RSS Feed for Điện nông thôn miền Nam: Thành tựu và mục tiêu hướng tới | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ hai 23/12/2024 16:11
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Điện nông thôn miền Nam: Thành tựu và mục tiêu hướng tới

 - Công tác đưa điện về nông thôn thời gian qua của Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng cơ bản nhu cầu sản xuất, sinh hoạt và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Với những thành tựu đã đạt được, hứa hẹn trong những năm tiếp theo, EVNSPC sẽ tiếp tục phấn đấu không ngừng cải tạo và phát triển đồng bộ hệ thống lưới điện đảm bảo đủ điện phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất của bà con nhân dân khu vực nông thôn trên khắp mọi miền của phía Nam Tổ quốc. Ông Nguyễn Phước Đức - Tổng giám đốc EVNSPC đã có cuộc trao đổi với Phóng viên Tạp chí Năng lượng Việt Nam xung quanh vấn đề này.

Cung cấp điện khu vực miền Nam: 'Cử tri đã khá hài lòng'

Phóng viên: Quán triệt chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong việc đưa điện về nông thôn, miền núi và hải đảo; nhằm tạo điều kiện để thực hiện chính sách xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân vùng sâu, vùng xa, giữ vững an ninh, an sinh xã hội. EVNSPC đã triển khai thực hiện vấn đề này như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Phước Đức: Từ năm 1986, khi Đảng ta khởi sướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước, đời sống người dân bắt đầu được cải thiện, nâng cao; công tác đưa điện về nông thôn đã có bước phát triển nhảy vọt, lưới điện quốc gia đã lan toả về khắp các thôn (ấp), xã.

Theo đó, công tác đầu tư xây dựng lưới điện nông thôn của EVNSPC được triển khai một cách bài bản, với phương thức “Ngành điện đầu tư đường dây trung áp và trạm biến áp; địa phương xây dựng đường dây hạ áp và nhân dân tự lo nhánh rẽ vào nhà”. Riêng các công trình điện khí hóa từ nguồn vốn vay ODA và các công trình cấp điện cho các cụm tuyến dân cư chống lũ, thì Tổng công ty đầu tư toàn bộ lưới điện trung hạ áp để đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả của dự án.

Thời gian qua, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, gồm: Vốn tự có của Tổng Công ty, vốn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, vốn ứng trước của các tỉnh, vốn vay thương mại, vốn vay ưu đãi Nhà nước, vốn vay ODA của các tổ chức tài chính nước ngoài như: WB, ADB, JIBIC, AFD, KfW... EVNSPC, cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương các cấp và sự hy sinh của người dân trong việc giải tỏa hành lang lưới điện, đã triển khai thực hiện nhiều công trình, dự án đầu tư đưa điện về nông thôn trên địa bàn 21 tỉnh/thành phố ở khu vực phía Nam (trừ TP. Hồ Chí Minh)… và đã xây dựng thành công hệ thống điện lưới quốc gia để đưa điện về đến từng thôn (ấp), xã.

Cùng với việc đầu tư xây dựng, phát triển lưới điện khu vực nông thôn, EVNSPC đã thực hiện công tác tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn từ các Tổ chức quản lý điện của địa phương không đủ năng lực quản lý, cung cấp điện trực tiếp tới các hộ dân nông thôn, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện phục vụ phát triển sản xuất, sinh hoạt với chất lượng cao, an toàn, ổn định, mua điện theo giá bán điện do Chính phủ quy định và sử dụng các dịch vụ khách hàng tiên tiến do ngành điện cung cấp.

EVNSPC cũng đã tiếp nhận hệ thống điện để quản lý và bán điện tại các huyện đảo gồm: Phú Quý (tỉnh Bình Thuận), Trường Sa & Nhà giàn DK1 (tỉnh Khánh Hòa & tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), Phú Quốc & Kiên Hải (tỉnh Kiên Giang), đảm bảo cấp điện ổn định, liên tục 24/24h đáp ứng đầy đủ nhu cầu điện phục vụ cho người dân trên các đảo, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo, an ninh chính trị và xã hội.

Bên cạnh đó, EVNSPC đã và đang thực hiện nhiều dự án cấp điện cho các hộ dân chưa có điện tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và biên giới nhằm góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, đảm bảo an ninh, trật tự xã hội tại các tỉnh phía Nam như: Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia giai đoạn 2016-2020 thuộc Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo theo Quyết định số 2081/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (nay là Quyết định số 1740/QĐ-TTg); các dự án đầu tư cung cấp điện cho các xã đảo tỉnh Kiên Giang; thực hiện Tiêu chí số 4 về điện nông thôn trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng...

