RSS Feed for Những ‘tranh biện’ về điện hạt nhân ở châu Âu: Đâu là chân lý? | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 23/11/2024 16:02
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Những ‘tranh biện’ về điện hạt nhân ở châu Âu: Đâu là chân lý?

 - Do lo sợ và sức ép phản đối hạt nhân, châu Âu đang bị những đối thủ như Nga, Trung Quốc bỏ lại phía sau trong lĩnh vực sản xuất điện sạch. Do đó, những gì châu Âu đặc biệt cần bây giờ là một cuộc tranh luận công bằng dựa trên thực tế, chứ không phải “vin vào” nỗi sợ hãi vô cớ bấy lâu nay...


Nhìn lại chiến lược năng lượng tái tạo của Đức và các hệ quả



Vào tháng 9/2019, nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên Akademik Lomonosov được xây dựng tại thị trấn Pevek - khu vực hẻo lánh ở vùng Bắc Cực Siberia. Công ty năng lượng hạt nhân Rosatom (Nga) coi đây là dự án thí điểm với hy vọng sẽ triển khai một đội ngũ bao gồm những công ty của Nga và một số nước đang phát triển ở châu Á và châu Phi.

Nhà máy điện hạt nhân nổi Lomonosov được xây dựng dựa trên nguyên lý về tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân trên Bắc Băng Dương. Nhưng, theo giải thích trong cuốn sách về địa chính năng lượng, đây cũng là một ví dụ điển hình để các lò phản ứng mô-đun nhỏ (SMR) có thể được triển khai một cách dễ dàng, linh hoạt với chi phí tiết kiệm hơn so với các cơ sở hạt nhân truyền thống.

SMR hứa hẹn sẽ không chỉ cung cấp năng lượng sạch ở những vùng sâu, vùng xa mà còn ở cả các nước đang phát triển không đủ điều kiện cho xây dựng nhà máy điện hạt nhân trên đất liền. Công nghệ SMR nổi cũng có thể được ứng dụng trong vận chuyển thương mại ở Bắc Cực thời kì băng tan khi các tàu container chạy bằng năng lượng hạt nhân thân thiện với môi trường hơn nhiều so với các tàu chạy bằng dầu nhiên liệu nặng, tạo ra khí thải lưu huỳnh và kim loại nặng. Hơn nữa, hoạt động kinh tế đang phát triển trên khắp Bắc Cực khiến cho những khu vực hẻo lánh như Pevek sở hữu nguồn năng lượng phát thải ít carbon.

Lomonosov - Một trong nhiều khối nổi hạt nhân trên biển

Mặc dù khi Lomonosov đi vào vận hành, đây là nhà máy điện hạt nhân nhỏ nhất thế giới tại vùng Viễn Bắc, nhưng nó sẽ sớm bị cạnh tranh bởi những nhà nghiên cứu ở Mỹ, Hàn Quốc, Nga, Pháp, Trung Quốc, Argentina, Nhật Bản và Ấn Độ hiện đang nghiên cứu khoảng 50 thiết kế SMR khác nhau.  

Chưa hết, Bắc Cực luôn tiềm tàng những thay đổi nhanh chóng, khôn lường, còn việc thay thế nhiên liệu hóa thạch toàn cầu bằng các nguồn năng lượng phát thải ít carbon lại trở nên gấp rút. Tất cả đã khiến những nhà nghiên cứu Trung Quốc, Pháp và Mỹ cùng tham gia với Nga trong “cuộc đua” đánh giá triển vọng của năng lượng hạt nhân trên biển.

Thật không may, truyền thông phương Tây không nhận ra tầm quan trọng của Lomonosov. Những ngôn từ gây hiểu lầm được bắt nguồn từ tổ chức Greenpeace và các nhóm bảo vệ môi trường khác, dẫn đến nhiều luận điệu “khó nghe” khi khối nổi trên được hạ thủy như “Tàu hạt nhân Titanic” hay “Nhà máy Chernobyl trên băng”.

Hành trình tìm kiếm những điều thực tế

Tổ chức Greenpeace vốn luôn phản đối năng lượng hạt nhân bởi những rủi ro “được cho là” sẽ xảy đến với môi trường và con người. Họ “xoáy sâu” vào vị trí địa lý xa xôi của Lomonosov và khí hậu địa cực khó lường. Và một lần nữa, giống như với nhiều dự án hạt nhân khác (trong những thập niên gần đây), họ thành công trong tranh biện. Tuy nhiên, những người có chuyên môn hạt nhân cho rằng “chiến thuật gieo rắc sợ hãi” của Greenpeace là không có cơ sở khoa học.

Như các chuyên gia trong ngành đã nhiều lần chỉ ra, lò phản ứng hạt nhân trên biển không hẳn là một khái niệm mới. Trước thế chiến thứ hai, Hoa Kỳ từng sử dụng một tàu chở hàng có trang bị lò phản ứng hạt nhân để cung cấp năng lượng cho Kênh đào Panama từ năm 1968 đến 1976, và đội tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân của Nga đang sử dụng có thiết kế giống như loại lò phản ứng Lomonosov. Các lò phản ứng này đáp ứng được những yêu cầu của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, với các biện pháp an toàn (bao gồm boong ke lò kép và hệ thống làm mát thùng lò thụ động).

