RSS Feed for Thực hư thông tin 4.300 người chết mỗi năm do nhiệt điện than | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 22/11/2024 11:02
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Thực hư thông tin 4.300 người chết mỗi năm do nhiệt điện than

 - Các chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam đã nhiều lần khuyến nghị: Các "tổ chức khoa học" khi công bố thông tin, hay phản biện, kiến nghị cần dựa trên cơ sở khoa học, nếu không sẽ tạo ra nhiễu loạn thông tin, có khả năng gây ra những "bất ổn xã hội" và "cản trở những hoạt động kinh tế bình thường" để phát triển đất nước. Còn lần này, câu chuyện dưới đây, theo chúng tôi: Cần xem xét thông tin "4.300 người Việt chết yểu vì ô nhiễm do nhiệt điện than" ở đâu ra? Dựa trên cơ sở khoa học nào? Ai công bố? Nhằm mục đích gì? Hậu quả để lại cho nền kinh tế Việt Nam thế nào?…

Quy hoạch điện VII: Kẻ hủy diệt sức khỏe và môi trường?



PGS, TS. NGUYỄN CẢNH NAM - HỘI ĐỒNG PHẢN BIỆN TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Thời gian qua tại các cuộc hội nghị, hội thảo, trong các tài liệu phát hành, Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) công bố đại ý rằng: Theo nghiên cứu của Đại học Harvard (Hoa Kỳ), với sản lượng nhiệt điện than (NĐT) năm 2011, mỗi năm Việt Nam có 4.300 người chết yểu vì ô nhiễm do NĐT và đến năm 2030 số người chết yểu do NĐT sẽ tăng gấp 5 lần nếu các nhà máy NĐT đề ra trong quy hoạch đến năm 2030 được thực hiện và đưa vào vận hành.

Chẳng hạn, tại hội thảo "Than và nhiệt điện than: Những điều chưa biết" do GreeID tổ chức sáng ngày 29/9/2015 ông Trịnh Đình Sính - Phó Giám đốc GreenID cho biết: "Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu trường Đại học Harvard, số người chết yểu liên quan đến nhiệt điện than ở Việt Nam là 4.300 người/năm. Nếu các dự án nhiệt điện than đang trong quy hoạch đều được đưa vào vận hành thì con số này có thể tăng lên đến 25.000 người/năm" [2,5].

Hoặc theo tài liệu [1] là ấn phẩm của GreenID (năm 2016) nêu: "Ô nhiễm cục bộ do ở gần với các nhà máy nhiệt điện than ảnh hưởng đến nông nghiệp và tác động không tốt đến sức khỏe con người. Ô nhiễm không khí (bao gồm cả bụi mịn) lan rộng khắp cả nước và vượt qua khỏi những đường biên giới của Việt Nam. Một nghiên cứu về tác động của các nhà máy nhiệt điện than trong quy hoạch ở khu vực Đông Nam Á của Đại học Harvard ước tính 4.300 người chết yểu mỗi năm do ô nhiễm không khí tại Việt Nam vào năm 2011, và đến năm 2030 con số này sẽ tăng gấp 5 lần nếu kế hoạch xây dựng thêm nhà máy nhiệt điện than được thực hiện" (tại trang 16).

Thông tin này sau đó được nhiều phương tiện thông tin đại chúng, trang mạng xã hội lan truyền. Ví dụ Báo điện tử An ninh Thủ đô (13:13 29/09/2015) đưa tin: "4.300 người chết mỗi năm vì ảnh hưởng của nhiệt điện than", Báo Tuổi trẻ online (29/09/2015 09:29 GMT+7) đưa tin: "4.300 người Việt chết mỗi năm có liên quan đến nhiệt điện than", Báo điện tử VnEcoonomy (29/09/2015 14:27) đưa tin: "Hơn 4.000 người Việt chết mỗi năm vì nhiệt điện than", Báo điện tử Tiền phong (30/9/2015 06.34) đưa tin: "Nhiệt điện than làm chết yểu 4.300 người Việt/năm", v.v. và v.v...

