RSS Feed for Quảng Bình và Nhiệt điện Quảng Trạch [Kỳ 1] | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 29/03/2024 00:40
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Quảng Bình và Nhiệt điện Quảng Trạch [Kỳ 1]

 - Cùng với sự xuất hiện hệ thống truyền tải điện 500kV, Việt Nam đã có một "Hệ thống điện hợp nhất toàn quốc", trong đó, mỗi nhà máy điện lớn đều thực hiện chức năng cung cấp điện cho các phụ tải trong khu vực, đồng thời góp phần ổn định cung cấp điện cho toàn bộ Hệ thống. Nhờ đó, ngành điện đã và đang giải quyết cơ bản được vấn đề mất cân đối giữa nguồn, phụ tải theo khu vực hành chính Bắc - Trung - Nam. Dự án Nhiệt điện Quảng Trạch được Tạp chí Năng lượng Việt Nam trình bày trong chuyên đề "Quảng Bình và Nhiệt điện Quảng Trạch" là một ví dụ điển hình.

Vì sao năng lượng tái tạo chưa thể thay thế nhiệt điện than?
Phản đối Việt Nam phát triển nhiệt điện than là một sai lầm [Tạm kết]

KỲ 1: NHU CẦU ĐIỆN CHO CNH VÀ HĐH TỈNH QUẢNG BÌNH 

TS. NGUYỄN THÀNH SƠN - HỘI ĐỒNG PHẢN BIỆN TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

1. Tình hình phát triển của Quảng Bình

Nằm ở miền Trung, với diện tích tự nhiên 8.065,3 km2, Quảng Bình có mạng lưới hạ tầng tương đối đầy đủ, gồm: các trục lộ lớn của quốc gia là Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh (2 nhánh Đông và Tây); quốc lộ 12, tỉnh lộ 12 và 16 chạy từ Đông sang Tây; đường sắt Bắc - Nam xuyên suốt chiều dài của tỉnh; đường bờ biển dài 116,04 km; đường biên giới với Lào dài 201,87 km; cảng biển Hòn La; cảng hàng không Đồng Hới; cửa khẩu quốc tế Cha Lo.

Dân số của Quảng Bình năm 2016 là 877.702 người (mật độ 109 người/km2). Quảng Bình có 1 thành phố, 1 thị xã và 6 huyện với 142 xã, 11 phường và 8 thị trấn.

Tổng GRDP của tỉnh Quảng Bình năm 2015 theo giá hiện hành ước đạt gần 23,6 nghìn tỷ VNĐ, tương đương với 17,4 nghìn tỷ đồng theo giá so sánh 2010. Giá trị này thấp hơn so với kế hoạch đề ra trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Bình đến năm 2011-2020. Giá trị GRDP giai đoạn 2010-2015 và tốc độ tăng trưởng GRDP hàng năm của Quảng Bình được trình bày trong Hình 1 dưới đây:

Hình 1. Giá trị GRDP và tăng trưởng GRDP hàng năm (2010-2014)

Đồ thị trên cho thấy: tốc độ tăng trưởng của tỉnh Quảng Bình sụt giảm vào năm 2011, nhưng đã có sự phục hồi nhẹ trong những năm kế tiếp. Tính chung cả giai đoạn, tăng trưởng chỉ đạt 6,9%/năm, thấp hơn so với mục tiêu là 12%/năm. Mặc dù vậy, đây vẫn được coi là tăng trưởng khá trong điều kiện suy thoái kinh tế toàn cầu có ảnh hưởng không nhỏ tới Việt Nam nói chung và Quảng Bình nói riêng.

Cho dù không đạt mục tiêu tăng trưởng đã đề ra nhưng quy mô, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế Quảng Bình đã có những bước cải thiện đáng kể (cụ thể xem Bảng 1 dưới đây).

Bảng 1. Các chỉ tiêu kinh tế của Quảng Bình giai đoạn 2010-2015

Chỉ tiêu phát triển kinh tế

2010

2012

2013

2014

2015

Tổng GRDP theo giá hiện hành, tỷ đ.

