RSS Feed for Dự án điện gió ThangLong Wind cần có sự quan tâm của Đảng, Chính phủ | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 19/03/2024 14:25
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Dự án điện gió ThangLong Wind cần có sự quan tâm của Đảng, Chính phủ

 - Để cụ thể hóa các vấn đề được nêu ra tại Hội thảo quốc tế “ThangLong Wind - sự cần thiết cho kinh tế Việt Nam” do Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Anh, Tập đoàn Enterprize Energy tổ chức ngày 6/12/2019, tại Hà Nội. Sau khi cùng các chuyên gia, nhà khoa học họp bàn, xem xét, phân tích, cân nhắc các ý kiến, VEA đã hoàn thành văn bản số 73/HHNL-BC, ngày 12/12/2019, gửi tới Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và UBND tỉnh Bình Thuận.

Thông tin mới nhất về dự án ThangLong Wind
Vietsovpetro làm việc với EE về dự án ThangLong Wind
Hội thảo bàn về việc bổ sung dự án ThangLong Wind vào Quy hoạch điện
Phương án khảo sát chi tiết dự án ThangLong Wind


 

Dưới đây là nguyên văn nội dung kiến nghị của VEA:

"Sau 1 năm (từ tháng 12/2018 đến đầu tháng 12/2019), sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp nhận cho đầu tư dự án ThangLong Wind ngoài khơi Mũi Kê Gà, tỉnh Bình Thuận, đến ngày 14/8/2019, Bộ Công Thương ra văn  bản gửi UBND tỉnh Bình Thuận các bộ, ngành liên quan về việc rà soát các thủ tục báo cáo hội đồng thẩm định, hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt bổ sung danh mục dự án ngoài khơi ThangLong Wind vào Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia.

Trong năm qua, Tập đoàn Enterprize Energy đã làm các công việc thông qua các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải, Quốc Phòng, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ngoại giao, Công an, UBND tỉnh Bình Thuận, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) và đã được các cơ quan trên đồng thuận.

VEA, một lần nữa khẳng định vai trò, tầm quan trọng, ý nghĩa của dự án ThangLong Wind: Một dự án điện gió ngoài khơi có tổng công suất 3.400 MW, sản xuất ra lượng điện trên 20 tỷ kWh/năm; với diện tích trên 2.000 km2 trên mặt biển (cách Mũi Kê Gà khoảng 50km). Tốc độ gió bình quân trên 7,8-9m/s (đều trong năm), chưa kể nhiều lúc cao hơn, số giờ để phát điện trong năm đạt từ 5.500h đến 6.000h, một dự án năng lượng tái tạo (NLTT) có ưu điểm vượt trội, phát điện 24/24h, có điện lượng đạt cao nhất, tương đương với 2 nhà máy nhiệt điện than (mỗi nhà máy 1.200 MW). Mỗi tua bin 9,5 MW trở lên cho 1 trụ gió, còn trụ gió trên bờ chỉ 2,5 MW, tốc độ gió khoảng 4m/s, thời gian gió trong năm khoảng 2.000h.

Từ năm 2019 trở đi, do biến đổi khí hậu, hạn hán kéo dài, các nhà máy thủy điện cả nước bình quân mỗi năm sản lượng điện giảm sút khoảng 9 đến 10 tỷ kWh/năm; điện khí đồng hành cũng bị giảm sút 3 đến 4 tỷ kWh/năm - đây là những thách thức lớn trong lúc các nguồn điện bổ sung từ các dự án của Quy hoạch điện VII đều bị chậm tiến độ, dẫn tới tình trạng thiếu điện xẩy ra từ năm 2020 trở đi, trước mắt là từ 2020-2023 đã thấy rõ. Nếu dự án điện gió ngoài khơi ThangLong Wind triển khai trong sáu giai đoạn, giai đoạn 1 khởi công năm 2020, hoàn thành năm 2023, công suất 600 MW dự kiến đưa vào phát điện vào cuối năm 2022 đầu năm 2023, điện lượng khoảng 4 tỷ kWh, sau đó mỗi năm bổ sung 600 MW; điện lượng tương tự như trên cho đến năm 2027 hoàn thành toàn bộ dự án 3.400 MW, điện lượng trên 20 tỷ kWh/năm. Đây là dự án có vai trò quan trọng, kịp thời bổ sung nguồn điện cho phát triển kinh tế Việt Nam trong giai đoạn 2020 đến 2030 trở đi.

Do vậy, dự án này cần được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ.

Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, Đại sứ quán Vương quốc Anh, chủ đầu tư Tập đoàn Enterpize Energy xin kiến nghị với Đảng, Chính phủ, Bộ Công Thương một số điểm sau đây:

Thứ nhất: Đề nghị Bộ Công Thương sớm hoàn tất thủ tục để trình Hội đồng thẩm định trong năm 2019 và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung quy hoạch.

Thứ hai: Đề nghị Thủ tướng Chính phủ xét duyệt bổ sung dự án vào Quy hoạch điện vào đầu năm 2020.

Thứ ba: Tiến độ của dự án tới năm 2023 phát điện giai đoạn 1, do vậy, nếu được bổ sung quy hoạch từ đầu năm 2020 thì mọi thủ tục, kể cả xây dựng nhà máy ngoài biển, xây dựng trạm biến áp 500 kV, xây dựng đường dây 500 kV và nhiều hạng mục khác nữa chỉ thực hiện trong 2,5 năm, thời gian quá cấp bách, do vậy nhà đầu tư mong muốn Thủ tướng Chính phủ bổ sung quy hoạch sớm để dự án hoàn thành đúng tiến độ để đảm bảo mục tiêu cấp điện cho nền kinh tế Việt Nam.

