RSS Feed for Tiết kiệm điện trong chiếu sáng vẫn là bài toán khó | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Chủ nhật 22/12/2024 11:58
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Tiết kiệm điện trong chiếu sáng vẫn là bài toán khó

 - Chiếu sáng chiếm tới 40% tổng năng lượng điện, vấn đề rất lớn làm gia tăng áp lực lên sản xuất điện và đảm bảo an ninh năng lượng.

Chiếu sáng thông minh: Giảm thách thức an ninh năng lượng

Ông Trần Đình Bắc, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội chiếu sáng Việt Nam, một trong những chuyên gia được đào tạo chính quy về chiếu sáng, trao đổi với Năng lượng Việt Nam xung quanh vấn đề sử dụng hiệu quả năng lượng trong chiếu sáng.

Ông đánh giá thế nào về tác động của chiếu sáng đến việc sử dụng năng lượng hiệu quả?

Chiếu sáng chiếm tỷ trọng lớn trong sử dụng năng lượng. Hiện nay, gần 40% tổng sản lượng điện sản xuất ra được dùng cho chiếu sáng, theo thống kê của Bộ Công Thương. Năng lượng hóa thạch ngày càng cạn kiệt, phát triển năng lượng tái tạo hạn chế, còn tiết kiệm năng lượng hiệu quả cũng chưa cao.

Ở đây có mâu thuẫn giữa nhu cầu phát triển cần sử dụng nhiều năng lượng chiếu sáng và vấn đề bảo toàn an ninh năng lượng. Song vấn đề đặt ra là sử dụng càng nhiều ánh sáng, tình trạng thiếu điện càng nghiêm trọng, đồng thời gây tác hại đến môi trường càng lớn.

Một điểm dư luận đang quan tâm là ô nhiễm ánh sáng, ông nói gì về điều này?

Ô nhiễm ánh sáng ở Việt Nam đang tăng lên, song mức độ còn thấp. Sử dụng ánh sáng lãng phí và gây ô nhiễm là do chúng ta thiếu kỹ thuật. Nhiều người vẫn cố ý để ánh sáng của mình chội hơn chỗ khác mà không biết rằng, đó là nguyên nhân gây ô nhiễm ánh sáng cho sinh thái. Chẳng hạn, việc chiếu sáng dọc đường quốc lộ tác động tiêu cực đến cây cối là do hệ thống chiếu sáng được lặp đặt sai kỹ thuật.

Ô nhiễm ánh sáng không chỉ ảnh hưởng đến thị giác con người mà nó còn gây nhiều tác hại. Trong giao thông, ô nhiễm ánh sáng rất lớn. Hiện, Việt Nam phổ biến việc làm nhà kính, trong khi mặt trời chiếu xuống thì sự phản xạ của ánh sáng xuống người dân tham gia giao thông là rất chói, đó là chưa kể đến chế độ nhiệt. Trong môi trường hiện nay, ô nhiễm ánh sáng gây nguy hại nhất là ảnh hưởng đến hệ sinh thái. Ánh sáng khiến loài rùa không biết tìm đường ra biển. Vấn đề này, trách nhiệm là các nhà kỹ thuật ánh sáng định hướng cho xã hội, cho những người sử dụng ánh sáng thế nào cho phù hợp là vấn đề đặt ra.

Trong chiếu sáng bao giờ cũng phải tính đến năng lượng hữu ích của nó, phải sử dụng kỹ thuật để tận dụng nguồn sáng hữu ích ấy. Ánh sáng không phải chỉ bắc đèn là sáng, phải có kỹ thuật mới có thể bắc đèn phù hợp và tiết kiệm được điện. Do đó, chiếu sáng phục vụ giao thông, phát triển được môi sinh, không tác động đến môi trường đang là bài toán khó đặt ra cho các nhà hoạch định chính sách cũng như các nhà kỹ thuật chiếu sáng.

Hiện trên thị trường có rất nhiều thiết bị chiếu sáng. Theo ông, nguồn sáng nào sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ?

Hiện nay, nguồn sáng LED đang phát triển mạnh và được xem là nguồn sáng thế kỷ 21. LED đang tràn vào Việt Nam, nhưng công nghệ của nước ta chưa sản xuất được chip LED, nên vẫn nhập khẩu linh kiện để lắp ráp.

Trên thị trường Việt Nam, chủ yếu bán các sản phẩm LED do Trung Quốc sản xuất. Nhiều đơn vị chưa nắm bắt được kỹ thuật của LED. Trong khi đó, người tiêu dùng chưa phân biệt được chất lượng các loại đèn, vẫn thấy rẻ thì mua.

Chúng ta có thể thừa hưởng một số kết quả nghiên cứu chíp LED của Nhật Bản, Mỹ, song không phải doanh nghiệp nào cũng ứng dụng được, nó đòi hỏi phải có công nghệ và con người có trình độ, năng lực mới có thể tích hợp hiệu quả nguồn sáng LED. Thực tế này đòi hỏi các nhà kỹ thuật Việt Nam cần định hướng cho người tiêu dùng về chất lượng các nguồn sáng và quan trọng hơn, Nhà nước phải có trách nhiệm quản lý thị trường chiếu sáng.

Theo ông, giải pháp nào phù hợp với thực trạng sử dụng năng lượng chiếu sáng đô thị ở nước ta hiện nay?

Sử dụng nguồn sáng cho hợp lý, là sử dụng ánh sáng tốt nhất và điều này, phải nhờ đến các giải pháp kỹ thuật. Với con người chẳng hạn, ánh sáng làm việc trong văn phòng đòi hỏi khác ánh sáng trong các nhà máy dệt may. Mỗi công việc đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật ánh sáng khác nhau.

Tuy nhiên, Hiện nay, ở Việt Nam, nhiều người vẫn cho rằng chiếu sáng là đơn giản, chỉ cần có điện, bóng đèn, lắp vào là sáng. Những điều đó là đúng, nhưng lắp thế nào để tiết kiệm điện, có nguồn sáng tốt nhất và phù hợp với con người, tâm sinh lý động thực vật trong môi trường, thì không đơn giản.

Tôi cho rằng, việc sử dụng năng lượng hiệu quả, với nguồn chiếu sáng hợp lý, cần được tiến hành trên nhiều khía cạnh. Chẳng hạn, xử dụng nguồn sáng LED đang là xu thế hiện nay. Nhưng tới đây, cần nghiên cứu để thiết kế hệ thống chiếu sáng cho phù hợp, chỉ như vậy, mới có thể nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.

Sử dụng nguồn sáng hiệu quả, chúng ta mới có thể tiết kiệm được điện. Một bóng đèn phát sáng toàn bộ không gian. Bây giờ muốn tập trung ánh sáng ấy để tiết kiệm nó thì hãy tập trung ánh sáng ở nơi làm việc, có nghĩa là cần thiết bị, treo cao hợp lý để ánh sáng không phát ra xung quanh.

Cảm ơn ông!

SONG ANH (thực hiện)

“Tiết kiệm năng lượng là một vấn đề có tác động rất lớn đối với việc quy hoạch chiếu sáng, các nhà quản lý cần nghiên cứu kỹ để có giải pháp hạn chế tình trạng chiếu sáng dàn trải, gây lãng phí năng lượng”. 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động