RSS Feed for Bộ trưởng Công Thương trả lời chất vấn về năng lượng tái tạo | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 22/11/2024 20:17
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Bộ trưởng Công Thương trả lời chất vấn về năng lượng tái tạo

 - Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh là thành viên Chính phủ thứ 2 tham gia trả lời chất vấn các đại biểu trong kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV diễn ra chiều 6/11/2019. Phiên chất vấn tập trung vào các vấn đề gồm: Công tác quản lý điều tiết điện lực; Việc thực hiện quy hoạch phát triển điện lực; Quy hoạch năng lượng mới và năng lượng tái tạo... Dưới đây là nội dung chất vấn của các đại biểu và trả lời của Bộ trưởng liên quan đến vấn đề phát triển năng lượng tái tạo.

Điện gió, mặt trời và định hướng phát triển ở Việt Nam

Đại biểu Lê Thu Hà - Đoàn Lào Cai nêu 3 nội dung liên quan đến phát triển điện mặt trời: 

Thứ nhất, Quy hoạch Điện VII có ý nghĩa gì khi công suất quy hoạch 850MW cho năm 2020 và 1.200MW cho năm 2030 đã bị phá vỡ, với công suất hiện tại lên tới 7.230MW (vượt 9 lần so với quy hoạch ban đầu) và sẽ còn tăng thêm 2.186MW (giai đoạn 2020-2030) và hiện nay là 121 dự án đã được cấp phép và còn 210 dự án đang chờ phê duyệt.

Thứ hai, mức giá 9,35 cen/1KW trong vòng 20 năm là khá cao so với các nước trong khu vực cũng như so với giá các nguồn năng lượng khác. Vậy Bộ trưởng cho biết, so sánh giá thành sản xuất, giá mua và hiệu quả kinh tế khi khai thác nguồn năng lượng này?

Thứ ba, việc thiếu đồng bộ giữa phát triển quá nóng, mất cân đối với hạ tầng, buộc các dự án phải cắt giảm công suất đã gây thiệt hại vô cùng lớn cho các nhà đầu tư, lãng phí và làm méo mó thị trường năng lượng tái tạo. Nghiêm trọng hơn tình trạng sa mạc hóa đang hiện hữu với hàng ngàn hecta đất nông nghiệp bị chuyển đổi mục đích sử dụng.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Trong Quy hoạch Điện VII, Việt Nam có dự kiến nguồn phát từ điện mặt trời đến năm 2020 sẽ đạt được công suất là 800MW, cũng tương tự như vậy, đến năm 2025 chúng ta sẽ đạt con số cao hơn. Tuy nhiên, Tổng sơ đồ 7 được phê chuẩn từ năm 2017, lúc đó chúng ta chưa dự kiến đến sự phát triển của điện tái tạo, trong đó điện mặt trời là chủ yếu. Thời điểm đó, công nghệ cũng như điều kiện phát triển điện mặt trời cũng chưa thật sự phổ biến và tạo ra một sự đột biến trong phát triển năng lượng sạch ở tại Việt Nam cũng như tại khu vực.

Tại Quyết định số 11 của Thủ tướng để thực thi những biện pháp nhằm đảm bảo sự phát triển của năng lượng sạch trên cơ sở năng lượng tái tạo, trong đó, có điện mặt trời cũng như thực thi những chỉ tiêu, mục tiêu mà chúng ta đã cam kết trong OCOP 21 về giảm phát thải khí nhà kính và đồng thời tạo cơ sở để cho phát triển điện mặt trời như một nguồn năng lượng bền và sạch trong tương lai, thân thiện với môi trường, Thủ tướng đã phê duyệt Quyết định 11, trong đó có quy định giá ưu đãi cho mua điện mặt trời ở mức 9,35 cen/KWh. Đây là một mức ưu đãi nhằm tạo điều kiện đủ mạnh để cho các nhà đầu tư tạo những cơ sở ban đầu trong phát triển điện mặt trời và làm cơ sở cho phát triển điện sạch và điện năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Về điều kiện cụ thể và cơ sở để tính giá này, Bộ Công Thương đã báo cáo Chính phủ và sau đó phối hợp với các tư vấn quốc tế để nghiên cứu các điều kiện thực tiễn của thế giới về công nghệ, cũng như về yêu cầu cho phát triển điện và đối chiếu với thực tiễn của Việt Nam để xây dựng cơ chế giá này, nhằm đảm bảo có những điều kiện phát triển đủ mạnh cho chúng ta.

