RSS Feed for Ý chí siêu cao áp 500kV Bắc - Trung - Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Chủ nhật 22/12/2024 19:43
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Ý chí siêu cao áp 500kV Bắc - Trung - Nam

 - Vào ngày này cách đây đúng 20 năm, hàng chục triệu trái tim của cả nước hồi hộp chờ đón giây phút lịch sử có một không hai của ngành Điện lực Việt Nam, đó là lúc Thủ tướng Võ Văn Kiệt, như một vị Tổng tư lệnh chiến dịch suốt hơn 730 ngày ròng rã, ra lệnh đóng điện lưới quốc gia đường dây siêu cao áp 500kV đầu tiên của Việt Nam. Khi đó, việc quyết định xây dựng đường dây 500kV Bắc -Trung - Nam là một thách thức "vô tiền khoáng hậu" tại một thời điểm nền kinh tế đất nước cực kỳ khó khăn, trên một con đường mà đích đến dường như còn nằm trong đám sương mờ, trong một hoàn cảnh đầy ắp nỗi nghi ngờ và lo âu về khoa học - công nghệ, về nguồn tài chính, về năng lực quản lý, về hiệu quả kinh tế, môi trường...

>> Đường dây siêu cao áp 500kV Bắc - Nam: Một mốc son lịch sử

NGUYỄN HOÀNG LINH

Cuộc sống thức tỉnh lý trí

Theo tài liệu để lại thì trong tổng sơ đồ phát triển lưới điện giai đoạn 1 (1981 - 1985) của Việt Nam đã đề cập việc xây dựng đường dây tải điện thống nhất hệ thống điện quốc gia của Việt Nam, được thiết lập với sự hợp tác của Liên Xô. Tuy nhiên, do nhu cầu chưa cấp thiết và hoàn cảnh kinh tế đất nước khi đó cực kỳ khó khăn nên kế hoạch đặt ra chưa thực hiện.

Công cuộc đổi mới của đất nước vào năm 1986 đã thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam có những bước phát triển rõ rệt. Giai đoạn 1990 - 1995, tốc độ tăng trưởng sản lượng công nghiệp bình quân đạt từ 12% đến 14%, GDP tăng từ 5,1% vào năm 1990 đến 9,5% vào năm 1995. Nhu cầu tiêu thụ điện năng cũng gia tăng hằng năm, từ 13,12% vào năm 1993 lên 18,43% vào năm 1994 và 20,62% vào năm 1995. Tại các tỉnh miền Nam và thành phố Hồ Chí Minh luôn trong tình trạng thiếu điện nên phải hạn chế phụ tải bằng cách cắt điện luân phiên hoặc đột xuất hầu như tất cả các ngày trong tuần nên ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống.

Trong khi đó, từ  năm 1991 đến 1994, ở miền Nam chỉ có Nhà máy điện điện Bà Rịa 230MW được đưa vào vận hành. Công suất lắp đặt của miền Nam chỉ đáp ứng được 89,73% (lắp đặt 1.005MW, nhu cầu 1.120MW).

Khu vực miền Trung được cấp điện chủ yếu qua đường dây 220kV Vinh - Đồng Hới lấy điện từ Hòa Bình, đường dây 66kV từ Nhà máy thủy điện Đa Nhim cấp cho Cam Ranh, Khánh Hòa và một số nguồn điện diesel nhỏ tại chỗ. Do đường dây quá dài nên công suất truyền tải bị hạn chế và chất lượng điện cuối nguồn không đảm bảo, thường xuyên bị sụp đổ điện áp ở các khu vực Quảng Nam, Quảng Ngãi. Công suất lắp đặt của miền Trung chỉ đáp ứng được 40,91% nhu cầu (lắp đặt 90MW, nhu cầu 220MW).

