RSS Feed for PVN đang hướng tới hoàn thành các mục tiêu chiến lược | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Chủ nhật 24/11/2024 00:19
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

PVN đang hướng tới hoàn thành các mục tiêu chiến lược

 - Với những kết quả quan trọng trong cổ phần hoá, sắp xếp lại doanh nghiệp trong năm 2018, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đang hướng tới hoàn thành các mục tiêu chiến lược trong năm, mười năm tới. Trong 6 tháng đầu năm nay, PVN đã thu về 18.600 tỷ từ cổ phần hóa và thoái vốn. Để rõ hơn về định hướng trong đề án tái cơ cấu và chiến lược ngành, Tạp chí Năng lượng Việt Nam xin giới thiệu bài viết của TS. Đinh Văn Sơn - Thành viên HĐTV PVN.

Phản biện của Tạp chí Năng lượng Việt Nam về ngành Dầu khí Quốc gia


Vừa qua, trong đề án tái cơ cấu toàn diện tập đoàn đến năm 2025, PVN đã khởi đầu bằng việc tiến hành cổ phần hóa, sắp xếp, thoái vốn, lần đầu phát hành cổ phần ra công chúng (IPO) thành công một số đơn vị lớn.

Khởi đầu là dấu ấn IPO thành công 3 đơn vị trong đầu năm 2018 gồm PVPower, PVOil và Lọc hoá dầu Bình Sơn. Đây là 3 doanh nghiệp cổ phần hóa có quy mô vốn lớn của PVN, với giá trị phần vốn góp của Nhà nước được kiểm toán xác định là 89.000 tỷ đồng. Qua đợt IPO thành công 3 đơn vị này hồi đầu năm nay, PVN đã thu về 16.500 tỷ đồng. Trong đó, thặng dư giá trị vốn nhà nước là 7.500 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm nay, tính cả giá trị cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước, PVN đã thu về 18.600 tỷ đồng, chiếm tới 83% giá trị thực hiện của cả nước (22.500 tỷ đồng) trong bối cảnh cổ phần hóa, thoái vốn diễn ra chậm.

Chúng tôi nhận thấy có 4 nguyên nhân để thực hiện thành công cổ phần hóa tại 3 đơn vị này của PVN. 

Thứ nhất: Lợi thế nội tại của các đơn vị này có hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, bền vững, có thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, ban lãnh đạo các đơn vị luôn ý thức việc CPH là tất yếu để phát triển đơn vị, mang lại lợi ích lớn nhất cho Nhà nước và các cổ đông.

Thứ hai: Hội đồng thành viên PVN đã thành lập Ban Chỉ đạo Cổ phần hóa, có sự tham gia của đại diện các bộ, ngành liên quan để phối hợp, xử lý nhanh chóng, kịp thời các vướng mắc khi IPO với PVN và 3 đơn vị thành viên. Trong quá trình này, việc mời Kiểm toán Nhà nước kiểm toán, thẩm định giá trị doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy tiến độ cổ phần hóa.

Trước đó, cũng có ý kiến lo ngại công tác kiểm toán sẽ làm chậm quá trình cổ phần hóa đi vài tháng, nhưng chúng tôi thấy rằng việc này thực chất đã thúc đẩy tiến trình này, tạo ra căn cứ pháp lý, khoa học quan trọng để lãnh đạo Chính phủ nhanh chóng phê duyệt phương án cổ phần hóa PVPower, PVOil và BSR.

Thứ ba: Ban Chỉ đạo đã thực hiện kỹ càng công tác chuẩn bị cổ phần hóa từ lập kế hoạch tổ chức, nghiên cứu thị trường, lựa chọn đối tác, các nhà đầu tư, tổ chức giới thiệu về tiềm năng phát triển, lợi ích kinh tế khi mua cổ phần các đơn vị IPO.

Tôi vẫn còn nhớ 2 lần thực hiện Roadshow tại Thành phố Hồ Chí Minh, hơn 350 nhà đầu tư ở trong và ngoài nước đã ngồi chật kín hội trường từ đầu đến cuối buổi và thoả mãn với các câu trả lời của chúng tôi. Điều này đã tạo niềm tin vững chắc cho các nhà đầu tư. 

Đặc biệt, cuối cùng là sự chỉ đạo sát sao, hỗ trợ kịp thời của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ, ngành có liên quan trong chỉ đạo, tháo gỡ các vướng mắc khi cổ phần hóa.

Có thể nói, thời gian khoảng 1 tháng kể từ khi PVN hoàn thành báo cáo tiếp thu/giải trình ý kiến của các bộ, ngành tới khi Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ họp kết luận và Thủ tướng phê duyệt Phương án cổ phần hóa (ngày 8/12/2017) của ba đơn vị là một kỷ lục về thời gian phê duyệt, bảo đảm các quy định của pháp luật, tận dụng được cơ hội của thị trường, mang lại giá trị cao nhất cho Nhà nước.

