RSS Feed for Trở về cội nguồn của các công trình thủy điện Việt Nam (Kỳ 3) | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ tư 24/04/2024 09:36
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Trở về cội nguồn của các công trình thủy điện Việt Nam (Kỳ 3)

 - Sông Đồng Nai là con sông lớn ở miền Nam nằm trọn vẹn trong lãnh thổ nước ta. Sông bắt nguồn từ cao nguyên Lang Biang, tỉnh Lâm Đồng, ở độ cao trên 2.000 mét. Tổng diện tích lưu vực sông Đồng Nai khoảng 35.000 km2, đến Biên Hòa gần 24.800 km2. Chiều dài sông Đồng Nai là 456 km (tính đến Biên Hòa). Thượng nguồn sông Đồng Nai có 2 nhánh là Đa Dung và Đa Nhim nhập lưu ở khu vực thượng lưu thác Bon Ron, huyện Di Linh. Trung lưu sông Đồng Nai có 2 nhánh lớn là sông Bé ở bên phải và sông La Ngà ở bên trái. Với lượng mưa dồi dào bình quân trên toàn lưu vực xấp xỉ 2.200 mm/năm, sông Đồng Nai có nguồn thủy năng phong phú, đứng thứ 2 cả nước, sau sông Đà, với trữ năng lý thuyết được đánh giá là 27,7 tỷ kWh/năm và trữ năng kinh tế vào khoảng 11,5 tỷ kWh/năm, riêng dòng chính đạt khoảng 8,6 tỷ kWh/năm. Do vị trí quan trọng của sông Đồng Nai đối với miền Nam, đặc biệt là nguồn điện năng và cung cấp nước để phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền đông Nam Bộ nên vấn đề khai thác sử dụng nguồn năng lượng sông Đồng Nai luôn được quan tâm.

Trở về cội nguồn của các công trình thủy điện Việt Nam (Kỳ 2)
Trở về cội nguồn của các công trình thủy điện Việt Nam (Kỳ 1)
Vai trò và tầm quan trọng các dự án thủy điện của EVN
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Tạm kết)

 

Công trình Nhà máy Thủy điện Trị An.

KỲ 3: NGUỒN NĂNG LƯỢNG SÔNG ĐỒNG NAI

Trước giải phóng miền Nam (năm 1975), Công ty Tư vấn Nipponkoe (Nhật Bản) đã lập Quy hoạch sử dụng nguồn nước sông Đồng Nai phục vụ cho thủy lợi và thủy điện. Sau giải phóng, Bộ Thủy lợi (trước đây) đã thành lập nhiều đoàn công tác khảo sát, nghiên cứu lập Quy hoạch sử dụng nguồn nước sông Đồng Nai phục vụ chủ yếu cho mục đích thủy lợi. Viện Quy hoạch và Kinh tế điện (thuộc Bộ Điện lực) đã lập Thuyết minh tổng quan sử dụng nguồn nước sông Đông Nai giai đoạn 1 (năm 1982- 1983).

Dưới sự chỉ đạo của Phó tiến sỹ, Thứ trưởng Bộ Điện lực - Nguyễn Đình Tranh và trực tiếp là Phó tiến sỹ Lê Quang Diện viện - Phó Viện quy hoạch và Kinh tế điện, chúng tôi đã hoàn thành đồ án Thuyết minh tổng quan sông Đồng Nai giai đoạn 1, kiến nghị công trình xây dựng đợt đầu trên sông Đồng Nai là công trình Thủy điện Trị An. Về sau, trong các năm 1984 -1986, chúng tôi lập và hoàn thành Thuyết minh tổng quan sông Đồng Nai giai đoạn 2, kiến nghị phương án bậc thang thủy điện sông Đồng Nai, các công trình xây dựng tiếp theo như: Thủy điện Thác Mơ, Hàm Thuận - Đa Mi, Đại Ninh…

Nói về công trình Thủy điện Trị An, chúng ta không thể không nhắc tới cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, lúc đó là Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, sau đó là Phó thủ tướng Chính phủ. Ông là người khởi xướng, tổ chức, vận động các cấp, các ngành và nhân dân trong và ngoài thành phố đóng góp xây dựng công trình này.

