RSS Feed for ‘Việt Nam và mục tiêu Net-zero’ trên diễn đàn trí thức Việt Nam tại Nhật Bản | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 21/12/2024 21:32
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

‘Việt Nam và mục tiêu Net-zero’ trên diễn đàn trí thức Việt Nam tại Nhật Bản

 - Diễn đàn trí thức Việt Nam tại Nhật Bản năm 2023 đã khai mạc tại Đại học Tokyo của Nhật Bản. Đây là chuỗi chương trình tọa đàm do các tổ chức Mạng lưới Học thuật người Việt Nam tại Nhật Bản (VANJ), Cộng đồng Chuyên gia người Việt Nam tại Nhật Bản (VPJ) và Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản (VYSA) phối hợp tổ chức 2 năm một lần. Dưới đây, Tạp chí Năng lượng Việt Nam xin tóm tắt nội dung của sự kiện này để bạn đọc cùng tham khảo.
Cơ chế điều chỉnh biên giới Carbon - Thách thức và cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam Cơ chế điều chỉnh biên giới Carbon - Thách thức và cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam

Sau Cơ chế điều chỉnh biên giới Carbon của EU (CBAM), Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc v.v… cũng sẽ áp dụng cơ chế tương tự để thu thuế khí CO2 đối với hàng nhập khẩu. Việc các nước phát triển thực hiện cơ chế này sẽ tác động rất lớn đến một số doanh nghiệp của Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa ra thị trường quốc tế. Nhưng đây cũng chính là cơ hội để chúng ta có thể kích hoạt, phát triển thị trường mua bán tín chỉ carbon, cũng như phát triển dự án thu hồi, sử dụng và lưu trữ khí CO2. (Tổng hợp, phân tích của CTV Tạp chí Năng lượng Việt Nam).

Chuyển dịch năng lượng nhìn từ Quy hoạch điện VIII của Việt Nam Chuyển dịch năng lượng nhìn từ Quy hoạch điện VIII của Việt Nam

Theo nhìn nhận của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam: Nhu cầu trong tương lai, nguồn cung cấp nhiên liệu, phát triển nguồn điện và khung pháp lý về năng lượng là các yếu tố chính trong Quy hoạch điện VIII cần xem xét trong quá trình chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam.

Mục tiêu trung hòa carbon và vấn đề phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam Mục tiêu trung hòa carbon và vấn đề phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam

Quá trình phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Các vướng mắc này cần được tháo gỡ để quá trình phát triển năng lượng này được đẩy nhanh hơn nữa, góp phần quan trọng vào quá trình chuyển đổi năng lượng, góp phần thực hiện mục tiêu trung hòa khí nhà kính vào năm 2050 như cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP26.

Tham dự tại sự kiện có Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu, Giáo sư Furuta Motoo - Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Nhật, ông Takebe Tsutomu - Cựu Chủ tịch Liên minh Nghị sĩ Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản, cùng đông đảo các tri thức nhà khoa học của hai nước.

Điểm nổi bật của sự kiện năm nay là có tới 11 phiên thảo luận, gồm 2 phiên toàn thể, 1 phiên thảo luận nhóm, 8 phiên chủ đề và hơn 75 diễn giả là các chuyên gia đa lĩnh vực, đa ngành nghề. Hơn 2.000 người đã tham gia sự kiện trực tuyến và tại hội trường.

Phiên thảo luận “Năng lượng xanh và phát triển bền vững” đã nhận được sự tham gia, hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo cộng đồng thông qua tham dự trực tiếp tại hội trường, cùng như tham dự online qua nền tảng Zoom.

Mở đầu phiên thảo luận, chủ tọa PGS, TS. Nguyễn Đình Hòa và đồng chủ tọa TS. Phạm Văn Long giới thiệu tóm tắt bối cảnh và nội dung chính phiên thảo luận.

‘Việt Nam và mục tiêu Net-zero’ trên diễn đàn trí thức Việt Nam tại Nhật Bản
Ban chủ tọa và các diễn giả tham gia thảo luận.

Tiếp đó, các diễn giả có các bài trình bày với các nội dung xoay quanh mục tiêu phát thải ròng bằng “0” ở nhiều khía cạnh khác nhau như: Chính sách, quản lý đô thị, năng lượng và giao thông.