Tại miền Bắc, tháng 12/1988, tổ máy số 1 Nhà máy thủy điện Hòa Bình hòa lưới điện quốc gia, báo hiệu khả năng cung ứng một sản lượng điện hằng năm 8,6 tỷ kWh khi cả 8 tổ máy dự kiến được đưa vào vận hành năm 1994, cùng nguồn điện từ các nhà máy nhiệt điện than Uông Bí, Ninh Bình, Phả Lại... khiến miền Bắc chắc chắn thừa công suất điện.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng Vũ Ngọc Hải kể:

"Sau khi thủy điện Hoà Bình làm xong thì miền Bắc sẽ thừa điện, trong khi đó miền Nam lại thiếu điện. Tôi đã tính, hoặc sẽ bán điện cho Trung Quốc, hoặc làm đường siêu cao áp để dẫn điện vào trong Nam. Khi sắp xây dựng xong nhà máy thủy điện Trị An, tôi bàn với Bộ trưởng Năng lượng Liên Xô là sẽ xây dựng thêm nhà máy nhiệt điện ở miền Nam. Phía Liên Xô đồng ý là sẽ tài trợ vốn và đã cử chuyên gia sang giúp, nhưng khi tôi trình lên thì lại không được duyệt. Một hôm, "Cụ” Mười (khi đó là Thủ tướng Chính phủ) chất vấn tôi: "Vì sao để miền Nam thiếu điện?”. Tôi bảo: "Là do các anh không duyệt”. "Cụ” Mười chất vấn tiếp: "Các anh là ai?”. Tôi bảo: "Chính anh không duyệt!”. Nghe tôi báo cáo lại chi tiết, "Cụ” Mười cười: "À, lúc đó mình mới là Phó Thủ tướng”.

Thời gian sau đó, anh Kiệt chủ trì cuộc họp Chính phủ, tôi trình bày lại hai phương án trên. Anh Kiệt hỏi: "Ý anh nghiêng về phương án nào?”. "Ý tôi là nên đưa điện cho miền Nam”. Anh Kiệt lại hỏi: "Vì sao?”. Tôi trả lời: "Cả hai phương án tôi đều đã cho anh em khảo sát và làm luận chứng cả rồi. Trong khi chúng ta đang thiếu điện mà lại đi bán cho nước ngoài thì về chính trị và kinh tế đều không ổn, rồi sau này mình không bán nữa thì lại bỏ phí đường dây. Trong quy hoạch đã có việc xây dựng đường cao áp trong vài năm tới, tức là việc xây dựng đường cao áp thì trước sau gì mình cũng phải làm, chỉ có điều nay mình làm sớm hơn thôi. Mà tốt nhất làm đường dây 500kV là an toàn nhất”. Sau đó, anh Kiệt nhất trí phương án đưa điện vào miền Nam.

Lúc bấy giờ chưa có cơ chế để Quốc hội thông qua, nên dự án sau đó được trình Bộ Chính trị. Trong một cuộc họp của Bộ Chính trị, tôi trình bày phương án đưa điện vào miền Nam, không có ai phản đối, chỉ duy nhất có ông Đoàn Khuê (khi ấy là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) nói một câu: "Đường dây đi qua gần với Đắc Min, vì thế phải tránh ở đoạn này”. Chúng tôi tiếp thu ngay.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt (trái) cùng Bộ trưởng Bộ Năng lượng Vũ Ngọc Hải nâng ly sâm banh chúc mừng lễ khởi công đường dây 500kV - Ảnh: tư liệu gia đình ông Vũ Ngọc Hải

Vai trò quyết định của "vị Tổng tư lệnh"

Nhắc đến đường dây 500kV, trong tâm trí của nhiều người đều hiện lên hình ảnh của nhà lãnh đạo xuất sắc Võ Văn Kiệt với cương vị Thủ tướng Chính phủ từ tháng 8/1991 đến tháng 9/1997.

Theo chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi (khi đó ông là Phó trưởng ban thường trực chỉ đạo công trình), tại thời điểm đó, tại Pháp, Úc, Mỹ đã xây dựng đường dây 400kV, nhưng dài nhất chỉ 600 km. Còn đường dây của Việt Nam, nếu tính từ Hòa Bình vào đến  Phú Lâm dài trên 1.500 km, sau này thi công xong rồi thì chiều dài chính xác là 1.567 km. Với đường dây dài như vậy thì trên thế giới chưa có quốc gia nào làm chứ nói gì đến Việt Nam.

Nhận ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Bộ trưởng Vũ Ngọc Hải cùng Bộ Năng lượng đã họp và triển khai ngay. Cho tìm hiểu trên thế giới đã ai làm chưa, nếu có thì chọn đơn vị tư vấn nào để có thể thiết kế xây dựng công trình như thế.