Ngày ông Võ Văn Kiệt mới ra Trung ương làm việc, ông cho gọi Bộ Điện lực, Viện Quy hoạch và Kinh tế điện đến nhà khách Trung ương ở Tây Hồ báo cáo cho ông nghe về Thủy điện Trị An. Ông nói: "Thủy điện Tri An rất cần, phải làm nhanh, khẩn trương, vốn tôi lo".

Sau đó, Bộ Điện lực thành lập Đoàn thiết kế Trị An để lập Luận chứng kinh tế kỹ thuật công trình Thủy điện Trị An. Ngày mới thành lập, Đoàn chỉ có trên 50 người, gồm phó tiến sỹ, kỹ sư chủ yếu từ miền Bắc vào do kỹ sư Lê Sâm làm trưởng đoàn, làm việc bên cạnh các chuyên gia cố vấn Liên Xô. Họ làm việc cật lực, không có ngày nghỉ, trao đổi, thảo luận trong nội bộ và với chuyên gia về các phương án bố trí tuyến đập, tuyến năng lượng, về phương án thi công, dự toán, về hiệu quả kinh tế từng phương án.

Trước đó, Bộ Thủy lợi đã lập thiết kế sơ bộ công trình này với công suất thiết kế là 280 MW. Đoàn thiết kế Trị An cùng với các chuyên gia của Phân viện thiết kế thủy công Quybisep (Liên Xô) đã nghiên cứu phương án chuyển tuyến năng lượng và nhà máy thủy điện xuống dưới chân thác Trị An để tận dụng thêm cột nước đưa công suất nhà máy lên 400 MW.

Kết quả ấy thật đáng mừng. Trong thời gian 1982 - 1983, Luận chứng kinh tế kỹ thuật công trình Thủy điện Trị An được hoàn thành, phê duyệt làm cơ sở để Nhà nước ký kết Hiệp định với Liên Xô giúp ta lập thiết kế kỹ thuật và cung cấp thiết bị đồng bộ cho công trình này.

Mục tiêu xây dựng công trình Thủy điện Trị An thời điểm đó là: đảm bảo nguồn năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội của 16 tỉnh thành phía Nam, trong đó có khu vực Thành phố Hồ Chí Minh - Biên Hòa; đảm bảo nguồn nước sinh hoạt của hơn 5 triệu dân và tưới cho hơn 20 nghìn ha khu vực hạ lưu; điều tiết nước chống lũ và đẩy mặn cho hạ du.

Các thông số chính của công trình:

1/ Mức nước dâng bình thường 62 mét.

2/ Mức nước chết 50 mét.

3/ Dung tích toàn bộ hồ chứa 2,76 tỷ m3

4/ Dung tích hữu ích 2,54 tỷ m3

5/ Công suất lắp máy 400 MW.

6/ Điện lượng bình quân hàng năm 1,76 tỷ kWh.

7/ Số tổ máy 4.

Khối lượng chính gồm đào đắp đất đá 23 triệu m3, bê tông 580 nghìn m3, kết cấu kim loại và thiết bi 73 nghìn tấn.

Công trình Thủy điện Trị An được khởi công xây dựng ngày 30 tháng 4 năm 1984, phát điện tổ máy 1 ngày 30 tháng 4 năm 1988, vận hành chính thức cả 4 tổ máy ngày 13 tháng 9 năm 1989 trong niềm vui sướng của nhân dân miền Nam, đánh dấu cột mốc lịch sử trong quá trình chinh phục và khai thác sông Đông Nai.

Đón đọc kỳ tới: Nguồn năng lượng trên dòng Sê San

KSCC. NGUYỄN ĐỨC ĐẠT - HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động