TS. Tô Kiên - Quy hoạch sư Cao cấp Tập đoàn Eight - Japan Engineering Consultants Inc., (Nhật Bản), kiêm giảng viên cao cấp Đại học UEH (Việt Nam) và giảng viên thỉnh giảng Đại học Quốc gia Yokohama (Nhật Bản) đã trình bày những kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc thúc đẩy phát triển các đô thị sinh thái, hướng đến xã hội trung hòa carbon. Những bài học này bao gồm các chính sách và sáng kiến của chính phủ, những mô hình thành phố sinh thái kiểu mẫu, cùng một số dự án mới nhất do tác giả đồng thực hiện ở vai trò chủ chốt của dự án tại Tập đoàn EJEC.

Những cột mốc sáng kiến của Chính phủ Nhật bắt đầu từ Chương trình Đô thị Sinh thái (1997), Sáng kiến Đô thị Sinh thái Kiểu mẫu (2008), Sáng kiến Đô thị Tương lai (2011), sau đó gắn với Mục tiêu Phát triển bền vững - SDGs (từ 2018) và mốc công bố mục tiêu đạt được Net Zero vào năm 2050 (2020).

Sau đó, TS. Kiên đã giới thiệu một số mô hình thành phố sinh thái và công nghiệp sinh thái tiêu biểu với quy mô khác nhau như: Thành phố Yokohama, Musashino, làng Kamikatsu và đặc biệt là Thành phố Kitakyushu. Từ một Thành phố công nghiệp bị ô nhiễm nặng, Kitakyushu đã được cải tổ ngoạn mục “từ xám sang xanh”, trở thành một hình mẫu nổi tiếng thế giới.

Ở phần cuối, TS. Kiên dành thời gian giới thiệu và chiếu phim một số dự án mới thực hiện tại Nhật Bản, Thái Lan và Việt Nam. Những công nghệ xanh hiện đại, quản lý rác thải tiên tiến, tiết kiệm năng lượng, sử dụng, cũng như đa dạng hóa tối đa năng lượng tái tạo sẽ được ứng dụng để hướng tới quay vòng tài nguyên và năng lượng - một phần của nền kinh tế tuần hoàn.

‘Việt Nam và mục tiêu Net-zero’ trên diễn đàn trí thức Việt Nam tại Nhật Bản
Cuộc cải tổ ngoạn mục “từ xám sang xanh” tại Thành phố Kitakyushu, Nhật Bản. Nguồn: TS. Tô Kiên.

TS. Phạm Hùng Cường - Đại học Kyushu (Nhật Bản) đã giới thiệu về công nghệ Hydrogen: Từ phòng thí nghiệm đến xã hội. TS. Cường cho biết: Nhật Bản là quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành chiến lược quốc gia về hydrogen (vào năm 2017) với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và đảm bảo an ninh năng lượng trong tương lai. Đến nay, đã có gần 40 quốc gia trên thế giới xây dựng và ban hành chiến lược phát triển quốc gia về hydrogen.

TS. Cường giới thiệu mô hình về xã hội hydrogen thu nhỏ ở Đại học Kyushu - đây là một trong những mô hình xã hội hydrogen đầu tiên ở Nhật Bản. Theo đó, hydrogen được sản xuất từ điện lưới và một phần năng lượng mặt trời, năng lượng gió được sử dụng cho xe hơi dùng pin nhiên liệu, cũng như hydrogen có thể được sử dụng để sản xuất ra điện từ hệ thống pin nhiên liệu. Ngoài ra, hydrogen cũng được sử dụng cho nhiều mục đích khác trong các ngành công nghiệp khác nữa mà không phát thải khí nhà kính.

TS. Cường chia sẻ một số thông tin quan trọng về bản chiến lược quốc gia hydrogen ở Nhật Bản, tình hình thời sự hydrogen ở trên toàn thế giới.

