RSS Feed for Quy hoạch điện VIII phải ‘mở’ và phát huy ‘nguồn lực xã hội’ | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 27/12/2024 20:11
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Quy hoạch điện VIII phải ‘mở’ và phát huy ‘nguồn lực xã hội’

 - "Quy hoạch điện 8 phải khắc phục được hạn chế, vướng mắc của Quy hoạch điện 7 hiện nay, đồng thời, mang tính định hướng, không cứng nhắc và mang tính mở, tạo không gian sáng tạo, huy động và phát huy các nguồn lực từ xã hội" - Đây là yêu cầu được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu ra tại buổi làm việc chuyên đề với Bộ Công Thương và các bộ, ngành về Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045.


Phát triển nguồn điện trong Quy hoạch điện VIII và những thách thức trong lựa chọn


 

 

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm việc với Bộ Công Thương và các bộ, ngành về Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045.Ảnh: VGP/Đoàn Bắc.

 


Khắc phục những tồn tại của Quy hoạch điện VII

Báo cáo với Phó Thủ tướng, ông Trần Kỳ Phúc - Viện trưởng Viện Năng lượng - đơn vị tư vấn trong quá trình xây dựng Quy hoạch điện VIII - cho biết, để làm cơ sở cho việc xây dựng các nội dung chính của Quy hoạch điện VIII, tư vấn đã tiến hành rà soát, đánh giá lại tình hình thực hiện quy hoạch trong giai đoạn 2016-2020 liên quan tới việc phát triển phụ tải, phát triển nguồn và lưới điện để tìm ra các nguyên nhân, rút ra các bài học kinh nghiệm cho việc xây dựng Quy hoạch này.

Kết quả rà soát cho thấy tình hình thực hiện phụ tải trong giai đoạn vừa qua khá tốt, đạt 97,8%. Tình hình xây dựng nguồn điện đạt 93,7% tổng công suất đặt so với quy hoạch. Tuy nhiên, cơ cấu xây dựng lại khác biệt, các nguồn nhiệt điện chỉ đạt 57,6% trong khi các nguồn năng lượng tái tạo lại vượt mức tới 205%. Tỉ lệ hoàn thành xây dựng các trạm biến áp 500 kV, đạt 73%, đường dây 500 kV đạt 88%, các trạm 220 kV đạt 77% và đường dây 220 kV đạt 84%.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, bằng rất nhiều giải pháp quyết liệt, trong những năm vừa qua, mặc dù đối mặt với nhiều thay đổi về bối cảnh, cơ cấu nguồn điện và những xu hướng phát triển ngành điện của thế giới và trong nước, nhưng ngành điện Việt Nam đã rất nỗ lực để đáp ứng đủ điện cho tiêu dùng, phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh.  

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) cho thấy còn tồn tại nhiều vấn đề cần khắc phục hiệu quả. Nhiều dự án nhiệt điện than chậm tiến độ, dẫn đến nguy cơ thiếu điện, nhất là giai đoạn 2020-2025. Cơ cấu, nhu cầu sử dụng điện ở các ngành kinh tế, vùng miền có sự thay đổi, từ đó yêu cầu phải phân bổ, bố trí lại. Việc giải tỏa công suất ở một số khu vực, hiện tượng quá tải ở đường truyền tải quốc gia và một số địa phương.

 

Trong khi năng lượng sạch trở thành xu hướng mới của thế giới, và Việt Nam là nước có tiềm năng lớn về điện mặt trời, điện gió. Đồng thời, việc phát triển các nguồn điện này đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm, nhiều địa phương đề xuất nhưng còn vướng mắc về mặt pháp lý, quy hoạch, và khả năng cân đối của toàn hệ thống.

Trong kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng nhấn mạnh những tồn tại, hạn chế này và cho rằng: Trong quá trình thực hiện Quy hoạch điện VII, Bộ Công Thương đã đề xuất điều chỉnh cục bộ nhiều lần, nhờ vậy mới đủ nguồn điện.

“Nhưng không thể điều chỉnh cục bộ mãi được. Do đó, chúng ta phải lập quy hoạch tổng thể bảo đảm an ninh năng lượng, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội”, Phó Thủ tướng khẳng định và nhấn mạnh: “Quy hoạch điện VIII có ý nghĩa quan trọng, là nhân tố huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển điện. Đây còn là công cụ để quản lý, bảo đảm định hướng phát triển ngành điện”.

Chú trọng phát triển năng lượng tái tạo

Về dự báo nhu cầu điện cho Quy hoạch, các kết quả nghiên cứu của Viện Năng lượng cho thấy, nhu cầu điện trong Quy hoạch điện VIII thấp hơn so với kết quả dự báo trong Quy hoạch điện VII (điều chỉnh), giảm khoảng 3-4 tỷ kWh vào năm 2020 và 9-10 tỷ kWh vào năm 2030. Cơ cấu tiêu thụ điện theo vùng miền có thay đổi đáng kể với tỉ trọng lớn hơn của miền Bắc. Nhu cầu điện giai đoạn 2021-2030 vẫn đạt mức tăng dự kiến khoảng 8%/năm.

