RSS Feed for Tập đoàn kinh tế đầu tiên trong trụ cột năng lượng Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ tư 15/01/2025 11:23
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Tập đoàn kinh tế đầu tiên trong trụ cột năng lượng Việt Nam

 - Ngay sau khi nhận được các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn CN Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã hoạch định mục tiêu, chiến lược để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của mình. Đến nay, sau hơn 10 năm nhìn lại, các thế hệ CBCNVC và người lao động TKV đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, về cơ bản đạt được những mục tiêu đề ra. Thực hiện tốt vai trò là một trong 3 trụ cột đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia...

Những bất cập trong hệ thống chiến lược năng lượng Việt Nam

Ngày 08/8/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 198/2005/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án thí điểm hình thành Tập đoàn Than Việt Nam và Quyết định số 199/2005/QĐ-TTg về việc thành lập Công ty mẹ - Tập đoàn Than Việt Nam trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại Tổng Công ty Than Việt Nam và các đơn vị thành viên. Đây là một mốc son đánh dấu chặng đường phát triển mới của Tập đoàn trong mô hình Tập đoàn kinh tế nhà nước.

Từ một chủ trương đúng

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 (khóa IX) có nêu: “Hình thành một số tập đoàn kinh tế mạnh trên cơ sở các tổng công ty nhà nước, có sự tham gia của các thành phần kinh tế, kinh doanh đa ngành, trong đó có ngành kinh doanh chính, chuyên môn hóa cao và giữ vai trò chi phối lớn trong nền kinh tế quốc dân…”

Triển khai Nghị quyết này, tập đoàn kinh tế đầu tiên của nước ta là Tập đoàn Than Việt Nam (TVN) ra đời và đi vào hoạt động theo Quyết định số 199/2005/QĐ-TTg, ngày 8/8/2005 của Thủ tướng Chính phủ. Cùng năm đó, TCT Dệt may Việt Nam cũng chuyển thành Tập đoàn Dệt may Việt Nam; TCT Bảo hiểm Việt Nam cũng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thành lập Tập đoàn Tài chính - Bảo hiểm Bảo Việt. Năm 2006, TCT Bưu chính - Viễn thông Việt Nam chuyển thành Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam, TCT Dầu khí Việt Nam chuyển thành Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Đầu năm 2007, Thủ tướng Chính phủ có văn bản đồng ý để TCT Thuốc lá Việt Nam chuyển thành Tập đoàn Thuốc lá Việt Nam…

Sau khi được hình thành và đi vào hoạt động, các tập đoàn kinh tế đã tích cực đầu tư, mở rộng quy mô, phạm vi hoạt động; cơ cấu lại và đa dạng hóa sở hữu các đơn vị thành viên; kinh doanh đa ngành, trong đó tập trung vào ngành nghề chính; huy động được các nguồn lực để thực hiện các mục tiêu trọng điểm, các chiến lược phát triển quan trọng…

Tập đoàn kinh tế nhà nước đầu tiên

HĐQT Than Việt Nam tại Lễ ra mắt Tập đoàn Than Việt Nam.

Ngày 08/8/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 198/2005/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án thí điểm hình thành Tập đoàn Than Việt Nam và Quyết định số 199/2005/QĐ-TTg về việc thành lập Công ty mẹ - Tập đoàn Than Việt Nam trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại Tổng Công ty Than Việt Nam và các đơn vị thành viên (Tổng Công ty Than Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 563/TTg ngày 10/10/1994 của Thủ tướng Chính phủ).

Theo đề án, Tập đoàn Than Việt Nam được hình thành trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại Tổng Công ty Than Việt Nam và các đơn vị thành viên nhằm tạo ra một tập đoàn kinh tế mạnh, có trình độ công nghệ cao, quản lý hiện đại, kinh doanh đa ngành, bao gồm công nghiệp than, nhiệt điện đốt than, vật liệu nổ công nghiệp, cơ khí năng lượng và mỏ, đóng tàu và ô tô, khai thác và chế biến khoáng sản.

