RSS Feed for Tổng quan trữ lượng và tiêu thụ than trên toàn cầu | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 27/12/2024 17:36
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Tổng quan trữ lượng và tiêu thụ than trên toàn cầu

 - Sản lượng và nhu cầu tiêu thụ than thế giới vẫn tiếp tục gia tăng, chủ yếu do sự gia tăng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Khu vực này cầu luôn vượt cung và phải nhập khẩu từ ngoài khu vực. Tuy nhiên, xét theo chủng loại than cụ thể thì cung cầu trong từng khu vực, nhất là khu vực châu Á - Thái Bình Dương, châu Âu và Eurasia vẫn có sự "thừa - thiếu", do vậy, việc xuất, nhập khẩu than giữa các khu vực trên thế giới vẫn diễn ra.

Than Indonesia trong cân bằng năng lượng Việt Nam
Thị trường than ASEAN và những rủi ro của Việt Nam
Một số vấn đề về cung cầu than cho nền kinh tế Việt Nam

PGS, TS. NGUYỄN CẢNH NAM - HỘI ĐỒNG PHẢN BIỆN TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Trữ lượng than

Theo BP Statistical (2016), trữ lượng xác minh than thế giới được thống kê tại thời điểm cuối năm 2015 vào khoảng 891.531 triệu tấn, gồm than antraxit, bitum là 403.199 triệu tấn (45,2%). Còn than á bitum và than nâu là 488.332 triệu tấn (54,8%).

Trong đó, ở khu vực châu Âu và Eurasia (Liên Xô trước đây): 310.538 triệu tấn (chiếm 34,8%); châu Á - Thái Bình Dương 288.328 triệu tấn (chiếm 32,3%); khu vực Bắc Mỹ 245.088 triệu tấn (chiếm 27,5%); khu vực Trung Đông - châu Phi 32.936 triệu tấn (chiếm 3,7%); Trung - Nam Mỹ 14.641 triệu tấn (chiếm 1,6%).

Trong tổng trữ lượng than khu vực châu Âu và Eurasia 310.538 triệu tấn, gồm than á bitum, than non 217.981 triệu tấn (70,2%) và than antraxit, bitum 92.557 triệu tấn (29,8%).

Trữ lượng than phân bố chủ yếu ở Liên bang Nga 157.010 triệu tấn (chiếm 17,6%), trong đó, antraxit và bitum 31,3%. Đức 40.548 triệu tấn (chiếm 4,5%), trong đó, antraxit và bitum 0,12%. Ukraina 33.873 triệu tấn (chiếm 3,8%), trong đó, antraxit và bitum 45,3%. Kazakhstan 33.600 triệu tấn (chiếm 3,8%), trong đó, antraxit và bitum 64%. Séc Bi 13.411 triệu tấn (chiếm 1,5%), toàn bộ là than á bitum và than non. Thổ Nhĩ Kỳ 8.702 triệu tấn (chiếm 1,0%,0), trong đó, antraxit và bitum 3,7% và Ba Lan 5.465 triệu tấn (chiếm 0,6%), trong đó antraxit và bitum 76,5%.

Trữ lượng than khu vực châu Á - Thái Bình Dương 288.328 triệu tấn, trong đó than antraxit  bitum 157.803 triệu tấn (54,7%), á bitum, than non 130.525 triệu tấn (45,3%).

Trữ lượng than phân bố chủ yếu tại các nước: Trung Quốc 114.500 triệu tấn (chiếm 12,8%), trong đó, antraxit và bitum 54,3%. Australia 76.400 triệu tấn (chiếm 8,6%), trong đó antraxit và bitum 48,6%. Ấn Độ 60.600 triệu tấn (chiếm 6,8%), trong đó antraxit và bitum 92,6% và Indonesia 28.017 triệu tấn (chiếm 3,1%), toàn bộ là than á bitum và than non.

Trữ lượng than khu vực Bắc Mỹ 245.088 triệu tấn, trong đó antraxit và bitum 112.835 triệu tấn (46,0%), á bitum, than non 132.253 triệu tấn (54,0%).

