Công ty Thủy điện Sông Tranh trên con đường chuyển đổi số
07:48 | 24/06/2021
Chuyển đổi số làm thay đổi diện mạo Công ty ĐHĐ
Chuyển đổi số tại Công ty Thủy điện Đại Ninh
Trong những năm qua, Công ty Thủy điện Sông Tranh đã từng bước thực hiện chuyển đổi số theo tiến trình chuyển đổi số chung của Tổng Công ty Phát điện 1 và Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đưa ứng dụng khoa học và công nghệ vào trong công tác quản lý sản xuất, vận hành nhà máy.
Việc ứng dụng công nghệ kỹ thuật số (Digital technology) đã được Công ty Thủy điện Sông Tranh triển khai từ năm 2010 khi thực hiện dự án Thủy điện Sông Tranh 2. Xác định ngay từ đầu, Công ty đã lựa chọn hệ thống thiết bị, hệ thống điều khiển, điều tốc, kích từ, rơ le… trên công nghệ kỹ thuật số, nhờ đó đã tạo cho Nhà máy Thủy điện Sông Tranh 2 có tính tự động cao, hiện đại với hệ thống thiết bị hoạt động ổn định, độ khả dụng cao được điều khiển bằng máy vi tính.
Trước đây, trong lĩnh vực quản lý sản xuất, những nội dung liên quan đến công tác vận hành nhà máy đều được các chức danh trong ca trực ghi chép lại vào sổ nhật ký bằng bản giấy - với số lượng trên 20 đầu sổ. Công tác ghi chép diễn ra trong nhiều năm, lượng sổ lưu trữ lớn dẫn đến khó khăn trong việc truy xuất lại thông tin khi cần thiết, đặc biệt phải giành khá nhiều thời gian cho công tác cập nhật nắm thông tin, tình hình sản xuất hiện tại của nhà máy thông qua việc trực tiếp xem các đầu sổ liên quan trước khi thực hiện nhận ca trực vận hành.
Áp dụng CNTT trong công tác vận hành, tự động hóa quá trình sản xuất tại Nhà máy Thủy điện Sông Tranh 2.
Đến cuối năm 2016, Công ty đã triển khai áp dụng phần mềm quản lý kỹ thuật nguồn điện (PMIS), đây một trong những điểm khởi đầu hoàn hảo về chuyển đổi số trong công tác quản lý kỹ thuật các đơn vị sản xuất điện.
Thực tế thời điểm đó, các công tác báo cáo, cập nhật dữ liệu sản xuất vẫn đang quản lý tổ chức của mình theo phương thức truyền thống thông qua excel, sổ sách, chưa ứng dụng tốt công nghệ thông tin vào quá trình quản trị doanh nghiệp.
Sau khi áp dụng phần mềm, công tác ghi chép trong ca trực vận hành như: Phiếu thao tác, phiếu công tác, lệnh công tác, nhật ký vận hành được các chức danh vận hành cập nhật trên phần mềm. Hiện tượng thiếu sót hay sự cố thiết bị được lưu giữ dưới dạng hình ảnh thực tế, giúp thuận tiện cho quá trình phân tích nguyên nhân và đưa ra các giải pháp khắc phục.
Các thông số vận hành chính của nhà máy được tự động cập nhật đúng giờ theo quy định, qua đó giảm đáng kể thời gian so với việc ghi chép thông số của nhân viên vận hành, thông số được chuẩn hóa cao, cập nhật theo thời gian thực, có tính liên tục giúp nhân viên vận hành thuận tiện hơn trong quá trình theo dõi, đánh giá hiện trạng của thiết bị.
Số lượng sổ sách bằng bản giấy giảm xuống chỉ còn lại vài đầu sổ liên quan trực tiếp đến thực tế hiện trường.
Với ứng dụng công nghệ 4.0, các văn bản, kế hoạch, chương trình, phương án... cơ bản được ký số và lưu trên E-Office thuận tiện cho công tác lưu trữ và tra cứu, hạn chế tối đa việc in ấn, sử dụng bản cứng.
Ngoài ra, Công ty cũng đang áp dụng các phần mềm khác của Tập đoàn Điện lực Việt Nam như: HRMS trong công tác quản trị nhân sự, ERP trong công tác quản lý tài chính, IMIS để quản lý đấu thầu và E-Learing phục vụ học tập trực tuyến, đào tạo nâng cao nguồn nhân lực.
