RSS Feed for Tiếp nối truyền thống người thợ điện Thủ đô Anh hùng | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 23/11/2024 09:43
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Tiếp nối truyền thống người thợ điện Thủ đô Anh hùng

 - Ðể phục vụ bộ máy cai trị chóp bu của Pháp và nhu cầu sinh hoạt của tầng lớp quan lại giàu có ở trung tâm Hà Nội, ngày 6-12-1892, người Pháp đã cho xây dựng Nhà máy đèn Bờ Hồ trên mảnh đất ngay sát hồ Hoàn Kiếm, nay là số 69 Ðinh Tiên Hoàng - trụ sở của Tổng công ty Ðiện lực TP Hà Nội (EVN HANOI) hiện nay.

 


Trải qua 120 năm lịch sử, từ Nhà máy đèn Bờ Hồ đến EVN HANOI, những người thợ điện Hà Nội trước đây cũng như những người thợ điện Thủ đô hôm nay luôn cần cù lao động, nỗ lực phục vụ khách hàng và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cung ứng điện cho sự nghiệp CNH, HÐH Thủ đô.

 Lịch sử 120 năm phát triển

Khi mới xây dựng, Nhà máy đèn Bờ Hồ chỉ có một máy Farcot, công suất 250 kW và một tổ Boulte Laborière phát điện một chiều, điện áp 240 V, công suất 250 kW chỉ đủ thắp được 525 bóng đèn cho các phố chung quanh hồ Hoàn Kiếm và các dinh thự quan lại.

Năm 1895, nhà máy có thêm một máy Farcot nữa, đưa công suất lên 500 kW và đến năm 1903 Nhà máy đèn Bờ Hồ có tổng công suất là 800 kW. Hai mươi năm sau, năm 1922, Nhà máy đèn Bờ Hồ có thêm một máy phát điện công suất 1.000 kW, sản lượng điện hằng năm khoảng 1 triệu kW giờ. Ðồng thời, đường dây tải điện 3,3 kV cũng được lắp đặt từ Bờ Hồ đi chợ Mơ, Cầu Giấy và Hà Ðông.

Năm 1925, người Pháp khởi công xây dựng Nhà máy điện Yên Phụ, đến năm 1933, Nhà máy điện Yên Phụ đã có tổng công suất 22.500 kW, đủ khả năng cung cấp điện cho Hà Nội và các tỉnh lỵ đồng bằng Bắc Bộ lúc bấy giờ, Nhà máy đèn Bờ Hồ không còn phát điện nữa, mà trở thành bộ phận kinh doanh, quản lý điện.

Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, Thủ đô Hà Nội được giải phóng, tuy lực lượng mỏng, nhưng những người thợ điện đã kiên trì bám ca, bám máy để tàu điện vẫn leng keng xuôi ngược, Tháp Rùa vẫn lung linh ánh điện, soi bóng xuống mặt hồ Hoàn Kiếm hằng đêm.

sau hai tháng về tiếp quản Thủ đô, tuy trăm công, nghìn việc, ngày 21-12-1954, Bác Hồ đã đến Nhà máy đèn Bờ Hồ, thăm hỏi, động viên những người thợ điện Thủ đô. Có hai việc Bác căn dặn trong lần đến thăm này, đến tận hôm nay lớp lớp cán bộ, công nhân ngành Điện Thủ đô vẫn đinh ninh ghi nhớ và nỗ lực phấn đấu. Ðó là: Tăng năng suất lao động; Tiết kiệm nguyên vật liệu, đồng thời tuyên truyền cho nhân dân và các cơ quan ý thức tiết kiệm điện. Và ngày 21-12 hằng năm đã trở thành Ngày truyền thống ngành Ðiện lực Việt Nam.

Sau nhiều lần đổi tên, từ Nhà máy đèn Bờ Hồ, Sở Cung ứng điện Hà Nội, rồi Công ty Ðiện lực Hà Nội... Tháng 2-2010, EVN HANOI được thành lập, trên cơ sở nâng cấp và tổ chức lại Công ty Ðiện lực TP Hà Nội, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con và là đơn vị thành viên của Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN).

Trải qua một chặng đường phấn đấu và chiến đấu đầy gian nan. Khi tiếp quản chỉ có 17 triệu kW giờ điện thương phẩm, 319 km đường dây cả  trung thế và hạ thế, CBCNV có 716 người (cả Nhà máy điện Yên Phụ và Nhà máy đèn Bờ Hồ). Ðến hết năm 2011, EVN HANOI đã có 29 trạm biến áp 110 kV, 52 trạm biến áp trung gian, 12.581 trạm biến áp phân phối với hơn 17 nghìn km đường dây trung thế và hạ thế, điện thương phẩm đạt hơn 9,514 tỷ kW giờ, CBCNV là 7.624 người…

Ðây thật sự là một sự lớn mạnh, mà hành trình của nó có sự đóng góp lớn lao, những công sức, mồ hôi nước mắt, là hy sinh mất mát của các thế hệ cán bộ, công nhân đi trước. Ðồng thời, đó cũng là sự phấn đấu hết mình của một đội ngũ vững mạnh hôm nay. Lớp lớp những người thợ điện Thủ đô không chỉ phát huy được truyền thống lao động, truyền thống đấu tranh và yêu nước của cha ông mà còn tỏ rõ tinh thần lao động kiên cường, tính sáng tạo để quản lý và vận hành nền công nghiệp điện lực hiện đại.