12.673

17.742

19.669

21.864

23.587

Nông lâm nghiệp và thủy sản

3.135

4.619

4.838

5.435

5.799

Công nghiệp& Xây dựng

2.416

3.338

3.754

4.233

4.720

Dịch vụ

6.605

9.083

10.056

11.026

11.916

Thuế trừ đi trợ cấp

516

702

1.020

1.170

1.153

Cơ cấu GRDP theo giá hiện hành, %

100

100

100

100

100

Nông lâm nghiệp và thủy sản

24,74

26,03

24,60

24,86

24,70

Công nghiệp & Xây dựng

19,07

18,81

19,09

19,36

20,04

Dịch vụ

52,12

51,20

51,13

50,43

50,50

Thuế trừ đi trợ cấp

4,08

3,95

5,19

5,35

4,76

Dân số, 1000 người

848,62

858,29

863,35

868,17

872,92

GRDP/đầu người của Quảng Bình, tr.đ

14,66

20,21

22,55

25,35

28,0

GDP/đầu người cả nước, tr.đ

24,8

36,5

39,9

43,4

45,7

GDP/đầu người Quảng Bình so với cả nước, %

59,1

55,3

56,4

58,4

61,3

Nguồn: Niên giám thống kê Quảng Bình 2015, Niêm giám thống kê Việt nam 2015.

2. Mục tiêu phát triển của tỉnh Quảng Bình đến 2025

Giai đoạn đến 2020

Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 tỉnh Quảng Bình đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP trung bình 13%/năm cho giai đoạn 2016-2020. Trong cơ cấu GDP sản xuất công nghiệp chiếm tỷ trọng tới 44÷45% vào năm 2020. Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện, trước những kết quả đạt được và những thách thức mới, Quảng Bình đã xác định lại mục tiêu phù hợp hơn với hoàn cảnh và tiềm năng thế mạnh của địa phương. Theo đó, Quảng Bình sẽ chú trọng phát triển khu vực dịch vụ, đưa ngành này chiếm 52% cơ cấu GDP vào năm 2020.

Mục tiêu tổng quát là đến năm 2020, Quảng Bình sẽ đạt trình độ phát triển ngang mức trung bình của cả nước. Để thực hiện được điều đó, các chỉ tiêu kinh tế xã hội cụ thể tới thời điểm 2020 được đặt ra như sau:

1/ Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 8,5÷9%/năm. Trong đó giá trị sản xuất các ngành tăng bình quân như sau: nông, lâm nghiệp và thủy sản 4÷4,5%%; công nghiệp - xây dựng 11÷11,5%; dịch vụ 9÷9,5%.

2/ Cơ cấu các ngành: nông, lâm nghiệp và thủy sản 20%; công nghiệp - xây dựng 28%, dịch vụ 52%.

3/ Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người đạt: 65÷70 triệu đồng.

4/ Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 8.000 tỷ đồng.

5/ Sản lượng lương thực đạt 0,280÷285 triệu tấn.

6/ Giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt 260÷270 triệu USD.

7/ Khách du lịch đến Quảng Bình đạt 5,5 triệu lượt.

8/ Số lao động được tạo việc làm hàng năm: 3,1÷3,2 vạn lao động.

9/ Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm: 2÷3% (theo chuẩn nghèo 2016-2020).

10/ Có 50% số xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới (68 xã).

Giai đoạn 2021-2025

Giai đoạn 2021-2025, dự báo kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Bình vẫn phát triển theo hướng nhanh và bền vững. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp; chú trọng xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại; nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, đưa công nghiệp trở thành ngành kinh tế trọng điểm và du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; tăng cường quốc phòng - an ninh.

Dự báo nhu cầu điện năng trong giai đoạn này đã được xem xét theo kịch bản phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Bình như sau:

Một là: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm GDP tăng bình quân 7,5÷8%; trong đó giá trị sản xuất các ngành tăng bình quân như sau: nông, lâm nghiệp và thủy sản 3,5÷4,0%, công nghiệp - xây dựng 10,5÷11,0%, dịch vụ 8,5÷9,0%.

Hai là: Cơ cấu các ngành: nông, lâm nghiệp và thủy sản 16%, công nghiệp - xây dựng 30%, dịch vụ 54%

3. Chương trình CNH và HĐH của Quảng Bình

Chương trình Công nghiệp hóa và hiện đại hóa của Quảng Bình dựa trên việc phát triển của các khu công nghiệp (KCN) và khu kinh tế (KKT). Theo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 5 năm 2016-2020, Quảng Bình sẽ phát triển 8 KCN tập trung, gồm:

1/ KCN Tây Bắc Đồng Hới: quy mô 62,56 ha; địa phận phường Bắc Lý và xã Lộc Ninh - TP. Đồng Hới. Các lĩnh vực ưu tiên: công nghiệp chế biến nông, lâm sản; lắp ráp, chế tạo, thiết bị phục vụ sản xuất hàng tiêu dùng như dệt, may mặc, kim khí, dụng cụ gia đình và các loại hàng hoá khác. Tới thời điểm hiện tại tỷ lệ lấp đầy của KCN Tây Bắc Đồng Hới đạt 70%.

