RSS Feed for Thủy điện: Phải bảo đảm hiệu quả về kinh tế, môi trường | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ hai 23/12/2024 08:53
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Thủy điện: Phải bảo đảm hiệu quả về kinh tế, môi trường

 - Chính phủ đang yêu cầu rà soát lại toàn bộ quy hoạch thủy điện, kể cả với những dự án đang hoạt động, theo tiêu chí đảm bảo an toàn trên hết. Các yêu cầu tiếp theo đối với các công trình thủy điện là việc di dân tái định cư tới nơi ở mới phải có điều kiện để từng bước có cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ; không tác động lớn, không tác động xấu đến môi trường sống; bảo đảm hiệu quả phát điện và hiệu quả tổng hợp về kinh tế - xã hội, môi trường.

>> Thuỷ điện và bài toán biến đổi khí hậu ở Việt Nam
>> Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A: 'Đánh giá phải khách quan'

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: An toàn về hồ, đập, an toàn về tính mạng của nhân dân là yêu cầu cao nhất. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Hòa thượng Thích Thanh Quyết (đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh) đặt câu hỏi với Thủ tướng về chủ  trương, giải pháp của Chính phủ để khắc phục dứt điểm những hạn chế của các nhà máy thủy điện.

Nhấn mạnh thủy điện là nguồn năng lượng tái tạo, là tiềm năng lớn của đất nước, thủy điện đã đóng góp 41% tổng sản lượng điện, 47% công suất phát điện của cả nước, góp phần đáp ứng tương đối đủ điện cho nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cho sản xuất và đời sống của nhân dân, Thủ tướng cho biết, với chủ trương khai thác tiềm năng thủy điện, Đảng và Nhà nước, trực tiếp là Chính phủ đã đề ra các yêu cầu trong xây dựng thủy điện, trước hết là phải đảm bảo an toàn. “An toàn về hồ, đập, an toàn về tính mạng của nhân dân. Đây là yêu cầu cao nhất. Dù hiệu quả tới đâu mà không đáp ứng được yêu cầu này thì không làm”.

Các yêu cầu tiếp theo đối với các công trình thủy điện là việc di dân tái định cư tới nơi ở mới phải có điều kiện để từng bước có cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ; không tác động lớn, không tác động xấu đến môi trường sống; bảo đảm hiệu quả phát điện và hiệu quả tổng hợp về kinh tế - xã hội, môi trường.

Muốn đảm bảo tốt các yêu cầu trên, các bộ, ngành chức năng cần nghiêm túc thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong việc lập dự án, xây dựng dự án thẩm định, thi công, vận hành.

Rà soát toàn bộ các thủy điện

Trên cơ sở những yêu cầu đó, Thủ tướng Chính phủ  cho biết đã yêu cầu rà soát lại toàn bộ quy hoạch thủy điện trên cả nước.

“Đã rà soát lần thứ hai, rà soát lại quy hoạch có phù hợp không, dự án nào trong quy hoạch nhưng không đảm bảo được các yêu cầu nêu trên thì loại bỏ. Tinh thần là chúng ta phát huy tiềm năng, lợi thế để xây dựng phát triển đất nước nhưng không đảm bảo các yêu cầu nêu trên, tức là không có lợi thì loại khỏi quy hoạch”.

Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quản lý chặt chẽ việc xây dựng mới các dự án thủy điện, các dự án đã có trong quy hoạch nhưng khi quyết định cho phép đầu tư vẫn phải thẩm định một cách chặt chẽ.

“Cơ quan thẩm định phải chịu trách nhiệm về sự thẩm định của mình, cơ quan quyết định cho phép cũng chịu trách nhiệm về việc cho phép của mình”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Việc rà soát cũng được triển khai với cả các dự án thủy điện hiện có. Thủ tướng yêu cầu qua rà soát, “hồ không an toàn phải dừng lại sửa chữa, bổ sung, thấy không an toàn là dứt khoát không làm. Rà soát lại việc tái định cư, bây giờ người dân sống thế nào, nếu chưa đạt yêu cầu mà Đảng và Nhà nước đề ra là có điều kiện sống tốt hơn thì phải đề xuất cơ chế, chính sách”.

Một nội dung rà soát khác là quy trình vận hành liên hồ chứa trên các sông có nhiều đập thủy điện, bảo đảm tiêu chí cắt lũ, chậm lũ, đáp ứng điều tiết nước cho sản xuất, cho đời sống nhân dân và cải thiện môi trường.

Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải rà soát công tác trồng lại rừng. Các chủ đầu tư đều cam kết trồng lại rừng nhưng tỷ lệ đạt rất thấp và vướng mắc lớn nhất hiện nay là không có đất trồng rừng. Khắc phục tình trạng này, Thủ tướng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tính toán, yêu cầu chủ đầu tư nộp tiền để trồng rừng ở nơi khác.

Thủ tướng đã yêu cầu Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước và các bộ liên quan lập tổ công tác thường xuyên có mặt tại Thủy điện Sông Tranh 2 để theo dõi tất cả các diễn biến của động đất, kịp thời tính toán, chuẩn bị cac phương án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu an toàn cao nhất; thuê các chuyên gia tư vấn quốc tế hàng đầu của Nga, Nhật Bản, Ấn Độ tiếp tục theo dõi đánh giá an toàn của đập.

Chính phủ cũng sẽ rà soát, bổ sung thêm việc chi trả đền bù đối với hộ dân có nhà bị nứt, bị hư hỏng do động đất, đồng thời nghiên cứu thêm các cơ chế khác. 

CÁC BÀI VIẾT BẠN ĐỌC QUAN TÂM

Thủ tướng trả lời chất vấn: "Đảng đã hiểu rõ về tôi"
'Một xã hội thành công phụ thuộc phẩm chất người lãnh đạo'
Điều gì đã làm Putin thay đổi phong cách lãnh đạo?
Vụ giám đốc CIA từ chức: 'Ngoại tình chỉ là cái cớ'

Xuân Tuyến - Nhật Bắc (VGP)

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động