Chính phủ chỉ đạo nhiều nội dung đảm bảo cung cấp điện
06:04 | 08/05/2014
>> Điện cho miền Nam sẽ ổn định hơn trong mùa cao điểm
>> Phát triển hệ thống điện theo hướng chất lượng và minh bạch hơn
Phó thủ tướng đánh giá, thời gian qua, các công trình nguồn và lưới điện được phát triển mạnh mẽ, trong 3 năm 2011-2013, công suất nguồn mới đưa vào đạt khoảng 10 nghìn MW, đáp ứng nhu cầu điện, nguồn điện đến nay đã có dự phòng. Có được kết quả trên là nhờ các thành viên Ban chỉ đạo Nhà nước đã tích cực thực hiện các nhiện vụ được giao, hỗ trợ các doanh nghiệp ngành điện tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án điện; các tập đoàn (EVN, PVN, TKV) có nhiều cố gắng trong việc quản lý vận hành và đầu tư phát triển các công trình điện. Ngoài ra, việc đưa vào vận hành thị trường phát điện cạnh tranh chính thức, thực hiện điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường là hướng đi đúng, tạo cạnh tranh, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành điện và tăng cường năng lực của các doanh nghiệp ngành điện.
Biểu dương các bộ: Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; các tập đoàn: EVN, PVN, TKV về những nỗ lực và đóng góp trong thời gian qua.
Qua báo cáo của Bộ Công Thương, trong các năm 2014-2015, về cơ bản hệ thống điện đáp ứng được nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, việc bảo đảm cung cấp điện vẫn còn nhiều thách thức, khu vực miền Nam không có công suất dự phòng hoặc dự phòng thấp, điện năng nhận từ miền Bắc và miền Trung còn ít; khí đốt cung cấp cho sản suất điện năm 2014 giảm so với các năm trước, nên phải tăng cường nhận điện qua đường dây 500kV hoặc huy động cao nguồn nhiệt điện đốt dầu, dẫn đến tăng giá thành sản xuất điện. Như vậy, cần đề ra nhiều giải pháp trong điều hành hệ thống điện, nhằm đảm bảo hài hòa các mục tiêu: kinh tế, kỹ thuật và an ninh hệ thống. Việc bảo đảm cung cấp điện cho giai đoạn xa hơn (2017-2020) cũng còn nhiều rủi ro, nhiều dự án điện đầu tư theo hình thức BOT, việc đàm phán hợp đồng kéo dài, có dự án do các tập đoàn nước ngoài đầu tư, dù đã khởi công xây dựng, nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc trong thu xếp vốn, cơ chế thực hiện...
Để bảo đảm cung cấp đủ điện cho giai đoạn tới, các bộ, ngành cần hỗ trợ chủ đầu tư các dự án nguồn, lưới điện trong việc thu xếp vốn, trong giải phóng mặt bằng; chủ đầu tư các dự án nguồn, lưới điện cần tích cực hơn nữa trong thực hiện các dự án được giao, báo các cấp thẩm quyền các khó khăn vướng mắc để giải quyết kịp thời.
Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chỉ đạo Viện Năng lượng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cập nhật các thông tin về nhu cầu điện, dự báo phụ tải, khả năng cung cấp các nguồn nhiên liệu sơ cấp, tiến độ thực hiện các dự án nguồn điện, lưới điện liên kết,… thực hiện tính toán cân bằng công suất - điện năng giai đoạn đến năm 2020; báo cáo Thủ tướng Chính Phủ trong tháng 5 năm 2014.
Bộ Công Thương chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện cân đối nhu cầu, sản xuất và lượng đạm tồn kho để đáp ứng nhu cầu đạm trong nước, ưu tiên sử dụng khí đốt cho sản xuất điện.
Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và chủ đầu tư các dự án điện cấp bách, làm việc với UBND các địa phương để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng các dự án nguồn, lưới điện, nhằm bảo đảm cung cấp đủ điện cho địa phương và của hệ thống điện quốc gia.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo các đơn vị liên quan trong điều hành sản xuất bám sát tình hình thời tiết, thủy văn để khai thác hiệu quả các nhà máy thủy điện trong mùa khô, để vừa phát điện vừa cấp nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Điều hành linh hoạt hệ thống điện theo diễn biến thời tiết, thuỷ văn và tình hình cung cấp khí cho phát điện, bảo đảm hài hòa các mặt về hiệu quả cấp điện, cấp nước và an ninh hệ thống điện.
Phó Thủ tướng giao Tập đoàn Điện lực bố trí lịch sửa chữa các tổ máy phát điện hợp lý, điều hành phối hợp tốt giữa các nhà máy sử dụng chung nguồn năng lượng sơ cấp, các nhà máy thủy điện trên cùng bậc thang; phối hợp chặt chẽ với các nguồn điện của các Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng (TKV), Tập đoàn Dầu khí (PVN) và các đơn vị phát điện khác để vận hành có hiệu quả thị trường phát điện cạnh tranh.
Đồng thời chỉ đạo các đơn vị liên quan cập nhật các thông tin về tình hình phụ tải, dự báo nhu cầu, khả năng cung cấp các nguồn nhiên liệu sơ cấp, tiến độ thực hiện các dự án nguồn điện, lưới điện… thực hiện tính toán cân bằng công suất - điện năng đến năm 2020; báo cáo Bộ Công Thương để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó chỉ đạo Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia tập trung mọi nỗ lực và phương tiện để vận hành an toàn và ổn định hệ thống truyền tải điện 500 kV Bắc - Trung - Nam trong điều kiện truyền tải cao; đảm bảo tiến độ đưa vào vận hành các công trình đường dây và trạm trong kế hoạch đầu tư và các công trình chống quá tải.
Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam khẩn trương hoàn thành lập Dự án đầu tư xây dựng cảng trung chuyển cung cấp than cho các trung tâm nhiệt điện khu vực đồng bằng sông Cửu Long; tập trung chỉ đạo để vận hành có hiệu quả các nhà máy điện hiện có và bảo đảm tiến độ các dự án nguồn điện do Tập đoàn làm chủ đầu tư.
NangluongVietnam.vn
SỰ KIỆN BẠN ĐỌC QUAN TÂM
Nước cờ tàn của Hoa Kỳ ở Ukraine
Ông Trần Xuân Giá và phiên tòa lịch sử
"Bầu" Kiên thực sự có bao nhiêu tiền?
Ukraine: Lối rẽ nội chiến, hay Nhà nước Liên bang?
Đâu là sự khác biệt giữa Crimea và Kosovo?
Campuchia trước chính sách nước đôi của Trung Quốc
Chủ tịch Kim Jong-Un qua lời kể của ngư