Sẽ áp dụng định mức tiêu thụ năng lượng cho một số ngành công nghiệp
16:15 | 26/06/2014
>> Việt Nam cần lộ trình dỡ bỏ trợ giá nhiên liệu hóa thạch
Đây là thông tin được ông Trịnh Quốc Vũ - Vụ trưởng Vụ khoa học Công nghệ - Tiết kiệm năng lượng (Bộ Công Thương) đưa ra tại hội thảo bàn về khung pháp lý và cơ chế chính sách sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, do Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 25/6, tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo ông Trịnh Quốc Vũ, tốc độ tăng trưởng tiêu thụ điện của Việt Nam tiếp tục tăng cao, có thể sẽ dẫn đến việc mất cân bằng cung - cầu năng lượng trong tương lai. Từ sau năm 2016 trở đi, Việt Nam sẽ không còn cân bằng được cung, cầu năng lượng và sẽ phải nhập khẩu than, khí cho các nhà máy điện than, điện khí, nhằm đảm bảo nhu cầu năng lượng quốc gia.
Đứng trước những thách thức này, ngoài việc ngành điện tiếp tục tăng cường đầu tư các dự án điện, tăng cường nguồn cung theo quy hoạch phát triển điện quốc gia, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng là giải pháp hữu hiệu góp phần ổn định cân đối cung - cầu năng lượng của Việt Nam.
Trong thời gian qua, Việt Nam đã ban hành khá đầy đủ các khung pháp lý cho việc tiết kiệm năng lượng như: Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Nghị định 21/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Nghị định 134/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả...
Trong đó, đáng chú ý nhất là chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, sau khi triển khai giai đoạn 1 (từ năm 2006 đến năm 2010) đã đạt được một số kết quả như đã tiết kiệm 3,4% tổng mức tiêu thụ năng lượng toàn quốc (chỉ tiêu ban đầu là đạt từ 3-5%).
Theo nhận định của ông Trịnh Quốc Vũ, tiềm năng tiết kiệm năng lượng ở các ngành sản xuất còn rất lớn. Như: công nghiệp xi măng, tiềm năng tiết kiệm năng lượng còn đến 50%, nông nghiệp 50%, công nghiệp gốm 35%, dệt may 30%, phát điện than 25%, tòa nhà thương mại 25%...
Nhằm tăng năng lực sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả cho các ngành sản xuất, dự kiến trong năm 2015, Bộ Công Thương sẽ ban hành thông tư quy định các tiêu chuẩn định mức tiêu thụ năng lượng cho một số ngành công nghiệp trọng điểm như sắt thép, sản xuất giấy và bột giấy, nhựa và chất dẻo, đồ uống gồm rượu bia và nước giải khát và chế biến thực phẩm.
Theo đó, sau khi có định mức tiêu thụ năng lượng này, Bộ Công Thương sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành lộ trình áp dụng bắt buộc các tiêu chuẩn định mức năng lượng cho các ngành nói trên. Nếu các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp này không đáp ứng tiêu chuẩn định mức tiêu thụ năng lượng thì sẽ bị xử phạt hoặc bị dừng hoạt động.
Ông Trịnh Quốc Vũ khẳng định: mục tiêu của việc đưa ra các tiêu chuẩn định mức năng lượng cho các ngành nói trên nhằm đưa ra các rào cản về kỹ thuật để ngăn chặn, loại bỏ các công nghệ, thiết bị sản xuất lạc hậu được sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu vào Việt Nam. Chẳng hạn máy móc có hiệu suất năng lượng dưới mức quy định sẽ không cho nhập khẩu.
Trước mắt, trong thời gian tìm nguồn năng lượng thay thế, thì việc nên làm hiện nay là thường xuyên cập nhật các giải pháp, chính sách mới có liên quan đến tiết kiệm năng lượng, đầu tư đổi mới công nghệ, từng bước loại bỏ các công nghệ lạc hậu, tuyên truyền vận động... là một số giải pháp góp phần sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
NangluongVietnam.vn