RSS Feed for Tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực cung - cầu điện | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ hai 25/11/2024 20:30
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực cung - cầu điện

 - Một số đánh giá phân tích về những thành công và tồn tại trong lĩnh vực cung cấp và sử dụng điện mà các nhà chuyên môn gọi là quản lý phía cung cấp (Supply Side Management - SSM), và quản lý phía nhu cầu (Demand Side Management - DSM) của ngành điện Việt Nam trong giai đoạn 1995 - 2013.

TP. Hồ Chí Minh giao chỉ tiêu tiết kiệm năng lượng cho DN

TS. NGUYỄN MẠNH HIẾN

Trong giai đoạn 1995-2013, cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ về lượng, ngành Điện Việt Nam cũng đã có sự chuyển biến đáng kể về chất - đó là những thành tựu trong công tác quản lý vận hành đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn và tin cậy cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Đặc biệt là những thành công trong công tác bảo tồn năng lượng, mà thực chất đối với ngành điện là tiết kiệm chi phí, giảm tổn thất trong khâu sản xuất, truyền tải và phân phối, tiết kiệm và sử dụng hiệu quả trong khâu tiêu thụ.

Sản xuất điện                     

Đối với khâu sản xuất điện, tỷ lệ điện tự dùng và suất tiêu hao nhiên liệu (đối với các nhà máy nhiệt điện) là các chỉ tiêu có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh của các nhà máy điện. Theo số liệu thống kê, tỷ lệ điện tự dùng bình quân tại các nhà máy điện trong những năm qua luôn dao động ở mức trên dưới 2,5% tổng sản lượng điện. Sở dĩ có được tỷ lệ này là do trong cơ cấu nguồn điện hai loại nguồn có tỷ lệ điện tự dùng rất thấp là thủy điện và điện tua bin khí chu trình hỗn hợp (TBKHH) luôn chiếm tỷ lệ áp đảo (xem Bảng I-1).

Hai năm 2009 - 2010 hạn hán nặng, sản lượng nguồn thủy điện hạn chế nên các nhà máy nhiệt điện than, dầu và các trạm diesel phải huy động ở mức tối đa, trong khi tỷ lệ điện tự dùng của các loại nguồn cao hơn nhiều so với thủy điện và TBKHH. Do đó, tỷ lệ điện tự dùng bình quân cả hệ thống tăng vọt đến 4,8 - 5,0%. Ngược lại, năm 2012 - 2013 do Nhà máy Thủy điện Sơn La (công suất 2.400MW, sản lương khoảng 10TWh) được hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành nên tỷ lệ điện tự dùng bình quân giảm đáng kể, chỉ còn khoảng 1,2 - 1,5%.

Bảng I-1. Tỷ lệ tự dùng, tỷ trọng nguồn thủy điện và TBKHH giai đoạn 1995-2013

            Năm

1995      

      2000

      2005

    2010

    2013

Tỷ lệ tự dùng bình quân (%)

      2,31

       2,15

      2,30

     5,00

    1,20

Tỷ trọng nguồn thủy điện (%)

      72,3

       53.8

      30,8

     27,5

    49,3

Tỷ trọng nguồn TBKHH (%)

        7,0

       24,0

      48,3

     49,3

    33,0

 

Thực tế trên cho thấy, từ nay đến năm 2020 xu thế tăng tỷ lệ tự dùng bình quân toàn hệ thống là khó tránh khỏi, bởi nguồn thủy điện hầu như đã khai thác triệt để, còn tỷ trọng nguồn TBKHH cũng chỉ có thể duy trì ở mức trên 30% như hiện nay, mà chủ yếu sẽ phát triển nguồn điện than từ mức 18% hiện nay tăng đến 28% vào năm 2020. Vì vậy, đối với các nhà máy nhiệt điện than chuẩn bị xây dựng trong những năm tới cần quan tâm hơn nữa đến việc lựa chọn công nghệ lò máy, đặc biệt đối với các nhà máy nhiệt điện lớn nên ưu tiên chọn loại lò với thông số hơi siêu tới hạn, công suất từ 600MW trở lên để nâng cao hiệu quả tổng thể, tiết kiệm nhiên liệu, chi phí sản xuất điện năng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.  

