RSS Feed for Than, điện than ​tăng trưởng trong sự phân hóa theo xu thế tất yếu [Kỳ cuối] | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 22/11/2024 14:46
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Than, điện than ​tăng trưởng trong sự phân hóa theo xu thế tất yếu [Kỳ cuối]

 - Xét trên phạm vi toàn cầu, than và nhiệt điện than không những không giảm mà vẫn tiếp tục tăng mạnh. Việc giảm than, nhiệt điện than của các nước đều theo kiểu “liệu cơm gắp mắm” và “tùy cơ ứng biến”. Chẳng hạn ở Trung Quốc - quốc gia có chủ trương “chuyển dịch ra khỏi than”, nhưng chủ yếu mang động cơ chính trị, tuyên truyền là chính. Bởi trên thực tế, năm 2018 sản lượng than của quốc gia này tăng 164 triệu tấn so với năm 2017 (gấp 4 lần tổng sản lượng than của Việt Nam). Còn với nước Đức vẫn duy trì sản lượng than sản xuất và tiêu thụ rất cao, năm 2018 sản xuất 37,6 triệu Toe (tương đương 168,7 triệu tấn), tiêu thụ 66,4 triệu Toe.

Than, điện than tăng trưởng trong sự phân hóa theo xu thế tất yếu [Kỳ 1]



PGS, TS. NGUYỄN CẢNH NAM [*]


2/ Nhiệt điện than

Sản lượng điện than toàn cầu năm 2018 đạt 10.100,5 tỷ kWh, chiếm 38,0% tổng sản lượng điện từ các nguồn, so với năm 2017 tăng 294,3 tỷ kWh, bằng 3,0% và đóng góp 31,4% vào mức tăng sản lượng điện ròng từ các nguồn.

Các nước tăng nhiệt điện than gồm (tỷ kWh): Trung Quốc 286,9 (tăng 6,5%), Ấn Độ 58,7 (5,3%), Việt Nam 10,6 (13,9%), LB Nga 8,6 (5,1%), Inđônêxia 8,4 (5,7%), Malaixia 6,4 (9,5%) và một số nước khác có mức tăng dưới 5 tỷ kWh. 

Các nước giảm nhiệt điện than gồm (tỷ kWh): Mỹ 64,2 tỷ kWh (-4,9%), Nhật Bản 14,6 (-4,0%), LB Đức 12,9 tỷ (-5,3%), Tây Ban Nha 7,9 (-17,1%), Vương quốc Anh 5,7 (-25,3%) và một số nước giảm dưới 5 tỷ kWh.

Các nước giảm nhiệt điện than do các nguyên nhân khác nhau, hoặc do có các nguồn điện có lợi thế hơn thay thế, hoặc do giảm sản lượng điện, ví dụ như Mỹ tăng nhiệt điện khí và điện năng lượng tái tạo, hoặc do giảm sản lượng điện như Canađa, tăng thủy điện như Braxin, tăng điện NLTT như LB Đức, Nhật Bản, v.v… Tuy nhiên, mức giảm nhiệt điện than của các nước mới chỉ ở mức khiêm tốn với lộ trình “tùy cơ ứng biến”.

Nhiệt điện than giữ vị trí đứng đầu trong cơ cấu nguồn điện của các nước: Nam Phi 87,9%; Ba Lan 79,2%; Ấn Độ 75,4%; Trung Quốc 66,6%; Kazăcxtan 65,5%; Úc 59,9%; Inđônêxia 58,5%; Đài Loan 46,3%; Hàn Quốc 44,0%; Malaixia 44,0%; Việt Nam 40,7%; Thổ Nhĩ Kỳ 36,9%; LB Đức 35,3%. Giữ vị trí thứ hai là các nước: Nhật Bản 33,0% (sau điện khí 36,8%); Ucraina 29,9% (sau điện nguyên tử 53,0%); Mỹ 27,9% (sau điện khí 35,4%); Hà Lan 25,5% (sau điện khí 48,8%); Thái Lan 20,2% (sau điện khí 65,5%).

Sản lượng nhiệt điện than tính theo bình quân đầu người của các nước như sau (kWh/người): bình quân của thế giới 1318; nhóm các nước cao: Úc 6498, Đài Loan 5319, Hàn Quốc 5044, Nam Phi 3900, Kazăcxtan 3815, Mỹ 3798, Ba Lan 3508, Trung Quốc 3395, LB Đức 2766, Nhật Bản 2745, Malaixia 2280, Hà Lan 1744, Canađa 1594. Đa phần các nước còn lại thấp hơn 1000 kWh/người, trong đó Việt Nam 916 kWh/người, bằng 69,5% bình quân của thế giới, 40,2% của Malaixia, 1/3 của Nhật Bản, 18,2% của Hàn Quốc.

