Phát triển điện mặt trời trên mái nhà tại Đắk Nông
14:49 | 26/07/2020
Điện mặt trời trên mái nhà đang được người dân Quảng Ninh hưởng ứng
Nhiều lợi ích thiết thực
Với nhiều ưu điểm như: Không tốn diện tích đất, giúp tăng cường chống nóng hiệu quả cho các công trình áp thiết bị, điện mặt trời áp mái được đấu nối vào lưới điện hạ áp và trung áp, không cần đầu tư hệ thống lưới điện truyền tải nên chi phí đầu tư thấp... nên đến nay, Công ty Điện lực Đắk Nông đã tiếp nhận khảo sát và thỏa thuận đấu nối ĐMTMN cho hơn 200 khách hàng, với tổng công suất hơn 112 MWp. Tất cả các dự án có công suất đăng ký dưới 1 MWp trong đó đã nghiệm thu, đóng điện cho 105 khách hàng, với tổng công suất lắp đặt 37,403 MWp (36 khách hàng có công suất lắp đặt xấp xỉ 1 MWp/dự án, được đấu nối vào lưới điện trung áp.
Khách hàng trên địa bàn phường Nghĩa Trung, thành phố Gia Nghĩa lắp đặt sử dụng ĐMTMN.
Từ ngày 1/7/2019 đến 30/6/2020, Công ty Điện lực Đắk Nông đã đấu nối, đưa vào vận hành, ghi nhận sản lượng cho 91 khách hàng, với tổng công suất 34,3 MWp và giá mua điện theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Việc ký kết hợp đồng mua bán điện thực hiện theo Thông tư số 05/2019/TT-BCT ngày 11/3/2019 của Bộ Công Thương. Hiện nay, còn hơn 95 khách hàng với tổng công suất 74,6 MWp đã được thỏa thuận đấu nối, chủ đầu tư đang tiến hành xây dựng dự án để đảm bảo tiến độ hòa lưới trong năm 2020.
Qua thực tế sử dụng ĐMTMN, nhiều khách hàng đã nhận thấy hiệu quả bởi sử dụng nguồn năng lượng tự nhiên, vừa tiết kiệm chi phí lại thân thiện với môi trường. Với mô hình kết hợp trang trại chăn nuôi và tận dụng mái nhà để làm điện mặt trời. Hệ thống ĐMTMN có tổng công suất lắp đặt gần 900 kWp, hòa lưới trước ngày 30/6/2019, vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng.
Ông Nguyễn Tăng Hưng, chủ trang trại Thịnh Đạt, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông chia sẻ:“Tận dụng kho bãi, nhà xưởng, các trang trại là một cơ hội cực kỳ lớn cho doanh nghiệp và rất cần phát huy. Với công suất lắp đặt lớn, mỗi ngày hệ thống của gia đình tôi phát điện trên hơn 800 kWh, mỗi tháng tôi bán cho ngành điện qua công tơ 2 chiều, thu về số tiền gần 250 triệu đồng/tháng, tôi rất an tâm với hệ thống ĐMTMN, bởi hoạt động của hệ thống này rất hiệu quả”.
Mặc dù nguồn điện năng lượng mặt trời vẫn còn mới, song nhận thấy tiềm năng, lợi ích, hiệu quả và sử dụng nguồn điện an toàn, thân thiện với môi trường, vừa tiết kiệm chi phí tiền điện hàng tháng. Nhận thấy sử dụng năng lương mặt trời, giảm được khí thải CO2 phát ra từ các nhà máy, bảo vệ môi trường xanh, lá phổi của nhân lọai. Gia đình ông Nguyễn Văn Khiêm, ở thôn 14, xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong, qua tìm hiểu ông đã mạnh dạn đầu tư thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời để sử dụng cho sinh hoạt. Đầu năm 2020, đã hòa lưới dự án điện mặt trời trên mái nhà với công suất lắp đặt 100 kWp. Sản lượng điện bán cho ngành điện 6 tháng đầu năm 2020 là 59.946 kWh.
Chia sẻ niền vui, ông Khiêm cho biết: “Với tổng số tiền đầu tư ban đầu hơn 1 tỷ đồng, hàng tháng ngoài việc tiết kiệm số tiền điện phải trả như trước gần 1 triệu đồng/tháng thì hiện nay gia đình tôi không phải trả tiền điện sinh hoạt nhờ dùng điện năng lượng mặt trời, bên cạnh đó đã thu về hơn 22 triệu đồng/tháng từ việc bán điện”.
Ông Nguyễn Văn Trình - Phó Giám đốc Kinh doanh Công ty Điện lực Đắk Nông cho biết thêm: “Trong thời gian qua, Công ty Điện lực Đắk Nông đã triển khai phổ biến, quảng bá trên các phương tiện truyền thông về chủ trương, chính sách khuyến khích lắp đặt điện mặt trời, đặc biệt là điện mặt trời mái nhà. Công ty lắp đặt công tơ hai chiều đo đếm điện năng, ký kết hợp đồng mua lượng điện dư từ hệ thống ĐMTMN của hộ dân/doanh nghiệp phát lên lưới điện; thực hiện các hồ sơ đấu nối vào lưới điện ghi chỉ số, thanh toán tiền điện mặt trời mái nhà cho khách hàng hàng tháng theo quy định”.