Trữ lượng than phân bố chủ yếu tại các nước: Mỹ 237.295 triệu tấn (chiếm 26,6%), trong đó antraxit và bitum 45,7%. Canada 6.582 triệu tấn (chiếm 0,7%), trong đó antraxit, bitum 52,8%.

Với mức sản lượng năm 2015, trữ lượng than thế giới đảm bảo khai thác trong 114 năm tiếp theo và hiện đứng đầu trong số các nhiên liệu hóa thạch trên thế giới. Tuy nhiên, thời hạn khai thác của từng khu vực có sự chênh lệch khá lớn phản ánh phần nào chính sách và tốc độ khai thác tài nguyên than của các châu lục và từng nước. Cụ thể là tại khu vực châu Âu  Eurasia 273 năm, Bắc Mỹ 276 năm, châu Á - Thái Bình Dương 53 năm.

Trữ lượng than thế giới đã giảm từ 1.031.610 triệu tấn năm 2005 xuống 909.064 triệu tấn năm 2005 và 891.531 triệu tấn năm 2015.

Tình hình sản xuất than

Theo BP Statistical (2013, 2015 và 2016): từ năm 1991 đến 2015, tình hình khai thác than thế giới có những mốc sụt giảm đáng chú ý với nguyên nhân chính từ các cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính lớn trên thế giới. Cụ thể là:

1/ Giai đoạn 1991÷1993: Tăng trưởng khai thác than thế giới bị âm (-3,9%; -0,8% và -2,7%) do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực ngân hàng (tác động đến giao dịch thương mại quốc tế) và khủng hoảng của nền kinh tế Ấn Độ (một quốc gia khai thác, sử dụng than lớn trên thế giới).

2/ Giai đoạn 1997÷1998: Một lần nữa khai thác than tăng trưởng âm (-1,7%) khi châu Á - tiêu thụ than lớn nhất thế giới lâm vào cuộc khủng hoảng tài chính.

3/ Giai đoạn 2002÷2003: Tốc độ tăng trưởng khai thác than thế giới giảm xuống dưới 1% khi kinh tế Nam Mỹ khủng hoảng.

4/ Giai đoạn 2008÷2009: Tốc độ tăng trưởng khai thác than thế giới giảm 0,02% khi cả thế giới rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính.

Giai đoạn 2014÷2015: Tốc độ tăng trưởng khai thác than thế giới giảm 4,0%, chủ yếu do tác động của giá dầu giảm và suy giảm kinh tế làm cho nhu cầu than giảm.

Châu Á dẫn đầu thế giới về sản lượng khai thác than gần như trong toàn giai đoạn 1991÷2015. Xu hướng sản xuất than trong 25 năm qua giữa các khu vực cũng có sự khác nhau. Khu vực Bắc Mỹ giảm, Trung Đông và châu Âu và Eurasia có xu hướng giảm. Trong khi khu vực châu Á - Thái Bình Dương, châu Phi, Trung - Nam Mỹ có xu hướng tăng mạnh, nhưng đến 2015 thì giảm.

Theo BP Statistical (2016), sản lượng than thế giới năm 2015 đạt 3.830,1 triệu TOE (tương ứng khoảng 7.820 triệu tấn), giảm 4,0% so với năm 2014. Trong đó, châu Á - Thái Bình Dương chiếm 70,6%; khu vực Bắc Mỹ chiếm 12,9%; khu vực châu Âu và Eurasia chiếm 11% và châu Phi chiếm 3,9%.

Trong đó, sản lượng than khu vực châu Á - Thái Bình Dương đạt 2.702,6 triệu TOE (tương ứng khoảng 5.440 triệu tấn), giảm 2,9% so với năm 2014. Trong đó, Trung Quốc 1.827 triệu TOE (bằng 3.693 triệu tấn, chiếm 47,7%). Tiếp theo là Ấn Độ, Australia, Indonesia lần lượt là 283,9 triệu tấn TOE (681 triệu tấn); 275 triệu TOE (483,5 triệu tấn) và 241,1 triệu TOE (394,6 triệu tấn).