Một số nhiệm vụ chuyển đổi số khác mà Công ty đã thực hiện thời gian vừa qua đó là xây dựng website nội bộ Công ty để đưa các thông tin hoạt động của Công ty giúp lãnh đạo và cán bộ, công nhân viên Công ty theo dõi mọi lúc mọi nơi, áp dụng phần mềm BaseWework để quản lý công việc, phần mềm quản lý xe ô tô, xây dựng phần mềm thi trắc nghiệm kiểm tra, sát hạch an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong Công ty hằng năm.
Sử dụng phần mềm quản lý kỹ thuật để quản lý các khâu sản xuất tại nhà máy Thủy điện Sông Tranh 2.
Thời điểm hiện tại, diễn biến của dịch bệnh Covid-19 đang tạo ra một áp lực lớn và có thể coi là một đòi hỏi bắt buộc để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của ngành điện nói chung và của Công ty Thủy điện Sông Tranh nói riêng. Có thể thấy, việc dùng chữ ký điện tử, hội nghị trực tuyến là một ví dụ điển hình cho việc chuyển đổi số trong việc phòng chống dịch Covid-19. Vì thế, Công ty Thủy điện Sông Tranh xác định nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn này là tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ chuyển đổi số và áp dụng những thành tựu của cách mạng khoa học công nghệ 4.0 vào sản xuất điện năng.
Thực hiện chỉ đạo của EVN và EVNGENCO1, Công ty Thủy điện Sông Tranh đã thành lập Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tại Công ty do Giám đốc Công ty làm Trưởng ban. Theo kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn năm 2021 - 2025, Công ty tập trung vào 2 mảng công việc lớn gồm: Ứng dụng chuyển đổi số trong quản trị, cải cách hành chính, nâng cao năng suất lao động và Hiện đại hóa các hệ thống, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ chuyển đổi số.
Trong công tác quản trị, Công ty triển khai các phần việc tiêu biểu như: Nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, năng lực sử dụng công nghệ thông tin cho cấp quản lý và CBCNV; Cung cấp chữ ký số cho toàn bộ CBCNV trong Công ty; Thành lập thư viện, lưu trữ hồ sơ tài liệu trên Google Drive; Thực hiện 100% văn bản nội bộ qua E-Office; Cải tạo lại web Công ty, xây dựng môi trường làm việc trên web online để chia sẻ tài nguyên, quản lý công việc, tạo khả năng làm việc mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện; Số hoá các báo cáo nội bộ, báo cáo ra bên ngoài; phấn đấu đạt 100% các gói thầu thực hiện theo hình thức chào hàng cạnh tranh và đấu thầu rộng rãi qua mạng; Chuyển đổi ký số các báo cáo đánh giá, báo cáo thẩm định, đánh giá chất lượng nhà thầu, đánh giá lại nhà cung cấp.
Hệ thống văn phòng điện tử E-Office tại Công ty Thủy điện Sông Tranh.
Phần mềm quản lý công việc base wework được sử dụng tại Công ty Thủy điện Sông Tranh.
Về lĩnh vực kỹ thuật sản xuất, Công ty tiếp tục áp dụng phần mềm quản lý kỹ thuật, số hóa dữ liệu hệ thống thiết bị Nhà máy Thủy điện Sông Tranh 2 và ứng dụng CNTT trong quy trình sửa chữa bảo dưỡng thiết bị theo phương pháp bảo dưỡng thiết bị tập trung vào độ tin cậy RCM là nhiệm vụ trọng tâm.
Với mục tiêu chung tay xây dựng EVN trở thành doanh nghiệp số, Công ty Thủy điện Sông Tranh sẽ tận dụng tối đa sức mạnh của công nghệ số, dữ liệu số, gia tăng hiệu quả hoạt động, đổi mới sáng tạo, tối ưu hóa chi phí, nâng cao trải nghiệm và mức độ hài lòng của khách hàng, nâng cao năng suất lao động... phù hợp với chủ đề năm 2021 của EVN là “Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam” góp phần cùng với EVN hướng tới mục tiêu đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 và trở thành doanh nghiệp mạnh trong khu vực./.
HỒ THANH THIÊN