Thứ tư: Ngài Đại sứ quán Vương quốc Anh - Bắc Ailen mong muốn Đảng, Chính phủ Việt Nam hỗ trợ giúp đỡ cho dự án ThangLong Wind đạt được điều mong muốn của Tập đoàn Enterpize Energy - đây là một sản phẩm của Vương quốc Anh được xây dựng trên đất nước Việt Nam, cũng là dự án có quy mô lớn ở khu vực và trên thế giới.

Thứ năm: Với dự án này, chủ đầu tư đã sẵn sàng chuẩn bị thu xếp đủ vốn, còn thiết bị do các nhà cung cấp hàng đầu thế giới như: Hệ thống tua bin do MHI-Vestas, hệ thống Invester  do Siemens hoặc ABB (hệ thống nâng điện áp từ 66 kV lên đến 500 kV), hệ thống cáp ngầm từ ngoài biển vào  bờ và các thiết bị quan trọng khác đều đạt tiêu chuẩn G7.

Thứ sáu: Dự án này dự kiến có tỷ lệ nội địa hoá lên đến 50% được tận dụng, khai thác cả về thiết bị và xây lắp của một số nhà thầu trong nước như: Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 3 (PECC 3) thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, Liên doanh Vietsovpetro (VSP), Công ty CP Lắp máy và Xây lắp Dầu khí (PVC-MS). Từ các hạng mục như chế tạo đế giàn, móng, trụ đỡ tua bin, lắp đặt, kéo cáp ngầm, xây dựng trạm biến áp 500 kV, đường dây 500 kV... sẽ thu về cho Việt Nam hàng trăm triệu USD. Mặt khác, qua dự án này hàng nghìn kỹ sư, công nhân Việt Nam sẽ học tập được kinh nghiệm thi công, xây lắp, thiết kế, chế tạo các hạng mục của điện gió ngoài khơi để sau này áp dụng cho các dự án điện gió ngoài khơi khác của Việt Nam.

Thứ bảy: Dự án điện gió ngoài khơi ThangLong Wind lần đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam với quy mô công suất lớn, tổng vốn đầu tư 11,9 tỷ USD, với sự quyết tâm của Tập đoàn Enterprize Energy sẽ phấn đầu hoàn thành đúng kế hoạch đề ra và dự kiến sau giai đoạn này sẽ mở rộng khu vực biển ngoài khơi Bình Thuận lên tới 10.000 MW điện gió ngoài khơi cho Việt Nam.

Thứ tám: Việt Nam có bờ biển dài 3.200 km, với tiềm năng rất lớn về điện gió ngoài khơi vì có nhiều cửa biển, bãi ngang, có nhiều nơi làm được điện gió ngoài khơi. Tương lai nếu được đánh giá, quan tâm để đầu tư phát triển, đây là một nguồn NLTT đóng vai trò chủ chốt, tạo ra được hàng trăm tỷ kWh/năm.

Thứ chín: Do tầm quan trọng của dự án, kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ xếp dự án vào trọng điểm quốc gia để có sự chỉ đạo khẩn trương cấp bách, thường xuyên, tạo điều kiện giúp đỡ, hỗ trợ từ Chính phủ, các bộ, ngành đến tỉnh Bình Thuận và các địa phương có đường dây 500 kV đi qua.

Thứ mười: Về cơ chế chính sách, kính đề nghị Chính phủ cho giữ Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg khi dự án hoàn thành vào thời điểm năm 2023 sẽ có hiệu lực trong vòng 20 năm.

Trong trường hợp nhà đầu tư bỏ vốn ra xây dựng đường dây và trạm 500 kV thì Chính phủ có cơ chế (được tính chi phí, khấu hao nguồn vốn đầu tư này có thể đưa vào giá bán điện cho nhà đầu tư).

Phương án lựa chọn các đường dây 500 kV:

1/ Đường dây số 1 từ trạm 500 kV Kê Gà đi về Bình Dương (dài 160 km mạch kép).

2/ Đường dây 500 kV từ trạm 500 kV Kê Gà về trạm Long Thành (mạch kép dài 110 km). Hai đường dây này mới đủ tải hết công suất của dự án ThangLong Wind, nhưng giai đoạn 1 từ nay đến 2023 sẽ triển khai trước trạm 500 kV Kê Gà và đường dây 500 kV Kê Gà đi Long Thành (mạch kép dài 110 km).

Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia là đơn vị vừa làm chức năng quản lý dự án, đầu tư xây dựng, quản lý vận hành các dự án từ 500 kV đến 220 kV từ trước đến nay luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được quốc tế đánh giá cao, đảm bảo cung cấp điện đồng bộ với các nguồn điện có nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý, xây lắp, đền bù giải phóng mặt bằng về xây dựng đường dây, trạm 500 kV. Do vậy, đề nghị EVN và EVNNPT hỗ trợ tích cực tốt nhất, đảm nhận công việc quản lý, xây dựng đường dây và trạm nêu trên kịp tiến độ của dự án.

Trên đây là một số đề xuất, kiến nghị của Hiệp hội Năng lượng Việt  Nam, Đại sứ quán Vương quốc Anh và Tập đoàn Enterprize Energy về dự án ThangLong Wind. Kính mong lãnh đạo Đảng, Quốc Hội, Chính phủ, Bộ Công Thương quan tâm, giải quyết với sự mong muốn bằng tâm huyết lớn nhất của chúng tôi"./.

VP HIỆP HỘI NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động