RSS Feed for Tăng trưởng xanh: Việt Nam cần những bước đi thích hợp | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Chủ nhật 22/12/2024 09:27
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Tăng trưởng xanh: Việt Nam cần những bước đi thích hợp

 - Theo các chuyên gia, khó khăn lớn nhất trong chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam đang gặp phải là việc xác định các chỉ tiêu cơ bản về giảm tiêu hao năng lượng và giảm cường độ phát thải khí nhà kính trong các ngành công nghiệp chính...

Chuyển đổi mô hình phát triển từ tăng trưởng xanh
"Tái cơ cấu kinh tế phải gắn liền với tăng trưởng xanh"

Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020 với các mục tiêu, nội dung và hoạt động liên quan tất cả các khía cạnh của nền kinh tế Việt Nam, trong đó, các hành động về tăng trưởng xanh của ngành công thương chiếm một tỷ trọng đáng kể.  

Hai nội dung thúc đẩy tăng trưởng xanh 

Tăng trưởng xanh công nghiệp là chiến lược tiếp cận ngành với việc áp dụng các phương pháp, chiến lược và công cụ đã được công nhận để chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng sản xuất công nghiệp gắn liền với gia tăng sử dụng tài nguyên và gây ra các tác động bất lợi tới môi trường sang mô hình tăng trưởng được nhóm nghiên cứu của Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, xác định theo 4 hướng.

Thứ nhất, đảm bảo an ninh các nguồn tài nguyên thiên nhiên bằng việc giảm các áp lực lên các nguồn tài nguyên như: nước, nguyên liệu và nhiên liệu.

Thứ hai, đóng góp làm giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua giảm thiểu khí thải nhà kính từ các hoạt động sản xuất và sử dụng năng lượng.

Thứ ba, quản lý môi trường tốt hơn, đảm bảo an toàn công nghiệp, hóa chất trong hoạt động của doanh nghiệp thông qua phát triển, sử dụng hàng hóa và dịch vụ môi trường.

Thứ tư, thúc đẩy mở rộng phát triển hàng hóa môi trường. Tăng trưởng xanh trong công nghiệp cung cấp cách tiếp cận kép cho quá trình công nghiệp hóa với việc đảm bảo tăng trưởng bền vững thông qua hai nội dung: Xanh hóa các ngành công nghiệp hiện có và thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp xanh mới.

Về xanh hóa các ngành công nghiệp hiện có, thông qua các hành động thực hiện một cách liên tục các cải thiện quá trình vận hành và áp dụng công nghệ xử lý tiên tiến để đạt được việc giảm thiểu sử dụng tài nguyên, giảm thiểu tạo ra chất thải và khí thải.

Cụ thể, sử dụng tài nguyên và năng lượng hiệu quả hơn; Giảm dần sử dụng các chất độc hại; Thay thế nhiên liệu hoá thạch bằng các nguồn năng lượng tái tạo; Cải thiện sức khỏe và an toàn cho người lao động; Gia tăng trách nhiệm của nhà sản xuất và giảm thiểu các mối nguy hại từ hoạt động sản xuất; Nâng cao hiệu quả quản lý chất thải và các dịch vụ tái chế chất thải.

Về thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp xanh mới, đó chính là các ngành cung cấp hàng hóa và dịch vụ môi trường, chẳng hạn ngành tái chế chất thải, ngành năng lượng tái tạo, các sản phẩm tiết kiệm năng lượng hay các giải pháp về phát triển năng lượng tái tạo, các hoạt động thu gom, quản lý và loại bỏ các chất thải độc hại.

Các sản phẩm của các ngành công nghiệp xanh mới bao gồm: Hàng hóa và dịch vụ môi trường theo cách tiếp cận truyền thống; Hàng hóa và dịch vụ các bon thấp; Hàng hóa và dịch vụ năng lượng tái tạo.

Thương mại là nhân tố quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế. Thực hiện tăng trưởng xanh mở ra các cơ hội phát triển, động lực cạnh tranh và kinh doanh bền vững bởi các doanh nghiệp đã cải thiện được hiệu quả sử dụng tài nguyên và thực thi yêu cầu về bảo vệ môi trường thông qua áp dụng các sáng tạo công nghệ và phi công nghệ bền vững.

Tăng trưởng xanh cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh các hoạt động thương mại hóa và tự do hóa thương mại các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ có lợi cho môi trường.

Với các chính sách thương mại thích hợp, theo TS Nguyễn Huy Hoàn - nhóm nghiên cứu, có thể thúc đẩy tăng trưởng xanh trong công nghiệp thông qua hai nội dung.

Một là, thúc đẩy thương mại hóa và tự do hóa thương mại hàng hóa và dịch vụ môi trường để mở rộng thị trường đối với hàng hóa và dịch vụ môi trường, các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ các bon thấp, các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ năng lượng tái tạo.