Tại thời điểm ban hành cơ chế Quyết định 11 chúng ta đang đối mặt với nguy cơ thiếu điện rất lớn trong năm 2019 và năm 2020. Chính vì vậy điện mặt trời và điện tái tạo, trong đó có cả điện gió được coi là những nguồn năng lượng bổ sung để đáp ứng được các yêu cầu của phát triển.

Tính đến hết ngày 30/6/2019, tức là khi cơ chế giá điện của Quyết định 11 hết hiệu lực, chúng ta đã có tới gần 4.900MW điện mặt trời được hoàn tất và đưa vào vận hành, đóng góp một nguồn rất lớn cho việc bổ sung nguồn điện trong năm 2019.

Dù vậy, chúng ta cũng rút ra một số bài học kinh nghiệm về sự phát triển không đồng bộ trong việc phát triển hạ tầng truyền tải điện cũng như là các trạm biến áp để đảm bảo giải tỏa công suất. Thời gian qua, chúng tôi đã có những báo cáo lên Chính phủ kịp thời và cụ thể về việc vướng mắc trong truyền tải công suất, giải tỏa công suất.

Một vấn đề vướng mắc, liên quan đến quy định của pháp luật, nhà nước độc quyền trong truyền tải điện và chưa có những điều kiện để đảm bảo cho việc nguồn lực của xã hội sẽ được đầu tư vào hệ thống truyền tải điện. Chính vì vậy, với nguồn lực rất hạn chế của ngân sách nhà nước và cũng như nguồn lực của EVN, việc đầu tư, nâng cấp, cải thiện và hoàn thiện hệ thống truyền tải điện còn chậm.

Từ cuối năm 2018, Bộ Công Thương đã báo cáo Chính phủ xin đề xuất bổ sung hơn 15 dự án liên quan đến hệ thống đường dây và cũng như đường truyền ở các cấp độ từ 220kV cho đến 110kV và các dự án liên quan đến các trạm biến áp. Tuy nhiên, việc này đã không kịp triển khai để phục vụ việc phối hợp, tiếp nhận các nguồn công suất mới để đảm bảo cho việc giải tỏa.

Hiện nay, công suất giải tỏa của các dự án đã được phê duyệt và đã được phát hiện mới dừng ở mức khoảng 30 đến 40%. Sắp tới, đầu năm 2020, với những nỗ lực chung, kể cả trong việc nâng cấp các trạm biến áp, cũng như có những giải pháp về mặt công nghệ, chúng ta có khả năng nâng cao hơn nữa khả năng giải tỏa công suất lên tới 67%. Đến cuối năm 2020 và những năm sắp tới, chắc chắn chúng ta sẽ có điều kiện để phát triển hệ thống hạ tầng, nhất là những đường dây, kể cả đường dây 500kV mới đây tư nhân sẽ đầu tư mà vẫn đảm bảo được việc độc quyền nhà nước truyền tải điện. Qua đó, giải tỏa hết công suất của các nhà máy điện, nhất là điện mặt trời và đáp ứng yêu cầu về điện, cân đối và cung cầu điện cho tương lai.

Đại biểu Đôn Tuấn Phong - An Giang đặt câu hỏi: Về quy trình, thủ tục xây dựng, phê duyệt và bổ sung quy hoạch năng lượng sạch thời gian vừa qua đã đủ rõ ràng, minh bạch và thuận lợi cho các nhà đầu tư hay chưa? Cần chính sách giải pháp gì mới để đẩy mạnh phát triển năng lượng sạch?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Theo Luật 21 mới ban hành, Luật Quy hoạch tích hợp mới đây Thường vụ Quốc hội đã có văn bản hướng dẫn và đã tổ chức triển khai ở cấp Chính phủ cũng như các bộ, ngành trong việc xây dựng quy hoạch tích hợp. Theo nguyên tắc này thì các quy hoạch điện khu vực tại các địa phương sẽ tiếp tục được kế thừa và tiếp tục bổ sung và điều chỉnh, một mặt để đảm bảo những yêu cầu phát triển của địa phương cũng như nhu cầu phát triển của nền kinh tế là cung cấp điện cho nhân dân. Mặt khác, đảm bảo tính tích hợp và sự phát triển của các quy hoạch quốc gia. Chúng tôi đang phối hợp triển khai và có những hướng dẫn cụ thể để đảm bảo việc phối hợp tổ chức quy hoạch tích hợp cũng như tiếp thu các quy hoạch bổ sung các dự án mới sẽ đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch. Vấn đề này cũng phải được các cơ quan chức năng, nhất là cơ quan đầu mối Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hướng dẫn thực hiện trong quá trình tích hợp.