Đối với Việt Nam, hydrogen vẫn đang chủ yếu được sản xuất và sử dụng từ nguồn nguyên, nhiên liệu hóa thạch để phục vụ trong các nhà máy sản xuất phân bón, hoặc các nhà máy lọc hóa dầu. Ngoài ra, theo Quy hoạch điện VIII, Chính phủ đã xây dựng mục tiêu sử dụng 5 - 10 GW điện từ năng lượng tái tạo phục vụ việc sản xuất hydrogen xanh từ nay đến năm 2030, và với tầm nhìn đến năm 2050. Việt Nam sẽ sử dụng rất nhiều hydrogen cho các nhà máy nhiệt điện, công suất lên đến hàng chục GW.

‘Việt Nam và mục tiêu Net-zero’ trên diễn đàn trí thức Việt Nam tại Nhật Bản
Mô hình về xã hội hydrogen thu nhỏ ở Đại học Kyushu, Nhật Bản. Nguồn: TS. Phạm Hùng Cường.

Giáo sư trợ lý Nguyễn Văn Triết - Đại học Tsukuba (Nhật Bản) đã trao đổi về năng lượng tái tạo và công nghệ điện tử công suất.

Mở đầu bài trình bày, TS. Triết khái quát về cơ cấu năng lượng của Nhật Bản, tỷ trọng năng lượng hóa thạch trong tổng cung cấp năng lượng, cũng như sự phụ thuộc nhập khẩu năng lượng, đặc biệt sau sự cố tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima (năm 2011). Công suất điện từ năng lượng tái tạo tại Nhật Bản tăng nhanh từ năm 2012, với tỷ lệ tăng là 16%/năm trong giai đoạn 2012 - 2021 với sự hỗ trợ của Chính phủ thông qua cơ chế giá FIT. Nhật Bản tiếp tục theo đuổi chính sách S+3E (an toàn, an ninh năng lượng, kinh tế, môi trường) để đảm bảo an toàn, an ninh năng lượng, hiệu quả kinh tế và môi trường bền vững.

Phần cuối bài trình bày, TS. Triết giới thiệu và nêu bật tầm quan trọng của hệ thống lưới điện thông minh, lưới điện siêu nhỏ trong việc điều tiết hệ thống điện khi tỷ trọng năng lượng tái tạo trong hệ thống tăng cao.

‘Việt Nam và mục tiêu Net-zero’ trên diễn đàn trí thức Việt Nam tại Nhật Bản
Mô hình mạng lưới điện siêu nhỏ. Nguồn: TS. Nguyễn Văn Triết.

TS. Nguyễn Duy Đỉnh - Đại học Bách khoa Hà Nội (Việt Nam) giới thiệu về hệ thống trạm sạc công cộng cho xe điện và các vấn đề liên quan.

Mở đầu phần trình bày, TS. Đỉnh giới thiệu tổng quan về sự phát triển xe điện, hạ tầng sạc công cộng trên thế giới và nhấn mạnh sự tăng trưởng liên tục của thị trường xe điện, đặc biệt là tại Trung Quốc, châu Âu, Hoa Kỳ.

Theo đó, trung bình một trạm sạc xe điện công cộng sẽ phục vụ 10 xe điện với công suất 2,4 kW/xe. Theo xu hướng, hạ tầng trạm sạc công cộng ngày càng tăng, với 94% trạm sạc có công suất từ 3,7 - 22 kW thì việc đảm bảo nguồn điện cung cấp cho các trạm sạc công cộng cũng là một vấn đề quan trọng cần giải quyết trong bối cảnh an ninh năng lượng đang được ưu tiên hàng đầu tại nhiều quốc gia.

Cuối phần trình bày, TS. Đỉnh nhấn mạnh pin xe điện cũng là nguồn lưu trữ năng lượng, có thể góp phần vào việc ổn định hệ thống lưới điện.

‘Việt Nam và mục tiêu Net-zero’ trên diễn đàn trí thức Việt Nam tại Nhật Bản
Hạ tầng sạc pin xe điện công cộng trên thế giới. Nguồn: TS. Nguyễn Duy Đỉnh.