Nhìn chung, vẫn là xu thế tăng nhiệt điện than và nhiệt điện than vẫn giữ vai trò chính trong sản xuất điện năng toàn cầu.

3/ Lời kết và và một số điều tham khảo cho Việt Nam

Như vậy, xét trên phạm vi toàn cầu năm 2018, than và nhiệt điện than không những không giảm mà vẫn tiếp tục tăng mạnh, giữ vai trò chính trong việc đáp ứng nhu cầu năng lượng sơ cấp và điện năng của nhân loại, đặc biệt nhiệt điện than vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất 38%, vượt xa điện khí đứng thứ hai là 23,2%.

Việc giảm than và nhiệt điện than của các nước đều có chừng mực theo kiểu “liệu cơm gắp mắm” và “tùy cơ ứng biến”. Cụ thể của một số nước đại diện là:

Trung Quốc: Tuy có chủ trương “chuyển dịch ra khỏi than” nhưng chủ yếu mang động cơ chính trị, tuyên truyền là chính (giống như nói và làm trong mối quan hệ với các nước láng giềng) vì trên thực tế Trung Quốc hiện vẫn tăng cường sản lượng than sản xuất và tiêu thụ cũng như nhiệt điện than.

Sau khi giảm ở năm 2016 thì năm 2017 sản lượng than tăng 55,2 triệu Toe (tương đương 110 triệu tấn) so với năm 2016, năm 2018 tăng 82,2 triệu Toe (tương đương 164 triệu tấn, gấp 4 lần tổng sản lượng than của Việt Nam) so với năm 2017.

Tiêu thụ than đã tăng từ 1889,1 triệu Toe năm 2016 lên 1890,4 triệu Toe năm 2017 (tăng 1,3 triệu Toe) và lên 1906,2 triệu Toe năm 2018 (tăng 15,8 triệu Toe).

Nhiệt điện than từ 2016 đến 2018 tương ứng như sau (tỷ kWh): 4163,6; 4445,5; 4732,4. Như vậy, tăng tương ứng là 281,9 tỷ kWh và 286,9 tỷ kWh (riêng phần tăng lớn gần gấp rưỡi tổng sản lượng điện của Việt Nam), mặc dù lượng phát thải khí nhà kính theo đầu người của Trung Quốc năm 2018 là 6,76 tấn/người (cao 2,9 lần so với của Việt Nam).

Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu, khí, than vào loại lớn. Năm 2018, Trung Quốc nhập khẩu than tới 146,5 triệu Toe.

Mỹ: Tiêu thụ than và nhiệt điện than giảm, dự kiến đến năm 2050 quy mô công suất nhiệt điện than giảm chỉ còn 144-150 GW. Với quy mô công suất này thì sẽ tương đương với Việt Nam lúc đó có công suất khoảng 50-55 GW (với dự kiến dân số của Việt Nam khoảng 140 triệu người và Mỹ khoảng 400 triệu người).

Như vậy: (i) Mỹ chỉ có chủ trương giảm quy mô nhiệt điện than chứ không phải đoạn tuyệt; (ii) việc Việt Nam tăng nhiệt điện than và Mỹ giảm nhiệt điện than không có gì mâu thuẫn nhau, vì mức phát thải CO2 tính theo đầu người năm 2018 của Việt Nam là 2,37 T/người, còn của Mỹ là 15,69 T/người.

Việt Nam được phép phát triển nhiệt điện than để đáp ứng nhu cầu trong phạm vi mức phát thải cho phép, còn Mỹ thì có bổn phận phải giảm nhiệt điện than để giảm mức phát thải xuống mức cho phép. Hơn nữa, Mỹ giảm nhiệt điện than còn có nguyên nhân quan trọng là có nguồn khí đá phiến dồi dào thay thế, còn Việt Nam thì không có lợi thế đó mà phải nhập khẩu khí LNG với nhiều thách thức về cơ sở hạ tầng, kinh tế và nguồn nhập khẩu. Chưa kể Mỹ là nước có nguồn tài nguyên năng lượng dồi dào, phong phú, có nền kinh tế phát triển, khoa học công nghệ trình độ cao, khả năng tiếp cận nguồn năng lượng nước ngoài thuận lợi và nhiều ưu thế khác mà Việt Nam không có được. Cho nên không thể coi việc giảm nhiệt điện than của Mỹ là hình mẫu cho Việt Nam noi theo.

