Thị trường điện cạnh tranh của Việt Nam sau 10 năm vận hành
11:08 | 08/07/2022
Những thách thức trong đảm bảo an ninh cung cấp điện của Việt Nam Tại hội thảo “Cơ chế, chính sách, giải pháp đảm bảo phát triển năng lượng Việt Nam bền vững” do Hiệp hội Năng lượng Việt Nam tổ chức mới đây, chuyên gia Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam đã có tham luận về “Những thách thức trong đảm bảo an ninh cung cấp điện của Việt Nam”. Dưới đây xin giới thiệu cùng bạn đọc tổng hợp nội dung này. |
Kịch bản phát triển nguồn, lưới điện dưới tác động của chính sách khuyến kích đầu tư Dự thảo Quy hoạch điện VIII có những thay đổi cơ bản trong nguồn điện nhằm đáp ứng cam kết Net-zero. Trên cơ sở cơ cấu nguồn điện dự kiến được phê duyệt trong Quy hoạch, để đáp ứng cung cấp điện phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội trong giai đoạn tới, hiện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang thực hiện nghiên cứu các kịch bản phát triển nguồn điện và phương án giải tỏa công suất dưới tác động của các chính sách khuyến kích đầu tư. |
Thay đổi lớn trong mua buôn điện:
Thị trường điện cạnh tranh Việt Nam vận hành chính thức từ ngày 1/7/2012. Đến nay, thị trường điện cạnh tranh đã và đang trải qua 2 giai đoạn phát triển: Thị trường phát điện cạnh tranh (VCGM) và thị trường bán buôn điện cạnh tranh.
Năm 2012 - thời điểm bắt đầu vận hành chính thức VCGM, mới có 31 nhà máy điện trực tiếp tham gia chào giá trên thị trường điện, với tổng công suất 9.212 MW. Đến nay, sau 10 năm vận hành, số lượng nhà máy tham gia trực tiếp tăng xấp xỉ 3,5 lần (108 nhà máy), với tổng công suất đặt tăng khoảng 3,35 lần (30.940 MW), tăng bình quân 13,12%/năm lượng công suất các nhà máy trực tiếp tham gia chào giá trên thị trường điện.
Các nguồn điện trực tiếp tham gia chào giá trên thị trường rất đa dạng về loại hình doanh nghiệp (từ các nhà máy do tư nhân đầu tư đến các nhà máy theo hình thức vốn góp, cổ phần, liên doanh). Đến tháng 6/2022, số lượng doanh nghiệp tư nhân tham gia chào giá trực tiếp trên thị trường điện là 53 nhà máy điện, chiếm 50% tổng số các đơn vị tham gia thị trường. Điều này khẳng định sự đa dạng, minh bạch và công bằng đối với các loại hình doanh nghiệp mà thị trường điện cạnh tranh mang lại.
Đặc biệt, ngoài việc tăng trưởng ở phía các đơn vị phát điện, việc tham gia thị trường điện của 5 tổng công ty điện lực cũng thay đổi từng bước trong khâu mua buôn điện.
Tính minh bạch:
Sau 10 năm vận hành, thị trường điện đã góp phần tăng cường minh bạch trong công tác vận hành hệ thống điện thông qua cơ chế chào giá. Trước đây, việc huy động tổ máy hoàn toàn do cấp điều độ điều khiển quyết định dựa theo sự tối ưu toàn hệ thống, nhưng hiện nay, các nhà máy điện đã chủ động trong việc đưa ra quyết định kế hoạch vận hành ngày tới, chu kỳ tới liên quan đến việc lên, xuống, hòa lưới tổ máy và thay đổi công suất thông qua chào giá theo quy định. Số lượng bản chào giờ/chu kỳ tới có xu hướng tăng lên do ngày càng có nhiều các nhà máy tham gia thị trường điện; đồng thời, các nhà máy cũng ngày càng chủ động cập nhật tình hình thực tế của các tổ máy so với giai đoạn đầu khi mới vận hành thị trường.
Đặc biệt, 10 năm qua, thị trường điện luôn được vận hành liên tục, an toàn theo đúng quy định, không để xảy ra tranh chấp trên thị trường điện, kể cả trong các tình huống hệ thống khó khăn như nhiều lần cắt khí PM3, Nam Côn Sơn, lưới truyền tải bị sự cố, hay nghẽn mạch, hệ thống cung cấp khí bị suy giảm, các nguồn năng lượng tái tạo tham gia vào hệ thống điện với quy mô lớn, hay khi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong giai đoạn 2020 - 2021.
Từ 0h ngày 1/9/2020, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (EVNNLDC) đã chuyển đổi thành công chu kỳ điều độ, vận hành hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện từ 60 phút xuống còn 30 phút theo chỉ đạo của Bộ Công Thương. Đây là một bước ngoặt lớn trong vận hành hệ thống điện và thị trường điện của Việt Nam, góp phần quan trọng đáp ứng các yêu cầu vận hành hệ thống điện đang phát triển lớn mạnh cả về chất và lượng, với sự đa dạng loại hình phát điện, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của nguồn năng lượng tái tạo. Đây là bước đột phá trong công tác vận hành thị trường điện, đảm bảo tối ưu hóa chi phí cho toàn xã hội và góp phần đảm bảo an ninh cung cấp điện, tạo tiền đề cho việc phát triển của thị trường bán lẻ điện cạnh tranh trong tương lai.
Có thể nói, sau 10 năm vận hành, thị trường điện đã hình thành hệ thống pháp lý, hạ tầng công nghệ thông tin, nhân lực vận hành thị trường điện. Qua đó, tạo điều kiện cho việc đáp ứng các giai đoạn phát triển cao hơn của thị trường điện.
Bên cạnh những thành công, công tác vận hành thị trường điện vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh nguồn năng lượng tái tạo ngày càng tăng cao. Chính vì vậy, thời gian tới, các cơ quan chức năng cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét để hoàn thiện các cơ chế, chính sách, nâng cấp hệ thống hạ tầng, công nghệ thông tin… để thị trường điện Việt Nam phát triển hoàn chỉnh ở các các giai đoạn tiếp theo./.
NGHI VIÊN