Đối với khâu truyền tải và phân phối điện, cuộc chiến giảm tổn thất điện năng trong lĩnh vực truyền tải và phân phối gần 20 năm qua đã diễn ra hết sức quyết liệt, đầy cam go, thách thức, nhưng đã đạt được những thành quả rất đáng khích lệ. Kết quả giảm tổn thất điện năng trong truyền tải và phân phối được trình bày trong Bảng I.2 dưới đây:

Bảng I.2 Tỷ lệ tổn thất điện năng trong truyền tải và phân phối giai đoạn 1995-2013

    Năm

   1990

    1995

      2000

    2005

     2010

     2013

Tỷ lệ tổn thất (%)

    25,4

    21,7

      14,03

    12,0

      9,7

      8,9

 

Từ năm 1995 trở về trước, tỷ lệ tổn thất điện năng trong truyền tải và phân phối luôn ở mức trên 20%, thậm trí, những năm đầu của thập kỷ 90 còn lên đến trên 25%, nghĩa là hằng năm hơn 1/4 sản lương điện đã bị “bốc hơi”. Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu nằm ở khâu kỹ thuật và quản lý.

Về mặt kỹ thuật, thời kỳ này lưới điện phân phối của ta có quá nhiều cấp điện áp theo các tiêu chuẩn khác nhau như, với lưới trung áp có các cấp điện áp 6-10-35kV ở miền Bắc theo tiêu chuẩn của Liên Xô cũ; 6-10-15-35kV ở miền Trung, miền Nam theo tiêu chuẩn Pháp-Mỹ; còn lưới điện hạ thế thì tồn tại các điện áp 110 - 220V- 400V.

Về mặt quản lý, hầu hết lưới điện phân phối nông thôn đều do các hợp tác xã làm chủ, trình độ kỹ thuật yếu kém, quản lý lỏng lẻo, tắc trách, thiếu vật tư, thiết bị đo đếm, sửa chữa… đã gây nên thất thoát điện năng phi thương mại khá lớn.

Từ sau khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ra đời (năm 1995), ngành Điện đã chỉ đạo quyết liệt, với mục tiêu cụ thể - phấn đấu mỗi năm giảm tổn thất điện năng 1%. Kết quả đã thực hiện vượt mức kế hoạch, bình quân mỗi năm giảm được hơn 1,5% (sau 5 năm đã giảm được gần 08% - từ 21,7 % năm 1995 xuống 14% năm 2000). Giai đoạn 10 năm (2000-2010) mức độ giảm chỉ còn khoảng 0,4%/năm và đến năm 2013, tỷ lệ tổn thất điện năng trong lưới điện truyền tải và phân phối là 8,9%, trong đó tổn thất trên lưới truyền tải là 2,48% và trên lưới phân phối là 6,42%.

Ở đây, cần lưu ý rằng, theo quy định mới, lưới điện truyền tải chỉ bao gồm lưới 220-500kV, khác với trước đây là bao gồm cả lưới 110kV, chẳng hạn như năm 2000, tổng tỷ lệ tổn thất trên lưới điện là 14% thì tổn thất trên lưới truyền tải 110-220-500kV là gần 5%, còn trên lưới phân phối 0,4 -35kV khoảng hơn 9%.

Qua nghiên cứu, xem xét các số liệu thống kê trong mấy năm gần đây, có thể thấy rằng, tiềm năng giảm tỷ lệ tổn thất điện năng trên lưới truyền tải (với mức độ trên dưới 2,5% như hiện nay) là không lớn, nếu có thể giảm hơn được nữa thì cũng chỉ đến mức trên dưới 2%. Như vậy, tiềm năng giảm nằm ở lưới phân phối, đặc biệt là lưới trung hạ áp (35-0,4kV) nông thôn.

Để khai thác hiệu quả tiềm năng này, cần tiếp tục triển khai tốt hai giải pháp.

Thứ  nhất, về mặt kỹ thuật, triệt để chuyển đổi lưới điện trung áp tại các vùng còn tồn tại các cấp điện áp cũ (6-10-15kV) về cấp điện áp chuẩn 22-35kV.

Thứ hai, về mặt quản lý, tăng cường mạnh mẽ và triệt để hơn nữa trong việc bàn giao lưới điện nông thôn cho ngành điện quản lý. Nếu thực hiện tốt hai giải pháp này, có thể hy vọng tỷ lệ tổn thất điện năng trên lưới điện phân phối nước ta sẽ giảm xuống đến khoảng 4-4,5% và tổng tỷ lệ tổn thất trên lưới điện vào khoảng 6-6,5% trong vài ba năm tới (chỉ tiêu này của Thái Lan là 5,91%, của Hàn Quốc là 3,71% từ năm 2009).

Sử dụng điện                                             

Về công tác san bằng biểu đồ phụ tải, việc thực hiện san bằng biểu đồ phụ tải của hệ thống điện là khâu chủ yếu có vai trò quyết định của chương trình sử dụng điện. Nguyên lý của hoạt động này là bớt giảm sử dụng điện vào các giờ cao điểm, đồng thời tăng cường sử dụng điện vào các giờ thấp điểm, sao cho tổng điện năng tiêu thụ của hệ thống điện trong một ngày đêm là không đổi. Bằng cách đó mà cắt giảm công suất đỉnh của hệ thống điện, dẫn tới tiết kiệm vốn đầu tư vào phát triển nguồn lưới điện.

Ở Việt Nam, công tác này đã được quan tâm từ những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước và đến những năm cuối thập niên đầu của thế kỷ 21 đã thu được kết quả đáng khích lệ. Việc phân tích, đánh giá sự thay đổi hình dáng biểu đồ phụ tải ngày làm việc điển hình của hệ thống điện từ năm 2000 đến nay thông qua các thông số kỹ thuật như hệ số phụ tải (Ptb/Pmax), tỷ lệ cao thấp điểm (Pmin//Pmax)… (trình bày trong Bảng 1.3) là minh chứng hết sức thuyết phục cho kết luận này.

Bảng 1.3 Các thông số của biểu đồ phụ tải ngày làm việc điển hình

Năm

Hệ số phụ tải (HSPT)

Tỷ lệ Pmin/Pmax

Cao điểm tối

Cao điểm ngày

         2000

             0,73

         0,50

       1,00

          0,85

         2005

             0,80

         0,57

       1,00

          0,96

 Hiện nay

             0,87

         0,67

       1,00

          1,03

 

Qua các thông số tại Bảng 1.3 có thể  thấy, trong vòng hơn một thập niên, biểu đồ phụ tải của HTĐ đã “béo” ra đáng kể, thể hiện ở chỗ HSPT tăng từ 0,73 lên 0,87, trong khi tỷ lệ Pmin/Pmax tăng  từ 0,5 lên đến  0,67, và đặc biệt là từ chỗ biểu đồ chỉ có 1 cao điểm tối (năm 2000) đã tiến tới có thêm 01 cao điểm ngày, với công suất gần bằng (năm 2005), thậm trí, hiện tại, đã vượt cao điểm tối, dẫn đến số giờ sử dụng công suất cực đại (Tmax)  tăng lên, làm tăng đáng kể việc dùng hiệu quả nguồn lưới điện đã được đầu tư phát triển.

Về hiệu quả sử dụng điện trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, thì trong cơ cấu tiêu thụ điện của nước ta, hai thành phần công nghiệp và sinh hoạt gia dụng luôn chiếm tỷ trọng áp đảo. Tuy nhiên, từ năm 2000 đến nay, vị trí của hai thành phần này đã có sự thay đổi hợp logic, trong đó thành phần công nghiệp từ vị trí thứ hai với tỷ trọng gần 41% năm 2000 đã vượt lên vị trí dẫn đầu, với tỷ trọng gần 46% năm 2005 và gần 52% năm 2012, so với thành phần sinh hoạt gia dụng, với tỷ trọng giảm dần từ 49% năm 2000 xuống 44% năm 2005 và khoảng 39% năm 2012. Cũng cần lưu ý rằng, chính sự thay đổi này đã góp phần quan trọng làm thay đổi hình dáng (“béo” hơn) biểu đồ phụ tải của hệ thống điện như đã nêu trên đây.                                             

Để đánh giá hiệu quả sử dụng điện của một ngành kinh tế cần phải nghiên cứu, xem xét tình hình tiêu thụ điện, cùng với kết quả sản xuất kinh doanh (GDP) mà ngành đó đóng góp cho nền kinh tế quốc dân. Bảng 4.1 dưới đây trình bày các số liệu thống kê về tình hình tiêu thụ điện và GDP của ngành công nghiệp - xây dựng giai đoạn 2005 - 2012, trong đó, GDP được tinh theo giá so sánh và tỷ giá hối đoái năm 2010 (1USD = 19500 VNĐ).

