổ chức, quản trị chuyên nghiệp, hiệu quả và minh bạch; tập trung thực hiện Đề án tái cơ cấu NPT và đề án đổi mới tổ chức và quản lý của các đơn vị giai đoạn 2012-2015; đổi mới công tác tuyển dụng, đào tạo, quản lý, sử dụng lao động; cụ thể hóa quyền hạn và trách nhiệm người đứng đầu các cấp; tiếp tục thực hiện công tác xây dựng văn hóa doanh nghiệp, cải cách hành chính, xây dựng tiêu chuẩn các thiết bị chính và xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật; phấn đấu có một đội ngũ cán bộ quản lý và chuyên gia hàng đầu khu vực trong lĩnh vực truyền tải điện.
Năm là, thực hiện tin học hóa các lĩnh vực quản lý, nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý và tăng năng suất lao động.
Sáu là, đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhằm nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí trong quá trình đầu tư xây dựng các ĐZ và trạm biến áp, nhằm đáp ứng yêu cầu của các cấp độ thị trường hóa ngành điện; đầu tư, nâng cao năng lực thí nghiệm, sửa chữa và xử lý sự cố.
Bảy là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập trung phục vụ công tác bảo vệ an toàn hành lang lưới điện; bồi thường giải phóng mặt bằng; giá truyền tải điện; vị trí, vai trò, tầm quan trọng của hệ thống truyền tải điện Quốc gia; các sự kiện quan trọng của Tổng công ty và ngành điện.
Tám là, đảm bảo đời sống và thu nhập ổn định cho CBCNV, cải thiện môi trường và điều kiện làm việc cho người lao động, tạo ra môi trường làm việc tốt để CBCNV luôn tự hào và tin tưởng vào NPT; thực hiện tốt công tác an sinh và trợ giúp xã hội, tổ chức tốt phong trào tương thân, tương ái.
Với những kết quả đã đạt được sau 20 năm vận hành ĐZ 500kV Bắc - Nam và các mục tiêu, giải pháp cụ thể trên đây, tôi tin tưởng rằng NPT sẽ phát triển ổn định, bền vững. Tôi đề nghị toàn thể CBCNVC và người lao động trong toàn NPT tiếp tục nỗ lực phấn đấu, cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức để đảm bảo vận hành an toàn hệ thống lưới điện truyền tải Quốc gia trong mọi điều kiện, đáp ứng nhu cầu của đất nước để đón những thời cơ thuận lợi và tương lai tươi sáng, phấn đấu đến năm 2020 vươn lên hàng đầu châu Á về dịch vụ truyền tải điện.
NangluongVietnam.vn