Thủy điện Sông Tranh: 10 năm hình thành, vượt khó và phát triển
15:13 | 22/12/2021
Công ty Thủy điện Sông Tranh trên con đường chuyển đổi số Chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng, là nền tảng tất yếu cho việc ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ. Thực hiện chủ trương của Tập đoàn Điện lực Việt Nam về việc áp dụng chuyển đổi số vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh để nâng cao hiệu quả hoạt động, Công ty Thủy điện Sông Tranh đã và đang tích cực triển khai lộ trình chuyển đổi số và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm cần được ưu tiên hàng đầu trong các hoạt động của Công ty hiện nay và thời gian tới. |
Công ty Thủy điện Sông Tranh được thành lập vào ngày 1/7/2011 trên cơ sở nhân lực và trang thiết bị của Ban Quản lý dự án Thủy điện 3 thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Năm 2013, Công ty Thủy điện Sông Tranh được chuyển giao từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam về Tổng công ty Phát điện 1.
Ký ức Sông Tranh:
Nơi đầu nguồn con Sông Thu Bồn khi chảy qua địa phận hai huyện Nam và Bắc Trà My, vào ngày 5/3/2006 đã diễn ra sự kiện quan trọng, đó là Lễ khởi công xây dựng công trình Thủy điện Sông Tranh 2, đây cũng là một trong những dự án lớn, trọng điểm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam được xây dựng trên mảnh đất Quảng Nam Anh hùng.
Sau 5 năm xây dựng, ngày 19/12/2010, Tổ máy số 1 Nhà máy Thủy điện Sông Tranh 2 chính thức phát điện hòa lưới điện quốc gia, Ngày 27/1/2011, Tổ máy số 2 cũng chính thức phát điện và hòa lưới điện quốc gia. Công trình Thủy điện Sông Tranh 2 được đưa vào vận hành đã góp phần bù đắp sự thiếu hụt nguồn điện năng của quốc gia, bổ sung nguồn nước phục vụ tưới tiêu và đẩy mặn cho hạ du vào mùa kiệt, điều tiết cắt giảm lũ cho hạ du vào mùa mưa lũ, góp phần phát triển kinh tế địa phương và trong khu vực miền Trung.
Sự ra đời Công trình Thủy điện Sông Tranh 2 cũng là bước ngoặc để hình thành nên Công ty Thủy điện Sông Tranh vào ngày 1/7/2011 trên cơ sở nhân lực và trang thiết bị của Ban Quản lý dự án Thủy điện 3 thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Năm 2013, Công ty Thủy điện Sông Tranh được chuyển giao từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam về Tổng công ty Phát điện 1. Từ khi đi vào hoạt động (năm 2011) đến nay, hai tổ máy đã hoạt động an toàn, đạt hiệu quả sản lượng điện được cấp trên giao, tuân thủ đúng quy trình vận hành liên hồ chứa và quản lý an toàn đập thủy điện.
Vượt khó:
Năm 2012 và 2013, sự việc dòng thấm qua khe kỹ thuật của thân đập chính kèm với đó là động đất kích thích liên tục xảy ra tại khu vực công trình Thủy điện Sông Tranh 2 đã gây ra đợt khủng hoảng truyền thông lớn, làm cho Lãnh đạo các cấp, các ngành và địa phương, chủ đầu tư - Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Phát điện 1, Ban QLDA Thủy điện 3 và Công ty Thủy điện Sông Tranh, đặc biệt là nhân dân vùng hạ du Nhà máy vô cùng hoang mang và lo lắng.
Các cấp, các ngành và chính quyền, đoàn thể địa phương, các nhà khoa học, cơ quan chuyên môn đã cùng nhau vào cuộc để xử lý tình trạng dòng thấm kỹ thuật qua thân đập chính, tính toán việc ảnh hưởng của động đất kích thích đối với công trình; chủ đầu tư, Ban QLDA và Công ty Thủy điện Sông Tranh thì tìm mọi biện pháp để thông tin cho nhân dân nắm được các thông tin chính xác về mức độ ảnh hưởng, an toàn hồ đập, tình hình động đất kích thích, hiểu được bản chất của sự việc và mức độ ảnh hưởng của động đất đến công trình như thế nào.
Cùng với sự cố gắng, nỗ lực không kể ngày đêm của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, các nhà khoa học... là sự vào cuộc của các cơ quan thông tấn, báo chí.
Kể lại những vất vả trong việc xử lý khủng hoảng truyền thông cùng với công tác xử lý dòng thấm kỹ thuật qua các khe nhiệt trong những năm 2012, 2013, ông Vũ Đức Toàn - Giám đốc Công ty Thủy điện Sông Tranh nói: Hàng ngày, thậm chí hàng giờ, Lãnh đạo Công ty và các phòng/phân xưởng phải đón tiếp, làm việc cũng như cung cấp thông tin cho giới truyền thông, có đến hàng trăm phóng viên báo chí đến và đề nghị chúng tôi cung cấp thông tin về tình hình dòng thấm kỹ thuật qua thân đập chính (báo chí hay dùng từ thành sự cố rò rỉ nước qua vết nứt thân đập - ông Toàn giải thích) và sự ảnh hưởng của động đất kích thích hàng ngày, hàng giờ. Việc cung cấp thông tin của chủ đầu tư cũng như cơ quan chuyên ngành khẳng định dù có sự rò rỉ nước và động đất kích thích trong khu vực nhưng công trình Thủy điện Sông Tranh 2 vẫn tuyệt đối an toàn.