Hai là, đẩy mạnh hoạt động thương mại đối với các sản phẩm đạt chứng chỉ bền vững như: nông sản hữu cơ, các sản phẩm nông sản đạt chứng nhận bền vững về canh tác và chế biến, các sản phẩm thủy sản đạt chứng nhận đánh bắt bền vững hay nuôi trồng và khai thác bền vững, các sản phẩm gỗ đạt chứng chỉ bền vững về nguồn gốc xuất xứ, trồng và khai thác, các sản phẩm công nghiệp đạt các chứng chỉ về ISO 14000, SA 8000...

Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020 đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 20-3-2014 bao gồm 66 nhiệm vụ hành động (hoạt động) cụ thể, trong đó, Bộ Công Thương được phân công chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương thực hiện 14 hoạt động và phối hợp thực hiện 10 hoạt động.

Các hoạt động này được phân theo các chủ đề như: Xây dựng thể chế và Kế hoạch tăng trưởng xanh tại địa phương; Giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; Thực hiện xanh hóa sản xuất; và Thực hiện xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững.

Khó khăn lớn nhất

Trong những năm qua, Bộ Công Thương đã được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan triển khai thực hiện một số chương trình, đề án, chiến lược có nội dung liên quan đến tăng trưởng xanh và đã thu được một số kết quả đáng khích lệ.

Bộ Công Thương đã chỉ đạo việc rà soát, kiến nghị điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và các quy hoạch phát triển ngành, phân ngành công nghiệp từ quan điểm phát triển bền vững, bảo đảm sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, khuyến khích phát triển các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, kiểm soát ô nhiễm và quản lý hiệu quả chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất và xây dựng Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của ngành công nghiệp giai đoạn 2014-2020.

TS Nguyễn Huy Hoàn, cho rằng, khó khăn lớn nhất Bộ Công Thương đang gặp phải trong việc xây dựng kế hoạch hành động tăng trưởng xanh là việc xác định các chỉ tiêu cơ bản về giảm tiêu hao năng lượng và giảm cường độ phát thải khí nhà kính trong các ngành công nghiệp chính.

"Đây là công việc đòi hỏi phải có thời gian, nguồn lực và phương pháp luận thống nhất", TS  Nguyễn Huy Hoàn nhận định. 

Về nhiệm vụ hoàn thiện khung pháp lý về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Bộ Công Thương đã rà soát nhiều văn bản về chính sách và khung pháp lý, như: Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả số 50/2010/QH12; Nghị định 21/2011/ NĐ-CP Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả…

Về nhiệm vụ nâng cao nhận thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Bộ Công Thương đang tiếp tục duy trì các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức trên các phương tiện thông tin đại chúng, các chương trình phát thanh, truyền hình trung ương và địa phương.

Hiện, Bộ Công Thương đang xây dựng các văn bản hướng dẫn chi tiết thực hiện các quyết định này, như: Thông tư quy định về thực hiện phát triển dự án điện sinh khối, biểu giá chi phí tránh được cho các dự án điện sinh khối và Hợp đồng mua bán điện mẫu cho các dự án điện sinh khối.

Thông tư quy định về nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch phát triển điện sinh khối và Thông tư quy định thực hiện phát triển các dự án phát điện từ chất thải rắn và Hợp đồng mua bán điện mẫu cho các dự án phát điện từ chất thải rắn.

Ngoài ra, Bộ Công Thương đã tổ chức thực hiện Đề án Phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025 và đã thu được các kết quả như: Phê duyệt Quy hoạch sản xuất cồn nhiên liệu phục vụ cho ngành sản xuất nhiên liệu sinh học đến năm 2020, có xét đến năm 2030; xây dựng trình Chính phủ ban hành Lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống…

Trong hoạt động áp dụng phổ biến phương pháp sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, Bộ Công Thương đang chủ trì tổ chức thực hiện Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020 tập trung vào các nội dung như truyền thông, nâng cao nhận thức về sản xuất sạch hơn cho các doanh nghiệp và các đối tượng có liên quan

Trong hoạt động thực hiện xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững, Bộ Công Thương đang chủ trì xây dựng và sẽ trình Chính phủ Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ hoàn thiện và phê duyệt Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương thực hiện tăng trưởng xanh và tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thuộc trách nhiệm được phân công để thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.

Theo nhóm nghiên cứu, hiện tại, nguồn kinh phí hỗ trợ từ Ngân sách nhà nước để thực hiện các hoạt động tăng trưởng xanh hạn chế và không được hướng dẫn cụ thể. Việc huy động nguồn lực tài chính từ các nguồn khác rất khó khăn nên việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao sẽ gặp khó khăn.

Nhóm nghiên cứu đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính sớm ban hành các văn bản hướng dẫn và khung chính sách phân bổ và quản lý ngân sách quốc gia phục vụ thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh.

SONG ANH

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1393/ QĐ-TTg ngày 25-9-2012, thể hiện sự cam kết của Chính phủ trong việc chuyển đổi mô hình theo hướng bền vững hơn.

Nhằm cụ thể hóa mục tiêu, nội dung và trách nhiệm thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh, ngày 20-3-2014 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020 với các mục tiêu, nội dung và hoạt động về tăng trưởng xanh trong tất cả các khía cạnh của nền kinh tế Việt Nam. 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động