RSS Feed for Động lực nào cho năng lượng sinh khối Việt Nam? | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ tư 06/11/2024 01:25
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Động lực nào cho năng lượng sinh khối Việt Nam?

 - Theo ông Trương Đồng Tâm - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Ngôi Sao Vàng (doanh nghiệp chuyên ngành thu gom rác thải sinh hoạt, nông nghiệp, lâm nghiệp và công nghiệp để sản xuất thành nhiên liệu đốt công nghiệp và đốt phát điện), Việt Nam có tiềm năng rất lớn về năng lượng sinh khối sản xuất từ rác thải. Với gần 9 triệu tấn trấu (nhiệt lượng bình quân 3950 calo/kg) và hơn 33 triệu tấn rơm rạ được thải ra từ quá trình thu hoạch (nhiệt lượng tương đương 4100 calo/kg), vv... Tuy nhiên, hiện chúng ta chưa có các cơ chế, chính sách để phát triển bền vững nguồn năng lượng quý giá này.

Khởi động Quy hoạch năng lượng sinh khối An Giang, Gia Lai

Việt Nam là nước nông nghiệp và có bờ biển dài khoảng 3.260 km, ôm trọn vào lòng dòng sông Mê Kông, sông Hồng và dãy Trường Sơn hùng vĩ, khí hậu thuộc vùng nhiệt đới rất thuận lợi cho các loại cây rừng nhiệt đới, cây công nghiệp dài ngày như cao su, cây điều, cây tràm bông vàng, keo lai và các cây công nghiệp ngắn ngày phát triển nhất là các loại cây lương thực như lúa, bắp, mía, và cây mì… phát triển quanh năm. Vì vậy, nguồn chất thải từ nông, lâm nghiệp hàng năm thải ra rất lớn.

Bên cạnh đó, ngành công nghiệp đồ gỗ, giày da, may mặc của chúng ta đã và đang phát triển mạnh tạo ra nguồn tài nguyên phế thải, chất thải, rác thải từ các ngành này là rất lớn.

Theo thống kê của Công ty Ngôi Sao Vàng, trước đây, trấu, rơm rạ, thân cây ngô, nhiều người, nhiều nơi đốt bỏ, hoặc thả trôi sông, hoặc bỏ ngoài đồng ruộng mục nát chỉ một phần nhỏ được tái sử dụng làm chất đốt và thức ăn chăn nuôi, hoặc ủ làm nấm rơm,… ngành công nghiệp chế biến gỗ đã loại bỏ mùn cưa, bìa bắp và gỗ ván lạng một lượng lớn phế thải, rác thải chiếm tỷ trọng lên đến 38% số lượng gỗ khai thác. Gỗ khai thác năm 2016 đạt 5.562 nghìn m3 và 19,2 triệu m3: (5.562.000 m3 x 38%) + 19200000 m3 = 21.313.356 m3 quy đổi tương đương 13.853.681 tấn (chưa tính đến lượng gỗ nhập khẩu, nhiệt lượng gỗ sản xuất ra từ mùn cưa, dăm gỗ bình quân 4.300 calo/kg).

Sản lượng lúa Việt Nam năm 2016 năng suất giảm còn 44,5 triệu tấn cho ra tương đương 8.900.000 tấn trấu, nhiệt lượng trấu bình quân 3950 calo/kg và hơn 33 triệu tấn rơm rạ được thải ra từ quá trình thu hoạch, nhiệt lượng rơm rạ tương đương 4100 calo/kg.

Thông tin từ Tổng cục Thống kê năm 2016 cũng cho thấy, phế thải nông và lâm nghiệp cho ta hàng năm 2.291.658.280 calo nếu quy ra tiền đồng Việt Nam lấy mốc trấu giá thị trường thấp nhất là 600.000 đồng/tấn x 55.753.000 tấn =  33.421.800.000.000 tấn tương đương 51.418.154 USD (chưa tính đến nguồn phế thải từ mía đường, bã vỏ cà phê, đậu tương, hạt điều, rác thải công nghiệp sinh hoạt và các nguồn phế thải nông nghiệp khác …).

Ông Trương Đồng Tâm - Chủ tịch Công ty Ngôi Sao Vàng cho rằng, trong nhiều năm qua Việt Nam đang lãng phí nguồn tài nguyên do thiên nhiên ban tặng - đó là "rác thải". Trên thực tế, đầu tư cho lĩnh vực này sẽ tạo ra nhiều việc làm từ khâu khai thác, chế biến, thu gom, sản xuất, vận chuyển, xuất khẩu mang lại lợi ích nên kinh tế, góp phần tái tạo năng lượng phục vụ đời sống xã hội. 

Lý do lĩnh vực điện sinh khối chưa phát triển đúng với tiềm năng thực tế, chưa thật sự đi sâu vào đời sống xã hội, theo ông Tâm, vì Việt Nam còn bị hạn chế về chính sách đến thị trường tài chính, tín dụng. Cụ thể, chúng ta hiện chưa có các cơ chế tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khai thác, thu gom, chế biến, sản xuất, vận chuyển về vốn đầu tư, đất đai xây dựng, lãi suất.

Ông Tâm nêu ví dụ, đối với kinh doanh bất động sản, chứng khoán, vàng bạc… chúng ta có rất nhiều chính sách để hỗ trợ "kích cầu", thậm chí miễn giảm thuế để làm cho thị trường phát triển. Ngược lại phế liệu, phế thải, chất thải đối với nông nghiệp, lâm nghiệp suốt một thời gian dài phải "gồng mình" chịu thuế VAT 5%, đối với trấu, rơm rạ, bã mía, vỏ cà phê,… Gần đây, Chính phủ mới có chủ trương khuyến khích phát triển nông nghiệp Biomass được hưởng lợi là không chịu thuế vì nó là phụ phẩm, phế phẩm, chất thải đối với nông nghiệp. 

Tóm lại, muốn phát triển năng lượng sinh khối để hạn chế biến đổi khí hậu, giảm bớt sự thiếu hụt về năng lượng theo đề án của Thủ Tướng Chính phủ, không có con đường nào khác hơn là cần có chính sách khuyến khích cụ thể và giám sát việc thực thi để điều chỉnh chính sách thích hợp, tạo động lực cho phát triển bền vững.

Mặt khác, ông Tâm cho rằng, Việt Nam cần sớm quy hoạch những cụm công nghiệp, khu công nghiệp, bến bải tập kết, sản xuất Biomass để phục vụ trong nước và xuất khẩu. 

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động