RSS Feed for Việt Nam - Đức chia sẻ cơ hội, thách thức về chuyển dịch năng lượng xanh | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 19/04/2024 04:03
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Việt Nam - Đức chia sẻ cơ hội, thách thức về chuyển dịch năng lượng xanh

 - Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức (CHLB Đức) cùng đối thoại năng lượng, chia sẻ những cơ hội và thách thức chung của hai quốc gia trong tiến trình chuyển dịch năng lượng xanh. Đối thoại mở ra những cơ hội mới trong hợp tác giữa hai nước cùng hướng tới mục tiêu chung về trung hòa các-bon trong dài hạn.
Đối thoại quốc gia về ‘Chuyển dịch năng lượng bền vững’ Đối thoại quốc gia về ‘Chuyển dịch năng lượng bền vững’

Trong hai ngày (22 - 23/11/2022), Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH, CN & MT) của Quốc hội và Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) đã phối hợp tổ chức Chương trình Đối thoại quốc gia: “Chuyển dịch năng lượng bền vững - Quản trị, tài chính và công nghệ”, thuộc khuôn khổ Dự án “Năng lượng sạch, chi phí hợp lý và an ninh năng lượng cho các quốc gia Đông Nam Á (CASE)”, do Bộ Kinh tế và Hành động Khí hậu CHLB Đức (BMWK) tài trợ.

Chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam: Cơ hội lớn cho nền kinh tế bền vững Chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam: Cơ hội lớn cho nền kinh tế bền vững

Là một nền kinh tế năng động với tốc độ tăng trưởng cao trong nhiều năm liên tục, nhu cầu sử dụng năng lượng, đặc biệt là điện năng tại Việt Nam ngày càng tăng cao. Để đạt các mục tiêu về phát triển kinh tế xanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt là các cam kết tại COP26, Chính phủ Việt Nam đã và đang đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi ngành năng lượng.

Chuyển dịch năng lượng của Việt Nam - Phân tích và định hướng chính sách cho tương lai Chuyển dịch năng lượng của Việt Nam - Phân tích và định hướng chính sách cho tương lai

Bài báo này được rút gọn từ Báo cáo nghiên cứu “Một số nghiên cứu về chuyển dịch cơ cấu năng lượng gắn với phát triển hạ tầng năng lượng hiệu quả và bền vững phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam, giai đoạn 2030 và tầm nhìn 2045” do TS. David Jacobs (IET - International Energy Transition GmbH), Toby D. Couture (E3 Analytics), Thorsten Schlößer, Leonard Hülsmann, (Energynautics GmbH), TS. Nguyễn Anh Tuấn (Viện Năng lượng) thực hiện, với sự đóng góp ý kiến của Ban Kinh tế Trung Ương, GIZ Việt Nam - Dự án EVEF, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn CN Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, được thực hiện trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ kỹ thuật ngành Năng lượng Việt Nam - EU” do Liên minh châu Âu và Cộng hòa Liên bang Đức đồng tài trợ.

Từ hai ngày (28 - 30/11/2022), đại diện Bộ Kinh tế và Hành động Khí hậu CHLB Đức (BMWK) bà Nicole Glahnemann - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Năng lượng và Khí hậu tại khu vực châu Á đã có chuyến thăm, làm việc với Bộ Công Thương, cũng như các bộ, ban, ngành liên quan, các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân trong ngành năng lượng tại Việt Nam.

Trước đó, mối quan hệ hợp tác năng lượng Việt Nam - Đức đã được xây dựng, phát triển thông qua chuyến thăm và làm việc của đoàn đại biểu Việt Nam tại Đối thoại Chuyển dịch Năng lượng và Ngày Năng lượng Việt - Đức tổ chức tại Berlin (tháng 3/2022).

