Cần có chính sách đồng bộ để phát triển điện gió
16:24 | 28/08/2012
>> Nhà máy điện gió trên biển đầu tiên ở Việt Nam chuẩn bị phát điện
>> Hỗ trợ giá đối với dự án điện gió nối lưới
>> Chuẩn bị xây dựng Trung tâm điện gió Đồng bằng sông Cửu Long
Theo Bộ Công Thương, đến cuối năm 2003 có khoảng 1.300 tuabin gió công suất nhỏ từ 30kW - 150kW được lắp đặt sử dụng. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, đa phần các tuabin này đều không phát huy hiệu quả…
Hiện Việt Nam mới chỉ có một dự án điện gió cấp điện hòa vào lưới điện quốc gia tại tỉnh Bình Thuận của Công ty cổ phần năng lượng tái tạo Việt Nam - REVN. Dự án này có công suất 120MW, với 80 tuabin loại công suất 1,5MW.
Bên cạnh đó, một số dự án điện gió công suất nhỏ cung cấp điện độc lập cho các hải đảo, và các huyện vùng sâu, vùng xa như: dự án ứng dụng năng lượng mặt trời và năng lượng gió cung cấp điện cho đảo Trường Sa, dự án điện gió huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum… Hiện tại, khoảng 40 dự án điện gió nối lưới vẫn mắc kẹt tại phân khúc nghiên cứu triển khai tại các tỉnh, thành duyên hải miền Nam và miền Trung, tổng công suất khoảng 5.000MW.
Với chủ trương đầu tư phát triển năng lượng tái tạo dần thay thế cho năng lượng truyền thống, năng lượng hóa thạch ngày càng cạn kiệt, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 37 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió. Bên cạnh các ưu đãi về thuế, tín dụng, mặt bằng, quyết định này cũng đã quy định mức giá mà bên mua sẽ mua từ các nhà sản xuất điện gió là 1.614 đồng/kWh.
Mặt khác, Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 96 hướng dẫn cơ chế tài chính hỗ trợ giá điện đối với dự án điện gió nối lưới, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8. Theo đó, mức hỗ trợ giá điện cho bên mua điện đối với toàn bộ sản lượng điện mua từ các nhà máy điện gió nối lưới là 207 đồng/kWh. Tuy nhiên, mức hỗ trợ giá này không được các nhà đầu tư điện gió chào đón, vì chưa bảo đảm có lãi. Rất nhiều nhà đầu tư điện gió ký kết các bản cam kết, ghi nhớ hợp tác nhưng gần như tất cả vẫn chỉ nằm trên giấy.
Chuyên gia về năng lượng tái tạo Dương Duy Hoạt nhận định, sở dĩ các dự án điện gió hiện nay vẫn đang nằm chờ là bởi chính sách hỗ trợ, phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió còn chưa thật hợp lý, khoa học.
Chính giá thành sản xuất điện cao đang là nguyên nhân chính khiến các dự án đều nằm trên giấy. Ngoài ra, điện gió chưa thực sự phát triển bởi nước ta chưa có một cơ sở dữ liệu đầy đủ, chính xác về tiềm năng gió tại các vùng miền trên cả nước; công nghiệp hỗ trợ, công nghệ điện gió trong nước chưa phát triển; nguồn nhân lực có trình độ về năng lượng tái tạo ở chúng ta còn thiếu vắng.
Để khắc phục những tồn tại trên, theo các chuyên gia, cần xây dựng luật về năng lượng tái tạo để tạo dựng cơ sở pháp lý cho hoạt động này. Đồng thời, ban hành hệ thống chính sách đầu tư đồng bộ, hiệu quả, khoa học, đủ mạnh để thúc đẩy điện gió phát triển, tạo cơ hội thuận lợi để hình thành thị trường công nghệ, trong đó có công nghệ điện gió; xã hội hóa đầu tư, nâng cao nhu cầu và mở rộng phạm vi sử dụng nguồn điện từ năng lượng tái tạo này.
Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy, để điện gió và các nguồn năng lượng tái tạo phát triển, cần phải xây dựng một chương trình quốc gia về phát triển năng lượng tái tạo, trong đó đặc biệt chú trọng về điện gió. Và hướng phát triển điện gió được các chuyên gia khuyến cáo, nên tập trung đầu tư phát triển các nhà máy điện gió quy mô lớn đấu nối vào hệ thống điện lưới quốc gia tại một số vùng ven biển và khu vực miền núi có tiềm năng khai thác hiệu quả. Phát triển điện gió vùng biển ven bờ cấp điện cho hải đảo và bổ sung cho hệ thống điện quốc gia; nghiên cứu khai thác nguồn điện gió trên biển gần bờ.
Chuyên gia Dương Duy Hoạt cho rằng, trước mắt, cần điều tra, thu thập, dữ liệu gió khoa học, chính xác xây dựng kho dữ liệu bản đồ gió, bao gồm cả năng lượng gió trên biển và gần bờ. Kho dữ liệu này là tài sản quốc gia, khi các nhà đầu tư thấy chỗ nào tốt họ đầu tư vào, bỏ tiền mua bộ dữ liệu này để phục vụ sản xuất. Nhà đầu tư rất thích điều này, nó cho phép rút ngắn thời gian đầu tư. Việc điều tra xây dựng kho dữ liệu bản đồ gió này cũng nên do Nhà nước đứng ra đặt hàng các nhà khoa học thực hiện, nhằm tránh những tùy tiện, lãng phí và không phù hợp với yêu cầu của công nghệ điện gió.
Mặt khác, chính sách hỗ trợ giá cần được coi là ưu tiên hàng đầu để đa dạng hóa các hình thức đầu tư phát triển điện gió. Chính sách về giá điện gió trong giai đoạn đầu cần được tính toán làm sao bảo đảm cho nhà đầu tư có được một phần lãi hợp lý. Một chính sách phát triển hợp lý, chính sách hỗ trợ giá hấp dẫn nhà đầu tư sẽ là chìa khóa tháo gỡ điểm nghẽn phát triển điện gió hiện nay. Làm được điều này, chúng ta mới có thể trở thành đất nước “giàu điện gió” chứ không chỉ “giàu gió” như hiện nay.
(Nguồn: ĐBND)