RSS Feed for Ý kiến Bộ Tài chính về thuế tài nguyên là chưa chính xác | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 22/11/2024 00:50
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Ý kiến Bộ Tài chính về thuế tài nguyên là chưa chính xác

 - Mức thuế tài nguyên hiện hành của Việt Nam đối với khai thác khoáng sản đã rất cao so với các nước trên thế giới, nhưng nay trong dự thảo Nghị quyết về ban hành biểu mức thuế suất thuế tài nguyên mới lại dự kiến tiếp tục tăng, mặc dù từ năm 2014 đã thực hiện thu “Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản”, mà thực chất đó là đánh thuế tài nguyên lần 2...

Điều chỉnh thuế tài nguyên và những hệ lụy khó lường

Mới đây, VCCI phối hợp cùng Bộ Tài chính tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý của cộng đồng doanh nghiệp đối với dự thảo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về ban hành biểu mức thuế suất thuế tài nguyên để thay thế Nghị quyết số 712/2013/UBTVQH13. Cuối Hội thảo, đại diện Bộ Tài chính phát biểu ý kiến kết thúc hội thảo. Sau đây xin trao đổi về một số ý kiến của đại diện Bộ Tài chính tại diễn đàn này.

1. Về ý kiến cho rằng chính sách thuế tài nguyên đối với khoáng sản đảm bảo theo đúng chính sách của Nhà nước đối với tài nguyên khoáng sản.

Chiến lược khoáng sản đã xác định tài nguyên khoáng sản là nguồn lực quan trọng để phát triển bền vững kinh tế - xã hội với vai trò chính là nguyên, nhiên liệu cho các ngành sản xuất và đời sống. Luật Khoáng sản đã quy định khai thác khoáng sản phải đảm bảo thu hồi tối đa khoáng sản, bao gồm khoáng sản chính và khoáng sản đi kèm.

Việc khai thác tận thu tối đa khoáng sản được hiểu là khai thác tận thu tối đa nguồn tài nguyên khoáng sản sẵn có trong lòng đất, tức là phải khai thác cả những phần trữ lượng khoáng sản nghèo, hoặc có điều kiện khai thác khó khăn. Việc khai thác phần trữ lượng khoáng sản nghèo, hoặc có điều kiện khai thác khó khăn sẽ có chi phí khai thác, chế biến rất cao.

Do vậy, để có thể thực hiện được quy định đó cần phải có chính sách giảm, miễn thuế nói chung, trong đó có thuế tài nguyên một cách phù hợp. Ngoài ra, cần có các chính sách hỗ trợ khác, kể cả chính sách trợ giá như nhiều nước đã thực hiện.

Tuy nhiên, mức thuế tài nguyên hiện hành của Việt Nam đối với khai thác khoáng sản đã rất cao so với các nước trên thế giới và trong khu vực, nhưng nay trong dự thảo Nghị quyết về ban hành biểu mức thuế suất thuế tài nguyên mới lại dự kiến tiếp tục tăng thêm từ 2% trở lên, mặc dù từ năm 2014 đã thực hiện thu “Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản”, mà thực chất đó là đánh thuế tài nguyên lần 2 vì bản chất khoản thu này trùng với thuế tài nguyên. Như vậy, có thể nói trên thực tế từ năm 2014 đã tăng thuế tài nguyên.

Sau thời gian dài khai thác, đến nay nhiều loại khoáng sản của nước ta có điều kiện khai thác khó khăn, phức tạp, chất lượng khoáng sản giảm nên giá thành tăng cao, trong khi hiện nay giá cả hầu hết của các loại khoáng sản trên thị trường trong tình trạng suy giảm, thậm chí giảm mạnh.

Do vậy, ý kiến nói rằng “chính sách thuế tài nguyên đối với khoáng sản đảm bảo theo đúng chính sách của Nhà nước đối với tài nguyên khoáng sản” là không đúng, thậm chí đang đi ngược lại theo hướng sẽ gây tổn thất lớn tài nguyên khoáng sản trong quá trình khai thác.

2. Về ý kiến cho rằng mức thuế suất thuế tài nguyên vẫn giữ ổn định vì đến nay vẫn chỉ điều chỉnh trong phạm vi khung thuế suất được quy định bởi Luật Thuế tài nguyên năm 2009.

Mức thuế suất thuế tài nguyên trong khung thuế suất do Luật Thuế tài nguyên năm 2009 có phạm vi dao động rất lớn giữa mức thấp nhất và mức cao nhất, từ khoảng 2 đến hơn 6 lần tùy loại khoáng sản.

Ví dụ, thuế suất đối với than antraxit hầm lò mức thấp nhất là 4% và mức cao nhất là 20%, như vậy giữa mức cao và mức thấp chênh nhau 5 lần. Không thể nói mức thuế suất thay đổi từ 2 đến 6 lần là đảm bảo ổn định được mà đó là sự thay đổi quá cao.

