RSS Feed for Chuyển đổi mô hình phát triển từ tăng trưởng xanh | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ hai 18/11/2024 08:22
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Chuyển đổi mô hình phát triển từ tăng trưởng xanh

 - Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và tăng trưởng xanh xuất hiện ngày càng nhiều trên các chương trình nghị sự của Chính phủ, nhưng để đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh, hệ thống thể chế, chính sách cần có sự thay đổi tổng thể.

Nền kinh tế xanh nhìn từ chính sách giảm nhẹ phát thải
"Tái cơ cấu kinh tế phải gắn liền với tăng trưởng xanh"

Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính không chỉ đóng góp vào các nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, hoạch định chính sách trong lĩnh vực này còn phản ánh các động lực hướng tới tăng trưởng kinh tế - xã hội theo hướng xanh hóa, bao gồm an ninh năng lượng, tiến bộ khoa học - công nghệ và giải quyết các vấn đề môi trường.

Mục tiêu của của Chiến lược tăng trưởng xanh ở Việt Nam nêu rõ việc hoàn thiện thể chế theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế. Ảnh: moitruong.vn

Tiến sĩ Lương Quang Huy, Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi Khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường ) cho rằng: Quá trình phát triển của Việt Nam chắc chắn sẽ tạo ra lượng phát thải lớn trong tương lai gần.

Phát thải năm 2010 đạt 225,6 triệu tấn CO2 tương đương (CO2tđ) và dự kiến sẽ tăng lên 474,1 triệu tấn và 787,4 triệu tấn CO2tđ trong các năm 2020 và 2030.

Thay đổi mục tiêu tổng thể

Việc hài hòa các ưu tiên trong nước với các nỗ lực quốc tế về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính là rất cần thiết và có lợi ích đối với định hướng tăng trưởng xanh của đất nước.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh, hệ thống thể chế, chính sách cần có sự thay đổi tổng thể.

Mục tiêu của của Chiến lược tăng trưởng xanh ở Việt Nam đã nêu rõ việc tái cấu trúc, hoàn thiện thể chế theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, sử dụng hiệu quả năng lượng, tài nguyên và giảm phát thải khí nhà kính nhằm nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng lối sống thân thiện với môi trường.

Chiến lược tăng trưởng xanh xác định giảm cường độ phát thải khí nhà kính 8-10% so với mức 2010, giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP 1- 1,5% mỗi năm, giảm lượng phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng từ 10% đến 20% so với phương án phát triển bình thường. Mức tự nguyện khoảng 10%, 10% còn lại mức phấn đấu khi có thêm hỗ trợ quốc tế.

Định hướng đến năm 2030 là giảm mức phát thải khí nhà kính mỗi năm ít nhất 1,5 - 2%, giảm lượng phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng từ 20% đến 30% so với phương án phát triển bình thường. Mức tự nguyện khoảng 20%, 10% còn lại là mức khi có thêm hỗ trợ quốc tế.

Định hướng đến năm 2050: Giảm mức phát thải khí nhà kính mỗi năm 1,5 -2%. Tuy nhiên, các mục tiêu trên hiện đang gặp không ít khó khăn, mặc dù đã có nhiều bài học từ các quốc gia phát triển và đang phát triển trên thế giới.

Các chính sách tăng trưởng xanh trên thế giới tiếp cận theo từng khu vực của nền kinh tế, hoặc tiếp cận liên ngành xuyên suốt các lĩnh vực như sử dụng hiệu quả tài nguyên, sản xuất và tiêu dùng bền vững...

Với bất kì cách tiếp cận nào thì giảm nhẹ phát thải khí nhà kính được coi là động lực của hầu hết các nội dung tăng trưởng xanh. Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cũng đã được quốc tế công nhận là mục tiêu chính của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.

Đồng thời, các dự án, hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cũng đã và đang được các quốc gia phát triển, các tổ chức tài chính quốc tế hỗ trợ cả về kỹ thuật, công nghệ, tài chính thông qua các kênh hợp tác khác nhau trong và ngoài phạm vi Công ước khí hậu.

Tuy nhiên, theo TS Huy, định hướng tăng trưởng xanh đòi hỏi giảm nhẹ phát thải khí nhà kính không chỉ được thực hiện ở cấp độ các dự án mà cần mở rộng tại các cấp ngành kinh tế, thậm chí toàn nền kinh tế. Khi đó, việc hoàn thiện cơ cấu tổ chức, hành lang pháp lý hỗ trợ, khuyến khích các hành động này là không thể thiếu.

Việc tăng cường, mở rộng các hoạt động giảm nhẹ tới cấp ngành kinh tế và toàn quốc, TS Huy cho rằng cần bao gồm ba giai đoạn.

Thứ nhất, khuyến khích chuyển đổi công nghệ, cấu trúc quản lý nhằm giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Thứ hai, tăng cường các cơ sở hạ tầng nhằm hỗ trợ hiệu quả cho việc duy trì và tiếp tục giảm nhẹ phát thải.

Thứ ba, thay đổi tư duy, ý thức và hành vi của các cá nhân, tổ chức nhằm giảm nhẹ phát thải rộng khắp trong toàn bộ cộng đồng, xã hội.

"Khơi thông" từ hệ thống pháp lý

Kế hoạch Hành động Quốc gia về Tăng trưởng xanh của Việt Nam đã phần nào thể hiện định hướng đối với cả ba giai đoạn nêu trên. Tuy nhiên, các bất cập đã và còn tiếp tục tồn tại hiện đang ngăn trở việc thực hiện các hoạt động nêu trên.