Công trình được Bộ Chính trị thông qua vào tháng 1/1992. Đến ngày 25/2/1992, Chính phủ phê duyệt Luận chứng kinh tế - kỹ thuật, với quyết định thời gian hoàn thành là 2 năm và do thời gian khẩn cấp nên cho phép thực hiện theo phương thức khảo sát, thiết kế, nhập vật tư - thiết bị và thi công thực hiện song song.

Chủ trì thiết kế phần nhất thứ cho công trình là Công ty Khảo sát Thiết kế điện 1 (nay là Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng điện 1) phối hợp với các Công ty Khảo sát Thiết kế điện 2 (nay là Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng điện 2), Phân viện Thiết kế điện Nha Trang (nay là Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng điện 4). Quy trình thiết kế gồm 3 giai đoạn:

- Năm 1990: Khảo sát lập Báo cáo nghiên cứu khả thi.

- Từ cuối năm 1991 - 1992: Khảo sát kỹ thuật và lập thiết kế kỹ thuật.

- Năm 1993: Khảo sát kỹ thuật từng vị trí và lập bản vẽ thi công.

Khối lượng khảo sát của công trình rất lớn, với khoảng 2.000 km khảo sát đo vẽ địa hình lập mặt cắt dọc, 500 km lập mặt cắt dọc pha; 200ha phục vụ đo bình đồ tỷ lệ 1/200 tại các góc lái; 5.200m khoan thăm dò ở các vị trí có nguy cơ sạt lở; thí nghiệm khoảng 15.000 mẫu đất đá... trên tổng chiều dài 1.487 km đường dây và 5 trạm biến áp.

Thiết kế của công trình đã được phản biện bởi nhiều cơ quan trong nước như Viện Năng lượng, Đại học Bách khoa Hà Nội và các nhà chuyên môn độc lập trong nước. Mô hình thiết kế về sơ đồ, dung lượng bù, chế độ vận hành và ổn định hệ thống, thông số thiết bị, sơ đồ liên động... cũng được nhiều tổ chức nước ngoài hỗ trợ kỹ thuật và kiểm chứng như Viện Thiết kế lưới Ucraina, Viện Thiết kế lưới Saint Peterburg (Cộng hòa Liên bang Nga); Công ty Nippon Koei (Nhật Bản), Công ty Hydro Quebec (Canada) hỗ trợ tính toán ổn định, Công ty Tractebel (Bỉ) hỗ trợ đào tạo thí nghiệm; Công ty PPI (Pacific Power International), bang New South Wales - Úc và SECVI (State Electricity Commission of Victoria International), bang Victoria - Úc hỗ trợ tư vấn giám sát, đào tạo quản lý vận hành, an toàn... dưới sự tài trợ của Chính phủ Úc...

Ông Trần Viết Ngãi kể rằng, việc quyết định đường dây 500kV gặp phải nhiều phản ứng từ phía cấp trên, một số chuyên gia nước ngoài cũng có ý kiến quan ngại về khó thực thi được công trình này. Trong đó, các ý kiến nhấn mạnh đến vấn đề giao động bước sóng, đường dây không an toàn, đi trên đồi núi rất dễ bị thiên tai quật đổ… Nhưng với quyết tâm sắt đá, mãnh liệt, kiên quyết, táo bạo, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, Thủ tướng Võ Văn Kiệt vẫn quyết định thực hiện bằng được dự án. Ông nhớ mãi câu nói của Thủ tướng tại một cuộc họp lãnh đạo cấp cao: nói “Ai đồng tình thì đứng vào hàng ngũ để cùng đi, ai không đồng tình thì đứng ra ngoài không được gây cản trở”.

Chỉ cần một câu nói đã toát lên toàn bộ hình ảnh, ý chí và bản lĩnh hiếm thấy của vị "Tổng tư lệnh" công trình lịch sử kỳ vĩ của ngành Điện lực Việt Nam.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt và ông Trần Viết Ngãi - Phó Trưởng Ban chỉ đạo công trình đường dây siêu cao áp 500kV Bắc - Nam, Tổng giám đốc Công ty Xây lắp điện 3 trên công trường đường đường dây siêu cao áp 500kV Bắc - Nam (năm 1993).