Trên thực tế, các lò phản ứng hạt nhân ngoài khơi, thậm chí có thể an toàn hơn so với trên đất liền - vì nước lạnh tạo điều kiện cho thiết bị làm mát nhanh chóng trong trường hợp khẩn cấp.

Đáng buồn thay, vấn đề nổi cộm xuyên suốt những cuộc tranh luận về năng lượng hạt nhân ở châu Âu từ những năm 1980 đến nay đều nằm ở quan điểm phản đối hạt nhân một cách cảm tính mà bỏ qua thực tế kinh nghiệm.

Ví dụ, vào năm 1997, Pháp đã ngưng dự án “lò phản ứng tái sinh” Superphénix tiên tiến vì Thủ tướng kế nhiệm Lionel Jospin yêu cầu sự hỗ trợ của Đảng Xanh nhằm thành lập chính phủ. Hai thập kỷ sau, Pháp vẫn chưa phát triển thành công công nghệ. Tháng 9/2019, Ủy ban Năng lượng nguyên tử và Năng lượng thay thế (Alternative Energies and Atomic Energy Commission) của nước này quyết định xóa sổ lò phản ứng công nghệ natri tiên tiến thế hệ thứ Tư phục vụ thử nghiệm công nghiệp, từng được dùng vào năm 2006 để thay thế Superphénix.

Do phải đấu tranh với sức ép phản đối hạt nhân của các tổ chức như Greenpeace, các nhà hoạch định chính sách phương Tây đã bị Nga và Trung Quốc bỏ lại phía sau. Tập đoàn Rosatom (Nga) trở thành người đi đầu trong việc thúc đẩy năng lượng hạt nhân ở các nền kinh tế mới nổi và có hơn một trăm dự án khác nhau ở các quốc gia (bao gồm Ấn Độ, Trung Quốc và Belarus).

Năng lượng hạt nhân và những rào cản

Những tranh biện hùng hồn cảnh báo về công nghệ hạt nhân mới nổi hiện nay là điều khó tránh. Và một lần nữa cho thấy cách tiếp cận đầy mâu thuẫn và thất sách của một số nhà hoạch định chính sách phương Tây đối với nguồn năng lượng phát thải ít carbon và đáng tin cậy nhất thế giới.

Theo Ủy ban Liên Chính phủ của Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu, sản xuất điện hạt nhân chỉ đứng thứ hai (sau điện gió trên đất liền), nếu xét về tính trung lập carbon, với lượng phát thải CO2 trung bình chỉ 12g mỗi kilowatt giờ (kWh) phát điện. Do đó, những người lo ngại về khí thải CO2 nên ưu tiên năng lượng hạt nhân hơn các nhiên liệu hóa thạch như than đá (820g/kWh) và khí đốt tự nhiên (490g/kWh). Năng lượng hạt nhân cũng vượt trội hơn so với sinh khối (230g/kWh), năng lượng mặt trời (48g/kWh) và thủy điện (24g/kWh).

Ngoài ra, năng lượng hạt nhân không bị ảnh hưởng bởi thiên nhiên như năng lượng mặt trời, hay năng lượng gió gây ra sự tăng giá cho người tiêu dùng.

Những khác biệt này cần được chú trọng mạnh mẽ khi xem xét ảnh hưởng của chính sách của Thủ tướng Đức Angela Merkel “Energiewende”, nhằm mục đích tăng cường năng lượng tái tạo trong khi loại bỏ năng lượng hạt nhân. 

Energiewende thường được ca ngợi là một trong những sáng kiến ​​bền vững hàng đầu của châu Âu. Tuy nhiên, tại Đức, vội vã từ bỏ năng lượng hạt nhân sau vụ tai nạn hạt nhân năm 2011 ở Fukushima (Nhật Bản) dẫn đến ngành năng lượng của đất nước phải dựa vào than cho nguồn điện cơ bản.

Sức ép của các nhà môi trường học tại Đức đã góp phần “định đoạt” quyết sách của bà Merkel. Giả sử, Đức sử dụng năng lượng hạt nhân thay vì than, lượng CO2 giải phóng ra sẽ ít hơn khoảng 220 triệu tấn CO2 mỗi năm. Tuy nhiên, trên thực tế, từ năm 1990, mức giảm phát thải CO2 của Đức tăng rất chậm và không đồng đều, mặc dù công suất năng lượng tái tạo đã tăng lên đáng kể.

Trong khi Đức cố gắng xóa sổ ngành công nghiệp hạt nhân, Akademik Lomonosov là điểm sáng cho thấy tiềm năng phát điện hạt nhân ở Bắc Cực. Những gì châu Âu đặc biệt cần bây giờ là một cuộc tranh luận công bằng dành cho năng lượng hạt nhân dựa trên thực tế, không phải “vin vào” nỗi sợ hãi vô cớ bấy lâu nay./.

BIÊN DỊCH: TRẦN THIỆN PHƯƠNG ANH; PHẠM THỊ THU TRANG (VINATOM)

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động