Chuyến thăm lần này của BMWK đến Việt Nam nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ tin cậy giữa hai nước thông qua các cuộc đối thoại xung quanh việc xây dựng chính sách phát triển cho năng lượng tái tạo, tiềm năng hydrogen xanh tại Việt Nam, việc thiết lập câu lạc bộ hiệu quả năng lượng, cũng như gặp gỡ các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam.

Thách thức và giải pháp vận hành hệ thống điện có tỷ trọng năng lượng tái tạo cao:

Việt Nam và Đức cùng hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Để hiện thực hóa mục tiêu này vào năm 2045, nước Đức xây dựng và phát triển hệ thống điện với tỷ trọng năng lượng tái tạo cao.

Việt Nam - Đức chia sẻ cơ hội, thách thức về chuyển dịch năng lượng xanh
Đoàn đại biểu Đức làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Trong buổi trao đổi tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vào ngày 29/11, phía Đức đã chia sẻ những thách thức khi vận hành hệ thống điện, như luồng công suất ngược, khó khăn trong công tác dự báo, hệ thống chưa ổn định, khó khăn trong quản lý công suất dự phòng…

Để giải quyết những bài toán này, nhiều sáng kiến số đã được chia sẻ (bao gồm việc thiết kế thị trường tập trung vào cả sản xuất và tiêu thụ, tính toán giá điện thời gian thực, lấy nhà tiêu dùng làm trung tâm). Cạnh đó là xây dựng các nền tảng đấu thầu dịch vụ quản lý nghẽn lưới; ứng dụng các giải pháp trí tuệ nhân tạo cho các tài sản năng lượng tái tạo, thúc đẩy tăng cường các thiết bị có thể điều khiển được, cũng như nâng cao hoạt động dự báo mất cân bằng hệ thống.

Câu lạc bộ hiệu quả năng lượng:

Theo Báo cáo Đóng góp Quốc gia Tự quyết định (NDC): Việt Nam cam kết cắt giảm 9% lượng phát thải khí nhà kính (giai đoạn 2021 - 2030) so với kịch bản thông thường (BaU) bằng nguồn lực trong nước và có thể tăng lên đến 27% khi nhận được sự hỗ trợ của quốc tế.

Bên cạnh việc chuyển đổi sang các nguồn năng lượng xanh, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng là một trong những chiến lược quan trọng và bền vững.

Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 (VNEEP III) đặt mục tiêu đưa tiết kiệm năng lượng trở thành hoạt động thường xuyên đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm và các ngành kinh tế trọng điểm tiêu thụ nhiều năng lượng.

Đứng trước nhiệm vụ này, hoạt động của các câu lạc bộ hiệu quả năng lượng đã được thảo luận trong buổi làm việc giữa các đại diện của BMWK, đại diện các hiệp hội về thiết bị điện, năng lượng và môi trường Đức với Hội Khoa học công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam (VECEA) và Trung tâm nghiên cứu và phát triển về Tiết kiệm năng lượng (ENERTEAM).

Các câu lạc bộ này sẽ giúp kết nối các doanh nghiệp có địa bàn gần nhau, đặc thù tương đối giống nhau có thể hỗ trợ nhau về kỹ thuật, máy móc, thiết bị. Qua đó giúp nâng cao chất lượng của hoạt động kiểm toán năng lượng và quản lý năng lượng. Các doanh nghiệp nhờ vậy có thể học hỏi lẫn nhau, mở rộng mạng lưới kết nối với các đơn vị tư vấn uy tín trong ngành.

Cũng trong ngày làm việc này, một ý định thư đã được ký kết đánh dấu cam kết hỗ trợ của các hiệp hội, mạng lưới năng lượng Đức đối với sự phát triển mạng lưới hiệu quả năng lượng tại Việt Nam.