Mọi nguồn lực đều được huy động

Đường dây 500kV Bắc - Nam đi qua 14 tỉnh thành gồm: Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng (nay là tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng), Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Sông Bé (nay là các tỉnh Bình Phước, Bình Dương), Long An, thành phố Hồ Chí Minh; trong đó qua vùng đồng bằng là 297 km (chiếm 20%), trung du - cao nguyên là 669 km (chiếm 45%), núi cao, rừng rậm là 521 km (chiếm 35%) với 8 lần vượt sông (sông Đà, Sông Mã, sông Lam, sông La, sông Gianh, sông Thạch Hãn, sông Hương, sông Sài Gòn) và 17 lần vượt quốc lộ.

Ngày 5/4/1992, Thủ tướng Võ Văn Kiệt phát lệnh khởi công phần đường dây tại các vị trí móng số 54, 852, 2.702 và khởi công phần trạm biếp áp ngày 21/01/1993 tại trạm biến áp Phú Lâm, thành phố Hồ Chí Minh.

Tổng nhân lực huy động chính thức trên công trường của các đơn vị xây lắp là khoảng 8.000 người, sau bổ sung thêm 4.000 người thi công các khối lượng chính của công trình. Các khối lượng phụ trợ như giải phóng tuyến, làm đường, vận chuyển... do các đơn vị hỗ trợ thực hiện như lực lượng quân đội gần 4.000 người (gồm Binh đoàn 12, Binh đoàn 15, Quân khu 4, Quân khu 5, Quân đoàn 1, Quân đoàn 3); các đơn vị xây lắp tại 14 tỉnh, thành có đường dây đi qua gần 7.000 người; các đơn vị chuyên ngành cầu đường như Công ty cầu Thăng Long, Xí nghiệp F19 Bộ Giao thông Vận tải, các đơn vị xây dựng cầu đường địa phương hỗ trợ thiết bị đóng cọc, xay đá, trộn bê tông... Khối lượng rà phá bom mìn trải dài trên diện tích khoảng 17.000ha do các đơn vị Bộ đội công binh thực hiện.

Toàn bộ "binh hùng tướng mạnh" của ngành năng lượng hồi ấy đều được huy động. Công trình được chia ra 4 cung đoạn để khảo sát thiết kế và xây lắp: Cung đoạn 1 từ Hòa Bình đến Hà Tĩnh do Công ty Xây lắp Điện 1 đảm nhận; Cung đoạn 2 từ Hà Tĩnh vào Đaklei (Kon Tum) do Công ty Xây lắp Điện 3 đảm nhận; Cung đoạn 3 từ Kon Tum vào đến Đắc Lắc do Công ty Xây lắp Điện 4 đảm nhận; và Cung đoạn 4 từ Đắc Lắc vào đến Phú Lâm do Công ty Xây lắp Điện 2 đảm nhận. Trong 4 cung đoạn đó thì cung đoạn 2 từ Hà Tĩnh và Kon Tum dài trên 600km là cung đoạn khó khăn phức tạp nhất, trong đó có khoảng 300 km đồi núi, rừng già cùng với nhiều khoảng vượt sông lớn…

Các trạm biến áp và trạm bù do nhà thầu Merlin Gerin - Pháp cung cấp thiết bị, thiết kế phần nhị thứ; các Công ty Xây lắp điện thực hiện việc lắp đặt thiết bị, đấu nối, các Trung tâm thí nghiệm điện kiểm tra, thí nghiệm thiết bị. Tất cả đều được đặt dưới sự giám sát của các chuyên gia từ nhà thầu Merlin Gerin, các Công ty cung cấp thiết bị và 2 đơn vị tư vấn giám sát của Úc là PPI và SECVI...

Đến tháng 4/1994, cơ bản công trình được xây dựng hoàn tất với khối lượng sơ bộ gồm lắp dựng 3.437 cột tháp sắt, trong đó có 12 vị trí đảo pha; mỗi pha 4 dây và dây chống sét (hai dây chống sét, trong đó 1 dây có mang dây cáp quang); xây dựng 22 trạm lặp cáp quang, 19 chốt vận hành đường dây; đổ 280.000m3 bêtông móng với 23.000 tấn cốt thép; 60.000 tấn cột điện, 23.000 tấn dây dẫn và 930 tấn dây chống sét; 6.300 tấn cách điện.