Trong thời điểm đó, tôi cho rằng nếu phê duyệt phương án cổ phần hoá chậm đi một tuần, hoặc thực hiện IPO của các đơn vị trên chậm đi 1 tuần thì giá trị thu về sẽ không như mong muốn khi mà ngay sau IPO đơn vị cuối cùng là PV Power thì thị trường chứng khoán bước vào đà suy giảm.

Minh bạch, tôn trọng nguyên tắc thị trường

Những nguyên nhân mang lại thành công cho IPO 3 đơn vị của PVN nói trên là những bài học kinh nghiệm cho PVN trong cổ phần hóa, thoái vốn. Nhưng bài học quan trọng nhất, là công tác cổ phần hóa phải được thực hiện minh bạch và tôn trọng nguyên tắc thị trường, sử dụng thị trường làm thước đo giá trị của doanh nghiệp trước khi cổ phần hoá, tối đa hoá lợi ích cho Tập đoàn, Nhà nước. Đặc biệt, phải xây dựng được phương án sản xuất, kinh doanh sau cổ phần hóa để doanh nghiệp phát triển ổn định, tốt hơn, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư và đã tạo cơ hội cho các nhà đầu tư đủ điều kiện tham gia quản trị công ty.

Cùng với nguyên tắc đề cao minh bạch và nguyên tắc thị trường, con người cũng là yếu tố quan trọng để tạo nên thành công của các thương vụ cổ phần hoá. Thực tế, PVOil và PV Power đã từng đề nghị IPO ở mức 5% rồi lên 7% và cuối cùng là 8%. Tuy nhiên, nhận thấy nhu cầu của thị trường và lợi thế to lớn của 2 đơn vị này, Ban Chỉ đạo Cổ phần hoá đã quyết tâm bán tối đa 20% vốn Nhà nước ở mỗi đơn vị theo đúng quy định tại Nghị định số 59/2011/NĐ-CP của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần. Do đó, ngay cả khi các đơn vị chưa tìm được nhà đầu tư chiến lược thì trách nhiệm cổ phần hóa cũng sẽ đỡ nặng nề hơn về sau. 

Thực tế cho thấy, sau khi cổ phần hóa, trong 6 tháng đầu năm 2018, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đã có các khởi sắc. BSR doanh thu thực hiện 6 tháng đầu năm 2018 đạt 55.585 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2017. PV Power lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2018 đạt 1.554 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2017. PVOIL lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2018 đạt 320 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2017. 

Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu toàn diện PVN 

Trong những năm vừa qua, được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, ngành Dầu khí Việt Nam không ngừng phát triển, trở thành ngành kinh tế, kỹ thuật quan trọng, có những đóng góp quan trọng cho đất nước vượt qua những thời kỳ khó khăn và trực tiếp tham gia vào sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách Nhà nước và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. 

Để thực hiện các mục tiêu chiến lược, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 41 về định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035. Trong đó, cho phép để lại một phần lãi dầu của nước chủ nhà, cho phép để lại 100% phần thu từ cổ phần hóa và thoái vốn tại các công ty con thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, đến nay các chính sách này chưa được triển khai đầy đủ, đồng bộ. 

Để tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu toàn diện Tập đoàn, nâng cao sức cạnh tranh, phát triển bền vững, gia tăng đồng vốn nhà nước, tại Đề án cơ cấu lại Tập đoàn từ nay tới năm 2025, PVN đã có những kiến nghị nhằm thực hiện một số cơ chế chính sách đã được nêu trong Nghị quyết 41, bao gồm cả các kiến nghị chung cho các DNNN khi cổ phần hóa, thoái vốn. Cụ thể, PVN đề nghị Nhà nước xem xét cơ chế phân bổ nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn để lại cho doanh nghiệp thực hiện tái đầu tư. 

Thực chất, thu từ cổ phần hóa và thoái vốn là nguồn thu của tương lai, bao gồm cả phần của Nhà nước và của doanh nghiệp được phát sinh tại một thời điểm là CPH, hoặc thoái vốn. Nhà nước cần để lại phần thu này cho doanh nghiệp nếu không giảm vốn điều lệ. Phần thặng dư còn lại thực chất có 30% quỹ đầu tư phát triển của doanh nghiệp cộng với một số quỹ khác. Đề nghị Nhà nước xem xét để lại cho các DNNN khoảng 30-40% phần thặng dư này trong đó có quy định doanh nghiệp phải có kế hoạch sử dụng và phát triển tốt nguồn vốn này. 