Chính sách phát triển năng lượng tái tạo và tiềm năng Hydrogen xanh tại Việt Nam:

Xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển các nguồn năng lượng tái tạo là nhiệm vụ quan trọng được nêu rõ trong Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Định hướng chiến lược phát triển Quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Các chính sách phát triển năng lượng tái tạo giúp đưa ra những hướng dẫn rõ ràng và chiến lược nhằm thúc đẩy sự phát triển của năng lượng tái tạo, tích hợp năng lượng tái tạo vào hệ thống điện.

Việt Nam - Đức chia sẻ cơ hội, thách thức về chuyển dịch năng lượng xanh
Tọa đàm về chính sách phát triển năng lượng tái tạo.

BMWK và Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo (Bộ Công Thương) đã tổ chức hội thảo (trong ngày 30/11) về chủ đề “Xây dựng Chính sách phát triển năng lượng tái tạo và tiềm năng phát triển Hydrogen xanh tại Việt Nam”.

Hội thảo đã thu hút hơn 80 đại biểu từ các bộ, ban ngành liên quan như Cục Điều tiết Điện lực, Vụ Than và Dầu khí (Bộ Công Thương), các tổ chức quốc tế, hiệp hội, doanh nghiệp và các trường đại học trong cả nước tham gia. Sự kiện cũng thu hút hơn 400 người theo dõi trên nền tảng trực tuyến.

Các kinh nghiệm quốc tế trong xậy dựng khung chính sách phát triển năng lượng tái tạo đã được chia sẻ tại sự kiện.

Theo đó, Luật Năng lượng Tái tạo cần gắn với chiến lược trong dài hạn của quốc gia và toàn cầu, thống nhất với chính sách ngành, cũng như chiến lược đảm bảo an ninh năng lượng. Nội dung của Luật cần ổn định, không thay đổi trong vài năm, hoặc nhiều thập kỷ và cần quan tâm đến an toàn đầu tư của các nhà đầu tư tư nhân.

Đức, Việt Nam cùng hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 lần lượt vào năm 2045 và 2050. Trên thế giới đã có 136 quốc gia cam kết đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ.

Theo chiến lược của nước Đức, có 5 trụ cột chiến lược chính để hiện thực hóa mục tiêu này, bao gồm:

1/ Thúc đẩy năng lượng tái tạo.

2/ Loại bỏ nhiên liệu than.

3/ Tăng cường hiệu quả năng lượng.

4/ Điện hóa ngành giao thông vận tải, nhiệt, công nghiệp.

5/ Phát triển hydrogen sạch.

Việc phát triển chính sách liên tục đã góp phần thúc đẩy việc triển khai năng lượng tái tạo ở Đức với tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo chiếm gần 50% trong sản lượng điện hiện nay.

Trong phiên làm việc buổi chiều, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi về tiềm năng phát triển hydrogen xanh tại Việt Nam.

Hydrogen xanh là công nghệ quan trọng trong thúc đẩy chuyển dịch năng lượng và là giải pháp tối ưu cho các lĩnh vực khó giảm phát thải khí nhà kính.

Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để sản xuất hydrogen xanh, nhưng sẽ cần chính sách và quan hệ đối tác để đảm bảo thành công.

Bên cạnh đó, phần lớn năng lực sản xuất hydrogen phục vụ xuất khẩu có thể sẽ hình thành dựa trên quan hệ đối tác song phương với các điều kiện tài chính ưu đãi và hợp đồng cung ứng dài hạn.

Theo cách tiếp cận này, Việt Nam có thể có chi phí sản xuất đủ thấp để cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Bà Nicole Glahnemann - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Năng lượng và Khí hậu tại khu vực châu Á (thuộc BMWK) chia sẻ: Trong bối cảnh hai nước cùng hướng tới mục tiêu tham vọng về Net Zero, nước Đức hi vọng có thêm nhiều hoạt động hợp tác song phương với Việt Nam để nắm bắt cơ hội, vượt qua các thách thức trong tiến trình chuyển dịch năng lượng xanh, hướng tới sự phát triển bền vững về kinh tế và xã hội của quốc gia./.

BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động