Viện Năng lượng cũng đã đưa ra 11 kịch bản phát triển nguồn điện với các điều kiện đầu vào khác nhau. Theo đó, kịch bản được lựa chọn là kịch bản bảo đảm các mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo theo Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo quốc gia và Nghị quyết số 55-NQ/TW. 

Đặc biệt, theo phương án chọn này, tỉ lệ nhiệt điện than sẽ giảm dần từ mức 42% hiện nay xuống còn khoảng 36% vào năm 2035 và khoảng 31% vào năm 2045. Trong giai đoạn 2020-2030, sẽ tính đến khả năng không phát triển thêm các dự án nhiệt điện than mới ngoài các dự án đã có trong Quy hoạch điện VII.

Nêu ý kiến về việc xây dựng Quy hoạch điện VIII, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho rằng: Quy hoạch điện là một trong những quy hoạch quan trọng và liên quan trực tiếp đến nhiều quy hoạch khác như: Quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, quy hoạch tổng thể quốc gia… Do đó, các đơn vị liên quan của Bộ Công Thương cũng như của Viện Năng lượng cần làm việc trực tiếp, liên tục với các bộ ngành, địa phương để thống nhất.

Cùng quan điểm, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cũng cho rằng: Khi lập Quy hoạch điện VIII, tỉ trọng điện khí trong Quy hoạch này tăng lên (do nhiệt điện than giảm đi) nên đơn vị tư vấn cần phải tính đến sự bảo đảm nguồn năng lượng sơ cấp sao cho hợp lý và phải có cơ chế chính sách thích hợp, kịp thời.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cũng lưu ý về tính “cứng” trong Quy hoạch điện VII khiến cho chúng ta phải sửa đổi rất nhiều lần. Do đó, tại lần xây dựng Quy hoạch điện VIII này, Bộ Công Thương đã xây dựng Quy hoạch điện VIII “mở hơn”, “mềm” hơn về quy mô, vị trí xây dựng nhà máy điện, thời gian đưa vào vận hành.

Riêng việc xác định chủ đầu tư trong Quy hoạch điện VIII chuyển toàn bộ sang đấu thầu.

Còn theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Quy hoạch điện VIII cần phân tích kỹ hơn bối cảnh, cục diện tình hình mới, cả trong nước và quốc tế, về chính trị, thương mại, đầu tư, hội nhập... tính toán kỹ tính khả thi thực hiện Quy hoạch VIII. Hiện tại, các đơn vị chức năng của Bộ đang tích cực hoàn thiện để hoàn thiện bản Quy hoạch, trình Chính phủ vào tháng 10/2020.

Xây dựng khung để phát triển ngành điện bền vững

Sau khi nghe các báo cáo, phân tích và ý kiến của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã nhấn mạnh những yêu cầu đặt ra với Quy hoạch điện VIII.

Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu: “Quy hoạch điện VIII phải là quy hoạch được xây dựng một cách khoa học, bài bản, khắc phục các hạn chế, vướng mắc của Quy hoạch điện VII hiện nay, đồng thời mang tính định hướng, không cứng nhắc và mang tính mở, tạo ra không gian để  huy động và phát huy các nguồn lực từ xã hội”.

Trên cơ sở đó, yêu cầu quy hoạch phải đưa ra được phương án, lựa chọn kịch bản tối ưu về tổng công suất từng giai đoạn, từng thời kỳ; có những đánh giá, dự báo dựa trên xu hướng sử dụng năng lượng sạch, công nghệ tiết kiệm điện; phù hợp với cơ cấu các ngành kinh tế; xác định cơ cấu điện năng hợp lý để giảm chi phí hệ thống, hạ tầng, đồng thời bảo đảm yếu tố bảo vệ môi trường.

Phương hướng trong thời gian tới là khai thác triệt để các nguồn năng lượng tái tạo, nhưng phải bảo đảm vận hành an toàn, bảo vệ môi trường; phát triển các ngành điện khí, khí hóa lỏng một cách hợp lý để ít phụ thuộc vào nguồn khí nhập khẩu, tạo được điều kiện cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước tham gia vào quá trình sản xuất điện năng, khai thác các nguồn năng lượng như năng lượng tái tạo, điện khí, khí hóa lỏng,...

Quy hoạch cũng cần bố trí không gian phát triển điện năng của các vùng, căn cứ vào tiềm năng và điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của từng vùng, địa phương. Quy hoạch phát triển hệ thống truyền tải hiện đại, bảo đảm vận hành an toàn, tin cậy và hiệu quả. Mặt khác phải nhanh chóng quy hoạch hệ thống hạ tầng, kho cảng cho khí LNG, than, đường ống dẫn khí...

“Trên cơ sở quy hoạch định hướng, phải tập trung xây dựng kế hoạch để thực hiện quy hoạch. Trong đó, xác định rõ kế hoạch phát triển các nguồn điện và hệ thống truyền tải cho các giai đoạn 5 năm, 10 năm và hằng năm làm cơ sở để huy động các nguồn lực đầu tư thực hiện” - Phó Thủ tướng nói./.

PV TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

 

nangluongvietnam.vn/

Bài viết cùng chủ đề

Dự thảo Quy hoạch điện VIII

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động