Việc chúng tôi có những tiêu chí bổ sung, trong đó đánh giá về những yêu cầu tính khả thi, hiệu quả cũng như một số nguyên tắc pháp lý khác thì căn cứ từ kinh nghiệm thực tiễn phát triển điện mặt trời, điện gió và năng lượng tái tạo. Thời gian qua chúng tôi tiếp tục cụ thể hóa trong hướng dẫn cho các địa phương để đảm bảo quy trình công khai, minh bạch cũng như tính khả thi và hiệu quả, đúng cơ sở pháp luật để đảm bảo việc xây dựng quy hoạch mới, quy hoạch tích hợp của quốc gia cũng như quy hoạch các địa phương để đảm bảo phát triển năng lượng.

Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn - Ninh Bình: Xin được hỏi Bộ trưởng, việc cấp phép đầu tư sản xuất điện mặt trời quá nhiều trong thời gian vừa qua đã làm quá tải lưới điện truyền tải. Tính đến tháng 6/2019 trên cả nước có 87 nhà máy điện mặt trời. Vậy, xin hỏi trách nhiệm của Bộ trưởng khi phê duyệt chủ trương cho phép xây dựng 87 nhà máy này. Trước khi ký thì Bộ trưởng có nghe Tập đoàn Điện lực Việt Nam báo cáo khả năng quá tải của đường truyền tải này hay không? Xin cảm ơn Bộ trưởng.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Đối với ý kiến đại biểu liên quan đến cấp phép cho các dự án điện mặt trời trong thời gian vừa qua, như tôi đã báo cáo, chúng ta đã có Quyết định 11 của Thủ tướng, sau đó có Thông tư 16 của Bộ Công Thương hướng dẫn tổ chức thẩm định các dự án điện mặt trời, sau đó phê duyệt phục vụ cho đầu tư trong giai đoạn vừa qua. Khi xây dựng cơ chế này, chúng ta mong muốn mục tiêu tiếp tục tạo ra một môi trường thí điểm để có cơ hội tổng kết và tiếp tục phát triển điện sạch, bao gồm điện mặt trời và điện gió. Quá trình triển khai thực hiện, đúng là đã có sự chủ quan, đánh giá không hết về khả năng, năng lực trong triển khai thực hiện dự án đầu tư về điện mặt trời. Vì vậy, trong một thời gian rất ngắn, với sự hấp dẫn cơ chế của Quyết định 11 thì có sự phát triển bùng nổ, có tới gần 5.000MW điện mặt trời được hình thành và tham gia thị trường phát điện.

Tuy nhiên, khi chúng ta tham gia thực hiện Thông tư 16 của Bộ Công Thương về phê chuẩn các dự án điện mặt trời thì đã có những nguyên tắc và tiêu chí rất cơ bản.

Thứ nhất là phải có ý kiến thẩm định của địa phương liên quan đến sử dụng đất trong các dự án điện mặt trời và điện tái tạo này.

Thứ hai là phải có ý kiến xác nhận của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam xác nhận về khả năng đấu nối và phương án đấu nối cho các dự án.

Thứ ba là đánh giá về năng lực của các nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện các dự án này và một số các tiêu chí kỹ thuật. Chính vì vậy, trong thời gian vừa qua thật sự có sự lúng túng và bất cập trong việc phối hợp tổ chức giữa các cơ quan chức năng, kể cả Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng như các địa phương. Chính vì vậy, tại diễn đàn tôi xin nhìn nhận trách nhiệm trong việc chưa tổ chức thực hiện một cách đầy đủ và có sự bao quát, cũng như dự báo trước đầy đủ, kịp thời để có những đối sách và có những biện pháp quyết liệt, nhất là liên quan đến việc phát triển hệ thống truyền tải điện tương xứng để đảm bảo giải tỏa công suất và không để gây ra thiệt hại cho xã hội.

Thời gian tới đây, với sự cho phép của Thường vụ Quốc hội thông qua văn bản hướng dẫn pháp luật, nghị quyết hướng dẫn pháp luật, cũng như là nghị quyết sắp tới của Chính phủ phê duyệt các dự án bổ sung, trong đó có cả nguồn, về trạm, kể cả về truyền tải điện. Chúng tôi hy vọng cuối năm 2020 giải tỏa công suất cho các dự án điện sẽ đảm bảo ở mức cao và đảm bảo được hiệu quả cho nhà đầu tư cũng như cho nhà nước và cho nhân dân.

Đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh - Bình Thuận: Một trong những điểm nghẽn cơ bản trong phát triển năng lượng tái tạo hiện nay là thiếu hạ tầng truyền tải điện, do vậy nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư nhưng chưa được chấp nhận. Còn những dự án đã đầu tư và đang hoạt động, cả điện gió và mặt trời thì bị cắt giảm công suất, gây lãng phí về nguồn lực và thiệt hại lớn cho doanh nghiệp, trong khi nước ta còn rất thiếu thốn về điện. Bộ trưởng đã vừa nhận trách nhiệm đối với câu chất vấn của đại biểu Phương Tuấn ở Ninh Bình. Tôi xin đề nghị Bộ trưởng cho biết những giải pháp căn cơ dài hạn để xử lý tình trạng thiếu hệ thống truyền tải điện như nói trên. Trong điều kiện vốn nhà nước có hạn Bộ trưởng có cơ chế để tư nhân bỏ vốn đầu tư hệ thống truyền tải điện và Tập đoàn Điện lực Việt Nam quản lý vận hành vẫn bảo đảm vai trò quản lý của Nhà nước theo quy định hiện nay không? Xin cảm ơn Bộ trưởng.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Về câu hỏi của đại biểu chúng tôi đã báo cáo ở trên trong những bất cập trong thời gian vừa qua còn tồn tại câu chuyện đồng bộ về hệ thống truyền tải điện để đảm bảo giải tỏa công suất. Chúng tôi cũng đã báo cáo với Quốc hội về một số những ý kiến trong phát triển tái tạo điện mặt trời trong tương lai, nhưng ở đây liên quan đến khâu để đảm bảo giải tỏa công suất chúng tôi cũng có một số thông tin để báo cáo với Quốc hội.

Thứ nhất, điểm nghẽn của chúng ta là trong điều kiện hạn chế nguồn lực của Nhà nước và của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, nếu thiếu những nguồn đầu tư dưới những hình thức đầu tư cho phép của luật pháp và phát triển hệ thống truyền tải điện bao gồm cả hệ thống truyền tải và các trạm biến áp ở các cấp độ khác nhau thì sẽ tiếp tục hạn chế việc giải tỏa công suất và năng lực sản xuất. Các vùng phụ tải cao của chúng ta hiện nay phần lớn tập trung ở những vùng mà hệ thống truyền tải điện còn chưa được hoàn thiện và chưa được đảm bảo công suất. Chính vì vậy giải pháp dài hạn Bộ Công Thương sẽ tiếp tục cùng các bộ, ngành nghiên cứu và tham mưu để báo cáo với Chính phủ và báo cáo với Quốc hội cho phép sửa đổi một số nội dung trong các luật, trong đó có Luật Đầu tư và Luật Điện lực để từ đó cụ thể và làm rõ ràng cơ chế mới cho phép tiếp tục đa dạng hóa các nguồn đầu tư của xã hội vào phát triển hệ thống truyền tải điện mà cụ thể là các đường dây truyền tải ở các cấp độ, kể cả đường dây 500kV, để từ đó chúng ta có cơ chế và có biện pháp cụ thể để khai thác nguồn lực này.

Hiện nay chúng tôi cũng đã thẩm định và báo cáo với Chính phủ về việc cho phép là đưa đường dây 500kV này như là một hợp phần trong đầu tư của dự án về phát điện mặt trời của Tập đoàn Trung Nam. Như vậy, thì có thể sẽ được xem xét phê duyệt để thực hiện dự án đầu tư phát triển nguồn kết hợp với hệ thống lưới điện để đảm bảo việc kết nối để giảm tải công suất. Nhưng về lâu dài như tôi đã báo cáo hoặc là điều chỉnh luật hoặc có văn bản hướng dẫn pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và của Quốc hội để cho phép chúng ta vận dụng những quy chế trong Luật Đầu tư và Luật Điện lực để cho phép đầu tư xã hội hóa trong các vấn đề về truyền tải điện. Nhưng không có nghĩa là chúng ta đầu tư cho truyền tải mà đánh mất vai trò độc quyền của Nhà nước trong luật này mà chúng ta có thể áp dụng dưới hình thức BT. Mới đây nhất, chúng tôi được biết trong dự thảo luật về PPP đã cho phép đưa vào để đa dạng hơn nguồn đầu tư của xã hội trong lĩnh vực truyền tải để đảm bảo giảm tải công suất. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và có sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để thực hiện những nhiệm vụ này./.

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động