Bảng 4.1 Tình hình tiêu thụ điện và tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2005-2012

               Năm

    2005

    2010 

    2012

Tăng trưởng

 05-12 (%)

HSĐH 5-12

(%ĐN/%GDP)

Tổng GDP (Trillion VNĐ)

 1588,6      

   2157,8

  2412,8

    6,15

      

        2,06

Tổng điện năng TP (TWh)

     45,7

       85,6

    105,3

  12,66

Cường độ ĐN (kWh/1000đ)

   0,028

     0,040

    0,044

    6,67

           -

GDP CN-XD (Trillion VNĐ)

   605,5

     824,9

    930,6

    6,33

       

       2,12

Tiêu thụ điện năng CN-XD (TWh)

     22,6

       43,3

      54,7

  13,45

Cường độ ĐN CN-XD (kWh/1000đ)

   0,037

     0,052

    0,059

    6,89

           -

Cường độ ĐN (kWh/USD)

   0,546

    0,780

    0,858

         -

           -

Cường độ ĐN CN-XD (kWh/USD)

   0,721

    1,014

    1,150

         -

           -

 

Các số liệu thống kê cho thấy, hiệu quả sử dụng điện trong nền kinh tế thời gian qua, nói chung, là rất thấp và trong lĩnh vực công nghiệp, nói riêng, lại còn thấp hơn nữa. Cụ thể như hệ số đàn hồi (HSĐH) - tỷ số giữa tăng trưởng điện năng và tăng trưởng GDP trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng (CN-XD) là 2,12 so với 2,06 trong nền kinh tế, còn cường độ điện năng (CĐĐN) - tỷ số giữa điện năng tiêu thụ và GDP (kWh/USD) trong CN-XD tăng dần từ 0,721 năm 2005 lên 1,014 năm 2010 và 1,150 năm 2012 so với từ 0,546 lên 0,78 và 0,858 của nền kinh tế. Nghĩa là, để có 1% tăng trưởng GDP CN-XD thì tiêu thụ điện năng phải tăng hơn 2%, và để làm ra 1USD phải tiêu thụ tới 1,15kWh (ở mặt bằng năm 2012).

Mặt khác, vấn đề còn nghiêm trọng ở chỗ là CĐĐN phải giảm dần theo xu thế phát triển, hiện đại hóa kỹ thuật - công nghệ, hợp lý hóa quản lý-vận hành thì ở ta đang diễn ra ngược lại. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là việc cải tạo, nâng cấp và đổi mới thiết bị, công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều điện năng tại nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, đã không được quan tâm đúng mức và thực hiện triệt để. Thêm vào đó, đối với các dự án đầu tư mới, trong thời gian qua, trong quá trình xem xét thẩm định và cấp phép, các tính năng kỹ thuật, công nghệ và hiệu suất năng lượng chưa được đánh giá đúng mức, dẫn đến nhiều dự án tiêu thụ nhiều điện năng như luyện kim, xi măng với công nghệ lạc hậu, hiệu suất năng lượng thấp vẫn được đầu tư xây dựng.

Những năm qua, việc triển khai thực hiện chương trình DSM (thuộc chương trình “Mục tiêu Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”) trong lĩnh vực sử dụng điện sinh hoạt dân dụng, một trong hai thành phần chủ yếu (CN-XD và sinh hoạt dân dụng) của cơ cấu tiêu thụ điện (còn gọi là thành phần Quản lý & Tiêu dùng dân cư) như: triển khai cuộc vận động xây dựng mô hình “Sử dụng tiết kiệm năng lượng trong mỗi hộ gia đình”; Phát triển các tiêu chuẩn và dán nhãn chứng nhận sản phẩm tiết kiệm năng lượng cho một số sản phẩm sử dụng năng lượng được lựa chọn, tuyên truyền và hỗ trợ người nghèo sử dụng bóng đèn compact thay cho bóng đèn dây tóc; Hỗ trợ kỹ thuật đối với các nhà sản xuất thiết bị điện trong nước tuân thủ tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng; Xây dựng mô hình và đưa vào hoạt động công tác quản lý sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong các tòa nhà, đã mang lại kết quả tương đối tốt.

Cạnh đó, yếu tố giá điện cũng đã có tác dụng góp phần vào ý thức sử dụng điện tiết kiện của người dân. Kết quả đó có thể ghi nhận thông qua các chỉ số về mức độ giảm nhịp độ tăng trưởng của thành phần này từ 12,4% trong giai đoạn 2000-2005 xuống 6,5% giai đoạn 2005-2012 và tỷ lệ trong cơ cấu tiêu thụ điện từ 43,9% năm 2005 xuống khoảng 39% năm 2012.