Ông Vũ Ngọc Hải nhận xét: "Công trình hoàn thành là nhờ có sự quyết tâm lớn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nên khi xây dựng được các bộ rất đồng tình ủng hộ. Ngay như vốn cũng rất thuận lợi. Hồi đó, mỗi tuần, ông Hồ Tế (Bộ trưởng Tài chính) chuyển cho tôi mấy chục tỷ chứ có ít đâu. Chưa có công trình nào lại thuận lợi về vốn như vậy. Nên chất lượng công trình rất đảm bảo, đảm bảo chống chọi với bão cấp 12". 

Các chuyên gia đã tổng kết rằng, đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1 được đưa vào vận hành vào tháng 5/1994 có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế đất nước hồi bấy giờ. Đất nước cơ bản đã giải quyết được tình trạng thiếu điện của miền Nam. Sau khi đóng điện đưa vào vận hành máy biến áp 500kV tại Đà Nẵng (9/1994) và Pleiku (tháng 11/1994), tình hình cung cấp điện cho miền Trung đã được giải quyết.

Giai đoạn từ năm 1994 đến năm 1997, công suất truyền tải chủ yếu từ Bắc vào Nam và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản lượng cung cấp của miền Nam và miền Trung:

- Sản lượng phát ra ở Hòa Bình: 9,170 tỷ kWh.

- Sản lượng cung cấp cho miền Nam (tại đầu Phú Lâm): 6,598 tỷ kWh (chiếm 16,7 - 28,8%).

- Sản lượng cung cấp cho miền Trung (tại đầu Đà Nẵng và Pleiku): 2,074 tỷ kWh (chiếm 40 - 50,7%).

Từ năm 1999, công suất truyền tải từ Nam ra Bắc là chủ yếu. Tính đến đầu năm 2009, tổng sản lượng điện năng truyền tải qua đường dây này sau 15 năm vận hành (tính cả hai chiều) là 148 tỷ kWh.

Một "vĩ thanh" tuyệt vời nữa của ý chí siêu cao áp 500kV là thời gian thu hồi vốn đầu tư chỉ trong vòng 3 năm. Đó là một dấu mốc về hiệu quả đầu tư khó có một dự án nào có thể vượt qua.

Chuyện của người trong cuộc

"Thần thiêng nhờ bộ hạ". Sự thành công của dự án đường dây 500kV là sự kết tinh của trí tuệ, mồ hôi, công sức của hàng vạn vạn con người.

Nhà văn Võ Khắc Nghiêm là người được chứng kiến ngay từ những ngày đầu triển khai dự án để làm cuốn phim về bản anh hùng ca về đường dây 500kV kể rằng: "Lần ấy, tôi nhận được điện thoại của ông Nguyễn Tiến Hải - Chánh văn phòng Bộ Năng lượng - cho biết đoàn làm phim của chúng tôi sẽ được dùng chiếc xe Mê Kông của Thủ tướng Võ Văn Kiệt tặng công trình đường dây 500kV trong hành trình xuyên Việt lần thứ 2 theo những người thợ xây lắp điện. Đó quả là một vinh dự lớn, khiến chúng tôi vô cùng xúc động, hứa sẽ nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Song chiếc Mê Kông mới toanh không thể giúp chúng tôi vượt qua những đỉnh núi cao vót, lởm chởm đá nhọn, chưa có dấu chân người. Nhiều ngày, chúng tôi phải vác máy leo núi nhờ xe U oát vừa đi vừa tự mở đường.

Mùa mưa năm ấy ở miền Trung như cố tình thử thách thợ đường dây, cứ xối xả kéo dài, có lúc hàng mấy ngày liền, khiến cho nhiều thợ đường dây nằm trong lều bạt phải bật khóc nhìn những chiếc cầu đẹp đẽ trên quốc lộ 14 bị sập theo những con đường ven rừng xói lở. Cùng ăn những bát cơm thiếu lửa, húp những bát canh lẫn nước mưa và chứng kiến những cơn sốt rét rừng hành hạ thợ đường dây, chúng tôi đã ghi hình đến 50 cuộn băng mà vẫn cảm thấy chưa đầy đủ về cuộc sống gian khổ, về công việc phức tạp, đầy hiểm nguy về tinh thần lạc quan, quên mình của hàng vạn người thợ trên toàn tuyến".