Liên bang Đức: Là nước trụ cột của EU và nước có sự phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) vào loại top đầu thế giới và tỷ lệ điện NLTT trong cơ cấu sản lượng điện cao nhất thế giới (năm 2018 đạt 32,3%). Đức cũng có nhiều ưu thế trong việc tiếp cận các nguồn năng lượng nước ngoài, nhất là khí đốt và có lưới điện kết nối trong EU. Tuy nhiên, đến năm 2018 Đức vẫn duy trì sản lượng than sản xuất và tiêu thụ rất cao: năm 2018: sản xuất 37,6 triệu Toe (tương đương 168,7 triệu tấn), tiêu thụ 66,4 triệu Toe (tức phải nhập khẩu than).

Mặc dù than của Đức chất lượng xấu (4,49 tấn than = 1 tấn Toe), tức là quá trình đốt than phát thải nhiều hơn, nhưng họ vẫn khai thác tận thu với nhiều lý do về an ninh năng lượng và hiệu quả kinh tế - xã hội. Nhiệt điện than tuy có giảm nhưng đến 2018 vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất, tới 35,3% tổng sản lượng điện.

Nhật Bản và Hàn Quốc: Cả 2 nước này có rất ít tài nguyên năng lượng trong nước, nhất là năng lượng hóa thạch, chủ yếu phải nhập khẩu dầu, khí, than với khối lượng gần như tới 100% nhu cầu. Năm 2018 nhập khẩu than của Nhật Bản là 119,7 triệu Toe và của Hàn Quốc 92,7 triệu Toe. Tuy nhiên, mô hình phát triển năng lượng của 2 nước này cũng có điểm khác biệt, chẳng hạn trong cơ cấu nguồn điện, Hàn Quốc coi trọng cả 3 nguồn: điện khí, điện than và điện hạt nhân (năm 2018 tỷ trọng của 3 nguồn điện này tương ứng là: 27,0%; 44,0%; 22,5%; còn năng lượng tái tạo mới chỉ 3,7%). Nhật Bản chủ yếu dựa vào 2 trụ cột điện khí và điện than (tỷ trọng năm 2018 tương ứng là 36,8% và 33,0%) và chú ý tăng cường điện năng lượng tái tạo (tỷ trọng năm 2018 là 10,7%, tăng từ 9,4% năm 2017). Cả 2 nước này có tỷ lệ tái chế sử dụng tro xỉ nhiệt điện than rất cao: Nhật Bản 100%, Hàn Quốc 97%.

Inđônêxia: Là nước có sản lượng than vào loại cao nhất khu vực (chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ) nhưng là nước xuất khẩu than nhiệt lớn nhất thế giới và cũng là nước xuất khẩu than chính cho Việt Nam. Từ Inđônêxia, Việt Nam cần quan tâm những điều sau:

Thứ nhất: Chiến lược tăng cường phát triển nhiệt điện than và giảm sự phụ thuộc vào dầu, theo đó tỷ trọng than trong nhu cầu năng lượng quốc sẽ tăng lên 33,6% vào năm 2027.

Thứ hai: Quy định về nghĩa vụ cung cấp than cho thị trường nội địa (DMO): Theo Luật Khai thác mỏ của Inđônêxia năm 2009, quy định mỗi nhà sản xuất than được yêu cầu bán một phần sản lượng than cho tiêu dùng trong nước. Khi nghĩa vụ thị trường nội địa (DMO) của mỗi nhà sản xuất được hoàn thành, họ có thể tự do xuất khẩu phần sản lượng còn lại. Mục đích của Luật là đảm bảo cung cấp than cho nhu cầu trong nước, nhất là cho nhiệt điện than hiện có và sẽ xây dựng theo kế hoạch của Inđônêxia.

Chẳng hạn, ngày 5/1/2018 Bộ Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản (MEMR) ban hành DMO số 23K/30/MEM/2018 áp dụng cho năm 2018 quy định tỷ lệ DMO tối thiểu là 25%. Cùng với quá trình phát triện điện than thì tỷ lệ này sẽ tăng lên để đảm bảo đáp ứng nhu cầu trong nước. Theo đó, sản lượng than tiêu thụ trong nước đã tăng cao, từ 56 triệu tấn năm 2009 lên 115 triệu tấn năm 2018 (gấp đôi trong 10 năm).