Qua một số trích dẫn nêu trên cho thấy đây là một thông tin cực kỳ hệ trọng và nhạy cảm không chỉ xét trên phương diện môi trường mà đặc biệt là xét trên phương diện sinh mạng con người: Có tới 4.300 người chết mỗi năm vì ô nhiễm do NĐT vào năm 2011, bằng hơn nửa số người chết do tai nạn giao thông hàng năm hiện nay thì đó thực sự là một thảm họa, có ảnh hưởng rất khủng khiếp đến dư luận xã hội và tâm lý của người dân, nhất là dân cư vùng dự án NĐT, thậm chí họ khiếp sợ, phản đối dự án.

Vậy thực hư thông tin này thế nào?

Trước hết, để có cơ sở làm sáng tỏ thực hư thông tin nêu trên ta cần tìm hiểu lịch sử NĐT của Việt Nam.

Nhiệt điện than ở Việt Nam đã có từ lâu dưới thời Pháp thuộc (như NĐT Yên Phụ - Hà Nội, Cửa Cấm - Hải Phòng, Cọc 5 - Hòn Gai, v.v...), nhưng bắt đầu phát triển từ sau khi hòa bình lập lại và chủ yếu ở miền Bắc.

Cụ thể là, năm 1956 xây dựng các nhà máy NĐT: Lào Cai (8MW), Hàm Rồng (6MW), Vinh (8MW); năm 1958: NĐT Việt Trì (16MW); năm 1961: Uông Bí đợt 1 (24MW), tiếp theo đợt 2 (24MW), tổng cộng 2 đợt đến năm 1965 hoàn thành công suất 48MW (là nhà máy NĐT tầm cỡ bậc nhất tại Đông Nam Á thời bấy giờ). Vào đầu những năm 1970: NĐT Ninh Bình (100MW); năm 1975 và 1976 mở rộng NĐT Uông Bí đợt 3 và đợt 4 (tổng cộng đạt công suất 153MW); đầu những năm 1980: NĐT Phả Lại 1 (440MW), v.v...

Đặc biệt, từ sau năm 2000 thì phát triển NĐT nhanh hơn. Đến hết năm 2017 tổng cộng cả nước có khoảng gần 30 nhà máy NĐT với tổng công suất khoảng 17.000 MW, trong đó NĐT Phả Lại 1.040MW (gồm Phả Lại 1: 440MW và Phả Lại 2: 600MW) và NĐT Uông Bí 740MW (gồm Uông Bí 1: 110MW, Uông Bí 2: 300MW từ năm 2009 và Uông Bí 3: 330MW từ năm 2013).

Sản lượng nhiệt điện than cả nước từ năm 1985 đến nay như sau (triệu kWh) [3,4]:

1985

1995

2005

2006

2007

2008

2009

2010

2011

2012

2013

2015

2016

2017

3.018

2.930

9.305

10.668

11.275

11.405

12.532

17.562

20.500

22.716

26.863

56.469

60.391

62.613

 

Như vậy, đến năm 2017 sản lượng NĐT của Viêt Nam đã cao gấp hơn 3 lần năm 2011, nhưng chỉ bằng 0,65% sản lượng NĐT của thế giới. Trong năm 2011 sản lượng NĐT của Việt Nam đạt 20,5 tỷ kWh, trong đó riêng sản lượng điện của NĐT Phả Lại là khoảng hơn 5 tỷ kWh, bằng ¼ tổng sản lượng NĐT cả nước.

Nhiệt điện Phả Lại là một trung tâm NĐT vào loại lâu đời và tương đối lớn, gồm 2 nhà máy: Nhà máy 1: 440MW được xây dựng từ đầu những năm 1980 gồm 4 tổ máy công nghệ của Liên Xô, trong đó tổ máy 1 đi vào hoạt động từ năm 1983, tổ máy số 4 vào năm 1986 và Nhà máy 2 công suất 600 MW gồm 2 tổ máy mỗi tổ có công suất 300 MW đi vào hoạt động từ năm 2002.

Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại đặt tại địa phận thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương, cách thủ đô Hà Nội56 km về phía Đông Bắc, sát góc phía Bắc đường 18 và tả ngạn sông Thái Bình. Xét trên mọi phương diện: thời gian tồn tại (hơn 35 năm), công nghệ (có cả cũ và mới), công suất tương đối lớn (1.040 MW), địa điểm (tại vùng đông dân cư, gần thị xã), loại than sử dụng (than antraxit trong nước) thì Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại là nhà máy đại diện nhất cho nhiệt điện than Việt Nam để xem xét số người chết yểu vì ô nhiễm do nhiệt điện than gây ra.

Từ lịch sử hình thành, phát triển và hiện trạng NĐT của Việt Nam nêu trên, sau đây sẽ xem xét thông tin về 4.300 người chết yểu mỗi năm vào năm 2011 vì ô nhiễm do NĐT than gây ra trên hai góc độ:

Thứ nhất: Đối với "Nghiên cứu của Đại học Harvard" như trên đã nêu là NĐT ở Việt Nam đã có từ lâu, nhưng từ năm 1980 bắt đầu phát triển mạnh, nhất là tại Phả Lại. Tuy nhiên, các nhà máy NĐT không phải rải đều khắp các phường, xã trên địa bàn cả nước mà chỉ tập trung ở những khu vực nhất định và hình thành các trung tâm NĐT.

Hơn nữa, sự "chết người hàng loạt" vì ô nhiễm do NĐT, nếu như có thật, thì không thể xảy ra ngày một, ngày hai sau khi nhà máy NĐT đi vào hoạt động mà phải sau nhiều năm đủ dài. Do đó, sự chết yểu này chủ yếu xảy ra tại các trung tâm NĐT lâu đời.

Như vậy, nếu năm 2011 có tới 4.300 người chết yểu vì ô nhiễm do NĐT thì chỉ xảy ra tại các khu vực có NĐT và vùng lân cận trong vòng ảnh hưởng, và nhất định tại vùng Phả Lại sẽ là một trong vài nơi có số người chết yểu nhiều nhất vì ô nhiễm do NĐT. Vì năm 2011 cả nước có tổng công suất NĐT là 3.582MW và sản lượng điện NĐT là 20,5 tỷ kWh, trong đó riêng Nhà máy NĐT Phả Lại công suất 1.040MW, bằng gần 1/3 tổng công suất cả nước và sản lượng điện khoảng hơn 5 tỷ kWh, bằng ¼ tổng sản lượng NĐT cả nước.

Theo tỷ lệ đó tạm thời suy ra tại khu vực Phả Lại năm 2011 số người chết yểu vì ô nhiễm do NĐT chí ít bằng ¼ số người chết yểu do ô nhiễm từ NĐT của cả nước - tức là khoảng 1.100 người. Tất nhiên, số người chết yểu này không chỉ bắt đầu xảy ra từ năm 2011 mà trước đó cũng đã có hàng trăm đến ngàn người mỗi năm rồi.

Với tư cách là một Đại học danh tiếng không chỉ ở Hoa Kỳ mà cả trên thế giới cả về mặt đào tạo và nghiên cứu khoa học thì lẽ ra đối với vấn đề hết sức nghiêm trọng như vậy phải nêu rõ thực trạng số người chết yểu do ô nhiễm từ NĐT tại một số khu vực có trung tâm NĐT lâu đời của Việt Nam. Chí ít là tại khu vực Nhà máy NĐT Phả Lại với tính đại diện như đã nêu trên và rất gần Thủ đô Hà Nội để minh chứng cho nghiên cứu của mình, đó mới là nghiên cứu khoa học đích thực, chứ không thể nói chung chung là "Việt Nam có tới 4.300 người chết yểu do ô nhiễm từ nhiệt điện than".