Không chỉ vậy, EVNSPC còn đặc biệt quan tâm tập trung dành nguồn vốn lớn để đầu tư hệ thống điện cung cấp cho các huyện đảo, xã đảo bằng đường dây trên không và cáp ngầm xuyên biển ra các huyện đảo Phú Quốc, Kiên Hải (Kiên Giang), và các xã đảo Lại Sơn, Hòn Nghệ, Sơn Hải, Hòn Tre (tỉnh Kiên Giang) nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế biển, bảo vệ môi trường và đặc biệt là góp phần giữ vững an ninh chủ quyền biển đảo.

Phóng viên: Kết quả đạt được trong công tác đưa điện về nông thôn, miền núi, hải đảo của EVNSPC thời gian qua thế nào?

Ông Nguyễn Phước Đức: Từ 70% số trung tâm xã có điện, với gần 35% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia vào năm 1996; đến cuối quý II/2019 số xã phường thị trấn có điện là 2.513/2.513 xã, đạt tỷ lệ 100%. Tổng số hộ dân có điện là 7,92/7,95 triệu hộ, đạt tỷ lệ 99,58%; trong đó hộ dân nông thôn có điện là 5,21/5,23 triệu hộ, đạt tỷ lệ 99,41%.

Từ 12.598 km đường dây trung thế, 9.340 km đường dây hạ thế và 24.056 trạm biến áp - tổng dung lượng 2.244 MVA vào năm 1996; đến cuối quý III/2019 đã là 5.715 km đường dây 110kV; 264 TBA 110kV - tổng công suất 21.883 MVA, 71.430 km đường dây trung thế, 263.810 km đường dây hạ thế và 130.689 trạm biến áp - tổng dung lượng 36.000 MVA.

Phóng viên: Trong quá trình thực hiện, đâu là những thuận lợi, khó khăn mà EVNSPC gặp phải?

Ông Nguyễn Phước Đức: Trong quá trình thực hiện, ngoài sự cố gắng, nỗ lực của tập thể CBCNV, EVNSPC cũng đã có những thuận lợi nhất định như: Sự quan tâm chỉ đạo của các cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương và của Ban chỉ đạo Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới các cấp đã tạo nên sự đồng thuận trong việc thực hiện chủ trương xây dựng Tiêu chí số 4 về điện nói riêng. Bên cạnh đó, hệ thống quản lý, điều hành Chương trình NTM đã được thành lập từ cấp Trung ương đến cơ sở trên toàn quốc đã tạo điều kiện thuận lợi cho EVN SPC tổ chức thực hiện các dự án đầu tư cấp điện cho khu vực nông thôn miền núi hải đảo, trong đó có việc thực hiện tiêu chí số 4 về điện nông thôn cho các xã xây dựng NTM.

Tuy nhiên, EVNSPC cũng gặp không ít khó khăn, thách thức như: Nhu cầu vốn đầu tư các công trình đầu tư xây dựng mới, cải tạo lưới điện nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, an toàn điện, giảm TTĐN và công trình cấp điện cho các hộ dân chưa có điện vùng sâu vùng xa, công trình cấp điện phục vụ nuôi tôm, xóa các hộ câu đuôi là rất lớn, trong khi công tác thu xếp vốn đầu tư của EVN SPC gặp rất nhiều khó khăn, nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp cho Chương trình cấp điện nông thôn (QĐ 2081 và QĐ 1740) còn hạn chế.

Khối lượng đầu tư lưới điện cho khu vực nông thôn là rất lớn và không hiệu quả, trong khi nguồn vốn đầu tư xây dựng của EVN SPC rất hạn hẹp; trong khả năng bố trí vốn chỉ đủ đáp ứng nhu cầu cải tạo hệ thống lưới điện hiện hữu, đầu tư phát triển hệ thống lưới điện 110kV, xây dựng mới các tuyến trục chính lưới điện trung hạ áp mở rộng địa bàn, đầu tư cấp điện tại một số khu vực nông thôn để giải quyết bức xúc nhu cầu về điện của cử tri theo chỉ đạo của địa phương... để đảm bảo an toàn, liên tục trong cung cấp điện cho các địa phương.