2/ KCN Bắc Đồng Hới thuộc xã Thuận Đức: quy mô 150 ha. Các ngành công nghiệp chủ yếu: cơ khí chế tạo; sản xuất gỗ và các sản phẩm từ gỗ; VLXD; chế biến nông, lâm sản; điện, điện tử, hàng tiêu dùng... Tỷ lệ lấp đầy của KCN Bắc Đồng Hới mới đạt 20%.

3/ KCN Tây Bắc Quán Hàu: quy mô 250ha, nằm trên trục đường quy hoạch 32 mét đấu nối với tuyến đường tránh thành phố Đồng Hới, thuộc xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh. Các ngành công nghiệp chủ yếu: sản xuất chế biến các sản phẩm nông, lâm sản; cơ khí; vật liệu xây dựng và các ngành nghề khác. Tỷ lệ lấp đầy của KCN Tây Bắc Quán Hàu 15% với 3 doanh nghiệp đang hoạt động. Trong tương lai, tại đây Tổng công ty May 10 sẽ đầu tư nhà máy may công nghiệp.

4/ KCN Hòn La II: quy mô 177ha, trên địa phận xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, dọc theo phía Bắc tuyến đường nối Quốc lộ 1A cách cảng Hòn La 8 km. Các ngành công nghiệp dự kiến: luyện kim, điện tử, cơ khí, sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy; sản xuất vật liệu xây dựng, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, chế biến nông sản.

5/ KCN Cảng biển Hòn La: quy mô 98ha, tại xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, nằm dọc theo phía Bắc tuyến đường nối Quốc lộ 1A ra bờ biển nơi có cảng Hòn La. Đây là KCN tập trung nằm trong KKT phía Bắc của tỉnh với các hoạt động dịch vụ nghề cá, khu neo đậu tầu thuyền, khu sửa chữa, đóng mới tàu thuyền, nghiền clinker, chế biến bột cá, chế biến bột, dăm giấy xuất khẩu...

6/ KCN Bang: quy mô đến 2020 là 450 ha thuộc địa bàn xã Phú Thủy, huyện Lệ Thủy, nằm ở ngã tư Thạch Bàn, dọc theo đường Hồ Chí Minh nhánh Đông và tỉnh lộ 16 nối thị trấn Kiến Giang với Khu du lịch Bang. Các ngành công nghiệp chính gồm: sản xuất hàng tiêu dùng, phục vụ du lịch, chế biến nông lâm sản.

7/ KCN Cam Liên: quy mô năm 2020 là 450ha, nằm trên trục đường Cam Liên - Ngư Hòa, cách Quốc lộ 1A 1 km về phía Đông, nối liền trung tâm thị trấn Kiến Giang với khu du lịch nghỉ dưỡng Tân Hải, khu du lịch Bang. Các ngành công nghiệp chính gồm: chế biến nông, lâm, thủy sản, dịch vụ, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí, may, da giầy, sản xuất hàng tiêu dùng và xuất khẩu.

8/ KCN Lý Trạch: quy mô đến năm 2020 là 250 ha, nằm phía Tây Nam xã Lý Trạch, huyện Bố Trạch, cách đường tránh thành phố Đồng Hới 500 m về phía Tây, cách đường Hồ Chí Minh 4 km về phía Đông, cách thành phố Đồng Hới 6 km về phía Bắc. Các ngành công nghiệp chủ yếu gồm: cơ khí chế tạo, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến lâm sản, nông sản và sản xuất các sản phẩm tiêu dùng. (Các thông tin được tổng hợp trong bảng 2 và hình 2 dưới đây).

Bảng 2. Danh mục các KCN của tỉnh Quảng Bình đến 2020

Tên gọi KCN

Địa điểm

Quy mô (ha)

Ghi chú

Hiện tại

Đến 2020

Tây Bắc Đồng Hới

TP Đồng Hới

62,56

62,56

Tỷ lệ lấp đầy 70%

Bắc Đồng Hới

TP Đồng Hới

150

150

Tỷ lệ lấp đầy 20%

Tây Bắc Quán Hàu

H. Quảng Ninh

250,5

300

Tỷ lệ lấp đầy 15%

Hòn La II

Khu KT Hòn La

177,1

300

Đã có quy hoạch chi tiết

Cảng biển Hòn La

Khu KT Hòn La

98

200

Đã có quy hoạch chi tiết

Bang

H. Lệ Thủy

135

450

Đang quy hoạch chi tiết

Cam Liên

H. Lệ Thủy

250

450

Đang quy hoạch chi tiết

Lý Trạch

H. Bố Trạch

250

250

Đang quy hoạch chi tiết

Cộng

 

1.373

2.161

 

Hình 2. Bản đồ vị trí các KCN tập trung của tỉnh Quảng Bình đến 2020.