Tháo gỡ nút thắt “giải tỏa công suất”
Hiện nay, bài toán về giải tỏa công suất trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đang gặp nhiều khó khăn, do một số khu vực đang trong tình trạng quá tải. Thời điểm từ ngày 20/3/2020 trở về trước, lưới điện của Công ty Điện lực Đắk Nông còn khả năng tiếp nhận công suất ĐMTMN, trên cơ sở đăng ký đấu nối của nhà đầu tư, Công ty Điện lực Đắk Nông tính toán khả năng truyền tải các xuất tuyến lưới điện, trạm biến áp 110 kV để thỏa thuận đấu nối cho các khách hàng. Sau thời điểm ngày 20/3/2020 các xuất tuyến lưới điện 22 kV do đơn vị quản lý đã mang tải ở mức cao nhất có thể, do đó các dự án đăng ký sau ngày 20/3/2020, Công ty Điện lực Đắk Nông đã trả lời cụ thể nguyên nhân không thỏa thuận đấu nối được cho từng khách hàng.
Tại khu vực huyện Cư Jut, do thuận lợi về điều kiện thiên nhiên, các khách hàng tập trung đăng ký lắp đặt ĐMTMN tại các xã Nam Dong, Eapô, Đăk Win, Cư Knia, Đăk Đrông, Trúc Sơn... Khi tiếp nhận giải quyết đến ngày 20/3/2020 thì Trạm biến áp 110 kV Cư Jut và các đường dây trung áp khu vực đã đầy tải.
Nhiều dự án điện mặt trời đang được triển khai đầu tư trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
Để đảm bảo dự án ĐMTMN đầu tư phát huy hiệu quả, cung cấp điện an toàn, ổn định, liên tục thì khu vực huyện Cư Jut chỉ giải quyết cho khách hàng đăng ký đến ngày 20/3/2020. Tất cả các đăng ký sau ngày 20/3/2020 tạm thời Công ty Điện lực Đắk Nông chưa thể thỏa thuận đấu nối.
Cụ thể, hiện nay tổng số khách hàng đăng ký đấu nối với Công ty Điện lực Đắk Nông là 299 khách hàng, tương ứng công suất đăng ký 97,1 MWp (61 khách hàng có công suất tương đương 1 MWp). Số khách hàng đã ký hợp đồng mua bán điện là 62 khách hàng tương ứng tổng công suất 3,49 MWp. Số khách hàng được Công ty Điện lực Đắk Nông thỏa thuận đấu nối, ghi nhận sản lượng nhưng chưa ký hợp đồng mua bán điện do chủ đầu tư và Công ty Điện lực Đắk Nông chưa xác định được loại hình ĐMTMN là 45 khách hàng, tương ứng tổng công suất 34,0 MWp. Số khách hàng đang chờ Công ty Điện lực Đắk Nông giải tỏa công suất, tạm thời chưa thể thỏa thuận đấu nối là 79 khách hàng, tương ứng tổng công suất 21,2 MWp (kể cả các khách hàng có công suất <50 kWp).
Để khuyến khích và tạo thuận lợi cho khách hàng lắp đặt ĐMTMN, ngoài các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của EVN, EVNCPC, Công ty Điện lực Đắk Nông luôn tuyên truyền vận động, khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư ĐMTMN trên địa bàn; quá trình tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của khách hàng được Công ty Điện lực Đắk Nông tiến hành công khai, minh bạch, bình đẳng đối với mọi tổ chức/cá nhân, khách hàng đăng ký trước và đủ điều kiện theo quy định đều được giải quyết theo thứ tự cho đến khi hạ tầng lưới điện khu vực hết khả năng giải tỏa công suất.
Hiện nay, Công ty Điện lực Đắk Nông đang triển khai lập kế hoạch báo cáo EVNCPC bố trí vốn đầu tư nâng cấp một số xuất tuyến lưới điện trên địa bàn. Trong quá trình đầu tư, Công ty Điện lực Đắk Nông đã thông tin rộng rãi, công khai khả năng tiếp nhận công suất của từng xuất tuyến, khu vực để các tổ chức/cá nhân thuận tiện trong việc đăng ký đấu nối dự án theo đúng quy định. Từ đó, khách hàng dễ dàng nắm bắt thông tin, thấu hiểu chủ trương khuyến khích của Nhà nước, cũng như khả năng giải quyết của Công ty Điện lực Đắk Nông đối với việc phát triển ĐMTMN trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
Có thể nói, ĐMTMN là khái niệm còn khá mới mẻ với nhiều người dân Tây Nguyên. Nhưng nhờ vào sự tương truyền vận động và hướng dẫn của ngành điện, nhận thức của nhiều người dân, tổ chức, doanh nghiệp đã thay đổi. Chính vì thế số lượng khách hàng đăng ký ĐMTMN ngày một gia tăng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Cũng theo dự báo, từ năm 2021, Việt Nam sẽ thiếu hụt hàng tỷ kWh điện mỗi năm. Hệ thống ĐMTMN được người dân đẩy mạnh lắp đặt thì đây sẽ là nguồn động lực quan trọng trong sự bù đắp thiếu hụt điện năng phục vụ sản xuất, sinh hoạt và phát triển kinh tế- xã hội của đất nước./.
XUÂN THÁI - TỔNG CÔNG TY ĐIỆN LỰC MIỀN TRUNG