Dù vậy, có rất nhiều và có thể là đa số phóng viên các cơ quan truyền thông, báo chí vẫn cho rằng công trình không an toàn, số liệu mà chủ đầu tư cung cấp không đáng tin cậy, không trung thực và đã có rất nhiều bài viết có nội dung tiêu cực, phản ánh chưa đúng với thực trạng công trình...
Điều đó đã gây ra sự hoang mang, lo lắng thực sự cho các cấp chính quyền, đoàn thể địa phương, nhất là người dân vùng hạ du công trình. Khủng hoảng truyền thông đã thực sự xảy ra và cũng từ đó, mối quan hệ giữa chủ đầu tư, Ban QLDA và Công ty với các phóng viên báo chí có những bất đồng, không tin tưởng nhau.
Cùng với việc xử lý khủng hoảng truyền thông, ngoài việc đưa ra các giải pháp để xử lý triệt để việc rò rỉ nước qua thân đập chính, Công ty đã chủ động thuê các cơ quan chuyên ngành và các nhà khoa học có uy tín để tính toán việc ảnh hưởng của động đất đối với công trình.
Bên cạnh đó, Công ty Thủy điện Sông Tranh xác định việc tạo mối quan hệ tốt đẹp với giới truyền thông là hết sức quan trọng và là một trong những ưu tiên hàng đầu trong hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Sau một thời gian triển khai, đến nay, Công trình vẫn duy trì hoạt động ổn định, an toàn, đồng thời Công ty cũng đã tạo dựng được mối quan hệ giữa Công ty với giới truyền thông cũng như việc xử lý khủng hoảng truyền thông đã có kết quả tốt đẹp, tình cảm giữa Công ty với các phóng viên, với Lãnh đạo và nhân dân địa phương đã được tạo dựng được lòng tin, với hình ảnh thân thiện, gần gũi và hiểu biết lẫn nhau.
Chia sẻ với giới truyền thông, ông Hồ Quang Bửu - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nói: “Nói về Thủy điện Sông Tranh 2, càng ngày chúng tôi nhận thấy các anh càng có các biện pháp làm cho lòng dân vùng hạ du cũng như lòng dân trong khu vực Thủy điện Sông Tranh 2 được yên tâm hơn, đó là liên tục có những thông tin trước và thông tin rất là xác đáng để người dân chuẩn bị ứng phó khi thiên tai xảy ra trên đại bàn tỉnh Quảng Nam”.
10 năm phát triển:
Trong suốt 10 năm qua, những nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ của tập thể Lãnh đạo Công ty Thủy điện Sông Tranh đã được ghi nhận bằng dấu mốc quan trọng, ngày 10/11/2019, Nhà máy Thủy điện Sông Tranh 2 sản xuất đạt 5 tỉ kWh điện. Đến nay, nhà máy đã đạt sản lượng là 6,819 tỷ kWh (từ đầu năm 2021 đến ngày 13/12/2021 Nhà máy sản xuất đạt 579 triệu kWh, bằng 100% kế hoạch năm, vượt tiến độ 27 ngày so với kế hoạch được Tổng công ty giao. Bình quân hàng năm nhà máy phát điện được là 571 triệu kWh/thiết kế 679,6 triệu kWh (đạt 84% thiết kế). Doanh thu bình quân năm đạt 750 tỷ đồng/năm. Tính đến nay doanh thu đạt hơn 7.477 tỷ đồng, nộp vào ngân sách Nhà nước hơn 1.017 tỷ đồng.
Hằng năm, Công ty đã tổ chức triển khai thực hiện tốt các nội dung liên quan đến công tác phòng chống lụt bão từ khâu chuẩn bị đến việc thực hiện theo đúng Quy trình vận hành hồ chứa, Quy trình vận hành liên hồ chứa, quy định về Quản lý an toàn hồ, đập và chỉ đạo của EVN, EVNGENCO 1 và các cơ quan quản lý nhà nước liên quan.
Công ty đã xây dựng kế hoạch PCTT&TKCN, xây dựng Phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp trình UBND tỉnh Quảng Nam. Tổ chức đánh giá các rủi ro do thiên tai tác động, đề ra các giải pháp phù hợp nhằm chủ động phòng chống, ứng phó kịp thời giảm thiểu thiệt hại, tổ chức khắc phục các sự cố do thiên tai gây ra để đảm bảo an toàn cho người, công trình và thiết bị.
