RSS Feed for Tận dụng thời cơ khai thác tiềm năng điện gió Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 19/03/2024 10:15
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Tận dụng thời cơ khai thác tiềm năng điện gió Việt Nam

 - Trong hai ngày (1-2/12/2022), Hội đồng Năng lượng Gió Toàn cầu (GWEC) tổ chức Hội nghị Điện gió Việt Nam 2022 (Vietnam Wind Power 2022) tại Hà Nội. Hội nghi là dịp để các cơ quan chức năng và ngành điện gió thảo luận về những vấn đề cấp bách xung quanh việc phát triển năng lượng gió ở Việt Nam.
Cập nhật tổng tiềm năng điện gió Việt Nam Cập nhật tổng tiềm năng điện gió Việt Nam

Theo báo cáo cập nhật các nguồn năng lượng tái tạo ‘phi thủy điện’ của Tạp chí Năng lượng Việt Nam (tháng 9/2020): Tổng tiềm năng kỹ thuật điện gió (trên bờ) của nước ta khoảng 217 GW, còn tổng tiềm năng kỹ thuật điện gió (ngoài khơi) khoảng 160 GW.

Phát triển điện gió Việt Nam: Cơ hội và thách thức Phát triển điện gió Việt Nam: Cơ hội và thách thức

"Việc phát triển các nguồn điện gió ở Việt Nam hiện nay vẫn còn rất chậm. Trên thực tế, mới có 7 dự án điện gió với tổng công suất 190 MW được đưa vào vận hành. Những khó khăn, rảo cản về việc sử dụng đất, vốn, đấu nối và giải tỏa công suất, về hạn chế trong việc tiếp cận công nghệ mới và hiệu quả, về nguồn dự phòng hay về cơ chế chính sách… luôn đặt ra cho những nhà quản lý trong quá trình định hướng, xây dựng chính sách phát triển” - Ông Nguyễn Văn Thành, Phó tổng cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) phát biểu tại hội nghị “Điện gió Việt Nam: Cơ hội và thách thức” do Hiệp hội điện gió toàn cầu (GWEC) phối hợp với Bộ Công Thương, Đại sứ quán Đan Mạch, Đại sứ quán Đức và Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tổ chức ngày 7/6/2018, tại Hà Nội.

Tận dụng thời cơ khai thác tiềm năng điện gió Việt Nam
Các nhà đầu tư và diễn giả tham gia thảo luận tại hội nghị.

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có nguồn tài nguyên gió tốt. Dự thảo Quy hoạt Phát triển điện lực 8, đặt mục tiêu có 7 GW điện gió ngoài khơi và 21 GW điện gió trên bờ vào năm 2030. Ngành điện gió đã sẵn sàng và có thể thực hiện các mục tiêu này và giúp Việt Nam tăng cường an ninh năng lượng, cải thiện cán cân thương mại, tăng tính bền vững của nền kinh tế và năng lực cạnh tranh quốc tế của đất nước.

Hội nghị Điện gió Việt Nam lần này có sự tham gia của đại diện Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Đại sứ quán các nước tại Việt Nam như: Đan Mạch, Na Uy, Hà Lan, Đức, Anh… cùng các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề liên quan.

Tận dụng thời cơ khai thác tiềm năng điện gió Việt Nam
Ông Phạm Nguyên Hùng, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) chia sẻ thông tin tại hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Phạm Nguyên Hùng, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết: Mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia còn nhiều thách thức, các nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước thiếu hụt và bắt đầu phải nhập khẩu năng lượng. Đứng trước các khó khăn về bảo đảm nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế, giữ vững an ninh quốc phòng thì việc chú trọng tới chuyển dịch năng lượng, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, phát triển năng lượng xanh, sạch và bền vững, đáp ứng các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu được xác định là mục tiêu then chốt và xuyên suốt trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam.

Việt Nam có tiềm năng điện gió rất lớn, đặc biệt là điện gió ngoài khơi có thể đóng góp đáng kể cho sự phát triển của Việt Nam trong tương lai, góp phần tự chủ về năng lượng, chủ động về giá năng lượng, tạo ra hàng chục nghìn việc làm trong một ngành công nghiệp mới và cải thiện cán cân thương mại, đồng thời giúp cho đất nước đạt được các cam kết phát thải ròng bằng 0 và thu hút đầu tư quốc tế.

Nếu ngành điện gió ngoài khơi được tạo điều kiện phát triển một cách tự nhiên và thuận lợi từ một số dự án sơ bộ đã được chuẩn bị tốt, thì cách tiếp cận ‘theo giai đoạn’ với các biểu giá mua điện tương ứng cho điện gió ngoài khơi, và dần giảm các khoản này trong các cuộc đấu giá theo thời gian có thể cho phép điện gió ngoài khơi trở nên rẻ hơn hầu hết các hình thức sản xuất năng lượng khác, như kinh nghiệm từ Vương quốc Anh và Đài Loan.

Để thực hiện được điều này, cần cấp thiết thành lập một ủy ban điều phối liên bộ, có thể do Bộ Công Thương chủ trì. Các chính sách và quy định về gió ngoài khơi ảnh hưởng đến nhiều bộ và cấp chính quyền khác nhau, ủy ban này sẽ làm việc để đẩy nhanh việc giải quyết các nút thắt cổ chai giữa các bộ khác nhau.

Về điện gió trên bờ, biểu giá mua điện (FiT) đã hết hạn (tháng 11/2021). Trong khi 4 GW điện gió trên bờ đã hoàn thành trước khi giá FiT hết hạn, có 4 GW khác của các dự án đã ký PPA nhưng không kịp hoàn thành trước thời hạn. Nhiều dự án trong số này đã hoàn thành xây dựng kể từ khi FiT hết hạn. Tính đến thời điểm hiện tại, các dự án này vẫn chưa được sản xuất điện.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mới đây đã công bố biểu giá đề xuất cho các dự án điện gió trễ thời hạn giá FiT. Quy trình thực hiện các mức biểu giá vẫn chưa rõ ràng và để tạo ra một hướng đi cho việc phát triển ngành, GWEC khuyến khích chính phủ làm rõ điều này càng sớm càng tốt. Giá điện cạnh tranh ở mức hợp lý đặc biệt có ý nghĩa trong thời gian hiện nay và các năm tới, khi nguồn than, dầu, khí có giá cao đẩy giá điện sản xuất ra cao hơn cả giá bán tại Việt Nam.

GWEC và ngành điện gió sẵn sàng hợp tác với chính phủ để phát triển các giải pháp để có thể đưa ngành đến gần hơn với việc đạt được các mục tiêu mà chính phủ Việt Nam đặt ra./.

BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động