Sản lượng than khu vực châu Âu  Eurasia đạt 419,8 triệu TOE (tương ứng khoảng 1.137,5 triệu tấn), giảm 3,1% so với năm 2014. Trong đó, Nga 184,5 triệu TOE (tương ứng khoảng 372 triệu tấn). Tiếp theo là Đức, Ba Lan và Kazacxtan lần lượt là 42,9; 53,7 và 45,8 triệu TOE (tương ứng khoảng 184,3; 136,6 và 106,3 triệu tấn).

Sản lượng than Bắc Mỹ đạt 494,3 triệu TOE (tương ứng khoảng 888 triệu tấn), giảm 10,3% so với năm 2015. Trong đó, Mỹ 455,2 triệu TOE (tương ứng khoảng 812 triệu tấn), Canada 32,1 triệu TOE (tương ứng khoảng 60,9 triệu tấn).

Tình hình tiêu thụ và sử dụng than

Theo BP Statistical (2013 và 2015): Tiêu thụ than thế giới ổn định trong giai đoạn 1991÷2002, trung bình toàn giai đoạn vào khoảng 4,4 tỷ tấn/năm. Tuy nhiên, bước qua giai đoạn 2003÷2011, tổng lượng tiêu thụ than thế giới tăng vọt với lượng tiêu thụ trung bình toàn giai đoạn vào khoảng 6,2 tỷ tấn/năm (gấp gần 1,5 lần giai đoạn trước). Từ năm 2012 tiếp tục có xu hướng tăng, trong giai đoạn 2012-2014 lượng than tiêu thụ trung bình khoảng 7,34 tỷ tấn, tăng 18,4% so với bình quân giai đoạn 2003-2011. Trong đó, tăng chủ yếu tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương - đặc biệt là tại Trung Quốc.

Theo BP Statistical (2016): Tổng lượng than tiêu thụ thế giới năm 2015 đạt 3.839,9 triệu TOE (tương ứng khoảng 7.320 triệu tấn), giảm 1,8% so với năm 2014. Trong đó khu vực châu Á - Thái Bình Dương 2.798,5 triệu TOE (tăng 0,2% so với 2014), chiếm 72,9%; khu vực Bắc Mỹ, châu Âu và Eurasia lần lượt là 429,0 và 467,9 triệu TOE (giảm 12,1% và 2,7% so với 2014), tương ứng chiếm 11,2% và 12,2% sản lượng than tiêu thụ toàn thế giới.

Trong tổng lượng than tiêu thụ khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2015, các nước tiêu thụ than lớn gồm: Trung Quốc (1.920,4 triệu TOE, tương ứng khoảng 3.545,4 triệu tấn, chiếm 50% tổng than tiêu thụ toàn thế giới ); Ấn Độ (407,2 triệu TOE); Nhật Bản (119,4 triệu TOE); Hàn Quốc (84,5 triệu TOE); Indonesia (80,3 triệu TOE); Úc (46,6 triệu TOE), Đài Loan (37,8 triệu TOE); Việt Nam (22,2 triệu TOE); Malaixia và Thái Lan (đều là 17,6 triệu TOE). Riêng Trung Quốc sau thời kỳ dài liên tục tăng cao, từ năm 2014 sản lượng than tiêu thụ có xu hướng giảm (năm 2014 giảm so với 2013 là 0,76% và 2015 giảm so với 2014 là 1,5%).

Tại Bắc Mỹ, lượng tiêu thụ than của Mỹ đạt 396,3 triệu TOE, tương ứng khoảng 777,2 triệu tấn, chiếm 10,3% tổng tiêu thụ thế giới.

Tại châu Âu và Eurasia, tổng lượng tiêu thụ than các nước Nga, Đức, Ba Lan lần lượt là: 88,7; 78,3; và 49,8 triệu TOE, tương ứng khoảng 166,0; 150,1 và 102,7 triệu tấn; chiếm tương ứng 2,3%; 2,0% và 1,3% tổng than tiêu thụ thế giới.