Là đơn vị có vinh dự được thay mặt ngành Điện cấp điện cho Thủ đô thân yêu, trái tim của cả nước nên dù trong khó khăn thiếu thốn hay trong khói lửa chiến tranh, ngành điện Hà Nội luôn luôn là một khối đoàn kết, là tập hợp của những đơn vị tốt, cá nhân tốt, luôn bảo đảm điện ổn định, an toàn với chất lượng cao phục vụ các hoạt động chính trị của Ðảng, Nhà nước và các sự kiện kinh tế, văn hóa, xã hội diễn ra trên địa bàn Thủ đô Hà Nội.
 

 

Phong cách người thợ điện Thủ đô Anh hùng

Với chiến lược kinh doanh hướng tới khách hàng, mục tiêu hành động của toàn EVN HANOI là: "Luôn đáp ứng đầy đủ nhu cầu về điện của mọi khách hàng với chất lượng ngày càng cao và dịch vụ ngày càng hoàn hảo". Từ khi Luật Ðiện lực được thực hiện, EVN HANOI đã chỉ đạo các công ty điện lực thực hiện việc đăng tải "Thông báo lịch cắt điện" theo kế hoạch trên các phương tiện thông tin đại chúng theo đúng quy định.

Từ năm 2011, EVN HANOI triển khai thực hiện giao dịch với khách hàng theo cơ chế một cửa để giải quyết các yêu cầu cấp điện của khách hàng, nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu về cấp mới và các nhu cầu về điện khác. Từ ngày 15-8-2011, EVN HANOI chỉ đạo các đơn vị thực hiện triển khai giao diện điện tử quản lý yêu cầu của khách hàng (đăng ký mua điện và giải quyết thắc mắc khiếu nại). Tiếp tục thực hiện chỉ đạo của EVN về việc chăm sóc khách hàng dùng điện qua hệ thống tin nhắn SMS.

EVN HANOI đã xây dựng trang web riêng, nhằm phục vụ nhu cầu tra cứu của khách hàng thông qua mạng in-tơ-nét. Là đơn vị duy nhất trong ngành điện thành lập Trung tâm dịch vụ khách hàng để giải đáp mọi thắc mắc về cung cấp điện, báo sửa chữa điện, tư vấn sử dụng điện an toàn, tiết kiệm... của khách hàng. Các thông tin của khách hàng liên tục được cập nhật và xử lý một cách kịp thời thông qua Tổng đài 22222000, hoạt động liên tục 24/24 giờ trong ngày.

Từ nhiều năm nay, EVN HANOI đã đẩy mạnh phong trào xây dựng phong cách người Thợ điện Thủ đô "Trách nhiệm - Trí tuệ - Thanh lịch", xây dựng "Gia đình thợ điện Thủ đô văn hoá" và thực thi văn hóa Doanh nghiệp - Văn hóa EVN HANOI tới toàn thể CBCNV.

Năm 2004, EVN HANOI đã triển khai áp dụng phương pháp quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001-2008, đặc biệt đối với công tác quản lý kỹ thuật, thực hiện đầy đủ các hành động khắc phục phòng ngừa cải tiến. Liên tục cập nhật, sửa đổi các quy trình ISO về quản lý kỹ thuật, nhằm làm cho các quy trình này có hiệu quả cao nhất trong sản xuất. 

Áp dụng thiết bị tự động đóng lại Recloser trên lưới điện để giảm suất sự cố thoáng qua trên đường dây nổi. Áp dụng thí điểm công nghệ tự động hóa lưới điện trung thế DAS để có thể cách ly chính xác đoạn sự cố trên lưới điện, tự động cấp điện trở lại tại các đoạn lưới điện không có sự cố. Sử dụng thiết bị báo sự cố cho đường dây nổi và cáp ngầm để có thể phát hiện nhanh đoạn đường dây có sự cố, xử lý nhanh nhất các sự cố xảy ra.

Ðối với việc giảm thời gian mất điện của khách hàng EVN HANOI áp dụng công nghệ sửa chữa điện nóng Hotline. Thời gian sử lý sự cố giảm gần một nửa so với trước. Ðề tài nghiên cứu khoa học đã được ứng dụng trong việc thay dây dẫn "siêu nhiệt" áp dụng trong nâng cấp đường dây 110 kV Hà Ðông - Vân Ðình, Mai Ðộng - Hà Ðông, Mai Ðộng - Bờ Hồ, Hà Ðông - Chèm... đã bảo đảm cấp điện cho Thủ đô Hà Nội sau khi mở rộng.

Từ năm 2009, EVN HANOI đã đầu tư lắp đặt 36 điểm cầu truyền hình tại trụ sở và các đơn vị thành viên. Thông qua Hội nghị truyền hình đã phục vụ tốt công tác điều hành việc sản xuất, kinh doanh điện; đồng thời tiết kiệm nhiều chi phí và thời gian đi lại của các đơn vị thành viên trực thuộc.

Phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật luôn được quan tâm (từ 2008 đến 2011) có 1.918 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất chín đề tài nghiên cứu khoa học, giá trị làm lợi cho Nhà nước hàng chục tỷ đồng…

Nhận thức được vị trí, trách nhiệm của một đơn vị chủ chốt trong việc cung cấp điện cho Thủ đô Hà Nội, thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu, tập thể CBCNV EVN HANOI quyết tâm phát huy truyền thống vẻ vang, phấn đấu để trở thành một đơn vị mạnh trong Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam và là một trong những doanh nghiệp hàng đầu của Thủ đô Hà Nội, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp CNH, HÐH Thủ đô Anh hùng.


Trần Đức Hùng - Tổng giám đốc Tổng công ty Ðiện lực TP. Hà Nội
 

 

www.nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động