Nhu cầu về vốn đầu tư cấp điện cho khu vực nông thôn trong thời gian tới là rất lớn, EVN SPC vẫn chưa cân đối được, cụ thể: Vốn đối ứng của ngành điện trong Dự án 2081 (và DA 1740) là 1.194 tỷ đồng; Vốn thực hiện chương trình xóa câu phụ là 3.000 tỷ đồng; Vốn đầu tư lưới điện phục vụ nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2019-2025 là 5.108 tỷ đồng…

Hầu hết các khu vực chưa có điện hiện nay đều ở những khu vực vùng sâu vùng xa, có mật độ dân cư thưa thớt, sống không tập trung theo quy hoạch và chưa có đường giao thông chính, nên việc đầu tư xây dựng lưới điện gặp rất nhiều vướng mắc, cụ thể: phải kéo đường dây dài, trạm phân phối non tải, suất đầu tư cấp điện cho các hộ dân này là rất lớn bình quân khoảng 30 triệu đồng/hộ, có những nơi suất đầu tư gần 50 triệu đồng/hộ, thậm chí 100 triệu/hộ.

Ngoài ra, người dân sinh sống không theo quy hoạch, xây cất nhà ở phức tạp làm ảnh hưởng đến việc xây dựng lưới điện, hướng tuyến đường dây cong, quẹo do phải tránh nhà làm phát sinh thêm chiều dài và tăng giá thành đầu tư; công tác quản lý sửa chữa lưới điện rất khó khăn do không có đường giao thông, lưới điện vận hành thường ở chế độ non tải gây TTĐN lớn, công tác thu tiền điện gặp nhiều khó khăn, có nơi chi phí cho việc đi thu tiền điện nhiều hơn doanh thu…

Vấn đề xử lý an toàn điện, chất lượng điện và tổn thất điện năng hệ thống lưới điện nông thôn sau tiếp nhận lưới điện để bán trực tiếp cũng là một vấn đề nan giải của EVN SPC; cần phải tìm kiếm, huy động một nguồn vốn rất lớn để thực hiện đầu tư cải tạo, nâng cấp lưới điện sau tiếp nhận.

Các huyện đảo, xã đảo tiếp nhận bán điện trực tiếp đa số phải sử dụng nguồn điện Diesel tại chỗ có giá thành sản xuất điện cao hơn rất nhiều so với giá thành bình quân chung của EVN SPC so với giá bán điện đến các hộ dân sử dụng điện (theo quy định của Chính phủ) cũng đang là gánh nặng rất lớn cho EVN SPC trong việc cân đối kế hoạch chi phí và lợi nhuận hàng năm.

Phóng viên: Những kế hoạch đầu tư đưa điện nông thôn của Tổng công ty trong thời gian tới là gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Phước Đức: Từ nay đến cuối năm 2020, EVNSPC đề ra mục tiêu hoàn thiện hệ thống các công trình, đảm bảo cung cấp điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất trên địa bàn nông thôn, miền núi và hải đảo, đảm bảo số xã đạt tiêu chí số 4 về điện đạt theo kế hoạch của Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Cung cấp điện từ lưới điện quốc gia cho khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo; cùng với việc cung cấp điện từ nguồn năng lượng mới và tái tạo, thực hiện mục tiêu đến năm 2020 hầu hết số hộ dân nông thôn có điện.

Tiếp tục thực hiện đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới hệ thống lưới điện đưa điện về nông thôn một cách đồng bộ, khoa học, góp phần ổn định kinh tế - chính trị - xã hội và an ninh quốc phòng, từng bước mang lại hiệu quả trong phát triển kinh tế cho khu vực nông thôn trên cả nước.

Hoàn thiện hệ thống các công trình điện, đảm bảo cung cấp điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất trên địa bàn các xã xây dựng NTM. Phấn đấu đến cuối năm 2025 có 100% số xã đạt Tiêu chí số 4 về điện.

Phóng viên: Vậy, đâu là giải pháp?

Ông Nguyễn Phước Đức: Để có nguồn vốn đầu tư lưới điện nông thôn, phục vụ Chương trình NTM theo chủ trương của Đảng, Nhà nước và Chính phủ cần có các phương thức huy động vốn như: Tranh thủ các nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi theo kế hoạch Nhà nước hàng năm và vốn tài trợ quốc tế theo các Hiệp định; vốn ngân sách của trung ương và địa phương; vốn của các đơn vị kinh doanh hạ tầng, dịch vụ, các khách hàng lớn; các nguồn vốn hợp pháp khác; và nguồn vốn đóng góp của các dân sử dụng điện. Chỉ có sự kết hợp từ nhiều nguồn vốn đầu tư như vậy mới đảm bảo hoàn thành tiêu chí điện nông thôn trong Chương trình NTM được.