Thực chất, việc quy định khung thuế suất thuế tài nguyên đối với khoáng sản trong Luật Thuế tài nguyên có phạm vi rộng không phải là để điều chỉnh tăng thoải mái thuế suất từ thấp đến cao theo thời gian mà chính là để áp dụng mức thuế suất phù hợp cho các mỏ khoáng sản có điều kiện khó khăn, thuận lợi khác nhau rất lớn.

Ví dụ, mỏ có điều kiện thuận lợi thì áp đặt mức thuế suất cao, mỏ có điều kiện bình thường thì áp đặt mức thuế suất trung bình, còn mỏ có điều kiện khó khăn thì áp đặt mức thuế suất thấp. Thậm chí, đối với những mỏ có điều kiện quá khó khăn nhưng do phải khuyến khích khai thác để đáp ứng nhu cầu hoặc để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở những địa bàn đặc biệt khó khăn thì còn phải có thêm các chính sách hỗ trợ khác. Kinh nghiệm của nhiều nước cũng đã thể hiện điều đó.

Việc áp dụng khung thuế suất thuế tài nguyên ở nước ta hiện nay có bất cập lớn là áp dụng mức thuế suất gần như đồng loạt, hoặc có chênh lệch không đáng kể cho các mỏ cùng loại khoáng sản, mặc dù giữa chúng có mức độ thuận lợi, khó khăn khác nhau rất lớn và luôn có sự điều chỉnh tăng.

Vì hiệu quả kinh tế khai thác của một mỏ khoáng sản được đánh giá cho cả đời mỏ, tức là có xem xét đến tất cả các yếu tố thuận lợi, khó khăn trong cả đời mỏ và đã được bình quân hóa, cho nên mức thuế suất các loại thuế, trong đó có thuế tài nguyên về nguyên tắc phải đảm bảo ổn định trong cả đời mỏ hoặc chí ít trong một giai đoạn dài như đã tính toán trong dự án đầu tư khai thác mỏ đã được duyệt. Nếu có điều chỉnh thì chủ yếu điều chỉnh theo hướng thuận lợi cho nhà đầu tư, hoặc chỉ khi phát hiện có sự thay đổi lớn về tài nguyên khoáng sản.

Hơn nữa, để đảm bảo khai thác tận thu tối đa trữ lượng khoáng sản của mỏ cần phải thu thuế tài nguyên theo trữ lượng có thể khai thác đã được xác định và phê duyệt trong dự án đầu tư thay vì thu theo sản lượng khai thác được như quy định hiện nay.

3. Về ý kiến nói rằng để đánh giá mức thuế của Việt Nam cao hay thấp cần tham khảo và so sánh thực tế rằng tổng số thu thuế của Việt Nam hiện chỉ bằng khoảng 21-22% tổng GDP, trong khi tổng số thu thuế của Cộng hòa Liên bang Đức bằng khoảng 55% tổng GDP.

Không thể qua con số nêu trên mà nói rằng mức thuế của Việt Nam thấp và của Cộng hòa Liên bang Đức cao. Vì rằng, số thuế thu được không chỉ phụ thuộc vào mức thuế suất mà phụ thuộc rất lớn vào tổng số người và doanh nghiệp nộp thuế, số thuế tuyệt đối phải nộp của từng người, từng doanh nghiệp và mức độ thất thu thuế. Chắc chắn rằng Cộng hòa Liên bang Đức so với Việt Nam có tổng số người và doanh nghiệp nộp thuế và số thuế tuyệt đối phải nộp của từng người, từng doanh nghiệp cao hơn nhiều và mức độ thất thu thuế thấp hơn nhiều.

Hơn nữa, qua tham khảo tài liệu cho thấy mức thuế suất của Cộng hòa Liên bang Đức không phải là cao. Ví dụ, mức thuế suất thuế thu nhập công ty của Cộng hòa Liên bang Đức là 15,8% ở cấp liên bang và 7-15% ở cấp địa phương (cấp bang).

4. Về ý kiến tăng thuế nội địa để đảm bảo cân đối NSNN do phải giảm các khoản thuế xuất nhập khẩu theo các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Từ kinh nghiệm của các nước cho thấy để đảm bảo cân đối NSNN điều quan trọng trước hết là phải có giải pháp triệt để chống thất thu thuế, tiếp theo là có chính sách nuôi dưỡng nguồn thu theo hướng khuyến khích để có càng nhiều người, nhiều doanh nghiệp nộp thuế với số thuế càng cao càng tốt (điều này không đồng nghĩa với mức thuế suất cao mà là do quy kinh doanh mô lớn và hiệu quả cao), đồng thời phải có giải pháp nâng cao hiệu quả và tiết kiệm trong việc sử dụng ngân sách. Việt Nam hiện nay đang có tiềm năng rất lớn về cả 3 yếu tố này. Kinh nghiệm của Cộng hòa Liên bang Đức nêu trên cũng là một minh họa. Cuối cùng mới tính đến tăng thuế nội địa, song phải có lộ trình và áp dụng một cách phù hợp với thực tế.

PGS.TS. NGUYỄN CẢNH NAM (Hội đồng Khoa học - Hiệp hội Năng lượng Việt Nam)

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động