4. Các dự án xi măng và thép của Quảng Bình

Ngoài các KCN và KKT nêu trên, tại Quảng Bình có nhiều dự án xi măng lò đứng được chuyển sang công nghệ lò quay nhằm nâng cao sản lượng, năng suất, chất lượng sản phẩm cũng như thỏa mãn các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Khi đi vào vận hành, các cơ sở này sẽ tiêu thụ một lượng điện năng rất lớn so với hiện tại. Quy mô của các dự án nhà máy xi măng này được quy hoạch như sau:

1/ Xi măng Sông Gianh: công nghệ lò quay, công suất hiện tại 1,4 triệu tấn/năm, dự kiến sẽ đầu tư thêm một dây chuyền 1,4 triệu tấn/năm (tổng công suất 2,8 triệu tấn/năm).

2/ Liên hợp Xi măng Áng Sơn I và II: tổng công suất hiện tại là 1,0 triệu tấn/năm, nằm ở thôn Áng Sơn, xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh. Dự kiến sau năm 2020, xi măng Vicem Hải Vân sẽ lắp đặt thêm dây chuyền 2 có công suất 0,5 triệu tấn/năm (tổng công suất thiết kế 1,5 triệu tấn năm).

3/ Xi măng Văn Hóa: công suất hiện tại 1,8 triệu tấn/năm, do công ty TNHH VLXD Việt Nam làm chủ đầu tư. Khu vực sản xuất clinker của nhà máy nằm trên địa phận xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, trong khi khu vực nghiền xi măng và cảng biển sẽ nằm trên địa phận xã Quảng Phúc, huyện Quảng Trạch. Dự kiến vào năm 2019, chủ đầu tư xi măng Văn Hóa sẽ tiếp tục nâng công suất của nhà máy này lên gấp đôi (tổng công suất 3,6 triệu tấn/năm).  

4/ Xi măng Trường Thịnh: công suất dự kiến là 2 triệu tấn/năm, nằm ở thôn Seo Phong, xã Phong Hóa, Tuyên Hóa, chủ đầu tư là công ty Trường Thịnh. Theo quy hoạch, xi măng Trường thịnh sẽ xuất hiện sau năm 2020. Hiện tại nhà máy này mới hoàn tất các thủ tục đầu tư và một số công tác liên quan giải phóng mặt bằng.

5/ Xi măng Thanh Trường: công suất 0,5 triệu tấn/năm, nằm trên địa phận 2 xã Quảng Thanh, Quảng Trường, huyện Quảng Trạch, do Công ty Coserco 1 làm chủ đầu tư, được chuyển đổi công nghệ từ lò đứng sang lò quay, dự kiến sẽ vận hành sau 2020.

6/ Nhà máy luyện thép Quảng Phú: nằm trên địa bàn xã Quảng Phú, Quảng Trạch, thuộc khu kinh tế Hòn La, với công suất 250.000 tấn sản phẩm/năm, hiện đã hoàn thành một số công trình và lắp đặt một số thiết bị. Tuy nhiên, do nhiều lý do khách quan, vẫn chưa đi vào vận hành.

(Thông số của các phụ tải lớn được trình bày trong Bảng 3 và Hình 3)

Hình 3: Vị trí các phụ tải công nghiệp lớn tỉnh Quảng Bình đến 2025.

Bảng 3. Danh mục các phụ tải lớn đến 2020-2025

Phụ tải

Địa điểm

Công suất (triệu tấn/năm)

Tiến độ

Hiện tại

Đến 2020

Đến 2025

Xi măng Sông Gianh

H. Tuyên Hóa

1,4

2,8

2,8

Mở rộng sau 2015

Xi măng Văn Hóa

H. Tuyên Hóa

1,8

1,8

3,6

Mở rộng năm 2019

Xi măng Áng Sơn I

H. Quảng Ninh

0,35

0,35

0,35

Giữ nguyên tới 2025

Xi măng Áng Sơn II

H. Quảng Ninh

0,65

0,65

1,15

Tiến độ sau 2020

Xi măng Trường Thịnh

H. Tuyên Hóa

 

 

2,0

Tiến độ sau 2020

Xi măng Thanh Trường

H. Quảng Trạch

 

 

0,35

Tiến độ sau 2020

Gang thép Quảng Phú

H. Quảng Trạch

 

0,25

0,25

Tiến độ sau 2015

Đón đọc kỳ tới: Tình hình khai thác, sử dụng than trên thế giới và ở Việt Nam

Tài liệu tham khảo:

1. Tổng sơ đồ điện VII điều chỉnh

2. Báo cáo điều chỉnh dự án đầu tư nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1

3. https://www.quangbinh.gov.vn/3cms/gioi-thieu-chung-14532.htm

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động