RSS Feed for Quyết định 1743 - ‘Bông hoa đẹp’ mừng xuân Canh Tý | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ tư 15/01/2025 12:22
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Quyết định 1743 - ‘Bông hoa đẹp’ mừng xuân Canh Tý

 - Cuối năm 2019, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký Quyết định 1743/QĐTTg, phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia (thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050). Chính phủ yêu cầu Quy hoạch ngành quốc gia phải phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia. Nội dung Quy hoạch tổng thể về năng lượng phải đảm bảo tích hợp một cách đồng bộ, đầy đủ và phù hợp trên cơ sở kế thừa các nội dung có liên quan. Đây là sự kiện được giới chuyên gia năng lượng rất hoan nghênh, đánh giá là ‘bước ngoặt’, là ‘bông hoa đẹp’ trong ‘vườn hoa năng lượng’ nước nhà. Tuy nhiên, vẫn còn những lo ngại khi chúng ta chưa phê duyệt nhiệm vụ, chưa lập Quy hoạch tổng thể quốc gia và Quy hoạch sử dụng đất quốc gia. Vậy, căn cứ nào để Quy hoạch năng lượng tổng thể được đi theo, phù hợp?

Cái khó của việc lập Quy hoạch năng lượng tổng thể quốc gia


Có thể nói, trong cả một quá trình dài vừa qua Quy hoạch năng lượng chỉ được thực hiện riêng lẻ cho từng phân ngành: Điện, Than, Dầu - khí, Thủy năng, Hạt nhân, Năng lượng tái tạo; các mốc thời gian quy hoạch cũng khác nhau. Thực tiễn đã thể hiện nhiều bất cập, kém hiệu quả. Với tinh thần kiến tạo mới, Chính phủ đã có Quyết định phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia (QHTTNLQG), nhằm khắc phục những tồn tại nhiều năm qua.

Theo đó, mục tiêu tổng quát lập Quy hoạch này gồm:

1/ Huy động mọi nguồn lực trong nước và quốc tế cho phát triển năng lượng để đảm bảo cân đối cung - cầu năng lượng, với mục tiêu chi phí tối thiểu phục vụ phát triển bền vững kinh tế, xã hội của đất nước.

2/ Sử dụng đa dạng, hợp lý các nguồn năng lượng sơ cấp trong và ngoài nước.

3/ Đẩy mạnh các hoạt động sử dụng hiệu quả năng lượng và khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, nhằm góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, giảm sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu.

4/ Xây dựng nền năng lượng sạch và bảo vệ môi trường.

Như vậy, QHTTNLQG sẽ được xem xét một cách đồng bộ (từ tiềm năng năng lượng sơ cấp, sản xuất, chuyển hóa năng lượng, nhu cầu năng lượng, khoa học công nghệ, khả năng tài lực, bảo vệ môi trường, hợp tác quốc tế) trong cả thời kỳ quy hoạch, tích hợp tất cả các phân ngành năng lượng (điện, than, dầu - khí, thủy năng, hạt nhân, năng lượng tái tạo) để xây dựng Quy hoạch, thể hiện chiến lược phát triển bền vững năng lượng quốc gia.

Cạnh đó, thời gian Quy hoạch cũng được quy định: Thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 là hợp lý.

Nội dung QHTTNLQG cũng được Quyết định nêu rõ bố cục gồm 3 tập:

- Tập 1: Thuyết minh chính.

- Tập 2: Các phụ lục.

- Tập 3: Các bản vẽ.

Theo đó, tập 1 (thuyết minh chung) gồm 4 phần.

Phần 1: Hiện trạng năng lượng quốc gia và kết quả thực hiện quy hoạch.

Phần 2: Tình hình và dự báo phát triển kinh tế xã hội và định hướng phát triển các phân ngành năng lượng.

Phần 3: Phương án phát triển kết cấu hạ tầng năng lượng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phần 4: Cơ chế, giải pháp và tổ chức thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng.

Chúng tôi rất hy vọng, việc lập Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia sẽ được thực hiện theo đúng Quyết định và đảm bảo Luật Quy hoạch.

Nhưng để bông hoa đẹp thêm ‘ngát hương’, chúng tôi xin nhờ ‘cánh én mùa xuân’ gửi tới Bộ Công Thương - cơ quan tổ chức lập Quy hoạch tổng thể mấy lời nhắn dưới đây:

Thứ nhất: Quy hoạch ngành quốc gia phải phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia (QHTTQG), Quy hoạch sử dụng đất quốc gia. Cả QHTTQG thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch sử dụng đất quốc gia hiện đều chưa được phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch và chắc sẽ chậm hơn QHTTNLQG. Đây là vấn đề khó, vì vậy Bộ Công Thương nên chăng cần xin các chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ về các vấn đề của QHTTQG và Quy hoạch sử dụng đất quốc gia để Quy hoạch phát triển ngành năng lượng đi đúng hướng, không mâu thuẫn với các quy hoạch cấp cao hơn.

Thứ hai: Tổ chức lựa chọn đơn vị tư vấn lập Quy hoạch thông qua đấu thầu, động viên các cơ quan nghiên cứu, đơn vị liên quan tham gia.

Thứ ba: Nghiên cứu lựa chọn phương pháp luận khoa học, tiên tiến và hợp lý để xây dựng Quy hoạch.

Thứ tư: Để thực hiện đúng mục tiêu: Sử dụng đa dạng, hợp lý các nguồn năng lượng trong và ngoài nước, tất cả các nguồn năng lượng than, dầu - khí, thủy năng, hạt nhân, năng lượng tái tạo, cần được xem xét bình đẳng thông qua tính toán tổng thể các tiêu chí kinh tế, kỹ thuật và môi trường.

Thứ năm: Cơ sở dữ liệu cần được thẩm định rõ ràng, tin cậy.

Thứ sáu: Kết quả Quy hoạch sẽ được phản biện, thẩm định và công khai để được góp ý kiến rộng rãi.

Xuân Canh Tý 2020 đã đến, với khát khao và niềm tin, hy vọng của những người hoạt động trong ngành Năng lượng Việt Nam xin chúc mừng Quyết định 1743 của Chính phủ, và mong rằng, Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia sẽ được nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học để có chất lượng cao./.

 

PGS, TS. BÙI HUY PHÙNG - HỘI ĐỒNG PHẢN BIỆN TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động