RSS Feed for Kiến nghị đưa dự án điện gió ThangLong Wind vào Quy hoạch điện VIII | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ tư 06/11/2024 08:19
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Kiến nghị đưa dự án điện gió ThangLong Wind vào Quy hoạch điện VIII

 - Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc “đề nghị đưa Dự án điện gió ngoài khơi ThangLong Wind vào danh mục các dự án nguồn điện trong Quy hoạch điện VIII”. Dưới đây, Tạp chí Năng lượng Việt Nam xin đăng nguyên văn nội dung kiến nghị của VEA.


Dự án điện gió ThangLong Wind cần có sự quan tâm của Đảng, Chính phủ

Bình luận về dự án điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới ở Việt Nam

Thông tin cập nhật về dự án điện gió ThangLong Wind



 

Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nhận được văn bản của Tập đoàn Enterprize Energy, chủ đầu tư Dự án điện gió ngoài khơi ThangLong Wind (sau đây gọi tắt là Dự án), đơn vị thành viên của Hiệp hội, về việc đề nghị Hiệp hội báo cáo Thủ tướng, Bộ Công Thương xem xét đưa Dự án vào danh mục các dự án nguồn điện trong Quy hoạch điện VIII để nhà đầu tư có cơ sở thực hiện các bước tiếp theo.

Nghiên cứu Hồ sơ của Dự án; Ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Thông báo số 293/TB-VPCP ngày 13/8/2020 của Văn phòng Chính phủ; các văn bản của UBND tỉnh Bình Thuận: Số 589/UBND-KT ngày 18/02/2021 gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương; Số 4351/ UBND-KT ngày 06/11/2020 gửi Bộ Công Thương; Số 1540/ UBND-KT ngày 24/4/2020 gửi Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo (Bộ Công Thương), VEA có ý kiến như sau:

1/ Thông tin chung về Dự án:

- Vị trí Dự án: Thuộc vùng biển tỉnh Bình Thuận, cách mũi Kê Gà 20 km - 50 km; độ sâu từ 20 - 50 m.

- Dự án có quy mô công suất là 3.400 MW, sản lượng điện  hàng  năm khoảng 15 đến 16 tỷ kWh, với tổng mức đầu tư khoảng 11,9 tỷ Đô la Mỹ; được phát triển theo 5 giai đoạn, giai đoạn 1 phát điện vào năm 2025, giai đoạn cuối vào năm 2030.

- Chủ đầu tư: Tập đoàn Enterprize Energy (Anh - Singapore).

- Chủ đầu tư đã thỏa thuận với các đối tác tham gia Dự án:

+ Thu xếp tài chính: Ngân hàng Societe Generale (Pháp).

+ Thiết kế: Công ty ODE (Vương quốc Anh).

+ Cung cấp tua bin gió: Nhà sản xuất Mitsubishi Vestas (Đan Mạch - Nhật Bản), sản xuất tại Đan Mạch. Tua bin gió có công suất từ 10,7 tới 17 MW/tua bin.

+ Gia công, chế tạo chân đế, trụ đỡ tu bin, cung cấp dịch vụ bãi, cảng, thi công, lắp đặt cáp ngầm 220 kV dưới biển, xây trạm biến áp 220 kV ngoài khơi và một số dịch vụ khác trên biển: Các đơn vị trong ngành dầu khí như Liên doanh Việt Nga - Vietsovpetro, Tổng công ty Xây lắp Dầu khí - PVC-MS.

2/ Về tình hình triển khai Dự án: Được sự đồng ý của UBND tỉnh Bình Thuận và các cơ quan liên quan, chủ đầu tư đã thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư Dự án, đến nay đã đạt được một số công việc chính sau:

- Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương đồng ý cho tiến hành khảo sát vùng biển trong phạm vi nghiên cứu của Dự án.

- Chủ đầu tư đã chuẩn bị Hồ sơ xin bổ sung Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia gửi các bộ, cơ quan liên quan để xin ý kiến. Đến nay đã nhận được ý kiến góp ý của 13 bộ, cơ quan liên quan với tinh thần ủng hộ.

- Chủ đầu tư đã thực hiện đo gió theo quy định, đến nay đã có kết quả đo gió trong 12 tháng liên tục, đủ điều kiện lập Báo cáo nghiên cứu khả thi theo quy định. Tốc độ gió trung bình trong vùng nghiên cứu đạt 10 m/s, vượt các số liệu của ước tính của Việt Nam và các tổ chức quốc tế và kỳ vọng của nhà đầu tư, cho phép sử dụng tua bin có công suất phát điện lớn từ 10,7 MW trở lên.