Nếu các cơ chế chính sách này được chấp thuận sẽ giúp cho PVN có thêm các nguồn vốn để phục vụ các dự án lớn, trọng điểm, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của PVN và các đơn vị thành viên, khi đó PVN sẽ tiếp tục có các đóng góp tích cực hơn cho NSNN một cách ổn định và bền vững. 

Các dự án yếu kém đã có chuyển biến tích cực 

Trước hết, cần nhấn mạnh rằng 5 dự án yếu kém ngành Công Thương mà PVN có trách nhiệm xử lý thì trong đó có 1 đơn vị nhận từ Vinashin là Công ty Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất (DQS) và 2 dự án nhiên liệu sinh học do các cổ đông bên ngoài nắm chi phối. Đến nay, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ và Bộ Công Thương, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đơn vị đã từng bước cố gắng, tranh thủ sự ủng hộ của các cổ đông, các đối tác, khách hàng đang tháo gỡ khó khăn kịp thời và có những kết quả khả quan, tích cực. 

Điển hình như Công ty CP Hóa Dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTEX), sau 3 năm trì trệ, tưởng chừng không hoạt động lại được thì đã vận hành toàn bộ dây chuyền phân xưởng sợi Filament trong 6 tháng qua, xuất bán gần 1.500 tấn sản phẩm sợi DTY các loại cho thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, bảo đảm an toàn các nguyên liệu của ngành dệt may. 

Dự án nhiên liệu sinh học Dung Quất đã ký được hợp đồng hợp tác gia công E100 với Công ty CP Xuất nhập khẩu tạp phẩm (Tocontap) ngày 12/06/2018. Ngày 25/9/2018, nhà máy NLSH Dung Quất đã sấy lò để chuẩn bị vận hành sản xuất; ngày 28/10/2018 đã hoàn thành sản xuất 2.000m3 cồn E100. Dự án nhiên liệu sinh học Phú Thọ, PVOil (nắm giữ 39,76% vốn điều lệ) đang thu xếp lịch họp cổ đông để tìm ra các giải pháp xử lý tối ưu. 

Với DQS, PVN đã thuê tổ chức định giá và sẽ nỗ lực hết sức để tái cơ cấu thành công, trong đó bao gồm cả việc nghiên cứu để chào bán toàn bộ doanh nghiệp cho các nhà đầu tư quan tâm ở trong và ngoài nước. 

Như vậy, với các nỗ lực vừa qua, các dự án, doanh nghiệp yếu kém của Tập đoàn đã có các chuyển biến tích cực và với tình hình này, Tập đoàn có thể xử lý cơ bản các dự án, doanh nghiệp này vào năm 2020. Riêng Dự án nhiên liệu sinh học Phú Thọ, PVN đã chỉ đạo PVOil làm việc với các cổ đông để tìm phương án tối ưu bao gồm cả phương án phá sản doanh nghiệp. 

Xã hội hóa triệt để lĩnh vực dịch vụ

Nhìn tổng thể, quá trình sắp xếp, cơ cấu lại PVN trong thời gian từ nay tới năm 2020, cần thấy rằng, công tác tái cơ cấu toàn diện Tập đoàn không thể thực hiện nhanh mà phải theo lộ trình từng bước phù hợp với khả năng và điều kiện từng giai đoạn; bước trước là tạo tiền đề để thực hiện các bước tiếp theo. Với những thành công trong cơ cấu lại Tập đoàn thời gian qua, chúng tôi tin tưởng quá trình này sẽ đạt được những kết quả khả quan. Theo đó, Tập đoàn sẽ xã hội hóa triệt để lĩnh vực dịch vụ, chỉ giữ những dịch vụ liên quan trực tiếp tới khâu thăm dò, khai thác dầu khí và thực hiện thoái vốn trong lĩnh vực điện theo lộ trình CPH đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để tập trung vào 3 lĩnh vực thăm dò - khai thác, công nghiệp khí và chế biến dầu khí từ sau 2025. 

Đặc biệt sau khi tái cơ cấu, quy mô, mô hình tổ chức quản lý của Tập đoàn được tinh giảm. Dự kiến, vốn góp của PVN vào các đơn vị thành viên tính đến cuối năm 2025 sẽ giảm khoảng 60 nghìn tỷ đồng mệnh giá (tương đương giảm 23% so với thời điểm 31/12/2017, trong đó giai đoạn 2018-2020 giảm 38,1 nghìn tỷ đồng mệnh giá) để nâng cao hiệu quả lên khoảng 20-30% so với trước đó. Số vốn giảm này thực chất đã được xã hội hóa và dịch chuyển sang khu vực có hiệu quả kinh tế cao hơn, tạo điều kiện cho PVN tập trung vào các lĩnh vực cốt lõi.

TS. ĐINH VĂN SƠN

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động