Ngoài việc chú trọng vào các hoạt động sản xuất - kinh doanh điện, Công ty luôn ý thức đến công tác an sinh xã hội, từ thiện trên địa bàn. Hàng năm Công ty đều tổ chức các hoạt động thăm hỏi bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các gia đình chính sách, các hộ có hoàn cảnh khó khăn, học sinh nghèo vượt khó trên địa bàn vào các dịp lễ, tết, ngày thương binh liệt sỹ 27/7… Tính đến nay tổng số tiền thực hiện công tác từ thiện, đền ơn đáp nghĩa là hơn 2,0 tỷ đồng.
Ngoài ra, nhằm tái tạo và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản tại lòng hồ, hàng năm Công ty còn phối hợp cùng với UBND huyện Bắc Trà My tổ chức các đợt thả cá giống tại lòng hồ. Tính đến nay đã thả được trên 400.000 con cá giống các loại, với giá trị trên 240 triệu đồng, kết quả theo dõi đánh bắt đến nay lượng cá giống này đã phát huy hiệu quả, sản lượng cá đánh bắt được của nhân dân khu vực lòng hồ ngày càng tăng. Với kết quả đó đã góp phần làm tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân của địa phương.
Chia sẻ với giới truyền thông, ông Thái Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My nói: “Trong những năm qua, công tác an sinh xã hội trên địa bàn Công ty Thủy điện Sông Tranh phối hợp với địa phương rất tốt, hàng năm luôn luôn hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn, xây dựng nhà ở cho người nghèo có hoàn cảnh đặc biệt, gia đình chính sách, đặc biệt có sự phối kết hợp trong việc khôi phục nguồn lợi thủy sản, tạo sinh kế cho người dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên chính quê hương mình”. Ngoài ra, Công ty cũng tạo điều kiện cho hàng chục hộ dân trong khu vực nuôi cá lồng bè tạo sinh kế bền vững, nhiều hộ dân có thu nhập tốt, đã sắm được ô tô, xây nhà kiên cố.
Đến nay số hộ nuôi cá lồng bè từ 10 hộ ban đầu đã phát triển thành Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản với gần 30 hộ tham gia. Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Mậu - Giám đốc Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Bắc Trà My (cũng là hộ dân đầu tiên nuôi cá lồng bè trên hồ Thủy điện Sông Tranh 2-TG) vui vẻ chia sẻ: “Tôi được biết các hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam không cho nuôi cá lồng bè, riêng hồ Sông Tranh 2 được Công ty Thủy điện Sông Tranh và chính quyền địa phương hết sức tạo điều kiện, tôi thấy cũng thuận lợi, việc chuyển đổi nghề từ trồng lúa, hoa màu sang nuôi trồng thủy sản đã cho tôi và gia đình có thu nhập khá, mua được xe ô tô và xây dựng nhà kiên cố, cuộc sống được cải thiện đáng kể”.
Vững bước tương lai:
Trong tương lai, thực hiện mục tiêu nâng cao hiệu quả sản hoạt động xuất - kinh doanh và chất lượng nguồn nhân lực tiếp tục dành nhiều nguồn lực cho công tác đào tạo đội ngũ chuyên gia, đào tạo chuyên sâu, đáp ứng những yêu cầu vận hành, sửa chữa nhà máy, đặc biệt các hệ thống quan trọng như: Điều tốc, kích từ và đáp ứng yêu cầu các lĩnh vực hoạt động chuyên sâu của Công ty. Đào tạo nhận thức về chuyển đổi số cho toàn bộ Lãnh đạo, CBCNV của Công ty đáp ứng các yêu cầu về áp dụng chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động.
Ông Vũ Đức Toàn - Giám đốc Công ty Thủy điện Sông Tranh cho biết: “Trong quá trình chuyển đổi số - Chủ trương chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng như Tổng công ty Phát điện 1, chúng tôi tập trung đào tạo lực lượng CBCNV nắm rõ các quy trình, đào tạo cán bộ làm sao thực hiện tốt công tác chuyển đổi số của Tập đoàn, Tổng công ty giao góp phần nâng cao hiệu quả quản trị cũng như hiệu quả sản xuất - kinh doanh của Nhà máy”.
Mười năm là chặng đường không dài đối với sự hình thành và phát triển của Công ty Thủy điện Sông Tranh nhưng là dấu mốc khó quên và đáng tự hào của tập thể Lãnh đạo và cán bộ nhân viên Công ty, trên hành trình hướng đến tương lai, thành quả của ngày hôm nay sẽ là nền tảng và là nguồn động viên để Tập thể Lãnh đạo, CBNCV, người lao động Công ty Thủy điện Sông Tranh quyết tâm vận hành nhà máy an toàn, sản xuất - kinh doanh hiệu quả, tham gia tích cực các hoạt động an sinh xã hội, bảo vệ môi trường góp phần cho việc phát triển kinh tế xã hội của huyện Bắc Trà My, Nam Trà My nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung./.
HỒ THIÊN THANH