Giải pháp nhiên liệu sạch từ khí CNG
13:15 | 26/09/2016
Khai thác dầu khí đá phiến làm tăng nguy cơ động đất
Khi Bạc Liêu bỏ nhiệt điện than, chọn năng lượng sạch
Theo Văn phòng Hỗ trợ thực hiện Chiến lược Sản xuất sạch hơn trong Công nghiệp (Bộ Công Thương), với tình hình phát triển của ngành năng lượng Việt Nam hiện nay, năng lượng hóa thạch vẫn là dạng năng lượng chưa thể thay thế. Tuy nhiên trong rất nhiều loại năng lượng hóa thạch, thì vẫn có những dạng năng lượng được coi là thân thiện với môi trường.
Một trong số đó là khí tự nhiên Natural Gas. Với việc đưa vào khai thác mỏ khí tự nhiên ở Tiền Hải, Thái Bình vào ngày 28/9/2015, các doanh nghiệp ở miền Bắc nước ta đã dần dần chuyển sang sử dụng nguồn nhiên liệu mới này.
Ở miền Bắc nước ta tập trung một số lượng khá lớn các nhà máy gạch, gốm sứ, kính, thép. Hầu như các doanh nghiệp này tiêu thụ các nhiên liệu hóa thạch như dầu DO, than, khí LPG. Đây đều là các nguyên liệu được sử dụng phổ biến.
Tuy nhiên, vấn đề thường gặp phải khi sử dụng các dạng nhiên liệu này là: Khi đốt các dạng nhiên liệu như dầu DO, than thường không thể đốt cháy hoàn toàn vì vậy sinh ra các muội than, xỉ. Do đó hiệu suất của nhiên liệu không đạt được tối đa.
Các dạng nhiên liệu này khi đốt thường phát thải một lượng bụi, tro bay, do đó các doanh nghiệp muốn đảm bảo tiêu chuẩn khói thải thường phải đầu tư một hệ thống xử lý khí bụi. Các hệ thống này tiêu tốn một chi phí đầu tư rất lớn.
Kèm theo bụi, tro bay trong khói thải thường là các chất khí độc như NOx, CO, SO2, các khí này gây ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe con người.
Để đầu tư xử lý hệ thống khói thải, các doanh nghiệp thường sử dụng các tháp hấp thụ bằng nước để hấp thụ các loại khí và rửa trôi bụi, vì vậy tiêu tốn một lượng nước rất lớn.
Ngoài ra nước thải sau quá trình này bắt buộc phải xử lý.
Với việc nguồn khí tự nhiên ở miền Bắc đã sẵn sàng được đưa vào sử dụng, các doanh nghiệp đã dần dần chuyển sang sử dụng nguồn nhiên liệu mới này.
Để có thể cung cấp cho các nhà máy, khí tự nhiên được nén tới áp suất 200-250 bar, tại điều kiện này thể tích của khí giảm đi tới 200-250 lần. Lúc này khí tự nhiên được gọi là khí CNG và được vận chuyển đến các nhà máy bằng xe bồn trailer. Tại nhà máy khí CNG được giảm đến áp suất cần thiết theo yêu cầu công nghệ của từng nhà máy.
Khí CNG và những lợi ích
Chi phí nhiên liệu sẽ thấp hơn do giá bán của khí CNG của PVGasN thấp hơn các loại nhiên liệu đang sử dụng.
Mặt khác làm giảm thải phát thải ra môi trường khói bụi, tro bay, các khí độc hại do khí CNG chứa đến 85% là metane. Khi đốt chỉ thải ra khí CO2 và hơi nước do hiệu suất đốt cao. Từ đó đáp ứng được các tiêu chuẩn về sức khỏe và an toàn môi trường theo các quy chuẩn hiện hành.
Giảm chi phí bảo trì thiết bị do khi đốt không tạo ra bụi, xỉ nên không gây bào mòn thiết bị. Đốt không thải ra SO2 do đó không gây ăn mòn thiết bị. Từ đó tăng tuổi đời cho thiết bị.
Theo tính toán ở một số nhà máy, chi phí bảo dưỡng trung bình giảm 40% so với đốt dầu DO, giảm 60% so với đốt than.
Khí CNG nhẹ hơn không khí, do đó nếu bị rò rỉ khí đều bay lên không trung chứ không tích tụ gây khả năng cháy nổ. Vì khí CNG không thải ra các chất độc hại nên người lao động sẽ có môi trường làm việc an toàn hơn.
Doanh nghiệp không phải tốn chi phí cho các nguy cơ tiềm ẩn khi người lao động phải nghỉ để chăm sóc y tế.
Khó khăn duy nhất mà doanh nghiệp gặp đó là phải đầu tư một hệ thống đầu đốt mới. Tuy nhiên dưới góc độ cả về kinh tế lẫn môi trường thì chi phí này đáng để đầu tư.
Với những lợi ích to lớn đó, rất nhiều doanh nghiệp đã chuyển sang sử dụng khí CNG như công ty Kính nổi Việt Nam VFG, công ty Gạch Thạch Bàn, công ty Sứ Long Phương.
NangluongVietnam Online