RSS Feed for VEA kiến nghị giảm thuế xuất khẩu than xuống mức 0% | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 23/11/2024 18:38
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

VEA kiến nghị giảm thuế xuất khẩu than xuống mức 0%

 - Tại TP Hạ Long, Tập đoàn CN Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) vừa tổ chức Tọa đàm “Ngành Than - Khoáng sản Việt Nam với vai trò đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia”. Tham gia buổi tọa đàm có đại diện của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, các bộ (Tài chính, Công Thương), Hiệp hội Năng lượng Việt Nam - VEA, Tỉnh ủy Quảng Ninh, các chuyên gia kinh tế…


Ý kiến buổi tọa đàm đã tập trung vào một số vấn đề như: cơ chế nào, nguồn vốn ở đâu để đầu tư phát triển hạ tầng ngành Than đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, vấn đề giá than theo cơ chế thị trường, vấn đề xuất - nhập khẩu than, chiến lược đầu tư khoa học - công nghệ… Đặc biệt là đầu tư nghiên cứu, thăm dò, khai thác bể than sông Hồng.

Là tập đoàn kinh doanh đa ngành, tạo ra các chuỗi sản phẩm, giá trị gia tăng trên nền công nghiệp than - khoáng sản, bao gồm: khai khoáng, năng lượng, luyện kim, hóa chất, cơ khí, vật liệu xây dựng, xây lắp công trình, dịch vụ.

Bằng việc áp dụng mô hình tổ chức, chiến lược phát triển, cơ chế quản lý phù hợp đã giúp Vinacomin ngày càng phát triển, giải phóng năng lực sản xuất sẵn có, phát triển năng lực sản xuất đưa ngành Than bước vào thời kỳ phát triển mới.

Tại cuộc tọa đàm, lãnh đạo Vinacomin đã báo cáo hiện trạng cơ cấu tổ chức, cơ chế quản lý điều hành, hoạt động sản xuất, kinh doanh và nêu lên 11 nội dung kiến nghị về đầu tư khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản… nhằm chủ động đáp ứng nhu cầu than cho nền kinh tế và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Kể từ khi thành lập Tổng Công ty Than Việt Nam (1994) đến nay, ngành Than đã không ngừng phát triển, sản lượng khai thác than năm 2011 đã tăng 7,5 lần so với năm 1994, doanh thu tăng 45,6 lần so với năm 1995.

Ngoài sản phẩm than, Vinacomin đã phát triển nhiều loại sản phẩm mới như: điện, đồng, kẽm, vật liệu nổ công nghiệp… Vinacomin hiện có 66 đơn vị trực thuộc gồm: 5 tổng công ty, 18 công ty TNHH 1TV, 7 đơn vị hoạt động sự nghiệp có thu, 4 công ty ở nước ngoài, 32 công ty cổ phần, ngoài ra còn có 11 công ty liên kết.

Trong những năm qua, Vinacomin đã gặp không ít những khó khăn, thách thức lớn do những bất cập trong sản xuất, kinh doanh như: giá bán than trong nước thấp, các chính sách thuế, phí ngày càng tăng cao, việc cấp phép tài nguyên của các bộ chuyên ngành quá chậm, quy định hiện hành về thủ tục, trình tự thực hiện đầu tư các dự án khai thác mỏ than chưa phù hợp với tính chất đặc thù đã làm chậm tiến độ dự án…

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch VEA nêu vấn đề, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt kế hoạch phát triển ngành Than trong năm năm tới, với các danh mục dự án rất cụ thể (cải tạo mở rộng, nâng công suất 61 dự án mỏ hiện có, đầu tư xây dựng mới 28 dự án mỏ có công suất đến 2 triệu tấn/năm, đưa vào vận hành 6 dự án nguồn điện, thăm dò xong một phần tài nguyên và trữ lượng than sông Hồng)… Nhưng vấn đề là tiền ở đâu và bằng cơ chế, chính sách nào nào để Vinacomin thực thi các dự án đó?

Trong điều kiện giá than bán cho một số hộ ở trong nước đang ở mức dưới giá thành, chi phí sản xuất tăng, điều kiện khai thác ngày càng khó khăn… thì Chính phủ cần phải đẩy nhanh thị trường hóa giá than, bên cạnh đó là giảm mức thuế than xuất khẩu xuống mức 0%.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu ghi nhận những kết quả đạt được của Vinacomin thời gian qua trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Đối với những khó khăn, vướng mắc của Vinacomin sẽ được các cơ quan Quốc hội, Chính phủ quan tâm, trên cơ sở đặc thù của ngành Than, cũng như tình hình thực tiễn của đất nước.

Trong đó đặc biệt quan tâm tới các cơ chế, chính sách trong khai thác, quản lý tài nguyên và chính sách giá than...

Nguyễn Quốc Oai (NangluongVietnam.vn)

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động