Nhà văn Võ Khắc Nghiêm đã từng viết kịch bản và lời bình cho nhiều phim tài liệu, nhưng chưa bao giờ ông cảm thấy khó khăn như phim về đường dây 500kV, vì bộ phim không chỉ ngợi ca mà còn giải thích sự cần thiết hòa lưới điện quốc gia và khắc họa chân dung những người thợ xây lắp điện. Đoàn làm phim của ông đã phải thức trắng nhiều đêm liền, xem đi xem lại gần một trăm cuốn băng, chọn ra những cảnh tốt nhất để dựng đúng 30 phút với chủ đề chính: Đường dây 500kV Bắc - Nam như những “Cung đàn mùa xuân” đang ngân vang bản anh hùng ca của thời kỳ đổi mới đất nước.

Với phim ký sự ca nhạc, ông cũng muốn chọn một cái tên gắn với đường dây 500kV, nhưng đạo diễn An Ninh đã kiên quyết bảo vệ hình tượng văn học trong âm nhạc, chọn bài hát “Giọt mồ hôi rơi trên má mặt trời” của anh lái xe Phương Tài làm tên phim.

Ông kể: "Dù mệt lử và kiệt sức sau hậu kỳ, nhưng chúng tôi rất vui vì cả hai phim đều đạt Huy chương Vàng và Bạc tại Liên hoan phim truyền hình toàn quốc đầu năm 1994, và ngay lập tức được phát nhiều lần trên Đài truyền hình Việt Nam, Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh và được phát lại trước ngày dòng điện Hòa Bình chính thức truyền tải điện vào miền Nam 27/5/1994 qua hệ thống đường dây siêu cao áp 500kV Bắc - Nam".

Tọa đàm 20 năm đóng điện và vận hành đường dây siêu cao áp 500 kV Bắc - Nam

Trong cuộc "hành trình về với chiến trường xưa", trong một buổi tọa đàm do Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia tổ chức tại Đà Nẵng, ông Trần Viết Ngãi kể lại một trong những kỷ niệm đáng nhớ của mình: "Còn 6 tháng nữa là kết thúc công trình thì tại cuộc họp giao ban, mọi người mới ngã ngửa vì việc nhập khẩu dây cáp quang bị chậm mất 6 tháng do ký hợp đồng chậm. Không còn cách nào khác, Thủ tướng yêu cầu tôi phải sang Nhật. Sau khi nhận lá thư viết thư tay của Thủ tướng Võ Văn Kiệt viết gửi Chủ tịch tập đoàn Nishiwa, tôi tức tốc cùng hai đồng chí khác sang Tokyo.

Sau khi sang đến Tập đoàn Nissho Iwai, ông Chủ tịch đã triệu tập lãnh đạo, nhân viên tập hợp thành vòng cung trân trọng kính cẩn lắng nghe lá thư của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Chủ tịch Tập đoàn đã giao cho Tổng giám đốc Suzuki xử lý hợp đồng của Việt Nam. Tuy nhiên, ông Suzuki là một người nguyên tắc, không thể giải quyết hợp đồng của Việt Nam.

Sau 4 ngày ở Tokyo, chúng tôi vẫn chưa thể lo được phần cáp quang. Nói thật, sự thất vọng và lo lắng khiến tôi đứng ngồi không yên. Để tận dụng mọi cơ hội khi đã sang đến Nhật Bản, chúng tôi quyết định đi Fuzikuza là nhà máy sản xuất cáp quang của Tập đoàn. Tới đó, chúng tôi gặp Tổng giám đốc nhà máy, giải thích việc ký hợp đồng muộn, nếu không có thiết bị kịp thì tiến độ công trình sẽ ảnh hưởng.

Tôi mạnh dạn đề xuất với ông Giám đốc nhà máy sản xuất xem có đơn hàng nào của các đối tác khác tương đồng về đặc tính kỹ thuật, độ dài, thì xem xét nhường lại cho Việt Nam. Sau khi kiểm tra, Tổng giám đốc nhà máy cho biết, hiện nay có hai đơn hàng của Ấn Độ và Srilanka rất phù hợp với yêu cầu của chúng tôi. Nhưng tất nhiên nếu có sự chấp thuận của Chủ tịch Tập đoàn thì ông Giám đốc nhà máy mới dám cấp trước cho Việt Nam. Tôi đã đề nghị Giám đốc nhà máy viết một lá thư gửi cho Chủ tịch Tập đoàn theo đề xuất này. Chúng tôi lại tức tốc quay về Tokyo, nhưng để gặp được Chủ tịch Tập đoàn lại là việc không dễ.

