RSS Feed for Bảo vệ hồ thủy điện: "Bén rễ" ở Hòa Bình | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ tư 25/12/2024 10:09
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Bảo vệ hồ thủy điện: "Bén rễ" ở Hòa Bình

 - Nhằm giảm thiểu xâm phạm vùng lòng hồ, công tác tuyên truyền tới người dân vùng hạ du được Công ty Thủy điện Hòa Bình đặc biệt chú trọng, đảm bảo các điều kiện an toàn vận hành nhà máy trong cả mùa lũ và mùa kiệt.

Phát triển KT-XH vùng chuyển dân thủy điện Hòa Bình
Thủy điện Hòa Bình tuyên truyền bảo vệ hành lang hồ chứa

Ông Nguyễn Văn Minh - Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình trao đổi với Năng lượng Việt Nam xung quanh nội dung này.

Trước tình trạng xâm phạm vùng lòng hồ Thủy điện Hòa Bình hiện nay, ông nhận xét thế nào về vấn đề này?

Những vi phạm vùng lòng hồ, hành lang bảo vệ hồ chứa thời gian qua ảnh hưởng ít nhiều đến hoạt động của Công ty.

Trên phía thượng lưu, nạn phá rừng đã được hạn chế nhưng vẫn còn tình trạng phá rừng phòng hộ, cây cối bị cắt, chặt rất nhiều. Điều này ảnh hưởng đến bồi lắng lòng hồ chứa.

 Bảo vệ lòng hồ liên quan đến tuổi thọ của hồ chứa. Ảnh: Hải Vân

Tại vùng lòng hồ Thủy điện Hòa Bình đã có một số vi phạm liên quan đến khai thác cát, đánh bắt cá bằng mìn và kích điện, xả thải vào lòng hồ. Tình trạng xây dựng dân dụng vi phạm cao trình hành lang bảo vệ hồ chứa vẫn thường xảy ra.

Ngoài ra, còn rất nhiều vi phạm khác liên quan đến khu vực hành lang bảo vệ hồ chứa như việc người dân trồng trọt, nuôi cá ở dưới vùng hành lang bảo vệ đã được quy định.

Trước những hoạt động vi phạm trên, Công ty đã triển khai những giải pháp nào để giảm thiểu tác động từ bên ngoài đến hồ chứa, thưa ông?

Chúng tôi đã triển khai xây dựng toàn bộ hành lang bảo vệ hồ chứa phần liên quan đến hai tỉnh Hòa Bình và Sơn La. Hành lang gồm 10 huyện, 53 xã và 196 thôn bản.

Gần đây, chúng tôi cũng xây dựng gần 1.760 mốc để xác định ranh giới hành lang bảo vệ hồ chứa.

Khi bàn giao các công trình, chúng tôi đã làm việc với lãnh đạo các huyện, các xã của hai tỉnh rất cụ thể. Đồng thời lưu ý các địa phương về những quy định trong Nghị định 112 về công tác quản lý, khai thác, bảo vệ các lòng hồ thủy điện, thủy lợi mà Chính phủ đã ban hành.

Hàng năm, Công ty tổ chức các đợt kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện những vi phạm hành lòng hồ và hành lang bảo vệ hồ, thông báo với chính quyền các địa phương về những trường hợp vi phạm và cùng phối hợp xử lý.

Đối với các chương trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương phê duyệt chưa chấp hành Nghị định 112, chúng tôi đề nghị phải thay đổi thiết kế, đảm bảo không ảnh hưởng đến vận hành của Thủy điện Hòa Bình.

Thủy điện Hòa Bình thực hiện bốn nhiệm vụ chủ yếu: Cắt lũ, phát điện, cấp nước tưới và giao thông thủy, đem lại hiệu quả to lớn về các mặt chống lũ, phát điện, cấp nước tưới, giao thông thủy. 

Hồ chứa nước Thuỷ điện Hoà Bình có dung tích 9,45 tỷ m3, trong đó dung tích chống lũ 5,6 tỷ m3, dung tích hữu ích để phát điện 5,65 tỷ m3. Mực nước dâng bình thường của hồ chứa là 117 m, mực nước chết là 80 m.

Công trình Thủy điện Hoà Bình có khả năng thoát lũ với tần suất 0,01% là 37.800 m3/s; lắp đặt 8 tổ máy phát điện có công suất 240 MW, tổng công suất 1.920 MW, sản lượng điện bình quân 8,16 tỷ kWh/năm.

Về công tác tuyên truyền, chúng tôi cho đây là nhiệm vụ quan trọng, nên vận dụng nhiều giải pháp, vừa tuyên truyền, vừa vận động để nâng cao nhận thức của người dân, góp phần bảo vệ an toàn vùng lòng hồ và khu vực hành lang hồ chứa.

Mới đây, với sự chủ trì của Đoàn thanh niên Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Đoàn thanh niên của Công ty Thủy điện Hòa Bình đã triển khai đợt tuyên truyền, bồi huấn pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, ý thức về bảo vệ hồ chứa của người dân địa phương.

Ông đánh giá như thế nào về sự phối hợp của chính quyền các địa phương trong việc cùng Công ty bảo vệ vùng lòng hồ?

Trong quá trình khảo sát, xây dựng hành lang bảo vệ hồ chứa, chúng tôi đã làm việc trực tiếp với các huyện và UBND hai tỉnh Hòa Bình và Sơn La. Một điều nhận thấy là chính quyền các địa phương chưa nắm bắt rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ an toàn hồ đập nên việc triển khai xây dựng thời gian đầu rất khó khăn.

Chúng tôi đã cung cấp thông tin, những tài liệu liên quan, đặc biệt là những nội dung trong Nghị định 112 của Chính phủ về quản lý, bảo vệ, khai thác thủy điện, thủy lợi đến các huyện và UBND hai tỉnh Hòa Bình và Sơn La.

Cách làm này mang lại hiệu quả cao. Các địa phương nhận thấy bảo vệ hồ thủy điện là việc làm cần thiết, gắn liền với lợi ích phát triển kinh tế của chính địa phương mình, nên cùng phối hợp triển khai dự án, chỉ đạo xuống các xã, thôn, bản về việc xây dựng hành lang bảo vệ hồ

Thông qua dự án này, chính quyền và người dân địa phương cũng nhìn nhận rõ hơn về tầm quan trọng của hồ thủy điện.

Quá trình phát triển kinh tế - xã hội có thể giảm hiệu quả do sức sức ép phát triển kinh tế của người dân. Những biện pháp mới mang tính đột phá để bảo vệ vùng lòng hồ là hết sức cần thiết. Ông nói gì về điều này ?

Bảo vệ vùng lòng hồ có rất nhiều nội dung, nó liên quan đến tuổi thọ của hồ chứa, ví dụ, vấn đề bồi lắng hồ chứa.

Vì vậy, ngoài những biện pháp tuyên truyền, vận động, chúng tôi thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước trong vấn đề phối hợp với chính quyền địa phương để bảo vệ tốt lưu vực, rừng phòng hộ.

Cạnh đó, tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa công ty và các địa phương để qua đó nhận được sự hỗ trợ của chính quyền và người dân địa phương trong việc bảo vệ hồ chứa.

Cảm ơn ông.

HẢI VÂN thực hiện

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động