Hơn nữa, tại thời điểm năm 2011 sản lượng NĐT của Việt Nam mới chỉ bằng khoảng 0,23% tổng sản lượng NĐT của thế giới thế thì thảm họa này đối với thế giới còn trầm trọng đến mức nào, nhất là đối với các nước có nhiều NĐT như Trung Quốc, Mỹ, LB Đức, Nam Phi, Nhật Bản, Hàn Quốc, v.v...

Với thực tế tại khu vực Phả Lại như sẽ nêu dưới đây và nếu như thông tin do GreenID công bố nêu trên đúng là "kết quả nghiên cứu của Harvard" nêu như vậy thì có thể nói rằng: Nghiên cứu của Harvard nếu không phải là đội lốt Harvard thì cũng là thiếu nghiêm túc, không tin cậy. 

Thứ hai: Đối với GreenID - Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh là một tổ chức trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, có trụ sở ngay tại Hà Nội. Dù là thông tin về kết quả nghiên cứu của Harvard, nhưng vì rằng NĐT ở Việt Nam đã có từ lâu và đang tiếp tục phát triển cho nên:

1/ Đây là thông tin khủng khiếp có ảnh hưởng rất lớn đến dư luận xã hội, tâm lý của người dân đối với ngành NĐT đang đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

2/ Vào năm 2011 đã có tới 4.300 người chết yểu mỗi năm vì ô nhiễm do NĐT gây ra thì tổng cộng trước đó chí ít đã có tới hàng chục ngàn người chết yểu và từ năm 2012 đến năm 2015 - 2016 (thời điểm GreenID công bố thông tin) chí ít có thêm hơn hai chục ngàn người chết yểu nữa và đến năm 2017 (có sản lượng NĐT cao hơn 3 lần năm 2011) thì theo dự báo của Harvard số người chết yểu chí ít hơn gấp đôi năm 2011, tức là khoảng chục ngàn mạng người.

Theo đó, số người đang ốm nặng sẽ chết trong năm sau và vài năm tiếp theo là hàng chục ngàn người, số người đang bị ốm ở các mức độ khác nhau là nhiều chục ngàn nữa. Với số lượng người chết yểu và ốm đau kinh khủng như thế do NĐT chắc chắn đó là "một thảm họa quốc gia" thì không thể có chuyện chính quyền, người dân tại các khu vực có NĐT không có ý kiến gì. Chả nhẽ họ cam tâm chấp nhận thảm cảnh đó đã xảy ra hàng chục năm nay hay sao? Chính phủ, các ngành y tế, môi trường, các ngành liên quan khác không thể không biết và tổ chức điều tra khảo sát, chả nhẽ cam tâm nhìn cảnh chết chóc, điêu tàn như thế hay sao? Các phóng viên của các phương tiện thông tin đại chúng có mặt khắp mọi nơi, mọi lúc không thể không thấy, không nghe, không biết và không phản ánh.

3/ GreenID là tổ chức của Việt Nam, có trụ sở ngay tại Hà Nội, nếu thực sự có "tấm lòng lo lắng" cho tính mạng người dân tại các vùng NĐT thì khi biết được thông tin đó chí ít phải phản ánh và hỏi các cơ quan có liên quan tại Hà Nội liệu thông tin đó hư thực thế nào.

Hơn nữa, theo như trích dẫn của GreenID nghiên cứu của Harvard công bố năm 2015 [1], như vậy số người chết 4.300 năm 2011 là số thực tế, không phải là dự báo và tiếp theo các năm từ 2012-2015 cũng là số lượng người chết thực tế, nếu như kết quả nghiên cứu của Harvard là đúng. Đó không chỉ sẽ là con số người chết yểu rất lớn mà còn là "khung cảnh hoang tàn" tại các khu vực nhà máy NĐT và vùng xung quanh.