Vấn đề còn tồn tại, dù không lớn, trong lĩnh vực sinh hoạt dân dụng là việc sử dụng điện còn lãng phí tại các cơ quan, công sở. Tại đây, hóa đơn tiền điện được chi trả bằng “tiền chùa” nên việc sử dụng điện (đun nước, quạt máy, điều hòa không khí…) tiết kiệm chưa được quan tâm đúng mức; bóng đèn sợi tóc vẫn còn được sử dụng ở nhiều nơi, đặc biệt là nông thôn miền núi do giá thành rẻ, lại có thể phát sáng ở điện áp rất thấp so với định mức, trong khi đèn compact vừa đắt hơn nhiều lần, lại rất nhạy cảm với độ sụt áp của lưới điện.

Về hiệu quả sử dụng điện trong các lĩnh vực như thương mại-dịch vụ, nông nghiệp, chiếu sáng công cộng và các hoạt động khác là các thành phần tiêu thụ điện năng có tỷ lệ không đáng kể, tất cả cộng lại cũng chỉ khoảng 10% nên tiềm năng tiết kiệm điện trong các lĩnh vực này là không lớn. Tuy nhiên, cũng cần ghi nhận những kết quả tiết kiệm năng lượng của lĩnh vực chiếu sáng công công trong việc sử dụng rộng rãi các thiết bị chiếu sáng hiệu suất cao như đèn LED.

Kết luận

Qua những phân tích đánh giá trên đây, có thể nhận thấy rằng, các hoạt động bảo tồn năng lượng trong lĩnh vực cung cấp và tiêu thụ điện trong những năm qua đã thu được một số kết quả khả quan. Tuy nhiên, để có được những thành quả to lớn hơn nữa trong những năm tới, cần thực thi mạnh mẽ và triệt để một số các giải pháp kỹ thuật và quản lý, nhằm khắc phục những yếu kém và bất cập còn tồn tại như đã nêu trong các mục trên.

Đối với khâu cung cấp điện, thứ nhất, tăng cường sử dụng công nghệ năng lượng sạch (công nghệ lò hơi thông số siêu tới hạn, công nghệ lò tầng sôi tuần hoàn - CFB…) đối với các dự án nhiệt điện than, nhằm giảm suất tiêu hao nhiên liệu, tận dụng các loại than xấu cho phát điện và giảm thiểu phát thải khí nhà kính - CO2.           

Thứ hai, thực hiện triệt để việc cải tạo, nâng cấp lưới điện phân phối nông thôn, miền núi như: chuyển lưới điện trung áp ở tất cả các cấp điện áp về 22 và 35kV, lưới điện hạ áp phải được di dây bằng cáp bọc, với bán kính hợp lý theo các tiêu chuẩn đã nêu trong “Quy định kỹ thuật điện nông thôn”. Đồng thời tiếp tục hoàn thiện việc chuyển giao lưới điện nông thôn cho ngành điện quản lý, nhằm giảm mạnh tỷ lệ tổn thất điện năng trong lưới điện phân phối nói riêng và tỷ lệ tổn thất trong hệ thống lưới điện nói chung.

Đối với khâu tiêu thụ điện, một mặt, đẩy mạnh các hoạt động, kể cả việc hỗ trợ tài chính nhằm cải tiến, nâng cấp và đổi mới các thiết bị, công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng, hiệu suất thấp đang tồn tại, đồng thời quan tâm thích đáng đến hiệu suất năng lượng của các thiết bị, công nghệ trong quá trình thẩm định, phê duyệt, cấp phép đầu tư phát triển các dự án mới, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng (giảm HSĐH và CĐNL) trong lĩnh vực công nghiệp.    

Mặt khác, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, kết hợp với thanh kiểm tra việc thực hiện nội quy sử dụng điện tiết kiệm tại các cơ quan, công sở; tiếp tục vận động, hỗ trợ kinh phí cho các hộ dân cư nghèo tại các vùng nông thôn, miền núi trong việc sử dụng các loại đèn chiếu sáng như đèn compact, đèn tuýp gầy thay cho đèn sợi tóc, nhằm hạn chế tổn hao năng lượng trong lĩnh vực sinh hoạt dân dụng.

NangluongVietnam.vn

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động