Trong “cái khó lại ló cái khôn”, sau khi kiểm tra lại tình hình tài chính, nhân tiện ngày hôm sau chúng tôi về nước, tôi nảy ra ý định mời ông Chủ tịch Tập đoàn đi ăn để chào tạm biệt. Rất may mắn là ông Chủ tịch Tập đoàn đã đồng ý nhận lời. Cuộc rượu đã diễn ra từ 16h đến tận 2h sáng hôm sau. Trong lúc nói chuyện, trao đổi tâm tình, chớp đúng khi ông Chủ tịch Tập đoàn hỏi tôi “các ông đã xong việc chưa?” Tôi đáp lại ngay “là chưa” và kể lại câu chuyện tại nhà máy cho ông Chủ tịch nghe. Ngay lập tức ông Chủ tịch Tập đoàn đồng ý cho phép cấp trước đơn hàng cáp quang cho chúng tôi. Lúc đó, tôi cảm thấy nhẹ nhõm vô cùng và tin chắc rằng công trình thế kỷ ở nhà sẽ về đích đúng tiến độ".

"Hành trình về với chiến trường xưa"

Có lẽ công cuộc "điện khí hóa" cũng khốc liệt không kém công cuộc giải phóng đất nước, nên nhân dịp kỷ niệm 20 năm đóng điện đường dây siêu cao áp 500kV mạch 1 (27/5/1994 - 27/5/2014), Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia đã lấy tên cuộc hành trình như vậy nhằm tôn vinh các cán bộ lãnh đạo, chuyên gia, các kỹ sư từng trực tiếp tham gia thiết kế, quản lý, điều hành và lăn lộn trên công trường thi công đường dây 500kV mạch 1.

Mở đầu cho cuộc hành trình về với chiến trường xưa của đoàn là viếng mộ Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại Nghĩa trang Thành phố Hồ Chí Minh. Trước anh linh Thủ tướng, mỗi người một cảm xúc, nhưng tất cả đều nghẹn lời, ngấn lệ...

Về với "chiến trường xưa" là tuyến đường dây dọc chiều dài đất nước từ Trạm 500 kV Phú Lâm (TP. HCM) đến Trạm 500 kV Pleiku, Trạm 500 kV Đà Nẵng, cung đường dây Đà Nẵng, Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An và kết thúc tại thành phố Hà Nội. Đến đâu đoàn cũng được thế hệ truyền tải điện hôm nay chào đón như những anh hùng chiến thắng từ mặt trận trở về. Bởi họ hiểu rằng, những công trình đang quản lý, vận hành an toàn, hiệu quả phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và đời sống dân sinh của ngày hôm nay có sự đóng góp to lớn của thế hệ các anh, các chị đi trước.

Các "cựu chiến binh" tặng quà và chụp ảnh lưu niệm với những "người lính" truyền tải điện trên cuộc hành trình.

"Uống nước nhớ nguồn" vốn là giá trị văn hóa vô giá của dân tộc Việt Nam. Cuộc hành trình đã để lại nhiều ý nghĩa nhân văn và những ấn tượng khó phai mờ cho không chỉ các thành viên tham dự cuộc hành trình và thế hệ cán bộ, kỹ sư, công nhân lao động của ngành Điện lực Việt Nam hôm nay mà còn gợi lại nhiều bài học sâu sắc cho các nhà quản lý trong việc triển khai những dự án "siêu quốc gia" tương tự trong tương lai.

NangluongVietnam.vn

SỰ KIỆN BẠN ĐỌC QUAN TÂM

Nước cờ tàn của Hoa Kỳ ở Ukraine
Ông Trần Xuân Giá và phiên tòa lịch sử
"Bầu" Kiên thực sự có bao nhiêu tiền?
Ukraine: Lối rẽ nội chiến, hay Nhà nước Liên bang?
Đâu là sự khác biệt giữa Crimea và Kosovo?
Campuchia trước chính sách nước đôi của Trung Quốc
Chủ tịch Kim Jong-Un qua lời kể của ngư

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động