Thứ ba: Chính sách thuế, phí đối với than: Để ưu tiên đáp ứng nhu cầu than trong nước và hạn chế xuất khẩu than, ngoài chính sách DMO nêu trên, Inđônêxia còn quy định lại về cấp phép khai thác, giá than chuẩn làm cơ sở cho xác định thuế tài nguyên, thuế xuất khẩu (nhằm tránh chuyển giá của các công ty nước ngoài khai thác than Inđônêxia và xuất khẩu) cũng như giảm thuế tài nguyên. Thuế suất thuế tài nguyên theo Luật Khai thác mỏ năm 2009 được quy định khác nhau tùy theo nhiệt trị của than được khai thác. Theo đó, than có nhiệt trị dưới 5.100 kcal/kg, thuế suất là 3%, than có nhiệt trị từ 5.100 đến 6.100 kcal/kg, thuế suất là 5%, than có nhiệt trị trên 6.100 kcal/kg, thuế suất là 7%. Ngăn cấm xuất khẩu than có nhiệt trị dưới 5.700 kcal/kg (để dùng cho sản xuất điện trong nước).

Như vậy, so với mức thuế tài nguyên trước đây là 13,5% (thời kỳ khai thác than để xuất khẩu là chính), nay giảm xuống hơn một nửa để tạo thuận lợi và nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành sản xuất sử dụng than, tránh trường hợp “lấy gạch ghè vào chân mình” như chính sách thuế phí tăng cao đối với khai thác than của Việt Nam chủ yếu cho tiêu dùng trong nước.

Nền kinh tế tuần hoàn: Một xu thế quan trọng hiện nay trên thế giới là thực hiện nền kinh tế tuần hoàn. Mô hình này giúp các doanh nghiệp áp dụng thay thế quy trình sản xuất truyền thống hiện tại thành một chu trình sản xuất và tiêu thụ khép kín không có chất thải. Các chất thải thay vì bị vứt bỏ, lãng phí và gây ô nhiễm môi trường, kéo theo gia tăng hàng loạt chi phí để xử lý, thì sẽ được “hồi sinh” trở thành nguyên liệu cho sản xuất và một lần nữa tham gia vào vòng đời sản phẩm của quá trình sản xuất tiếp theo. Vào cuối vòng đời của mỗi một sản phẩm, các sản phẩm hết hạn sử dụng và bị phế bỏ này được coi là nguồn tài nguyên thứ cấp được sử dụng để hình thành nên sản phẩm tiếp theo nếu được tận thu, tái sử dụng hoặc tái chế nhằm tạo ra một chu kỳ sản phẩm có khả năng phục hồi và tái tạo.

Nền kinh tế tuần hoàn đang được nhiều nước thúc đẩy thực hiện. Liên minh châu Âu (EU) với Kế hoạch hành động cho kinh tế tuần hoàn hay Nhóm hành động đặc biệt của các nước có nền kinh tế phát triển G-20 về Kinh tế tuần hoàn. Ủy ban châu Âu (EC) cũng đã thông qua Gói kinh tế tuần hoàn. Trung Quốc cũng là quốc gia đi tiên phong với Sáng kiến kinh tế tuần hoàn. Các nước khác như Mỹ và Hàn Quốc cũng đã bắt đầu các chương trình nghiên cứu riêng nhằm thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn bằng cách đẩy mạnh việc tái sản xuất và sử dụng [2].

Như vậy, các chất thải của các quá trình sản xuất và sinh hoạt từng bị coi là thứ độc hại, vô dụng, bỏ đi thì nay được coi là nguồn tài nguyên cần phải tái chế, sử dụng triệt để nhằm phục vụ sản xuất và đời sống. Do đó, không thể có lý do gì để coi tài nguyên than (từng đưa nhân loại đến nền văn minh ngày nay, được V.I. Lênin vị lãnh tụ của giai cấp vô sản thế giới gọi là “bánh mì của công nghiệp” và Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi là “vàng đen” cũng như Đảng ta xác định là nguồn lực quan trọng) là đồ “bẩn thỉu” bỏ đi. Tư duy thời đại là tìm cách khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên nói chung và than nói riêng theo hướng sạch hơn, thân thiện hơn với môi trường, tiết kiệm, hiệu quả.

Từ xu thế của thế giới, kinh nghiệm của các nước nêu trên cho thấy, việc phát triển than, nhiệt điện than của Việt Nam là cần thiết, phù hợp với điều kiện của Việt Nam để đáp ứng nhu cầu than và điện tăng cao của nền kinh tế. Tuy nhiên, việc phát triển than và nhiệt điện than thời gian tới phải theo cách khôn ngoan trên cơ sở áp dụng công nghệ sạch, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả./.

 

[*] HỘI ĐỒNG PHẢN BIỆN TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM; KHOA QUẢN LÝ CÔNG NGHIỆP VÀ NĂNG LƯỢNG - EPU.

Tài liệu tham khảo:

1/ BP Statistical Review of World Energy 2019.

2/ A. Golev, E. Lebre and G. Corder (2016). The contribution of mining to the emerging circular economy. Proceedings in Life-of-Mine Conferences. Brisbane, 28-30 September 2016, Australia.

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động