Vì những ưu điểm của khoáng sản than như nguồn tiềm năng dồi dào, giá thành rẻ nên than chiếm 29,2%, đứng thứ hai trong tổng tiêu thụ năng lượng sơ cấp của toàn thế giới năm 2015 (dầu 33,0%; khí tự nhiên 23,0%; thủy điện 6,8%; năng lượng hạt nhân 4,4% và năng lượng tái tạo khác 2,8%).

Nhìn chung, việc sử dụng than chủ yếu tùy thuộc vào tiềm năng các nguồn tài nguyên năng lượng và khả năng tiếp cận nguồn dầu mỏ, khí đốt của từng nước. Các nước có tỷ trọng sử dụng than cao trong tổng sử dụng năng lượng sơ cấp thường là những nước có nguồn tài nguyên than dồi dào so với các nguồn tài nguyên năng lượng khác.

Chẳng hạn như tỷ lệ sử dụng than trong tổng sử dụng năng lượng sơ cấp năm 2015 của Nam Phi 68,4%; Trung Quốc là 63,7%; Kazắcxtan 59,5%; Ấn Độ 58,2%; Ba Lan 52,4%; CH Séc 39,4%; Australia 35,5%; Ukraina 34,3%; CHLB Đức 24,4% (chỉ sau dầu là 34,4%)...

Toàn bộ châu Á - Thái Bình Dương là 50,9%. Thậm chí một số nước không có, hoặc có tài nguyên than rất ít nhưng vẫn có tỷ trọng sử dụng than cao như: Đài Loan 34,1%; Hàn Quốc 30,5%; Nhận Bản 26,6%.

Ngay như Mỹ tỷ lệ sử dụng than chiếm tới 17,4% (chỉ sau dầu 37,4% và khí tự nhiên 31,3%). Hoặc nước Anh, sản lượng than khai thác trong nước chỉ 5,3 triệu TOE (bằng khoảng 8,4 triệu tấn than) nhưng tiêu thụ than tới 23,4 triệu TOE, chiếm khoảng 12,2% tổng sử dụng năng lượng sơ cấp (chỉ sau dầu 37,5% và khí tự nhiên 32,1%).

Than chủ yếu dùng cho sản xuất điện. Hiện nay, nhiệt điện than vẫn là nguồn điện năng chủ yếu của thế giới, chiếm khoảng 41,2% tổng sản lượng điện, tiếp theo là khí 22,7%, thủy năng 16,8%, năng lượng hạt nhân 10,7%, dầu 4,8% và các nguồn năng lượng tái tạo khác 6,7%.

Các nước có tỷ lệ nhiệt điện than lớn như: Trung Quốc 79%, Ấn Độ 67,9%, Australia 68,6%, Hàn Quốc 43,2%, Mỹ 39%, Đức, Ba Lan…

Đặc biệt là một số nước như Hàn Quốc - mặc dù trữ lượng than trong nước rất ít, sản lượng hàng năm chỉ khoảng 0,8 triệu TOE (bằng khoảng 1,8 triệu tấn), nguồn than chủ yếu từ nhập khẩu (khoảng 84 triệu TOE), nhưng có tỷ lệ nhiệt điện than cao, tới 43,2%. Hoặc Nhật Bản, hàng năm sản lượng than khai thác trong nước khoảng 0,6 triệu TOE (bằng khoảng 1,17 triệu tấn) nhưng tiêu thụ tới gần 120 triệu TOE, tương ứng khoảng 160-170 triệu tấn than và Đài Loan (Trung Quốc) tiêu thụ tới 38 triệu TOE, toàn bộ đều từ nguồn than nhập khẩu.