Bốn tháng sau, ngày 26/12/2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 345/2005/QĐ-TTg thành lập Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam trên cơ sở Tập đoàn Than Việt Nam và Tổng Công ty Khoáng sản Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Văn Long - nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn, việc chuyển đổi từ mô hình Tổng Công ty thành Tập đoàn tạo cơ sở pháp lý phù hợp cho những đổi mới về tổ chức và cơ chế quản lý đã được xác lập của Tổng Công ty và tiếp tục phát triển chúng lên tầm cao mới của mô hình Tập đoàn kinh tế. Và trong một hội nghị của ĐTN Than Quảng Ninh, ông đã lấy hình ảnh chúng ta đang mặc một cái áo chật cần phải thay một cái áo mới để chỉ việc tất yếu của sự chuyển đổi mô hình hoạt động này.

Khẳng định vai trò một trong 3 trụ cột đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia

Ngay sau khi nhận được các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn đã hoạch định mục tiêu, chiến lược để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của mình. Đến nay, sau hơn 10 năm nhìn lại, các thế hệ CBCNVC và người lao động Tập đoàn đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, về cơ bản đạt được những mục tiêu đề ra. Tập đoàn đã thực hiện tốt vai trò là một trong 3 trụ cột đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Điều đó đã minh chứng khẳng định chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc thành lập Tổng Công ty 91 trước đây và Tập đoàn kinh tế hiện nay là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp.

Tập đoàn đã từng bước đầu tư mở rộng, nâng cao công suất các mỏ hiện có, các mỏ mới và các lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính để tạo đủ năng lực phát triển qua đó góp phần quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế đất nước, đảm bảo an sinh xã hội.

Trong vòng 10 năm trở lại đây, tổng doanh thu của toàn Tập đoàn đã tăng từ 21 nghìn tỷ đồng năm 2005 lên 101,5 nghìn tỷ đồng năm 2016. Liên tục từ năm 2005 đến 2016, lợi nhuận trước thuế và tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu của Tập đoàn luôn đạt từ 8,2-27,5%.

Riêng hai năm gần đây, do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế thế giới, trong nước và ảnh hưởng của mưa lũ nên chỉ số này có hạ xuống nhưng vẫn đạt lợi nhuận từ 850 đến trên 1.000 tỷ đồng/năm. Nộp ngân sách Nhà nước bình quân 12,42 ngàn tỷ đồng/năm.

Để vượt qua những khó khăn trước mắt và đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, TKV đã và đang nỗ lực thực hiện tái cơ cấu Tập đoàn gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Ảnh: Phạm Cường.

Hiện, phía trước TKV vẫn còn nhiều khó khăn, thử thách với nhiều công việc cần làm. Thực tế hiện nay, tình hình kinh tế đất nước và thế giới vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện nhiều. Trong khi đó, Tập đoàn lại tiếp tục phải đối mặt với không ít thách thức như khai thác ngày càng xuống sâu, nguy cơ về bục nước, khí, hệ số bóc đất, cung độ vận tải, các loại thuế, phí đều tăng… áp lực về năng suất lao động, vốn đầu tư phát triển, nguồn nhân lực chất lượng cao, tuyển dụng và giữ chân thợ lò, an toàn bảo hộ lao động, môi trường... đều là những bài toán khó cần phải giải quyết đồng bộ.

Để vượt qua những khó khăn trước mắt và đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, TKV đã và đang nỗ lực thực hiện tái cơ cấu Tập đoàn gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Theo đó, mục tiêu phát triển trước mắt giai đoạn 2016-2020 là phát triển TKV trở thành Tập đoàn kinh tế vững mạnh, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh của Tập đoàn để phát triển bền vững hơn. Các giải pháp trọng tâm được đưa ra như: tiếp tục đẩy mạnh đầu tư xây dựng, đầu tư phát triển khoa học, đổi mới công nghệ, hiện đại hóa các cơ sở sản xuất, nâng cao mức độ an toàn, bảo vệ môi trường, đảm bảo tiến độ các dự án quyết định tăng trưởng của Tập đoàn trong các lĩnh vực…

HẢI OANH

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động