Một là, do chất lượng, năng suất của nền kinh tế thấp còn rất thấp do còn thiếu sự đóng góp của khoa học, công nghệ. Những thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam đã đạt được chủ yếu là nhờ sử dụng triệt để số lượng lớn lao động với trình độ thấp, nguồn vốn và tài nguyên thiên nhiên.

Các nguồn lực này đã có dấu hiệu cạn kiệt và không đáp ứng được với xu hướng toàn cầu hóa trong phát triển kinh tế - xã hội. Các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính không thể tăng cường khi thiếu một lộ trình phù hợp về chuyển đổi công nghệ, cấu trúc quản lý.

Quá trình này phải diễn ra hài hòa và phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh Việt Nam. Hệ thống chính sách về giảm nhẹ cần đảm bảo nền kinh tế truyền thống dần dần trở nên thân thiện với môi trường hơn, ít phụ thuộc vào các yếu tố không bền vững như khai thác tài nguyên hữu hạn và tăng dần các yếu tố bền vững như vị trí địa chính trị, tri thức, khoa học công nghệ, tiêu dùng, đầu tư....

Việc chuyển đổi công nghệ, cấu trúc quản lý nền kinh tế cần được định trên cơ sở phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và các lợi thế cạnh tranh đặc trưng của Việt Nam.

Hai là, thể chế và hạ tầng kém phát triển. Hệ thống thể chế và hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa hỗ trợ hiệu quả cho giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, phân bổ nguồn lực còn phân tán.

Quản lý nhà nước về phát thải khí nhà kính và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đối với các ngành kinh tế, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân còn nhiều bất cập.

Hệ thống các văn bản pháp lý chưa nêu rõ trách nhiệm và nghĩa vụ đối với việc sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, giảm cường độ phát thải khí nhà kính, góp phần ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Những hạn chế này xảy ra do hệ thống pháp lý, quản lý nhà nước về phát thải khí nhà kính và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính chưa xác định rõ ràng các đối tượng, phạm vi quản lý cũng như chưa có các định hướng ưu tiên đối với các ngành, lĩnh vực cần được khuyến khích, hỗ trợ tăng cường giảm nhẹ phát thải.

Ngoài ra, công tác phối hợp liên ngành, tuy đã có nhiều đầu tư cải thiện, vẫn chưa được hình thành tổng thể do quan niệm còn trì trệ về các lợi ích ngành, lĩnh vực quản lý.

Ba là, tư duy, ý thức và hành vi của các cá nhân, tổ chức về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính chưa được cải thiện nhiều. Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cần được coi là trách nhiệm, bổn phận của tất cả các cá nhân, tổ chức song song với các lợi ích về kinh tế - xã hội.

Ý thức từ đó cần phải được nâng lên thành hành động cụ thể được hệ thống chính sách hỗ trợ, khuyến khích nhằm thực hiện hiệu quả các hành động đóng góp cho giảm nhẹ phát thải khí nhà kính như sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên thiên nhiên.

Nguyên nhân nổi bật của những vấn đề trong các nỗ lực tăng cường các hoạt động giảm nhẹ nhằm đóng góp cho một nền kinh tế xanh hiện nay bắt nguồn từ mô hình tăng trưởng của Việt Nam không còn phù hợp.

Ngoài ra, những nguy cơ của các tác động do biến đổi khí hậu đã ngày càng hiện hữu và gây ra các thiệt hại lớn nhất từ trước đến nay. Vì vậy, xu hướng chuyển đổi chính sách, mô hình quản lý cho giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cần giải quyết được ba hạn chế nêu trên.

Để từng bước giải quyết được các hạn chế đó, TS Huy nói: Chính sách về biến đổi khí hậu, môi trường, phát triển kinh tế ngành cần làm nổi bật tầm quan trọng của giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trên tất cả các cấp độ của nền kinh tế.

Các chính sách mang tính riêng biệt hoặc tập trung sẽ không có tác dụng lớn đối với việc chuyển đổi trọng tâm phát triển các-bon thấp, quỹ đạo bền vững hướng tới tăng trưởng xanh. Bên cạnh đó, một yếu tố quan trọng là tăng cường đóng góp của quốc gia về giảm nhẹ vào nỗ lực toàn cầu.

Theo TS Huy, việc tăng tham vọng về giảm nhẹ sẽ tạo ra một lợi thế cạnh tranh lớn trong xu thế toàn cầu về địa chính trị, an ninh năng lượng và hoàn toàn có thể là một chất xúc tác chính cho việc chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế quốc gia, tránh được cái gọi là “bẫy phát triển”.

Điều này, đồng thời tăng cường được các nguồn đầu tư cho cơ sở hạ tầng chuyên sâu về giảm nhẹ phát thải, đảm bảo an ninh năng lượng và giảm thiểu các chi phí giành cho tăng trưởng xanh. Hài hòa các ưu tiên về nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội quốc gia và các nỗ lực đóng góp cho giảm nhẹ toàn cầu là quan trọng.

Tuy nhiên, tăng trưởng xanh chỉ có thể đạt được khi có một sự đột phá trong xây dựng các chính sách, hình thành cơ cấu tổ chức đồng bộ, tăng cường năng lực nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ mới về giảm nhẹ phát thải, đáp ứng các ưu tiên về kinh tế - xã hội từ trung hạn tới dài hạn cho dù sẽ có nhiều khó khăn trong giai đoạn ngắn hạn.

HẢI VÂN

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động