EVNSPC đề ra các giải pháp: Hoàn thành đầu tư các dự án, chương trình cấp điện cho nông thôn, cụ thể: Dự án 1740; cấp điện phục vụ nuôi trồng thủy sản; cấp điện cho các trạm bơm, tưới tiêu chống úng, chống hạn; cấp điện cho vùng lõm chưa có điện; cấp điện cho chong đèn thanh long…

Hoàn thành chương trình xóa câu phụ, đảm bảo mỗi hộ dân (khách hàng) được sử dụng điện qua công tơ chính của ngành điện.

Từng bước hiện đại hóa hệ thống lưới điện trung hạ thế nông thôn; phát triển hệ thống lưới điện để thực hiện các chương trình, nâng cấp lưới điện nhằm thúc đẩy hoàn thành Tiêu chí 4 về điện.

Cần phải quy hoạch đồng bộ về kết cấu hạ tầng điện đường nông thôn và lộ giới nông thôn để có mặt bằng cho xây dựng hạ tầng kỹ thuật nông thôn nhằm không gây ảnh hưởng đến bất kỳ công trình hạ tầng và kiến trúc nào và cũng như đảm bảo hành lang an toàn lưới điện trong vận hành.

Các địa phương cần dựa vào đề án tổng thể của tỉnh về quy hoạch hạ tầng thiết yếu cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ... theo các tiêu chí mà Chính phủ và địa phương quy định, để có kế hoạch hành động đồng bộ xây dựng hệ thống cung cấp điện phù hợp, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu điện với chất lượng ổn định, an toàn, đồng thời tránh lãng phí, đầu tư đón đầu.

Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền để các tầng lớp nhân dân, các cấp, các ngành hiểu rõ, nhận thức đúng về mục đích, ý nghĩa của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Từ đó huy động được sức mạnh của toàn hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, các tổ chức kinh tế, chính trị - xã hội cùng tham gia xây dựng NTM. Tiếp tục tổ chức thực hiện huy động vốn theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm, trung ương và địa phương cùng làm”.

Phóng viên: Để góp phần hoàn thành các chương trình cấp điện cho khu vực nông thôn trong giai đoạn 2016-2020 và giai đoạn tiếp theo sau năm 2020, EVNSPC có các kiến nghị gì?

Ông Nguyễn Phước Đức: Để hoàn thành các mục tiêu trên, EVNSPC kiến nghị:

Kiến nghị Bộ Công Thương tiếp tục có ý kiến với Chính phủ, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ NN&PTNT và Bộ Tài chính xem xét bố trí vốn NSTW (hoặc kêu gọi vốn ODA của các nhà tài trợ nước ngoài) để thực hiện Chương trình/Dự án cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo theo Quyết định số 1740/QĐ-TTg ngày 13/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Về công tác đền bù giải phóng mặt bằng: Kiến nghị địa phương có dự án đầu tư thực hiện Tiêu chí số 4 về điện nông thôn thực hiện công tác đền bù giải phóng mắt bằng. UBND cấp tỉnh chỉ đạo các cấp chính quyền địa phương hỗ trợ vận động nhân dân trong khu vực đầu tư thực hiện giải phóng mặt bằng.

Đối với việc cấp điện phục vụ nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn các tỉnh ven biển, kính đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh: Kiến nghị đến Chính phủ và các Bộ ngành liên quan có chính sách hỗ trợ vốn đầu tư phát triển cho khu vực nuôi tôm; Hỗ trợ, vận động nhân dân thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, bố trí đất hành lang tuyến đường dây để ngành điện thi công xây dựng hệ thống lưới điện phục vụ cấp điện cho nuôi tôm công nghiệp; đồng thời vận động và hỗ trợ nhân dân tiếp cận sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện trong nuôi tôm. 

Hỗ trợ EVN SPC và Công ty Điện lực trong việc huy động nguồn vốn đầu tư lưới điện từ nguồn vốn ngân sách của tỉnh, vốn ứng trước của địa phương và của khách hàng, vốn vay các tổ chức tín dụng tại địa phương… nhằm bổ sung nguồn vốn đầu tư còn thiếu trong giai đoạn 2019-2020 và giai đoạn 2021-2025.

Đối với các khu vực địa phương cần giải quyết đầu tư cấp điện nhanh, đề nghị UBND tỉnh/thành phố dành một phần ngân sách của địa phương, cũng như huy động các nguồn lực khác để phối hợp triển khai; hoặc thực hiện việc ứng vốn của tỉnh cho ngành điện để thực hiện đầu tư giải quyết sớm khu vực này.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động