- Chủ đầu tư đã lắp đặt các thiết bị trên máy bay và tàu biển để thực hiện tiếp tục khảo sát từ trên không và khảo sát biển.

3/ Các hiệu ích của Dự án:

- Điện gió ngoài khơi là nguồn năng lượng tái tạo, thay thế nhiên liệu hóa thạch như các nhà máy nhiệt điện than, nhiệt điện khí, nhiệt điện dầu; góp phần giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu theo các cam kết quốc tế.

- Theo Báo cáo điện gió ngoài khơi 2020 của Hiệp hội Gió toàn cầu, chi phí sản xuất điện gió ngoài khơi giảm rất nhanh: Từ trên 25,5 UScents/kWh năm 2010 xuống còn 8,3 UScents/kWh năm 2020 (giảm 67,5%) và đến năm 2025 là 5,8 UScents/kWh (giảm tiếp 30,1%). Chủ đầu tư Dự án cam kết sẽ đàm phán giá điện với các đối tác có liên quan của Việt Nam để có giá bán điện cạnh tranh và giá bán điện sẽ giảm dần theo các giai đoạn phát triển của Dự án.

- Sản lượng điện hàng năm của dự án từ 15 đến 16 tỷ kWh năm tương đương với dự án nhiệt điện than có công suất khoảng 2.400 MW (thay thế được nhiên liệu hóa thạch).

- Phát triển công nghiệp trong nước khi các doanh nghiệp ngành dầu khí kế thừa được chuỗi cơ sở vật chất, thiết bị, nhân sự để tham gia thực hiện Dự án. Tỷ lệ nội địa hóa khoảng 50% từ khâu khảo sát đến thiết kế, gia công chế tạo, lắp đặt, vận hành, bảo trì và chuyển giao công nghệ.

- Thực hiện theo định hướng Nghị quyết 36-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam và Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về "Đẩy mạnh phát triển và nâng cao hiệu quả các ngành kinh tế biển", hình thành một trong 6 ngành kinh tế biển: Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới.

- Tạo tiền đề cho phát triển các dự án điện gió ngoài khơi, góp phần giảm phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu phải nhập khẩu cho phát điện như: Than, khí thiên nhiên hóa lỏng LNG; chủ động kiểm soát giá điện và tiết kiệm ngoại tệ.

- Góp phần đảm bảo an ninh và chủ quyền của đất nước.

4/ Dự án điện gió ngoài khơi ThangLong Wind đã được UBND tỉnh Bình Thuận ủng hộ; Ban Kinh tế Trung ương (tại văn bản số 4715-CV/BKTTW ngày 15/6/2020) đồng tình với các địa phương về việc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương và các cơ quan xem xét, sớm bổ sung các dự án tiên phong về điện gió ngoài khơi hiện nay, điển hình như Dự án ThangLong Wind (tại vùng biển ngoài khơi tỉnh Bình Thuận) và Dự án HBRE (tại vùng biển ngoài khơi tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) vào Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) và chuyển tiếp vào Quy hoạch điện VIII.

5/ Nhà đầu tư cam kết cung cấp đủ vốn để đầu tư trạm biến áp 500 kV Kê Gà và 2 đường dây mạch kép 500 kV, một đường dây dài 110 km, một đường dây dài 116 km về Long Thành và Bình Dương, báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án lưới nói trên được Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 3 thực hiện, việc xây lắp sẽ được các đơn vị xây lắp trong nước thực hiện… Với sự hỗ trợ của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia và EVN, chủ đầu tư sẽ quyết tâm thực hiện trong thời gian ngắn nhất các hạng mục nêu trên để đảm bảo tiến độ chung. 

6/ Với các nội dung trên, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam kiến nghị nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét, đưa Dự án điện gió ngoài khơi ThangLong Wind vào danh mục các dự án nguồn điện trong Quy hoạch điện VIII, đưa vào vận hành giai đoạn 2025 - 2030 với tổng công suất 3.400 MW, điện lượng 15 tỷ kWh năm. Đây là dự án lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam, không nên bỏ lỡ thời cơ. Thông qua dự án này, Việt Nam sẽ rút ra kinh nghiệm cho các dự án điện gió ngoài khơi tiếp theo./.

BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động