TS. Nguyễn Thái Hoà - Viện nghiên cứu chiến lược môi trường toàn cầu Nhật Bản (IGES) đã giới thiệu kịch bản phát thải ròng bằng “0” cho Việt Nam dựa trên mô hình tích hợp châu Á - Thái Bình Dương (AIM) được phát triển bởi Viện nghiên cứu Quốc gia về Môi trường, Đại học Kyoto, Viện nghiên cứu và thông tin Mizuho và các viện nghiên cứu khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

TS. Hòa cho biết: Mô hình AIM đã được sử dụng để hỗ trợ các nước châu Á, trong đó có Việt Nam trong việc xây dựng các kịch bản giảm phát thải. Tại Việt Nam, mô hình AIM đã được áp dụng để xây dựng kế hoạch phát triển xã hội carbon thấp tại Thành phố Hồ Chí Minh (2014), Đà Nẵng (2015), Hải Phòng (2016), Cần Thơ (2017) và Hà Nội (2019).

Các bước thiết kế kịch bản carbon thấp bao gồm: (1) Lập kế hoạch ngân sách, nhân lực; (2) Thiết lập khuôn khổ nghiên cứu; (3) Chuẩn bị dữ liệu; (4) Thiết kế và dự báo và (5) Báo cáo kết quả.

TS. Hòa cũng đã trình bày chi tiết về 3 kịch bản dự báo phát thải khí nhà kính cho Việt Nam đến năm 2050. Kết quả cho thấy: Để đạt mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050, Việt Nam cần tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo lên tới 80%, cần có hạ tầng thu giữ, lưu trữ carbon với công suất lên tới 150 triệu tấn/năm và thiết lập phát thải đỉnh vào năm 2035.

‘Việt Nam và mục tiêu Net-zero’ trên diễn đàn trí thức Việt Nam tại Nhật Bản
Các thông số vào/ra của mô hình AIM. Nguồn: TS. Nguyễn Thái Hòa.

TS. Phùng Quốc Huy - Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng châu Á - Thái Bình Dương (Nhật Bản) đã trao đổi về công nghệ thu giữ, lưu trữ CO2 hay CCS , cũng như tiềm năng áp dụng công nghệ này để khử carbon trong lĩnh vực điện và công nghiệp tại Việt Nam.

Theo TS. Huy: CCS là một trong những công nghệ tiềm năng nhằm hiện thực hoá mục tiêu trung hoà carbon, hoặc phát thải ròng bằng “0” của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Công nghệ CCS đã được triển khai thương mại ở một số nơi trên thế giới. Hiện nay, tổng công suất các hệ thống CCS đạt 46 triệu tấn/năm và dự kiến đạt 321 triệu tấn/năm vào năm 2030. Chi phí thu giữ CO2 dao động từ 20 - 320 USD/tấn (tuỳ thuộc vào nguồn phát thải).

Tuy nhiên, có nhiều nút thắt cản trở việc triển khai công nghệ CCS như: Chi phí đầu tư, chi phí vận hành dự án CCS còn cao, khung pháp lý cho lĩnh vực CCS chưa hoàn thiện, vị trí lưu trữ chưa được đánh giá tỷ mỷ, độ chín muồi của công nghệ và nhận thức của người dân còn hạn chế.

Liên quan đến tiềm năng áp dụng công nghệ CCS tại Việt Nam, TS. Huy cho biết: Việt Nam có tiềm năng về vị trí lưu trữ CO2, có khả năng lưu trữ khoảng 12 tỷ tấn CO2 trong các địa tầng ngoài khơi. Ngoài ra, nghiên cứu của tác giả cho thấy rằng: Các vỉa than sâu cũng là nơi lưu trữ CO2 tiềm năng. Để triển khai công nghệ CCS tại Việt Nam, cần có các nghiên cứu và dự án CCS thử nghiệm, chính sách hỗ trợ, thị trường carbon, thuế carbon để tạo nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này. Mặt khác, cần bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định trong việc thu giữ, sử dụng và lưu trữ CO2.

‘Việt Nam và mục tiêu Net-zero’ trên diễn đàn trí thức Việt Nam tại Nhật Bản
Các vị trí thu giữ và lưu trữ CO2 tiềm năng tại Việt Nam. Nguồn: TS. Phùng Quốc Huy.

Trong phần hỏi đáp, các đại biểu tại hội trường và online đã tích cực hỏi đáp, thảo luận sôi nổi. Nhiều ý kiến đi vào chiều sâu và hướng tới các giải pháp xử lý các khó khăn khi phát triển hệ thống năng lượng tái tạo, xe điện, trạm sạc, điện rác và thu giữ, lưu trữ CO2./.

BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động