Như vậy, để cẩn trọng hơn, trước khi công bố thông tin ra dư luận với mục đích cảnh báo, lẽ ra GreenID cần tổ chức điều tra thực tế (chí ít tại Phả Lại rất gần Hà Nội). Tại đây, với thời gian tồn tại NĐT đã hơn 35 năm như đã nêu trên, nếu đúng như kết quả nghiên cứu của Harvard, thì chí ít đã có hàng chục ngàn người chết yểu vì ô nhiễm do NĐT, khi đó sẽ nhìn thấy la liệt các bãi tha ma cũ và mới của người chết yểu do nguyên nhân này với khói hương nghi ngút, xóm làng, khu dân cư u uất, tiêu điều, ruộng vườn hoang vắng, ngọn cỏ xác xơ.

Nhưng trên thực tế, tại vùng Phả Lại và khu vực xung quanh không phải như vậy. Từ vùng dân cư thưa thớt đầu những năm 80 của thế kỷ trước thì đến nay vùng Phả Lại đã là vùng dân cư đông đúc, sầm uất bao quanh khu vực Nhà máy NĐT Phả Lại.

Ngoài ra, có thể quá bộ đến thăm khu vực Uông Bí nơi có NĐT hơn 50 năm nay để chứng kiến một thị xã nhỏ bé ra đời cùng thời nhà máy NĐT đầu tiên tại đây đến nay đã trở thành thành phố đô thị Loại II sầm uất, rộng lớn, gồm 9 phường và 2 xã.

Nếu GreenID làm được như thế, thì chắc chắn rằng chủ đề hội thảo tổ chức sáng ngày 29/9/2015 sẽ không phải là "Than và nhiệt điện than: Những điều chưa biết" mà là "Than và nhiệt điện than: Những điều sai sự thật".

Tiếc rằng, Green ID đã không hành xử như vậy, mà ngược lại nhiều lần công bố, tuyên truyền dưới mọi hình thức một thông tin "chết người kinh khủng" hết sức hệ trọng chưa được kiểm chứng. Điều đó nếu không phải là có dụng ý thiếu chuẩn mực thì chí ít cũng là tắc trách hoặc kém hiểu biết. Vấn đề này đã được nhiều chuyên gia lên tiếng phân tích, phê phán tại các cuộc hội nghị, hội thảo và trên các phương tiện thông tin đại chúng.    

Thiết nghĩ rằng, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần vào cuộc xem xét thông tin chết người khủng khiếp vì ô nhiễm do NĐT nêu trên của GreenID cung cấp và tuyên truyền để có sự chấn chỉnh cho phù hợp, tránh sự "đổ thêm dầu vào lửa" đối với dư luận đang bức xúc về các dự án NĐT hiện nay.

Đặc biệt, nếu thực sự có tinh thần trách nhiệm, GreenID nên đi khảo sát thực tế về sự chết yểu do ô nhiễm tại một số nhà máy NĐT, nhất là tại Phả Lại và Uông Bí, sau đó cần có sự giải trình trước công luận sự thật về thông tin "4.300 người Việt chết yểu vì ô nhiễm do NĐT" mà mình đã nhiều lần công bố, tuyên truyền để trả lại sự thật cho nhiệt điện than Việt Nam.

("Nhiệt điện than và chính sách của Hoa Kỳ" chúng tôi sẽ chuyển tới bạn đọc trong một dịp khác)


Tài liệu tham khảo:

1/ Đính chính những hiểu lầm về năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID), Hà Nội, 10/2016.

2/ Báo điện tử An ninh Thủ đô (13:13 29/09/2015).

3/ Sách: 60 năm: 1954-2014  ĐLVN Thắp sáng niềm tin. EVN, 12/2014.

4/ Báo cáo tổng kết hàng năm của EVN.

5/ Báo Tuổi trẻ online (29/09/2015 09:29 GMT+7); Báo https://vov.vn; www.baogiaothong.vn; https://thanhnien.vn; https://infonet.vn; baodatviet.vn; www.vietnamdaily.com.

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động