Dự báo sản lượng và tiêu thụ than trong thời gian tới

Theo dự báo của FOCUSECONOMICS tháng 5/2016, sản lượng than đến năm 2035 của toàn thế giới như sau (triệu TOE):

Khu vực

2015*

2020

2025

2030

2035

1. Bắc Mỹ

494,3

498

468

446

390

Tăng, giảm so với 2015, %

100

-0,75

-5,3

-9,8

-21,1

2. Châu Âu  Eurasia

419,8

402

393

388

385

Tăng, giảm so với 2015, %

100

-4,2

-6,4

-7,6

-8,3

3. Châu Á - Thái Bình Dương

2.702,6

3.140

3.298

3.411

3.543

Tăng, giảm so với 2015, %

100

+16,2

+22,0

+26,2

+31,1

4. Các khu vực khác

213,4

224,7

234,7

247,6

267,6

Tăng, giảm so với 2015, %

100

+5,3

+10,5

+16,0

+25,4

Toàn thế giới

3.830,1

4.265

4.394

4.492

4.586

Tăng, giảm so với 2015, %

100

 

 

 

 

Ghi chú: (*) Năm 2015 là số liệu thực tế lấy theo BP Statistical (2016).

Sản lượng than tiêu thụ đến năm 2035 của toàn thế giới như sau (triệu TOE):

Khu vực

2015*

2020

2025

2030

2035

1. Bắc Mỹ

429,0

438

364

300

254

Tăng, giảm so với 2015, %

100

+2,1

-15,1

-30,1

-40,8

2. Châu Âu  Eurasia

467,9

457

435

404

377

Tăng, giảm so với 2015, %

100

-2,3

-7,0

-13,6

-19,4

3. Châu Á-Thái Bình Dương

2.798,5

3.193

3.400

3.567

3.726

Tăng, giảm so với 2015, %

100

+14,1

+21,5

+27,5

+33,1

4. Các khu vực khác

144,5

154

167

184

207

Tăng, giảm so với 2015, %

100

+6,6

+15,6

+27,3

+43,3

Toàn thế giới

3.839,9

4.242

4.366

4.455

4.564

Tăng, giảm so với 2015, %

100

+10,5

+13,7

+16,0

+18,9

Ghi chú: (*) Năm 2015 là số liệu thực tế lấy theo BP Statistical (2016).

Qua số liệu nêu ở hai bảng trên xét trên tổng thể về lượng cho thấy:

Sản lượng và nhu cầu tiêu thụ than thế giới vẫn tiếp tục gia tăng, chủ yếu do sự gia tăng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và các khu vực khác (châu Phi, Trung - Nam Mỹ); khu vực châu Âu và Eurasia có sự giảm nhẹ, còn tại khu vực Bắc Mỹ giảm mạnh.

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương cầu luôn vượt cung, phải nhập khẩu từ ngoài khu vực - chủ yếu là Bắc Mỹ và các khu vực khác. Riêng châu Âu và Eurasia cho đến năm 2030 vẫn phải nhập khẩu than, tuy có sự giảm dần và sau 2030 sẽ cân đối được cung cầu.

Tuy nhiên, xét theo chủng loại than cụ thể thì cung cầu trong từng khu vực, nhất là khu vực châu Á - Thái Bình Dương, châu Âu và Eurasia vẫn có sự thừa, thiếu cho nên việc xuất, nhập khẩu than giữa các khu vực trên thế giới vẫn diễn ra.

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

 

Tài liệu tham khảo:

1. BP Statistical (2013, 2015, 2016).

2. Trương Duy Nghĩa: Tạp chí Năng lượng Việt Nam, số tháng 4/2017.

3. Bùi Huy Phùng: Biến đổi khí hậu và xu thế phát triển nhiệt điện than trên thế giới. Tạp chí Năng lượng Việt Nam, số 142 (tháng 3/2017).

4. Nguyễn Văn Vy: Sự cần thiết của nhiệt điện than trong chiến lược phát triển nguồn điện Việt Nam. Tạp chí Năng lượng Việt Nam, số 142 (tháng 3/2017).

5. FOCUSECONOMICS tháng 5/2016.

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động