Thông điệp từ Tuần lễ năng lượng tái tạo 2017
10:51 | 15/09/2017
Khởi động dự án “Sẻ chia và lan tỏa tương lai Xanh”
Việt Nam lần đầu tiên có Mạng lưới Hiệu quả Năng lượng
Đề cao vai trò của năng lượng tái tạo trong phát triển kinh tế hiện nay, ông Lê Bộ Lĩnh, Phó Tổng thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, sự tương tác giữa những người làm chính sách, các nhà khoa học, doanh nghiệp, cùng sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế là điều kiện quan trọng để đảm bảo các cơ chế, chính sách, chương trình phát triển năng lượng tái tạo đem lại hiệu quả cao khi triển khai trong thực tế.
Ông Trần Hữu Hiệp, Ủy viên chuyên trách, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ nhận định: “Năng lượng tái tạo mang lại cơ hội chuyển đổi từ sự phụ thuộc vào các ngành kinh tế tiêu tốn nhiều năng lượng và tài nguyên sang hướng sử dụng nguồn năng lượng sạch để phát triển bền vững. Đây cũng là cơ hội tiếp cận năng lượng cho người nghèo, ở vùng sâu vùng xa, với sự phát triển nhanh chóng về mặt công nghệ, giá cả của năng lượng tái tạo cũng không còn xa xỉ. Nhà nước cần có nhiều nỗ lực hơn để có các cơ chế hướng dẫn cụ thể, kết nối nhu cầu và sản xuất, tăng cường phối hợp giữa địa phương và Trung ương.
Qua đó, Tuần lễ năng lượng tái tạo 2017 phát đi thông điệp: Quy hoạch điện VII (hiệu chỉnh) cần được cập nhật và sửa đổi theo hướng tăng tỉ trọng năng lượng tái tạo, vì hiện nay Quy hoạch này đang không đồng bộ với các chính sách năng lượng và không còn phù hợp với bối cảnh hiện tại ở Việt Nam.
Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo, cùng với sự tiến bộ về khoa học, công nghệ, năng lượng tái tạo không những cạnh tranh về mặt kinh tế mà còn mang lại nhiều lợi ích về xã hội và môi trường.
Việt Nam cần tái cơ cấu ngành kinh tế theo hướng hạn chế các ngành tiêu tốn nhiều năng lượng, kém hiệu quả, và gây ô nhiễm môi trường mà khuyến khích và đầu tư vào các ngành công nghiệp sử dụng năng lượng tiết kiệm, nhằm giảm nhu cầu sản xuất năng lượng.
Cần xây dựng môi trường thông thoáng, và các hướng dẫn thực thi cơ chế chính sách nhằm khuyến khích các doanh nghiệp để có thể chủ động đầu tư, phát triển năng lượng tái tạo. Mặc dù đã có chính sách, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong quá trình triển khai dự án đặc biệt là khâu cấp phép, đấu nối.
Nhà nước cần có chính sách đào tạo nhân lực chuyên sâu cho ngành năng lượng tái tạo, để chuẩn bị nguồn nhân lực có trình độ cao trong nước, đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành.
Hệ thống điện mặt trời cho hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ cần được đẩy mạnh phát triển, nâng cao nhận thức cho người dân, thiết lập các tiêu chuẩn chất lượng cho hệ thống và việc lắp đặt, đồng thời nâng cao năng lực cho các bên liên quan.
Ưu tiên ứng dụng các giải pháp năng lượng tái tạo phi tập trung ở các khu vực không có điện lưới, vùng sâu vùng xa, hải đảo; nhằm tiết kiệm chi phí kéo lưới và tránh hao tổn trong quá trình truyền tải.
Cần đẩy mạnh kết hợp ứng dụng các giải pháp năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả trong tiến trình thực hiện giúp Việt Nam đạt được mục tiêu phát triển vền vững, tăng trưởng xanh và đảm bảo an ninh năng lượng theo hướng bền vững.
TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM